Nhạc sĩ Phan Nhân & Hà Nội - niềm tin và hy vọng

Lâu nay, khi nói đến các ca khúc về Hà Nội, người ta thường nhắc đến Hà Nội - niềm tin và hy vọng của nhạc sĩ Phan Nhân, và nói về nhạc sĩ Phan Nhân thì không thể không nhắc đến Hà Nội - niềm tin và hy vọng, tất nhiên nhạc sĩ Phan Nhân còn có Tiếng tơ lòng, Thành phố của tôi, Em ở nơi đâu, Bài ca cho em, Xa Hà Nội... được nhiều người yêu mến. Nhạc sĩ Phan Nhân (Nguyễn Phan Nhân) sinh ngày 15-5-1930 tại thành phố Long Xuyên, An Giang; tham gia kháng chiến từ khi còn rất trẻ. Năm 1954, nhạc sĩ tập kết ra Bắc, sau đó được phân công vào Khu 5 (vùng Quy Nhơn, Bình Định). Năm 1959 lại ra Bắc, làm biên tập viên âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho tới ngày đất nước hoàn toàn giải phóng… Nhạc sĩ Phan Nhân đã dành cho Hồn Việt cuộc trò chuyện.

* PV: Ca khúc Hà Nội - niềm tin và hy vọng đã đi cùng lịch sử của đất nước, đã trở thành bài hát toàn dân vì hầu như người Việt Nam nào cũng biết. Xin nhạc sĩ cho biết, ca khúc này được ra đời trong hoàn cảnh nào và cảm xúc của nhạc sĩ trong lúc viết nên ca khúc ấy?

- Nhạc sĩ Phan Nhân: Những ngày giữa tháng chạp năm 1972, Mỹ ồ ạt dội bom xuống Hà Nội, với ảo tưởng nhờ vũ khí tối tân, lực lượng quân sự hùng hậu thì chỉ cần ba vệt chéo là có thể xóa hẳn Hà Nội. Và thực tế Mỹ có khả năng như vậy, với điều kiện ta không chống trả, nhưng Mỹ đã lầm vì quân dân ta đã chống trả hết sức quyết liệt và Mỹ đã nhận thất bại thảm hại. Thái độ ngông cuồng của Mỹ, theo tôi, là sự xúc phạm lớn với không chỉ Hà Nội mà cả nước Việt Nam và chính điều ấy đã cho tôi cảm hứng viết nên ca khúc này. Cũng nói thêm rằng, ca khúc ra đời không phải trong nhất thời, mà xuất phát từ tình yêu của tôi với Hà Nội, với quê hương đất nước được hun đúc trong một gian dài. Tôi đến Hà Nội từ năm 1954, nhưng mãi 18 năm sau, tức là năm 1972 khi nhìn thấy ý đồ Mỹ muốn hủy diệt Hà Nội, mới có thể diễn đạt suy nghĩ của mình, dù trước đó tôi đã từng có ý định viết về Hà Nội để ghi dấu kỷ niệm về khoảng thời gian mình sống ở đây, nhưng mãi mà không sao viết được. Khi viết ca khúc này, tôi không có tham vọng nó sẽ trở nên nổi tiếng mà chỉ muốn viết lên suy nghĩ của một người trong chiến đấu, và đã tự coi mình như người Hà Nội. Tôi nghĩ, một khi kẻ mạnh như Mỹ phải dốc hết sức lực có nghĩa là nó thiếu tự tin, chỉ mạnh bên ngoài chứ trong lòng nó đã suy yếu rồi. Niềm tin và hy vọng là suy nghĩ của cá nhân tôi lúc ấy, nhưng sau này nó đã trở thành thông điệp trong các chương trình… Ca khúc được nhiều người biết đến, nhưng bản thân tôi thì cảm thấy mình rất bình thường, vì ca khúc ra đời sau cả một quá trình đi cùng cuộc kháng chiến chứ không phải chỉ trong nhất thời.

* Nhạc sĩ có cảm xúc ra sao khi ca khúc Hà Nội - niềm tin và hy vọng được chọn làm ca khúc chính trong Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội?

- Thực ra tôi không được biết trước là ca khúc của mình được chọn trong Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cho đến khi ngồi trước ti vi theo dõi buổi lễ, lúc Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa dứt lời khai mạc cho buổi lễ thì bỗng vang lên bài hát Hà Nội - niềm tin và hy vọng, lòng tôi cảm thấy vô cùng xúc động và có chút tự hào vì mình đã góp một phần vào dòng chảy lịch sử của đất nước.

* Xin nhạc sĩ chia sẻ một vài kỷ niệm của ngày đầu bước vào cuộc kháng chiến của dân tộc và bắt đầu vào sự nghiệp sáng tác?

- Tôi bắt đầu sáng tác từ năm 1950 ở Long Châu Hà. Hồi ấy, tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc chia làm hai, một con sông chia làm đôi. Một bên được gọi là Long Châu tiền, một bên gọi là Long Châu hậu. Sau được đổi là Long Châu Sa (Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc) và Long Châu Hà (Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên). Long Châu Hà vốn là vùng đồng chua nước mặn, đời sống cực kỳ khó khăn, thế mà dù xuất thân từ mảnh đất “Cần Thơ gạo trắng nước trong” nhưng tôi lại rất thích mảnh đất ấy, coi mọi khó khăn là chuyện bình thường vì tôi nghĩ đơn giản, người dân ở đó họ đã ăn đời ở kiếp trên đó thì tại sao mình sống không được. Đeo chiếc ba lô trên vai chỉ có một bộ “đồ nghỉ”, tôi đi vào kháng chiến (còn bộ trên người là bộ “đồ nghiêm” như cách nói đùa của chúng tôi hồi đó)… Có thể nói, những tháng ngày gian khổ ở mảnh đất thân yêu Long Châu Hà chính là nền tảng để tôi viết lên ca khúc Hà Nội - niềm tin và hy vọng sau này.

* Là người đã đi cùng đất nước qua hai cuộc chiến tranh, cùng đất nước vượt qua khó khăn của thời kỳ đổi mới, theo nhạc sĩ, trong cuộc sống điều gì quan trọng nhất?

- Điều quan trọng là “biết đủ”. Tôi không đòi hỏi cao xa, ví dụ như trong kháng chiến, cơm muối với rau rừng thôi mà vẫn thấy đủ, vẫn thấy bằng lòng. Có người cho mình thiệt thòi, cảm thấy thiếu nhiều thứ là do họ không được an tâm. Trong nghề, tôi muốn là một nhạc sĩ sáng tác bình thường, viết bài hát được người ta nghe và chấp nhận được.

* Xin cảm ơn nhạc sĩ về những chia sẻ này.

TƯỜNG VY thực hiện