Nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Phải có cái hay để đẩy lùi cái dở…”

BÍCH ĐÀO (thực hiện)

Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, một trong những Nhạc sĩ có công rất lớn góp phần vào sự phát triển của nền âm nhạc cách mạng nước nhà. Suốt đời làm việc không mệt mỏi, những sáng tác của ông đã thực sự đi vào lòng công chúng yêu âm nhạc. Nhân dịp Nhạc sĩ vào công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Hồn Việt đã có cuộc trò chuyện với Nhạc sĩ về đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay.

PV: Âm nhạc Việt Nam trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế, đang có rất nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Xin Nhạc sĩ cho biết một vài ý kiến về bức tranh toàn cảnh của đời sống âm nhạc hiện nay?

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Hoan nghênh Tạp chí Hồn Việt đã đề cập đến một vấn đề mang tính thời sự về đời sống âm nhạc của nước ta hiện nay. Đất nước đã trên 30 năm hòa bình, xây dựng và đổi mới, nên đời sống âm nhạc đã có những bước phát triển khá đa dạng và phong phú nhưng không kém phần phức tạp, nhất là khi ta mở rộng quan hệ với thế giới trong thời kỳ hội nhập.

Về sáng tác âm nhạc thì đã có những bước đổi mới khá mạnh mẽ so với những sáng tác của thế kỷ trước. Người nghe có thể thấy hơi thở cuộc sống mới qua những đề tài được mở rộng và được diễn đạt một cách tự nhiên không sáo mòn.

Trong sáng tác âm nhạc, trước tiên phải nói tới tiết tấu (hay nhịp điệu), nhạc sĩ Đức Hans De Boulov (thế kỷ XIX) đã nhấn mạnh: “Khởi đầu là tiết tấu”. Và gần đây, khi GS Trần Văn Khê thực nghiệm việc dạy dân ca cho trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đi đến kết luận là nên dạy tiết tấu trước khi dạy giai điệu. Ta có thể thấy, bên cạnh những ca khúc trữ tình êm ả, giới trẻ khi gặp nhau không thể thiếu được những tiết tấu sôi động.

Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với nhịp sống khẩn trương của thời kỳ đổi mới, không chỉ có ê a với nhịp điệu “con cò bay lả bay la” như ngày trước mà cần phản ánh nhịp điệu cuộc sống hiện đại, nhất là ở các khu đô thị. Ví dụ như nhạc Jazz hay nhạc Rock của thế giới có nguồn gốc của người da màu ở châu Mỹ, thể hiện sự sôi nổi pha lẫn sự phẫn nộ đối với sự phân biệt chủng tộc cũng đã thể hiện cả một nhịp sống sôi động của một xã hội công nghiệp hóa.


Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

- Chúng ta tiếp nhận tinh hoa âm nhạc thế giới, cả âm nhạc bình dân đại chúng ở phương Tây như Pop-rock, Rap, Hip-hop… Nhưng có phải giới trẻ chúng ta hiện nay đang mất cân bằng khi chỉ say mê loại nhạc này, mà không kế thừa nhưng tinh hoa âm nhạc cổ điển, bác học?

- Nền âm nhạc của chúng ta không chỉ phát huy những nét đẹp truyền thống mà còn tiếp thu những tinh hoa âm nhạc của thế giới. Có một nhận xét thú vị của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Hãy đi đến tận cùng cái của ta, ta sẽ gặp được nhân loại”.

Tôi nghiệm thấy rằng, có những tiết tấu, những cung bậc của thế giới tưởng như mới lạ, hóa ra cũng đã có ở truyền thống âm nhạc của chúng ta mà chúng ta đã có lúc chưa quan tâm khai thác. Chính nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã từng nói: “Không lai căng với cái ngoại đã đành, cũng chớ nên lai căng với cái cổ. Chúng ta chống “moderniste” (người theo chủ nghĩa hiện đại), nhưng chúng ta là những người hiện đại (moderne). Chúng ta chống “futurisme” (vị lai) nhưng chúng ta là những người xây dựng tương lai”. Nhạc Rap nói cho cùng thì cũng giống cách trình diễn trong nhân dân ta, ở các dân tộc thiểu số, khi người ta đọc lời ca theo một tiết tấu sôi nổi.

Sự phát triển song song giữa nhạc cổ điển, thính phòng với nhạc đại chúng cũng là điều tất yếu. Vấn đề là cần một sự cân đối. Rõ ràng hai mặt vui tươi, nhẹ nhàng và nghiêm túc, sâu sắc cần bổ sung cho nhau.

- Ngay từ thời Xuân Thu, người ta đã rất chú trọng vấn đề giáo dục âm nhạc trong đào tạo con người; nghe nhạc có thể biết được thịnh - suy của đời người, của thời thế. Ngày nay, phần lớn là nhạc “não tình”. Có nhiều ca khúc, ngay ở tiêu đề đã “nhuốm màu đau thương”. Biết rằng, tình yêu dẫu đáng trân trọng, nhưng có nên để âm nhạc làm nơi cổ vũ và phát ngôn cho một thứ tình yêu bi lụy, não nề như thế không?

- Đúng như vậy, từ xa xưa khi Tuân Tử luận về âm nhạc, cũng đã nhận định: “Nhạc mà bình thì dân hòa, không bị dục vọng lôi cuốn, trái lại nhạc mà bất nghiêm và hiểm hóc thì dân sa đà mà bỉ tiện”.

Tôi nghiệm thấy rằng: “Ở đâu có niềm vui, nỗi buồn, có những ước mơ thầm kín hay những khát vọng cháy bỏng thì ở đó có âm nhạc”. Là loại hình nghệ thuật có sức truyền cảm và sức lan tỏa mạnh mẽ, nên âm nhạc có thể coi như là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mọi người. Âm nhạc vừa có chức năng giáo dục, động viên cổ vũ, lại vừa có chức năng giải trí.

Thế hệ chúng tôi, không phải không viết được những khúc tình ca mang tính chất riêng tư, nhưng khi cả nước đang dồn sức cho đấu tranh giành độc lập và thống nhất thì trái tim của người sáng tác hòa nhịp đập với trái tim của mỗi người dân, và chức năng giáo dục, cổ vũ, động viên toàn dân trong kháng chiến được đặt lên hàng đầu. Không ít tác phẩm đã đi vào lòng quần chúng, vượt qua thử thách cuả thời gian mà biến thành sức mạnh vật chất, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.

Nhưng trong hòa bình, nhất là trên đất nước đang từng ngày đổi mới và hội nhập vào thế giới thì không thể không tính đến chức năng giải trí của âm nhạc; một sự giải trí lành mạnh, trong sáng có thể góp phần làm cho mọi người thêm yêu cuộc sống, từ đó mà vượt lên mọi khó khăn riêng tư để sáng tạo trong công việc của mình và sống có ích cho xã hội.

- Nhạc, ở đây là ca khúc, gồm có “giai điệu” và “ca từ”. Nhạc bây giờ không chú ý giai điệu mà ca từ thì cũng rất yếu. Xin Nhạc sĩ góp ý kiến để làm sao nâng âm nhạc lên cho xứng đáng với chức năng cao cả của nó.

- Sáng tác âm nhạc bao gồm phần nhạc và phần lời. Tác phẩm chỉ có thể đạt được sự hoàn chỉnh và sức truyền cảm mạnh mẽ nếu nhạc và lời hòa quyện nhau thành một thể thống nhất.

Đã có một số tác phẩm hay của các nhạc sĩ trẻ đạt được yêu cầu đó; đề tài rất phong phú, rất “đời thường” và gần gũi với mọi người, nhất là giới trẻ, lại được diễn đạt một cách mới mẻ, phảng phất âm hưởng dân tộc nhưng không lai căng. Tuy nhiên, có không ít ca khúc giai điệu nghèo nàn, nếu không nói là sơ lược, mô phỏng nhạc nước ngoài, lại kèm theo những ca từ “kém văn hóa”, gây phản cảm cho người nghe.

Tôi không dị ứng với những tiết tấu sôi động nhưng không chấp nhận cách diễn xuất thô thiển với những ca từ thô tục mà nhiều khi phổ biến ra không những sai về ký âm mà còn mắc phải những lỗi chính tả thông thường. Rất tiếc là những hạt sạn này xuất hiện không chỉ trên băng từ mà cả ở những ấn phẩm (kể cả ở những cuốn lịch cầm tay!).

- Trong chương trình “Nốt nhạc thứ bảy” giao lưu với nhạc sĩ trẻ Nguyễn Hồng Thuận (NHT), có một thính giả hỏi: “Có nhiều ca khúc tuổi teen độ hit thì khá lớn, nhưng lại dễ rơi vào lãng quên, nhạc sĩ NHT thấy thế nào?”, thì nhạc sĩ NHT trả lời đó là “do thị hiếu của người thưởng thức nên người sáng tác phải cho ra đời những ca khúc như thế để đáp ứng nhu cầu” và đổ lỗi sự chóng chán của thính giả không phải do người sáng tác. Nhạc sĩ có nhận xét như thế nào về nhận định này? Phải chăng, nhạc sĩ thời nay quá đại trà và một phần là do công nghệ quảng cáo phát triển mà nổi tiếng, chứ thật sự không có năng lực?

- Đối tượng nghe nhạc hiện nay cũng khá đa dạng, từ người lớn tuổi đến trẻ em, nhưng lứa tuổi học trò thường được nhắc đến nhiều. Đã có một số bài tốt được giới trẻ yêu thích và họ hay hát trong các hội diễn, nhưng cũng có những bài hát chỉ nghe một lần rồi quên. Đó là một sự thẩm định khách quan về chất lượng của tác phẩm. Không nên đổ lỗi cho thính giả trẻ tuổi, bởi không phải mọi người đều nghĩ như vậy. Tôi đã dự nhiều buổi liên hoan âm nhạc của thanh niên các trường đại học và khẳng định rằng thị hiếu thẩm mỹ của giới trí thức trẻ khá tinh tế. Họ không quay lưng với loại nhạc nghiêm túc trữ tình hay truyền thống mà vẫn mong ước có nhiều bài ca hay phục vụ cho cuộc sống của thế hệ trẻ ngày hôm nay…

Công nghệ quảng cáo hiện nay thực sự có làm đảo lộn nhiều giá trị thực… Một số “bầu sô” hiện nay đang chạy theo những thị hiếu tầm thường, nhưng “bán được vé” và phải chăng cả những nhà biên tập, xuất bản, phát thanh hay truyền hình cũng không vượt được sự cám dỗ mang tính thực dụng này? Một số nhà báo khi đề cao một tác phẩm hay một nghệ sĩ, có thực sự vô tư hay không?

- Vậy theo Nhạc sĩ, việc đào tạo một thế hệ nhạc sĩ trẻ như thế nào?

- Người sáng tác âm nhạc cần phải có những kiến thức cơ bản về nghệ thuật, không chỉ về mặt âm nhạc mà cả về mặt văn học (nhất là trong sáng tác ca từ hoặc phổ thơ). Tính “nghiệp dư” trong sáng tác của một số nhạc sĩ trẻ hiện nay đã góp phần vào việc hạ thấp chất lượng của âm nhạc.


Nhạc sĩ Phạm Tuyên tặng hoa cho hai ca sĩ trẻ Anh Bằng và Thanh Thúy.

- Vấn đề “Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế” đang được quan tâm và văn hóa âm nhạc cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu. Theo Nhạc sĩ, việc định hướng và tổ chức nền âm nhạc Việt Nam “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” như thế nào? Phải làm những việc gì, ai làm và làm ra sao?

- Định hướng xây dựng một nền âm nhạc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc quả thật là một vấn đề không ít khó khăn đối với các cơ quan chức năng trong thời điểm hiện nay. Thẩm định tác phẩm cần theo những tiêu chí như thế nào để không bảo thủ mà cũng không buông lỏng đang là một vấn đề thời sự không dễ giải quyết một sớm một chiều. Ở thời điểm mà các nghệ sĩ tự do, các hãng băng đĩa tư nhân cho ra đời hàng loạt những Album ca nhạc đủ các kiểu thì hình như điều đó vượt ra khỏi khả năng của các cơ quan chức năng.

Đã có không ít những cuộc hội thảo, trao đổi của các hội chuyên ngành về âm nhạc ở Trung Ương cũng như một số địa phương đề cập tới tình hình của đời sống âm nhạc trong xã hội hiện nay, nhưng Hội vẫn chỉ là “hội hè” chứ chưa được coi là một tổ chức tham mưu cho các cơ quan chức năng (nơi có quyền và có tiền) và thường không được quan tâm đến.

Trong việc định hướng cho các hoạt động âm nhạc thì việc “cấm đoán” chỉ là bất đắc dĩ, mà việc chính phải làm là lấy cái hay, cái chất lượng tốt, cái hấp dẫn mới mẻ để đẩy lùi cái dở, cái tầm thường nhạt nhẽo.

Việc đầu tư về các mặt cho những sáng tác tốt, cho những nghệ sĩ tài năng phải coi là một cuộc cạnh tranh lành mạnh với những khuynh hướng “thương mại hóa” trong sản xuất âm nhạc. Ở nhiều nước trên thế giới, người ta cũng rất quan tâm đến sự cân bằng trong việc gìn giữ truyền thống âm nhạc với việc khuyến khích những sáng tạo mới. Phát thanh và truyền hình của họ thường dành những “giờ vàng” cho những tác phẩm âm nhạc hấp dẫn và gần gũi với cuộc sống chứ họ không thả nổi một cách tùy tiện.

- Thưa Nhạc sĩ, người thưởng thức âm nhạc bắt gặp hầu hết trong các sáng tác của Nhạc sĩ những ca khúc có giai điệu đẹp, lời ca lạc quan, yêu người và yêu đời, hướng đến tình yêu cuộc sống. Phải chăng cuộc sống của Nhạc sĩ vốn dĩ có nhiều niềm vui hay là ước mơ vươn tới?

- Cảm ơn sự đánh giá chân thành đối với những tác phẩm của tôi. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa với quỹ thời gian còn eo hẹp của mình để có được thêm những sản phẩm âm nhạc mới phục vụ cho cuộc sống ngày hôm nay. Tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để viết nhạc cho các em nhỏ.

Việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho lứa tuổi “vừa chơi vừa học” có một ý nghĩa lâu dài vì đây sẽ là thế hệ thẩm định âm nhạc của chúng ta trong tương lai. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, khi mà trẻ thích hát tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Hàn Quốc nhưng lại ngô nghê với vẻ đẹp của tiếng nước nhà (thông qua ca khúc) thì việc mất chủ quyền ngôn ngữ (kể cả âm nhạc) dù là vô ý thức cũng sẽ là một tai họa về văn hóa sau này.

Tôi nghĩ như vậy, và nhiều người có lương tri ở các nước khác trên thế giới đã nghĩ như vậy.

- Chân thành cảm ơn Nhạc sĩ đã dành thời gian quý báu cho Hồn Việt. Chúc Nhạc sĩ mạnh khỏe và tiếp tục sáng tác được nhiều ca khúc hay đóng góp cho đời.