Nhận xét về bài trả lời "Bài thơ Kiều Nguyệt Nga đưa cho Lục Vân Tiên"

Trên Hồn Việt số 49 ra tháng 8/2011, học giả Bát Sách có trả lời cho bà Cao Minh Nguyệt (Cité des Magnolias, Auvers - sur - Oise, Pháp) hỏi về Bài thơ Kiều Nguyệt Nga đưa cho Lục Vân Tiên.

Chúng tôi nhận thấy học giả Bát Sách đã không dẫn chứng được rõ ràng xuất xứ của bài thơ kèm theo nguyên văn bằng chữ Hán. Ông chỉ ghi lại theo lời truyền khẩu bằng chữ quốc ngữ và cho rằng “tác giả bài thơ nhất định không phải là cụ Đồ Chiểu mà là một nhà Nho nào đấy đã cảm tác khi đọc Lục Vân Tiên, cũng như Thế Lữ đã cảm tác Giây phút chạnh lòng khi đọc Đoạn tuyệt của Nhất Linh”.

Chúng tôi đã tìm lại các bản Lục Vân Tiên cổ như Lục Vân Tiên của Duy Minh Thị đính chính (do Thiên Bảo lâu, Bảo Hoa các và Kim Ngọc lâu tàng bản: hai bản trên không ghi năm in, bản thứ ba ghi Giáp Tý niên tân san – 1874).

Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga (tranh Đông Hồ)

Lục Vân Tiên ca diễn của Abel Des Michels phiên âm và dịch sang Pháp ngữ (Paris – 1883), Lục Vân Tiên truyện do Trương Vĩnh Ký phiên âm in năm 1889, Vân Tiên cổ tích tân truyện bản Nôm do Tụ Văn đường in năm 1897 và Liễu Văn đường in năm 1921, Lục Vân Tiên truyện do Trần Nghĩa – Vũ Thanh Hằng phiên âm theo bản Duy Minh Thị đính chính (Kim Ngọc lâu tàng bản, in năm 1874), Lục Vân Tiên truyện do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và chú thích theo bản Duy Minh Thị đính chính (Bảo Hoa các tàng bản, Quảng Thạnh Nam phát thụ, không ghi năm in)… để tìm hiểu xuất xứ của Bài thơ Kiều Nguyệt Nga đưa cho Lục Vân Tiên thì được biết bài thơ ấy có hai văn bản như sau:

Văn bản thứ nhất được in trong quyển Lục Vân Tiên truyện của Duy Minh Thị đính chính do Bảo Hoa các tàng bản và Quảng Thạnh Nam phát thụ. Nguyên văn như sau:

遂 車 千 里 急 奔 行
撞 遇 風 來 奪 路 程
淑 女 臨 危 無 脫 免
君 子 幸 逢 展 平 生
兩 字 恩 情 難 分 解
半 途 苦 料 量 何 成
請 來 囬 貫 由 嚴 母
照 有 文 書 顯 聲 名

Phiên âm:

Toại xa thiên lý cấp bôn hành,
Chàng ngộ Phong Lai đoạt lộ trình.
Thục nữ lâm nguy vô thoát miễn,
Quân tử hạnh phùng triển bình sinh.
Lưỡng tự ân tình nan phân giải,
Bán đồ khổ liệu lượng hà thành.
Thỉnh lai hồi quán do nghiêm mẫu,
Chiếu hữu văn thư hiển thanh danh.

Bài dịch trích trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Quảng Tuân phiên âm:

Một chiếc xe đi gấp dặm ngàn,
Phong Lai đâu gặp cướp trên đàng.
Lâm nguy thục nữ không ngờ thoát,
Hạnh ngộ anh hùng cứu đặng an.
Hai chữ ân tình khôn giãi tỏ,
Nửa đường tâm sự tính sao đang.
Xin mời về phủ trình cha mẹ,
Hẳn có thư truyền tiếng vẻ vang.

Bài thơ chữ Hán chắc do Duy Minh Thị, khi đính chính truyện Lục Vân Tiên, đã làm ra nhưng về sau nhận thấy nó bị thất niêm và thất luật nên đã sửa lại.

Văn bản thứ hai được in trong quyển Lục Vân Tiên truyện cũng của Duy Minh Thị đính chính do Kim Ngọc lâu in năm 1874. Nguyên văn như sau:

駢 車 千 里 一 身 輕
撞 遇 風 來 半 路 程
已 料 危 難 無 自 脫
幸 逢 賑 救 得 餘 生
恩 情 兩 字 心 何 解
報 答 千 般 意 未 平
欲 請 恩 人 歸 故 里
囬 詳 父 母 得 詳 明

Phiên âm:

Biền xa thiên lý nhất thân khinh,
Tràng ngộ Phong Lai bán lộ trình.
Dĩ liệu nguy nan vô tự thoát,
Hạnh phùng chẩn cứu đắc dư sinh.
Ân tình lưỡng tự tâm hà giải,
Báo đáp thiên ban ý vị bình.
Dục thỉnh ân nhân qui cố lý,
Hồi tường phụ mẫu đắc tường minh.

Bài dịch trích trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Quảng Tuân phiên âm:

Một xe song mã nhẹ băng ngàn,
Bỗng gặp Phong Lai ở giữa đàng.
Đã tưởng nguy nan không cách thoát,
Nào ngờ giải cứu được thân toàn.
Ân tình hai chữ lòng sao gỡ,
Báo đáp nghìn phương ý chửa đang.
Muốn thỉnh ân nhân về cố lý,
Thưa cùng cha mẹ được am tường. 

Như vậy, căn cứ vào hai quyển Lục Vân Tiên của Trần Nghĩa – Vũ Thanh Hằng và Nguyễn Quảng Tuân phiên âm chúng tôi thấy bài thơ chữ Hán do học giả Bát Sách chép lại bằng quốc ngữ đã không đúng về xuất xứ và còn có mấy chữ sai:

Câu 1: Không phải là “…nhất thân kinh”, mà là “…nhất thân khinh” mới đúng.

Câu 3: “Thục nữ”… không thể đối với “Hạnh phùng”… được (nên về sau câu 3 đã được sửa lại là: Dĩ liệu nguy nan vô tự thoát)

Câu 4: Không phải là “…đắc du sinh”, mà là “…đắc sinh” mới đúng.

Câu 6: Không phải là “Báo đáp thâm ân…”, mà là “Báo đáp thiên ban…” mới đúng.

Hơn nữa bài thơ mà chép bằng quốc ngữ thì có những chữ nếu không viết bằng chữ Hán sẽ không thể hiểu nghĩa cho đúng được như chữ “chàng” trong câu “Chàng ngộ Phong Lai bán lộ trình” .

Trong quyển Lục Vân Tiên do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, ông đã phiên âm chữ là “tràng”. Viết như vậy cũng không sai vì chữ ấy theo tự điển có thể viết “ch” hay “tr” đều được, nhưng chữ “tràng” hoặc “chàng” phải biết mặt chữ Hán thì mới giảng nghĩa cho đúng được, vì âm ấy có tới 9 dạng chữ viết khác nhau. Nếu viết là thì chữ ấy có thể hiểu theo nhiều nghĩa: đánh cho rung động, đâm vào, vấp vào, tình cờ gặp nhau, hối hả. Vậy câu thứ hai có thể hiểu là bất ngờ đụng gặp bọn cướp Phong Lai ở dọc đường.

Chúng tôi chỉ nói qua về mấy chữ chép sai như trên, còn về tác giả của bài thơ chữ Hán thì không phải của một nhà Nho nào cảm tác khi đọc truyện Lục Vân Tiên đã làm ra mà chắc do Duy Minh Thị đã viết thêm vào khi làm công việc đính chính. Riêng về bài thơ nói là của Lục Vân Tiên đáp lại Nguyệt Nga thì trong các bản Nôm đều không thấy có.

Chúng tôi xin có vài nhận xét như trên căn cứ vào bản Lục Vân Tiên chữ Nôm để làm rõ vấn đề và để đính chính mấy sai lầm như đã nêu ra ở trên.

 


Bài liên quan:

- Hỏi - Đáp: Bài thơ Kiều Nguyệt Nga đưa cho Lục Vân Tiên.

Nguyễn Đức Dương