Không còn vẻ u ám với những gương mặt nhàm chán hay những chương trình nhàn nhạt, nhạc trẻ Việt 2010 đã xuất hiện những nhân tố mới và những tín hiệu vui. Năm 2010 được coi như năm bản lề khép lại một thập kỷ nhạc trẻ Việt đầu thế kỷ 21, mở ra những hy vọng về một thời kỳ mới mang dấu ấn riêng.
CHỜ ĐỢI VÀ TÌM KIẾM
Sốt ruột là tâm trạng của những ai dõi theo đời sống nhạc trẻ năm 2010. Nửa đầu năm, album được chú ý nhất là dự án M.O.T (Melodies of Times) của Mỹ Tâm phát hành cùng tập sách ảnh dày 250 trang. Album Acous’84 của Hà Anh Tuấn ít nhiều gây được chú ý và nhận giải hội đồng nghệ thuật của Album Vàng tháng 6. Sau ba đêm Duyên dáng Việt Nam, đêm diễn được nhắc tới trong thời gian này là Ngày nữa để yêu thương của Quang Dũng. Có lẽ diễn ra tại Quy Nhơn nên nó không thu hút được sự quan tâm của dư luận và cũng không tạo nên “hiệu ứng” nào đáng kể cho đời sống ca nhạc, dù bên cạnh giọng hát của chủ nhân, nó thu hút khá nhiều “sao”. Âm nhạc trên truyền hình trước đây có vẻ rộn rã với mỗi tháng một chương trình Bài hát Việt nay chỉ còn 3 tháng/chương trình, khiến không khí có vẻ chùng hẳn.
Thật ra, album hay các cuộc thi ca nhạc thường tập trung vào những tháng cuối năm và chuyện vui, buồn của đời sống âm nhạc có thể nhận diện ở đây. Thế nhưng thật khó tìm được album tạo nên dấu ấn sáng tạo rõ nét, dẫu tấp nập những sản phẩm về Hà Nội hay ra mắt nhân dịp Thủ đô 1.000 tuổi. Có thể kể đến sản phẩm hợp tác giữa nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Đức Tuấn với album Bây giờ… Biển mùa đông. Được thực hiện tại phòng thu có chuẩn âm thanh vào loại số một hiện nay tại Việt Nam của gia đình nhạc sĩ Anh Quân và anh còn là người hòa âm phối khí, sản phẩm âm nhạc này được hy vọng không chỉ làm mới nhạc Dương Thụ mà còn mang đến cảm xúc mới cho người nghe. Album Phương Thanh và tình khúc Đức Trí - Nào có ai biết cũng “làm mới” những ca khúc đã được Phương Thanh trình bày trước đây và cả những bài hát đã gắn liền với tên tuổi của những ca sĩ khác bằng lối hát “mộc” của “chị Chanh”…

Ca sĩ Đức Tuấn kết hợp với nhạc sĩ Dương Thụ trong sản phẩm âm nhạc
được nhiều người kỳ vọng. Nguồn: TGĐA online.
Ở phía Nam, sau những năm ồn ào của hàng loạt chương trình hoành tráng nhưng khó bù đắp chi phí, ca sĩ dường như muốn thu mình vào các không gian nhỏ gọn một vài trăm khách với giá vé từ vài chục đến cả một trăm “đô”. Ngoài Bắc, ngoài chương trình Yêu của Thanh Lam - Tùng Dương với sự hoà hợp của hai giọng hát hàng đầu ở hai dòng nhạc thì liên tục diễn ra các chương trình của các ca sĩ hải ngoại thu hút rất đông khán giả. Tuấn Vũ - Mười năm tái ngộ kéo đến 5 đêm, hết ở Nhà hát Lớn thì sang Cung Văn hoá Hữu Nghị. Xem ra khán giả Hà Nội có vẻ khát “nhạc vàng” nên chương trình có Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Giao Linh, Kim Anh… đều kín chỗ. Bên cạnh đó, Ngày Âm nhạc Việt Nam chính thức được công nhận (3/9) kể từ năm 2010 với hàng loạt sự kiện diễn ra ở các thành phố lớn trong cả nước, dẫu chưa tạo ảnh hưởng đáng kể, nhưng cũng là nỗ lực của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong việc đưa các tác phẩm âm nhạc đa dạng và phong phú tiếp cận công chúng rộng rãi hơn.
Đời sống âm nhạc những tháng cuối năm có phần rộn ràng hơn với những chương trình trên truyền hình của hai cuộc thi Sao Mai điểm hẹn và Thần tượng âm nhạc Việt Nam (Vietnam Idol). Từ các chương trình này, có thể phần nào nhận diện đời sống âm nhạc với những buồn, vui riêng của nó.
NHÂN TỐ MỚI HỨA HẸN TÀI NĂNG…
Nếu như Bài hát Việt những năm trước làm sáng lên những gương mặt nhạc sĩ trẻ có lối tư duy văn minh và tiếp cận với các xu hướng âm nhạc quốc tế thì năm nay, một số thí sinh dự các cuộc thi trên hứa hẹn về lớp nghệ sĩ biểu diễn tài năng, bổ sung các gương mặt mới có thể trở thành tài năng mới cho thị trường nhạc Việt đang nhàm chán những “công chúa”, “hoàng tử”… chủ yếu thỏa mãn phần nhìn. Công bằng mà nói, những người trụ lại ở các vòng cuối, dù được học bài bản về âm nhạc hay chưa qua trường lớp chuyên môn, đa phần đều có tư duy âm nhạc tương đối hiện đại, biết cách chọn bài cho phù hợp và có ý thức tạo ra cá tính âm nhạc riêng để không chỉ ghi điểm với Ban giám khảo mà còn lôi cuốn khán giả. Đến với các cuộc thi, nhiều trong số họ đều có ý thức thu hút người nghe như một ca sĩ thực thụ. Thần tượng âm nhạc Việt Nam năm nay tạo được sức hút mạnh mẽ chính nhờ những thí sinh như thế.
Không chỉ làm thỏa mãn người xem mà với cả những người làm âm nhạc, các chương trình trên tìm kiếm và phát hiện được những hình mẫu ca sĩ văn minh. Văn Mai Hương đang được hy vọng có thể làm thay đổi nhiều bạn trẻ nghe nhạc, khiến họ định hướng lại thị hiếu âm nhạc trước đây đã bị ảnh hưởng quá nhiều của các ca sĩ trẻ thiếu cá tính âm nhạc.
Còn Trần Nguyễn Uyên Linh lại đánh thức cảm xúc người nghe bởi sự tinh tế và mới mẻ của một giọng hát xứng tầm “diva”. Cô chính là nhân tố được tin tưởng góp phần đem lại nhiều cảm hứng cho người nghe nhạc, sau nhiều năm quen với những giọng ca tìm kiếm sự an toàn sau khi đã nổi danh hay cả năm xuất hiện trên sân khấu trong nhiều chương trình vẫn là những bài hát quen thuộc, những ca sĩ vừa tỏa sáng lại dễ dàng chìm nghỉm hay một vài “sao” cùng với sự săn lùng ráo riết của không ít tờ báo lá cải, khiến công chúng bị “sốc” bởi những phát ngôn hay hình ảnh của họ hơn là những sản phẩm nghề nghiệp…
Nói đúng hơn, những cá tính và tư duy âm nhạc văn minh ở các “sân chơi” truyền hình góp phần đánh thức thẩm mỹ âm nhạc đôi khi ngủ quên trong đa phần khán giả. Đặc biệt, trường hợp Uyên Linh chứng minh thẩm mỹ khán giả Việt… không đến nỗi nào, khi họ nhận ra đâu là “vàng” và còn hơn thế, ra tay giữ “vàng” bằng những tin nhắn sau khi kết thúc chương trình mỗi đêm dường như nhiều năm đã “thả lỏng” trong thị trường âm nhạc bát nháo và cằn cỗi.

Trần Nguyễn Uyên Linh trở thành hiện tượng âm nhạc trong năm 2010.
Nguồn: ngoisao.net.
HẾT THỜI TRANH TỐI, TRANH SÁNG?
Từ chỗ “tranh tối tranh sáng” giữa những giá trị thật và ảo, hàng thật và hàng dỏm…, nhạc Việt đang dần bước ra ánh sáng, bởi những nỗ lực của người làm nghề, bởi tư duy âm nhạc của những người Việt trẻ, bởi những nhà sản xuất âm nhạc… Dẫu muộn, hay nói đúng hơn, đã có phần tụt hậu so với sự phát triển kinh tế của đất nước (chưa so với các nước có xuất phát điểm âm nhạc bằng hoặc từng thấp hơn ta trong khu vực), nhưng trong 10 năm qua, thật ra từ dăm năm trở lại đây, đời sống âm nhạc đã có sự thay đổi đáng kể, từ người làm nghề cho đến người nghe nhạc.
Khán giả bây giờ đã biết yêu thích từng thể loại nhạc. Ca sĩ tìm con đường riêng để có thể đi vào lòng công chúng và cân nhắc chọn bài cho những lần xuất hiện, những album theo những phong cách riêng. Nhạc sĩ cũng sáng tác theo từng dòng nhạc riêng, mảng riêng, hướng tới những ê-kíp sản xuất chuyên nghiệp, ăn ý và đóng vai trò của nhà sản xuất chứ không đơn thuần là người viết ca khúc rồi ai hát được thì hát như trước đây. Nhạc sĩ Huy Tuấn cho đó là những tín hiệu đáng mừng cho sự chuyên nghiệp hóa dần của một thị trường âm nhạc.
Tuy nhiên, bên cạnh những mảng sáng thì phần rộng lớn vẫn là những mảng tối bao phủ thị trường âm nhạc. Băng đĩa ào ào ra lò, đĩa lậu và nạn xài nhạc “chùa” vẫn tiếp tục hoành hành, các chương trình cá nhân vẫn tổ chức đều đặn theo kiểu… có lãi thì thừa thắng xông lên…
Phong trào người đẹp hát vẫn tiếp tục phát triển, lâu lâu lại thấy một “chân dài” tuyên bố đi hát, đến mức nhạc sĩ Trần Tiến trong chương trình Album Vàng, sau khi nghe người đẹp hát thì thẳng thừng nói “em hát dở lắm, giữa album và giọng hát ngoài đời còn khoảng cách xa” (Nhưng có lẽ cũng nên coi đây là tín hiệu vui khi những người làm nghề không né tránh phê phán những cái dở để thị trường âm nhạc ít hơn những lẫn lộn thật, giả)…
Nhiều hơn cả vẫn là sự tung hoành của những liveshow khách hàng do những nhãn hàng tài trợ hay “bầu sô” bỏ tiền lăng xê ca sĩ. Ca sĩ chỉ mới ở dạng biết hát chứ chưa hát hay, thậm chí liveshow nhưng vẫn hát nhép... Những chương trình như vậy vẫn diễn ra khắp nơi. Giải thưởng là một trong những hàn thử biểu của thị trường âm nhạc, thì với Làn sóng Xanh, vẫn quanh quẩn hơn chục gương mặt đã nổi danh từ cả hơn chục năm về trước…
Nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ với báo giới, “một cuộc thi âm nhạc tất nhiên không làm ảnh hưởng lớn đến thị trường âm nhạc nhưng thông điệp từ bài hát, ca khúc và hình ảnh của ca sĩ từ những cuộc thi như thế này không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ trẻ, đến thẩm mỹ âm nhạc rất nhiều vì mấy chục ngàn người xem chương trình”. Vâng, chỉ Uyên Linh, Mai Hương thì chưa đủ. Theo trả lời phỏng vấn của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, “muốn thay đổi xu hướng, thẩm mỹ âm nhạc của đại chúng, đầu tiên phải có ý thức về giáo dục âm nhạc đại chúng cũng như chuyên ngành, về quản lý ngành nghề, về nhận định của báo giới...”. Cần sự hợp tác và nỗ lực từ nhiều phía, đồng bộ, nhất là tự bản thân thị hiếu thẩm mỹ của công chúng cũng được “làm mới”, thì mới hy vọng đời sống âm nhạc, đặc biệt nhạc trẻ trong năm 2011 và những năm tới khởi sắc thật sự...