Nhà văn Đoàn Giỏi từ trong văn phòng vừa bước ra thấy họa sĩ Mai Văn Hiến đang đứng giữa sân cười với mình. Hiến nhấm nháy, đưa hai ngón tay lên bẹo vào dưới mang tai lay lay vài cái ra hiệu... Hiến vẫn quen bắt chước mấy chàng Tây Cô-dắc ở Moscow rủ nhau đi uống Vốt-ka... Đoàn Giỏi hiểu, gật đầu.
Hai xe đạp vừa ra khỏi cổng 51 Trần Hưng Đạo (1) thì gặp hoạ sĩ Nguyễn Sáng. Hiến gọi giật giọng: “Ê này, Sáng! Đi cùng bọn mình chứ!”. Và đạp xe thẳng tới phố Lò Đúc. Quán gia đình không biển hiệu. Chỉ có một cái phản rộng hai cánh dầy rất chắc nặng bằng gỗ lim đã cổ gọi là đồ đạc to nhất. Bếp dầu thì ở góc trong cùng, đặt trên bàn mộc, ở cạnh dao thớt và cái chạn nhỏ.
Rất ấn tượng lại là cái tủ Com-mốt cao hơn 1mét, sát vách - Vì trên mặt tủ, bên một chồng sách báo dầy cộm chẳng làm ai chú ý, có năm bảy cái lọ thuỷ tinh to tổ bố đầy rượu ngâm thuốc bắc, tắc kè, hải mã; ngâm mấy con rắn hổ mang bành, rắn ráo, cạp nong cuộn tròn theo dáng lọ. Rượu trắng Quốc lủi, làng Vân, Văn Điển thì chai to, chai nhỏ. Toàn rượu ta - loại rượu mà chẳng những ta vẫn thích mà Tây cũng mê. Chẳng có chai nào Uýt-ki, Cô nhắc hay Sâm banh.
Khách hàng nhà này là khách rượu nhâm nhi hay uống rượu nguyên chất, không mấy quan tâm tới mồi. Tuy nhiên vẫn thường trực có hai cái mâm đồng thau ở bàn bên được lau chùi sạch sẽ, đậy lồng bàn. Mở ra là một đĩa gà luộc nguyên con thoang thoảng mùi lá chanh; hai cái đùi, phao câu chổng ngược chân đạp trời bên cái đầu gà ngó nghiêng. Khách ăn gì chặt tới đó. Có lọ lạc rang, lọ tôm khô, bò khô, củ kiệu và vài xâu mực khô.
Khách đã cởi giày, dép, ngồi bắt chân vòng tròn trên chiếu hoa rồi, mùi mực nướng mới bay lên thơm nức. Mai Văn Hiến nhón hai đầu ngón tay gồ ghề nâng ly rượu nhỏ bằng men gốm Đông Thanh đưa lên chạm đỉnh mũi, hít hít nhẹ “Ừ, được đấy”... là cuộc rượu bắt đầu.
Nhà văn Đoàn Giỏi mở đầu: “Tao đi từ Nam Bộ ra đây, cùng hứng bom đạn với dân Thủ đô, với chúng mày. Tao mới thấy ở đâu, ai cũng có thể chết - chiến tranh mà! nhưng quan trọng là biết chết. Nếu không, thì phí hoài rượu Cần, rượu Đế, nếp Cẩm Long An; phí hoài cả Quốc lủi, làng Vân… chịu không?”... Phỉ phui cái nhà anh này, thiếu gì chuyện hay mà lại đi nói chuyện chết? Nhưng mà họ cứ tỉnh bơ. Nào, “dô” đi. Họ cụng ly nhẹ nhàng. Giỏi lại tiếp: “Nay mai lại đi B nữa. Chúng mình ai sẽ có vinh dự hy sinh trước đây?” Chưa chắc - toàn là những kiện tướng “trời đánh không chết!” nhưng cũng có thể chứ.
Mà sẽ không cùng một chỗ, cùng ngày cùng giờ. Biết trước được, ắt phải cụng ly cái đã... Vậy tao nảy ra sáng kiến: Chúng mình cứ đọc điếu văn cho nhau trước đi.
Hai họa sĩ đồng tình sôi nổi: “Được, ý kiến rất hay!”. Nhưng mày phải đọc trước. Vì cánh nhà văn quen sử dụng ngôn ngữ; có thể ứng khẩu ra điếu văn bất cứ lúc nào kể cả khi có người đột tử. Vậy có nghĩa là tao phải chết sau ư? Không chịu đâu.
Rượu ngon, lại có sự kích động vui hơn ở nhà - mới thêm vài ly mà Nguyễn Sáng đã ngà ngà say. Sáng lè nhè: “Kháng chiến chống Pháp, tao sẵn sàng hy sinh rồi mà vẫn cứ sống. Bù lại, tao vẽ “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên”, “Giặc đốt làng tôi”… Bây giờ, tao muốn đi B, muốn về thăm Gia Định - Sài Gòn mà chưa được đi… Ngay bây giờ, tao đang nhớ vợ tao lắm. Tao đã hẹn về đúng giờ cùng vợ ăn cơm… thương lắm, cơm chỉ có dưa cải củ, cà mắm tôm thôi…”. Sáng ngâm: “Giữa nẻo đường xa bỗng gặp em / Tôi chôn xuống đất hết ưu phiền… Em yêu tôi, tôi uống rượu mừng / Em chê tôi, tôi uống rượu buồn / Cốc đâu rót đầy thêm rượu nữa / Uống say rồi ta lại vui luôn” (Thơ Pétophi)
...“Tao, Sáng không giỏi văn như Đoàn Giỏi - nhưng tao sẽ điếu văn viếng mày bằng một tranh sơn mài… thế được chưa?”. Hiến cướp lời luôn: “Phải đấy! Với Giỏi, thì Hiến sẽ điếu văn cho bằng một tranh Humour (2)”.
Cụng ly!... Thế là chuyển đề tài rất vô tư. Mai Văn Hiến, người đã từng mang triển lãm mỹ thuật Việt Nam đi và nếm rượu của 12 nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu nên rất có bản lĩnh trong... rượu! Vẫn tỉnh táo pha trò.
Hiến lại tợp một ngụm 100% cạn ly. Rồi lại “Khà”, rồi quay sang Nguyễn Sáng: “Này, mày là sung sướng nhất đấy. Mày vẽ đẹp. Uống rượu ngon cực mà vẫn nhắc tới vợ… Còn biết yêu tiền nữa… đến mức được Nhà nước giao việc vẽ ra tiền cho ngân hàng in. Bây giờ thì vợ cứ cần bao nhiêu tiền chợ là mày vẽ ra ngần ấy cho mà tiêu - sướng thật. Một tác phẩm tiền của mày in ra giá trị còn to hơn nhiều so với số tiền tranh Picasso bán đấu giá ấy chứ!”. Sáng gật gù.
Đoàn Giỏi cũng say thật rồi. Giỏi bác lời của Hiến: “Thằng Sáng còn kém xa. Nó vẫn làm nô lệ cho tranh,nô lệ cho tiền và vợ, cả rượu nữa.
...Tao vẫn phục lăn cụ Tản Đà. Ai đời, một mình cụ đã nhắm rượu hết tất cả mấy tòa soạn báo… mà đời vẫn quý, vẫn nể cái tâm, cái tài của cụ.
...“Đời chưa chán tớ, tớ còn chơi Chơi cho tớ chán cho đời chán Đời chán tớ rồi - tớ vẫn chơi” (Thơ Tản Đà) |
Thơ của cụ cũng cứ chơi chơi… Thế đấy - mà bất tử. Vì cụ chẳng chết nên mình không có cơ hội đọc điếu văn.
Đáng lẽ, để chọn trong ba đứa, ai hy sinh trước, chúng mình có thể “oẳn tù tì”, nhưng rượu nó bảo - rượu bảo chứ không Giỏi bảo đâu nhé - mình tự nhiên lại nghĩ ra bài điếu văn ưu tiên Mai Văn Hiến trước. Mình đọc vậy - nghe:
- “U hu, ai tai!
Nhớ anh xưa / Bước chân huỳnh huỵch. Mắt nghếch phố phường / nheo nheo ngắm sắc / thấy cả đất trời / thấy cả cõi đời / trong suốt ve chai / có ai trong đó?
Ồ... nàng Lưu Linh!”...
(1) | Trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam |
(2) | Tranh hài hước, nghịch ngợm |