Trái với không khí sôi động, nô nức đón chờ Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần 6 (1983) tại TP Hồ Chí Minh năm xưa, sau 26 năm, nhân dân TP. Hồ Chí Minh lại một lần nữa tiếp xúc với LHPVN 16, nhưng với thái độ khá trầm tĩnh và lặng lẽ. 26 năm, vừa đủ cho một thế hệ khán giả mới lớn lên với những thay đổi lớn của đất nước gần 3 thập niên qua…
KHÔNG KHÍ NGÀY HỘI LỚN Ở ĐÂU?
Người ta có cảm giác như Liên hoan phim Việt Nam đã rơi thỏm vào sự náo nhiệt của Thành phố Hồ Chí Minh - nơi được mệnh danh là “kinh đô điện ảnh” của Việt Nam - một cách trơ trọi đến đáng buồn. Bởi nếu chỉ trông chờ vào sự tuyên truyền của các cơ quan truyền thông thì không thể làm nên không khí ngày hội. Người dân thành phố muốn biết thông tin LHPVN phải áp mặt sát vào các thân cây mới nhìn ra nội dung trong những bích chương có kích thước cực kỳ khiêm tốn.

Cảnh vắng vẻ trong một buổi chiếu phim ở LHPVN 16.
Các LHPVN lần trước tổ chức ở các tỉnh thành khác cho thấy họ làm khâu này tốt hơn nhiều, bước vào cửa ngõ thành phố đã thấy biểu ngữ, bích chương cờ xí rợp trời. Ở Liên hoan phim Quốc tế (LHPQT) Pusan (Hàn Quốc), hầu như các con đường đều giăng đầy bích chương, biểu ngữ, đó là chưa kể các xe chiếu phim di động, cùng các chương trình ca nhạc ngoài trời cuốn hút rất nhiều khán giả. Riêng ở các rạp chiếu phim mới là ngày hội thực sự, rạp nào cũng rực rỡ với nhiều bích chương to 3-4m giăng đầy mời chào khán giả. Việc này TP. HCM có thể làm được trong tầm tay, nếu muốn, vậy mà…?!
Vì vậy, làm sao trách khán giả vô tình, người dân không biết có LHPVN đang diễn ra ở thành phố mình. Các điểm chiếu phim chỉ treo mỗi cái bích chương nhỏ xíu trước rạp, cả lịch chiếu phim cũng không có thì đương nhiên không thể đòi hỏi người dân biết gì về ngày hội này. Vì thế ngày đầu tiên chiếu phim truyện 14 ngày phép, chỉ có vài chục người ngồi lọt thỏm giữa các hàng ghế trống không (Vậy mà phim này được giải Khán giả bình chọn mới tài?!)
Vẫn có truyền hình trực tiếp trên sóng HTV, nhưng thật khó nhận ra đó là ngày hội của những người làm điện ảnh. Đêm khai mạc LHPVN mà có cảm giác như đêm diễn của các người mẫu thời trang. Cả nền điện ảnh cách mạng từ năm 1959 đến 1975 chỉ điểm được bộ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông, còn những bộ phim kinh điển như Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió… không hề được nhắc tới. Phim Cánh đồng hoang của đạo diễn Hồng Sến lại được sân khấu hóa một cách hời hợt như những hoạt cảnh ở các sân khấu quần chúng, tạo nên khoảng cách quá lớn giữa hai thế hệ diễn viên: Lâm Tới - Thúy An và Võ Thành Tâm - Nguyệt Ánh. Người trong làng điện ảnh gọi đây là một đêm khai mạc dành tôn vinh các người mẫu chuyên đóng phim truyền hình hơn là ngày hội điện ảnh tôn vinh những người đã có công đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam.
Những Nghệ sĩ Nhân dân của thời kỳ khai sinh nền điện ảnh Cách mạng dân tộc như Hải Ninh, Huy Thành, Trà Giang, Bạch Diệp, Bùi Đình Hạc, Đặng Nhật Minh… không hề được trân trọng, không ai được tặng hoa, thậm chí không hề được nhắc đến trong suốt buổi lễ khai mạc. Còn những diễn viên nổi tiếng với nhiều giải thưởng điện ảnh trong những LHPVN trước như Chánh Tín, Lý Huỳnh, Thùy Liên, Hồng Ánh… thì “lặng lẽ nơi này”…
Đêm bế mạc trao giải thưởng càng lạ lùng hơn. Nếu như ở Lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng các người mẫu chỉ để làm đẹp sân khấu thì ở LHPVN lần thứ 16, các bông hoa ấy mang thêm trọng trách là trực tiếp trao giải thưởng cho các nghệ sĩ được vinh danh.
Không biết đạo diễn chương trình hiểu thế nào về nhân thân của người trao và kẻ nhận trong những buổi lễ trang trọng như thế này. Làm sao một cô diễn viên mới tinh vừa đóng 1 phim truyền hình lại có tư cách đứng trao giải thưởng cho một đạo diễn nổi tiếng mà tuổi nghề có khi còn hơn cả tuổi cô?! Những trái khoáy cực kỳ ấy chính là những hạt sạn làm mọi người cứ phải ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu nổi…
THẾ NÀO LÀ “VÌ MỘT NỀN ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP”?
LHPVN lần thứ 15 cũng "đổi mới và hội nhập", nên có lẽ vì 2 chữ hội nhập mà bộ phim hợp tác với Trung Quốc Hà Nội, Hà Nội đoạt Bông sen vàng trong sự “bất ngờ đến kinh hoàng” của giới chuyên môn lẫn truyền thông. Lần này, ở LHPVN lần thứ 16, vẫn là đổi mới và hội nhập? Nhưng thật khó hiểu thế nào là đổi mới? Hội nhập thì rõ rồi, nhưng đổi mới ở đây, phải chăng là đổi mới cách nhìn nhận vấn đề, đổi mới phong cách để hợp với khẩu vị phương Tây? Và có phải chăng phong cách làm phim như Chơi vơi mới chính là phong cách của đổi mới và hiện đại? Nếu hiểu như thế thì sự hội nhập của Việt Nam chỉ còn là sự hòa lẫn vào dòng chảy của thế giới.
Hãy nhìn về Iran, một đất nước còn nghèo, kinh phí làm phim thấp, nhưng nền điện ảnh của họ đã thành công rực rỡ ở các LHPQT bởi vì họ là họ, không thể nhầm lẫn được với bất cứ đất nước nào trên thế giới. Và họ đã hội nhập vào dòng chảy thế giới bằng chính bản sắc dân tộc họ… Vì thế, một nền điện ảnh trước khi đặt vấn đề hội nhập, việc tiên yếu nhất của nó chính là bản sắc dân tộc…
Đó chính là lời đáp vì sao trong 3 phim do đạo diễn Việt kiều thực hiện đều cùng chung một thông điệp là cội nguồn dân tộc. 14 ngày phép là một cuộc trở về của chàng trai xa quê hương đã lâu, và từng bước thẩm thấu tiếng vọng của quê hương qua cây cầu khỉ bắc ngang kênh, tiếng đàn bầu và câu vọng cổ ngọt ngào trong đêm. Chuyện tình xa xứ là hai mối tình của hai chàng trai du học nước ngoài, và dù cho hoàn cảnh có khác nhau, nhưng âm hưởng cuối cùng vẫn là cuộc về nguồn của hai cô gái Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Huyền thoại bất tử tôn vinh võ Việt Nam lồng trong câu chuyện cảm động về tình mẫu tử… Cả ba bộ phim đều hướng về quê hương với những đặc thù của dân tộc.
Đó là ý thức rất rõ ràng mà người xem dễ dàng nhận ra, dù không thiếu nhiều chi tiết khá ngô nghê do đạo diễn chưa thực sự nhập cuộc vào cuộc sống quê nhà, nhất là phim 14 ngày phép. Chính ở đây có sự đối ngược với xu hướng của một số đạo diễn trong nước. Khi Chơi vơi muốn thể hiện một bối cảnh Việt Nam chật chội với những nhân vật sống chỉ bằng bản năng, bức bối muốn thoát ra khỏi cái xã hội khốn khó thiếu tình người thì nhân vật Long của Huyền thoại bất tử lại được phả đầy hơi ấm nghĩa tình, dù anh chỉ là người thiểu năng trí tuệ.

Dustin Trí Nguyễn và nghệ sĩ Kim Xuân trong phim Huyền thoại bất tử
Kẻ muốn hướng ra ngoài hội nhập theo con đường ngắn nhất để được phương Tây chú ý, người muốn quay trở lại với cội nguồn. Hai con đường dường như đối ngược nhau. Kẻ từ phương trời Tây muốn trở về làm phim cho khán giả trong nước xem, còn người trong nước chỉ muốn được sự chấp nhận của nước ngoài hơn là sự đồng cảm của khán giả trong nước.
Con đường này các đạo diễn Trung Quốc lừng danh như Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca đã đi qua. Họ đã đoạt được giải thưởng cao nhất ở Cannes, ở Venice, nhưng ngoài tài năng đạo diễn, nội dung phim đoạt giải cũng là một nhân tố không nhỏ khi được quốc tế công nhận. Đó chính là cái sắc thái đặc biệt của dân tộc Trung Hoa với những phong tục, tập quán được khai thác đến tận cùng để làm nên một bản sắc không trùng lắp với bất kỳ đất nước nào.
Tóm lại, Hội nhập và Bản sắc là hai khái niệm không thể tách rời. Điện ảnh Việt Nam phải bước vào dòng chảy thế giới bằng giọng nói, gương mặt của chính mình chứ không phải bằng cách nói, cách thở của người khác. Việc cố làm cho giống một dòng phim nào đó chỉ có thể làm cho nước ngoài dừng lại chú ý, nhưng sẽ không thể thuyết phục được họ bằng sự kính trọng từ cái mà bản thân anh có, từ nơi anh đã được sinh ra và lớn lên… Đó chính là dân tộc của anh.
Bài liên quan: