Nhân ngày 20/11, nghĩ về phẩm cách người thầy

Sắp đến ngày 20/11, ngày nhà giáo Việt Nam. Nơi nơi sẽ lại thấy không khí rộn ràng với hoa tươi, với những lời chúc tụng, với những hoạt động tưng bừng nhằm tôn vinh các nhà giáo. Và sẽ lại được nghe câu thành ngữ quen thuộc “tôn sư trọng đạo”.

Tôn quý thầy là một truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Thành ngữ “tôn sư trọng đạo” đã có từ rất lâu. Xuất xứ từ sách Lễ ký (tức Kinh Lễ) của đạo Nho. Trong thiên “Học ký” sách này có câu: “Tôn sư nhiên hậu đạo trọng. Kính đạo nhiên hậu dân tri quý học” (Tôn thầy thì đạo được trọng. Kính đạo thì dân biết quý sự học). Sau, sách Hậu Hán thư của Phạm Diệp đời Nam Triều trong thiên “Khổng Hỷ truyện” có câu: “Thường văn minh vương thánh chúa mạc bất tôn sư quý đạo” (Từng nghe nói các bậc vua sáng chúa hiền không ai là không tôn sư quý đạo). Rồi bốn chữ “tôn sư trọng đạo” được sử dụng rộng rãi thành một thành ngữ.

“Tôn sư” thì ai cũng hiểu, nghĩa là tôn kính thầy. Còn “trọng đạo” thì có thể hiểu nhiều cách. Xưa, có người giải “đạo” là sự cảm ngộ của con người đối với vũ trụ, với tự nhiên, với xã hội, với nhân sinh, là trí tuệ tối cao, là quy luật phổ biến, là quy tắc hành vi quan trọng nhất, là học vấn cao nhất, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất, là mục tiêu phấn đấu cao nhất, là cái mà Khổng Tử xưa luôn truy cầu và gìn giữ: “Triêu văn đạo, tịch tử khả kỹ” (sáng được nghe về đạo, tối chết là được) - Luận ngữ.

Vậy là khái niệm “đạo” rất rộng.

Có người hiểu “đạo” là những gì thầy truyền dạy. Vì xưa quan niệm người thầy có 3 nhiệm vụ: truyền đạo, thụ nghiệp và giải hoặc (truyền thụ đạo, trao dạy nghề và giải rõ những điều mơ hồ nghi hoặc).

Song lại có nhiều người hiểu rất gọn gàng, cụ thể: “đạo” là đạo lý, đạo nghĩa.

Chúng tôi nghĩ cách hiểu thứ ba này thiết thực nhất và phù hợp với mọi thời đại, cả thời đại ngày nay.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thành ngữ “tôn sư trọng đạo” có lẽ ít bị phản bác. Vấn đề là sự thực hiện nó ra sao? Xã hội ngày nay có thật sự tôn kính thầy hay không, có thật sự coi trọng đạo lý, đạo nghĩa hay không? Thực tế thế nào, chắc mọi người nói chung đều đã rõ.

Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh vấn đề người thầy. Thầy cần được tôn trọng, đó là chân lý. Song trong tình hình xã hội mới ngày nay, nhiều tiến bộ văn minh làm phong phú tươi đẹp thêm cho đời sống con người, lại có nhiều tiêu cực khiến con người suy thoái, tha hóa.

Trong giáo dục có nhiều thành tựu phát triển tốt đẹp song cũng có nhiều điều rất đáng lo lắng, băn khoăn. Những vấn đề này xin không nói ở đây. Riêng đối với người thầy, chúng tôi có mấy ý nghĩ như sau: Để người thầy thật sự xứng đáng với sự tôn trọng của xã hội, phải có sự đề cao “Sư đức” tức đạo đức người thầy, nếu ngành Y có “Y đức” thì ngành Sư phạm phải có “Sư đức”. “Sư đức” là đạo đức nghề nghiệp, là quy phạm đạo đức mà người làm thầy và tất cả những người làm công tác giáo dục cần tuân theo. Là những nhận thức đúng đắn và sâu sắc về nghề nghiệp, là những chuẩn mực hành vi quan hệ giữa thầy giáo và học sinh, giữa thầy giáo và đồng nghiệp, giữa thầy giáo và tập thể. Nội dung chủ yếu của “Sư đức” có thể là:

• Phải có lòng yêu quý và tự tôn nghề nghiệp.

• Phải có tinh thần trách nhiệm và tinh thần muốn cống hiến tốt cho xã hội.

• Phải nghiêm túc trong công tác truyền thụ kiến thức.

• Phải có chí tiến thủ, không ngừng tích cực học hỏi để tự nâng cao.

• Phải yêu mến đồng thời tôn trọng học sinh, quan tâm hết lòng với học sinh.

• Phải “dĩ thân giáo nhân” lấy bản thân làm gương mẫu để dạy dỗ học sinh, bao quát là từ lập trường tư tưởng tiến bộ đúng đắn đến những hành vi cụ thể về ngôn ngữ cử chỉ, tư thế tác phong, đối nhân xử thế…


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Những yêu cầu trên đây có lẽ ai cũng thấy được, có thể bổ sung nhiều điểm cần thiết nữa. Vấn đề là có dễ dàng thực hiện hay không? Có lẽ Bộ Giáo dục cần ban hành một quy chế cụ thể, có yêu cầu tổ chức định kỳ học tập rộng rãi về “Sư đức”, khuyến khích thực hiện tốt quy chế. Vì nghề làm thầy là nghề cao quý nhất song cũng có yêu cầu cao nhất so với các loại nghề. Thực sự yêu quý nghề thì sẽ dễ dàng tự nguyện tự giác thực hiện những yêu cầu chặt chẽ của nghề. Nghề Y có lời thề Hypocrate, hết lòng vì người bệnh, thì nghề “Sư” có lời nguyện hết lòng vì học sinh thân yêu. Có thế người thầy mới thật sự xứng đáng được kính trọng tôn quý.

Có người ví: “Người thầy tốt như một bài thơ, hàm súc mà trong sáng, như một bức tranh, thanh đạm mà cao nhã, như một cây tùng, chính trực mà thanh cao, như một tấm bia không chữ, không lưu văn tự song có ý nghĩa trường tồn… ”. Hướng phấn đấu của người thầy giáo có lẽ cũng nên theo hướng đó chăng?

Còn vấn đề “Trọng đạo” thế nào? Xã hội ngày nay trọng đạo ra sao? Việc đào tạo con người thiên nhiều hơn về “đạo” hay về “lợi”…? Rồi đối tượng được đào tạo là học sinh thì thế nào?... Chắc chắn có nhiều vị thức giả quan tâm đến giáo dục sẽ có nhiều ý kiến quý báu. Chúng tôi cũng xin tiếp tục có ý kiến phát biểu sau.

PHẠM THỊ HẢO