Hoàng Trung Thông (1925-1993) là một tên tuổi lớn trong nền văn chương cách mạng hiện đại. Từng vào Tỉnh ủy lúc tuổi 20, từng là Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ… nghĩa là một trong những trụ cột của nền văn nghệ. Thơ nổi tiếng từ kháng chiến chống Pháp, giỏi tiếng Hán, tiếng Anh, tiếng Pháp – dịch nhiều nhà thơ lớn trên thế giới… Ông đã từng được Trung ương cử làm Viện trưởng Viện Văn học, và đã có nhiều bài nghiên cứu giá trị.
Hoàng Trung Thông và Chế Lan Viên thân nhau, như Chế Lan Viên nói, từ 1947, ở khu IV. Bài thơ sau đây là bài thơ “không tiền khoáng hậu” về tình bạn, về đánh giá người, đánh giá văn… tinh tường, chính xác… của Chế Lan Viên. Một tình bạn thật đẹp. Qua đó cũng bộc lộ con người Chế tuy nóng nảy bên ngoài, mà sâu đằm, ngọt ngào, sâu sắc bên trong… Xưa nay thật chưa thấy có bài thơ nào như bài này.
Tôi hồi trẻ, lúc ngoài 20, rất ngưỡng vọng Hoàng Trung Thông tiên sinh. Ông cho đăng bài phê bình thơ của tôi, quý tôi, muốn rút tôi về biên tập Báo Văn Nghệ, theo ý của Hoàng Trung Nho (em ông, rất thân với tôi) và của anh Nguyễn Thành Long, nhưng không thành. Cũng may, vì làm biên tập cả đời cũng chán. Tôi cũng đã từng hầu rượu ông ở Sài Gòn, lúc đó Chế Lan Viên đã ở Bà Quẹo. Ông đến nhà, ngồi bệt xuống sàn nhắm rượu, nhưng như những vị lãnh đạo, rất kín tiếng trong các vấn đề nhân sự.
Lúc “đổi mới”, tôi có được họp với ông một lần, ông cũng im lặng ít nói, rồi sau đó ông vĩnh biệt đời, vĩnh biệt văn nghệ.
Nhớ đến ông là nhớ đến một con người uyên bác, đúng là một ông Trạng, tài hoa, sống xứng với nhân dân và thời đại của mình. Có kẻ nói rằng ông uống rượu vì “sám hối”, là không đúng. Đọc các tác phẩm, bài nghiên cứu của ông, thấy ông là người trung thành, nhiệt thành. Còn nghiện rượu là tật chứng từ thời trẻ (trong hồi ký về Đặng Thai Mai có chi tiết ấy). Theo ý riêng tôi, ông rất xứng đáng được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vì tiêu biểu cho thời đại ta về đủ các mặt: tác phẩm – sự nghiệp – con người.
Chị Đào Tuấn Ảnh, PGS-TS, vừa vào Nam nghỉ hè, có kể câu chuyện nhỏ, vui vui: Tiếp Bernhikov, GS-Viện trưởng Viện Văn học Gorki Liên Xô (lúc chưa tan vỡ), ông Thông say bí tỉ và nói lời chào mừng. Ông nói: Lúc chúng tao có Nguyễn Trãi thì chúng mày còn là bộ lạc, đi săn thú…
Đào Tuấn Ảnh hoảng quá, dịch chệch đi: Hôm nay trời Sài Gòn rất đẹp, chúng tôi được đón mừng các vị đến đây…
GS N.I. Nikulin sau đó khen Đào Tuấn Ảnh đã “cứu một bàn thua trông thấy”…
Hồi tưởng người xưa, bồi hồi nhớ dáng ông, khuôn mặt ông hiền hậu mà chan chứa tình cảm và bao điều nghĩ ngợi…, xin đăng lại dưới đây bài Gửi trạng Thông họ Hoàng của Chế Lan Viên; bài thơ sẽ nói thay chúng ta lòng kính yêu thương mến với thi sĩ – học giả Hoàng Trung Thông.
Gửi trạng Thông họ Hoàng
CHẾ LAN VIÊN
Ông thì hay say,
Tôi thì quá tỉnh
Mà ông đằm tính,
Tôi thì hay gây.
Thiên hạ người người yêu ông,
Tôi, thiên hạ ghét,
Gặp tôi, người ta lườm nguýt,
Nghe ông, người ta thông.
Thế mà lạ không?
Hai đứa thân nhau mãn kiếp
Từ đít nớp xăng ca răng xết (1947)
Mà chưa phản thùng.
Nhớ cái chiều đưa ma gió rét
Tiễn Diệu đi Vô Cùng
Trên xe tang nhọc mệt
Có cô Bạch Diệp,
Tôi ngồi bên ông.
Tôi sinh ở Châu Hoan
Chứ đâu Quảng Trị?
Lý lịch có lắm điều chưa cụ tỉ(1)
Rồi sau sẽ bàn.
Quảng Trị vốn là quê mẹ
Gió Lào râm ran
Thế thì khác quái gì Nghệ An
Gió Lào ào ào ra bể?
Huống gì Nghệ An là nơi mẹ có thai tôi
Rồi đẻ.
Tôi khóc oe oe trong gió Lào rách xé.
Đẻ ở Châu Hoan xứ Nghệ,
Mẹ kêu “thằng Hoan”.
Tôi xin Thông nắm lộc lằng(2) vì thế.
Nhớ bát canh lộc lằng
Mẹ nấu ăn ngày bé,
Cái vị đắng lộc lằng như tuổi thơ đầy hương vị.
Nửa đời người chưa tan.
May mà ông giải oan
Gửi cho tôi nắm lộc lằng quái quỷ
Ăn một miếng nhớ trời nhớ bể
Nhớ trăm thứ đầu cua tai nheo rồi nhớ mẹ.
Không phải cua, hôm ấy là tôm – tôm bể,
Húp muỗng canh, cắn quả cà xứ Nghệ
Giòn tan.
Tôi còn để lại chùm nhau
Mẹ chôn ở Nghệ An
Có còn không nhỉ?
Ông ở huyện Quỳnh qua Diễn Châu mấy tí
Trông giùm cho nhau!
Tôi ở Sài Gòn mới mười năm mà mọc rễ
Thế mà cơn bão lay chùm nhau ở Nghệ
Làm tôi đau.
Cũng bởi sinh ở Nghệ An,
Tôi tự ví mình với ông vua Thục
Chạy thục mạng trước thời gian truy bức.
Bố tôi hay kể cho tôi Đền Công,
Mỵ Nương và máu cô nàng…
Tuổi thơ tôi khóc.
Lớn lên tôi mới rải lông nga của mình ra bể Đông bể Bắc
Từng trang từng trang…
Thôi khéo tôi Sài Gòn lại đi nịnh Nghệ An!
Thằng con Quảng Trị,
Lớn lên Nghĩa Bình,
Già ở Tân Bình,
Một cây mấy rễ,
Một đời lang thang.
Tôi biết ông có lắm nỗi buồn sâu
Nên ông uống rượu
Lại đổ cho tôi
Phượu!
Chớ có mà hại nhau!
Thề có tóc hoa râm nay muốn bạc trên đầu
Tôi không yêu thơ ông lúc nào hả? Hả?
Yêu cái câu sức người hóa thân cho sỏi đá.
Yêu cái câu phi ngựa lên đèo Thẩm Mã,
Yêu câu Bắc trộn vào Nam trong sóng Cửa Tùng,
Yêu câu Nguyễn Du nấm mộ giữa đồng,
Yêu câu hoa hồng
Ngát mùi hương cúc
Thoảng chút mùi sắc dục
Chưa nhiều trong thơ ông.
Cố nhiên là thơ ông không giống tôi loanh quanh luất quất
Loa thành mê cung,
Cũng không như của cô kia õng ẹo õng à, nà nuột,
Hay như ông nọ lộc cốc(3), bà kia lung mung(4)…
Thơ ông chân chất
Lúa lên hương giữa đồng.
Thơ ông suối trong veo
Chảy tấm lòng rất thật
Của một người rất yêu
Rất yêu mà chưa được ngủ
Bên hoa cho đủ liều
Vì ông phải thức
Đón câu thơ gió vèo
Vì còn phải lo Viện, lo văn, lo đời, lo sử,
Lo giá - lương - tiền trong rổ chợ,
Lo trăm thứ của cuộc đời dây nhợ
Đâm ông buồn nhiều
Rồi ông cứ ngỡ nốc rượu vào sẽ đỡ
Cái bệnh ở lòng, thuốc cho ở cổ,
Cạn chén này, chén khác ùa theo.
Chết mong mình chôn ở Lái Thiêu
Đợi giờ trúng tủ
Quả chín như những chùm môi son Nam Bộ
Lộp độp rụng xuống mồ ông đều đều
Ông lãnh đủ và dùng đủ
Cho hồn phiêu diêu.
Xứ Nghệ mình từng đưa dân lên rú,
Xứ Nghệ mình gieo mạ ngoài sân,
Xứ Nghệ mình không cù lần
Đặt vòng, tháo vòng bất tử
Xứ Nghệ mình giỏi đủ
Giàu cá rồi giàu gỗ,
Chừ lại giàu ông Thông
Văn chương hơn tú, cử,
Bút châm(5) hay không châm,
Trữ tình hay không trữ,
Làm văn như Đặc công(6),
Mần chi, ông chẳng mần.
Giá thi trước sân rồng,
Đậu Trạng sẽ là ông
Rồi thì ông đi sứ,
Cờ quạt che đầy đồng,
Thức nhắm đâu phải lạc
Mà gỏi gà, nem công
Ông là Trạng đất Quỳnh
Lưu câu văn có võ
Ông là ông Trạng đỏ,
Đỏ ấy nhưng lại tình
Ông thôi làm Viện trưởng
Phải đâu vì thiếu “chưởng”
Về nhà viết chân dung,
Chân dung và chân tướng,
Kiếm tiền mua rượu dùng.
Tướng ông thế mà hung,
Thừa viết văn học sử
Cóc cần văn cử tử
Yêu ai thì khuyên vòng,
Cái vòng khuyên chóe đỏ,
Mà ghét thì bỏ xó,
Đầu hay chân mặc họ
Bút và lòng không dung
Bút và lòng không rung.
Thịt cầy hầm với mẻ
Thịt vịt chấm muối gừng
Mực nướng nướng thơm lừng
Bánh đa rồi rượu đế…
Nâng chén lên lễ mễ
Hoan tôi xin thưa rằng:
Thưa chị Thông lưu ý
Vợ tôi - mụ Thường - khuyên anh Thông say đừng say bí tỉ,
Có say, say cầm chừng,
Có uống, uống lưng lưng,
Mở mắt ra he hé
Nhìn lấy đời một tí,
Sau đó bỏ rượu dần,
Rồi bỏ luôn một thể,
Mạnh chân và khỏe tay,
Xe đạp đạp như bay,
Không rượu mà cứ say,
Vào đời không trúng gió
Thơ càng hay hơn cũ
Anh Hoan em đề tựa,
Làm sao mà không hay?
Tôi lặp lại như vẹt các lời phu nhân tôi dặn
Bỗng ngập ngừng thấy gay!
Kìa đầu Thông bây giờ bạc trắng
Thay vào rượu giải sầu, ta tính sao đây?
Tháng 1-1987
_____
(1), (3), (4) Tác giả nói đùa theo kiểu nói tắt (cụ tỉ: cụ thể, tỉ mỉ) hoặc nói lái (lộc cốc: cộc lốc; lung mung: mung lung).
(2) Mội loại rau rừng, có vị đắng, dùng nấu canh ăn ngon.
(5), (6) Bút danh của Hoàng Trung Thông.