Thật ra, tất cả các cặp vợ chồng đều có thể sống hạnh phúc, quyến luyến nhau cho đến… hơi thở cuối cùng, nếu giữa họ không xuất hiện sự nhàm chán! Nhưng nhàm chán lại là “kẻ thù giấu mặt”, là tên “giặc” thường trực trong nhà, là kẻ… phá hoại nguy hiểm nhất của nhiều cuộc hôn nhân. Đó chính là thủ phạm dẫn dắt người ta vào mê lộ ngoại tình, khiến không ít người lòng vòng qua nhiều mối tình, qua nhiều cuộc hôn nhân mà vẫn chưa tìm ra được “chân lý”: Đâu là hạnh phúc vĩnh hằng?
Nhưng chóng chán lại là… thuộc tính tâm lý của con người. Không chỉ trong hôn nhân, tình yêu mà còn trong nhiều chuyện khác. Ta khát khao có bức tranh đẹp ấy, lọ hoa quý ấy, bộ bàn ghế sang trọng ấy nhưng khi có được đem về trang trí trong nhà năm mười ngày nửa tháng, cùng lắm là vài năm, ngắm qua ngắm lại, khám phá được hết những vẻ đẹp của nó rồi cũng đâm ra chán.

Phái nam đặc biệt là những người “cả thèm chóng chán”. Không khó gì để chứng kiến cảnh những người đàn ông sau một thời gian si mê theo đuổi một cô gái xinh đẹp, theo anh ta là vô cùng tuyệt vời, phải dùng bao nhiêu là kỹ năng, ngón nghề để chinh phục. Khi có được nàng, lúc mới rước về dinh nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa… Thế nhưng, chỉ sau một thời gian chung sống, khám phá hết những bí mật của nàng rồi là anh ta thấy chán!
Chỉ muốn… đổi món
Cũng gần giống như một người khá giả quen sống phong lưu, quanh năm cơm gà, cá gỏi hay sơn hào hải vị riết rồi họ cũng thấy chán, đi ăn một bữa cơm rau mắm mới ngon làm sao. Nhiều đức ông chồng không chê vợ được điều gì, không hề muốn bỏ vợ cái con cột, nhưng có dịp ra ngoài “đổi món” họ hân hoan ra mặt. Cho dù, cái “đặc sản” ấy đâu bằng món… cơm gạo tám thơm ở nhà. Nên muôn đời mới có chuyện “văn mình vợ người” là vậy.
Còn nếu đó là “đặc sản” thứ thiệt, kiểu như trẻ đẹp, dịu dàng, thông minh, biết chia sẻ với họ hơn vợ nhà thì xem như họ… chết. Dù vậy, họ luôn cố gắng giữ bữa “cơm” nhà, nhưng thời nay hiếm có người vợ nào chịu vậy. Họ luôn “chiến đấu” để giành lại “chủ quyền”. Vả lại, đàn ông thời nay cũng hiểu rằng “cũ ta mới người”, ta chán vợ nhưng khối người cũng… thòm thèm vợ ta đấy thôi.
Phụ nữ không biết chán?
Trước đây, sống trong khuôn phép Nho giáo với quan niệm: “Gái chính chuyên một chồng”. Vả lại, người phụ nữ chỉ quanh quẩn ở nhà, dưới sự “giám sát” của đại gia đình và hàng xóm láng giềng. Họ chỉ biết có một người đàn ông duy nhất là chồng mình, nên không dám có khái niệm chán. Vì có chán cũng ráng mà chịu, nào có dám “tháo cũi sổ lồng” để mang tiếng là “quân lộn chồng”.
Nhưng ngày nay, người phụ nữ bước ra ngoài xã hội, với mối quan hệ rộng, có nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Cho nên, dù không muốn so sánh thì điều đó vẫn cứ xuất hiện trong đầu. Họ thấy người đàn ông ấy sao mà tinh tế dịu dàng, sao tình cảm hơn chồng hoặc đẹp trai hào hoa hơn. Thế là khi về nhà, họ thấy chồng mình sao mà chán quá. Không ít quý ông khi ở nhà để đầu tóc bù xù, quần áo nhàu nát, hay cằn nhằn, quát nạt vợ con, lại còn cái tính độc đoán gia trưởng. Nếu thử làm một cuộc điều tra xã hội học, ắt hẳn con số phụ nữ chán chồng không hề thấp.

Nhưng người phụ nữ Việt Nam, vẫn còn xem sự nguyên vẹn gia đình là một giá trị lớn, nhất là họ muốn con mình có cha, nên dù chán chồng thì họ vẫn cố chịu. Khi nào vượt quá sức chịu đựng, họ mới ly hôn hoặc lén lút ngoại tình. Nhưng những gì diễn ra trong tim người phụ nữ thì chỉ có… trời mới biết. Thêm một điều, người phụ nữ dù chán chồng, nhưng họ lại rất sợ bị chồng chán, họ tìm mọi cách để chồng khỏi chán nên nhiều khi quên mất nỗi chán của chính mình.
Chống chọi với sự nhàm chán
Theo các nhà tâm lý, chính cường độ tiếp xúc quá cao giữa vợ chồng làm mài mòn tình yêu, đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự nhàm chán. Cho nên, ở một số nước phát triển, họ rất tâm lý khi sắp xếp công việc nếu có cả hai vợ chồng cùng làm một cơ quan. Chẳng hạn, như một số xí nghiệp ở Mỹ, họ không để hai vợ chồng làm chung trong một văn phòng hay làm cùng một ca. Khi đã có “tám giờ vàng ngọc” ở bên nhau ở nơi làm việc, rồi đi về cùng chung xe hơi hoặc xe đưa rước và thời gian chung đụng ở nhà nữa, thì họ còn có gì để nói với nhau? Còn gì là sự bí ẩn?
Ngay cả những cặp tình nhân, nếu ngày nào cũng gặp nhau thì có khi họ chán nhau trước khi cưới. Cho nên, những cặp tình nhân tinh tế, biết bảo vệ tình yêu họ chỉ gặp nhau ít thôi, tuần một vài lần hoặc thưa hơn để tình thêm mặn nồng. Còn đã là vợ chồng thì khó có thể như vậy, trừ những người phải đi làm xa.
Nhiều người cho rằng, giữa vợ chồng nên có nghề nghiệp riêng, thú vui riêng và bạn bè riêng… để hạn chế sự nhàm chán, miễn là cái riêng ấy không đi ngược lại với cái chung. Động từ “làm mới” được nhiều chuyên gia tư vấn dùng để khuyên những cặp vợ chồng thoát khỏi sự nhàm chám. Không ít ông chồng bà vợ than phiền rằng người bạn đời của họ quá đơn điệu từ cách ăn, cách mặc, cách suy nghĩ đến cách nói năng, kiến thức…
Cho nên, lấy nhau chỉ là mới bắt đầu, suốt đời phải chinh phục nhau, để hấp dẫn, sinh động trong mắt nhau luôn là điều không dễ.