Nhắc thoại: Chuyện nhỏ mà không nhỏ

Một dự án phim lớn của VTV với hơn 50 tập, mức kinh phí đầu tư vượt trội các phim khác và được đặt nhiều kỳ vọng không chỉ vì quy mô mà vì nhân vật chính lấy nguyên mẫu từ con người tầm cỡ và tầm ảnh hưởng của phim chính luận. Công tác chuẩn bị rậm rịch cả vài năm trời. Tuy nhiên, nó chung số phận với những phim khác khi ra trường quay: hầu như toàn bộ diễn viên đều được nhắc thoại, từ nhân vật chính cho tới các vai phụ, từ diễn viên chuyên nghiệp đến không chuyên…

Nhập tâm vẫn cần… nhắc thoại

Trước đây, khi phim truyền hình chưa bung ra như bây giờ, không chỉ với phim nhựa mà diễn viên phim truyền hình đều coi việc học thuộc thoại là luật bất thành văn trước khi ra trường quay. Học thuộc ở nhà rồi đến trường quay vẫn lăm lăm kịch bản trên tay và tiếp tục ôn lại hay tập với bạn diễn cho “nhuyễn” trước khi vào quay chính thức.

Phim truyền hình bây giờ thì khác. Diễn viên nhận nhiều vai cùng lúc, phim bị thúc ép về thời gian nên việc học thuộc thoại trở thành… xa xỉ.
Dân trong nghề thường gọi nôm na việc nhắc thoại là “đớp lời”. Khác với nhắc vở của sân khấu, người nhắc vở đứng bên cánh gà chỉ nhắc mồi vài chữ trong trường hợp nghệ sĩ bất chợt quên.

Còn với phim truyền hình, nhắc thoại diễn ra từ đầu đến cuối, nhắc từng chữ một... Đó là hậu quả của việc diễn viên lười học thoại hay học rồi nhưng không nhập tâm hay không tập trung nên lúc vào diễn thì… dỏng tai nghe, vừa diễn vừa chờ người nhắc để nói theo, coi như phần diễn xuất giọng nói hoàn toàn ỷ lại người nhắc thoại.

Lấy lý do tốc độ làm phim truyền hình chóng mặt, cứ hai ngày một tập, đạo diễn đổ lỗi cho nhà sản xuất thúc ép, diễn viên thì than thở kịch bản viết thoại dài, đạo diễn cũng giục giã… nên không thể thuộc thoại. Vậy nên tình trạng “đớp lời” phổ biến ở hầu hết các đoàn phim truyền hình trong Nam ngoài Bắc hiện nay. Có thể nói, nhắc thoại còn do lỗi của biên kịch và các nhà biên tập, khi phim dăm ba chục tập mà có những lời thoại dài nửa trang giấy, văn phong theo kiểu văn viết hay câu thoại không phù hợp với tình huống, không đời thường nên chỉ đọc đã không dễ, chưa kể phải thuộc cả câu.

Các phim chính luận có sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn đòi hỏi phải nói chính xác câu từ, ý tứ và cứ ra rả hết trang này đến trang khác càng trở thành thách thức lớn đối với diễn viên, kể cả diễn viên chuyên nghiệp. Vậy nên dù diễn viên có nhập tâm đường dây kịch bản, nắm vững tính cách nhân vật hay tình huống vẫn không thể nói vanh vách từng tràng dài như văn viết như vậy. Hậu quả là phần lớn diễn viên đóng phim truyền hình hiện nay đều “đớp lời” và có đến 99% các đoàn phim hiện nay thường xuyên có người nhắc thoại.

Muốn thoại có cảm xúc, diễn viên phải thuộc lời. Ảnh chỉ có tính minh họa.

Hậu quả của quy trình làm phim chưa chuyên nghiệp

Trong tình cảnh chung các đoàn phim đều có người nhắc thoại thì việc một đạo diễn đưa ra nguyên tắc diễn viên phải thuộc thoại trước khi vào quay trở thành… chuyện hiếm, dù không phải không có. Vậy nên những diễn viên lười học thoại và quen với nếp làm việc dễ dãi có khi phản ứng với đạo diễn và rồi đạo diễn mang tiếng… khó tính. Lên tiếng về việc này quả là chuyện tế nhị khi nhà nhà đều chấp nhận nhắc thoại như… lẽ đương nhiên.

“Việc học thoại là trách nhiệm và lương tâm của diễn viên với nhân vật và với bộ phim. Đáng lẽ diễn viên phải biết xấu hổ khi không thuộc thoại, giống như đi học quên mang sách bút, chứ không phải cứ mang cái mặt đến trường quay để chờ người nhắc thoại và diễn như một cái máy. Chỉ khi thuộc thoại diễn viên mới có cảm xúc thật để hóa thân vào nhân vật”, một đạo diễn tên tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh bức xúc.

Tuy nhiên, đạo diễn Phi Tiến Sơn có cái nhìn thông cảm hơn: “Việc nhắc thoại phổ biến với diễn viên quần chúng. Diễn viên chuyên nghiệp thường khá tự trọng nên tránh hết sức có thể việc phải nhắc thoại. Tuy nhiên, khi cường độ làm phim khá căng thẳng, diễn viên có lúc bị “đơ” nên không thể nhớ hết được lời thoại”.

Việc học thoại rõ ràng không dễ ngay cả với các câu thoại ngắn. Hầu hết diễn viên được trời phú cho khả năng thuộc thoại rất nhanh nhưng cũng có người khổ sở khi phải học thuộc, dù những câu rất dễ thuộc. Ở đoàn phim đang quay tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi các diễn viên người mẫu, ca sĩ lần đầu đóng phim… đều nhanh chóng thuộc thoại thì diễn viên A.T vào vai chính, dù đã đóng rất nhiều phim nhưng khá vất vả học thuộc lời, tuy lúc nào cũng kè kè kịch bản trên tay. “Thuộc thoại là một kỹ năng của nghề diễn mà không phải diễn viên nào may mắn được trời phú cho trí nhớ tuyệt vời hay luyện tập nhiều mà được. Diễn viên chuyên nghiệp có thể biết cách phân câu hay ý sao cho hợp lý… nên dễ thuộc thoại hơn”, đạo diễn Phi Tiến Sơn nói.

Có người cho rằng, để thuộc thoại thì không chỉ diễn viên vất vả mà đạo diễn cũng mệt không kém, nhất là khi bị nhà sản xuất thúc ép về tiến độ quay. Quay chậm một ngày là mất cả trăm triệu đồng của nhà sản xuất. Cát sê đạo diễn tính theo tập phim nên đạo diễn cũng muốn quay nhanh để còn nhận phim khác. Chung quy lại, không nhắc thoại đồng nghĩa với việc túi tiền của đạo diễn bị ảnh hưởng. Vậy nên phần lớn đạo diễn dễ dãi chấp nhận nhắc thoại như chuyện đã rồi.

Không thuộc thoại thì việc diễn khó đạt hiệu quả, vì hành động không thể tách rời với lời thoại, nhất là nét mặt, cử chỉ... Đi với câu nói này thì biểu hiện tình cảm trên khuôn mặt hay cái khoát tay dĩ nhiên khác câu nói khác… Nhắc thoại còn có thể còn tạo nên ức chế cho những người thuộc thoại khi phải làm việc với diễn viên không thuộc thoại. NSND Trà Giang chia sẻ với báo giới, một trong những lý do khiến bà không đóng phim truyền hình vì đến trường quay thấy nhiều diễn viên không thuộc thoại.

Suy cho cùng, việc nhắc thoại là hậu quả của một quy trình làm phim chưa chuyên nghiệp, từ khâu chuẩn bị kịch bản đến các bước làm phim. Hậu quả là diễn một đằng nói một nẻo. “Có khi nghe nhắc thoại mà “đớp lời” còn sai, đến lúc lồng tiếng chúng tôi phải chỉnh lại cho đúng kịch bản”, diễn viên Trung Anh - người lồng tiếng cho hàng trăm nhân vật - cho biết. Nguy hại hơn, như lời cảnh báo của một đạo diễn phía Nam: “Ai nấy dễ dãi hoài như thế dễ tạo nên sự gian dối, riết rồi thành quen, thành… văn hóa đoàn phim thì thật nguy hại”.

“Đớp lời”- chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ...

Chi Mai