Những chiêu lừa thế giới

NGUYỄN ĐĂNG LÂM
(Los Angeles)

Ở đời có vô số người tốt nhưng không ít kẻ xấu, dưới đây là một vài câu chuyện thật mà chúng ta nên quan tâm để biết thêm tình đời với nhiều mánh mung xảo quyệt.

Chim cút

Khoảng năm 1972, tài phiệt Chợ Lớn đã nhập cảng hàng triệu con chim cút từ Đài Loan. Vài tuần trước lúc tàu cập bến, họ cho một số cò mồi đem chim cút bán ra thị trường với thông tin được loan truyền vô tội vạ trong giới buôn bán là “ăn chim cút sẽ sung sức, cường dương, bền bỉ…”. Thế là các mệnh phụ phu nhân và những người thương chồng, đua nhau đi mua chim cút với bất cứ giá nào.

Các tài phiệt cũng cho người bán giá rẻ chỗ này rồi đến mua chỗ khác với giá cao hơn 10 lần. Chỉ trong vài tuần, nhờ mua chỗ này đem cao hơn bán chỗ khác mà có người đã trở nên triệu phú dễ như lật bàn tay. (Tiền miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ 1 USD tương đương 75 đồng). Vì thế, một số người không có vốn thì hoặc đi vay với tiền lời “cắt cổ”, hoặc bán nhà để buôn bán chim cút.

Thị trường chim cút sôi động leo thang chưa từng thấy. Có người mua đến hàng chục, hàng trăm ngàn con dự trữ để “kiếm ăn lớn” với giá mỗi con là 15 ngàn đồng. Đến lúc hàng triệu chim cút trên tàu đã bán hết thì những tên mua cò mồi biệt dạng. Và chim cút xuống giá chỉ còn dưới 1 ngàn đồng/con mà vẫn rất hiếm người mua. Số người trở nên triệu phú không có bao nhiêu, nhưng những nạn nhân của vụ lừa gạt xảo quyệt này thì vô số, tan gia bại sản, dở khóc dở cười, cũng có người tự tử vì trúng bẫy của những tên tài phiệt Chợ Lớn.

American Family Publisher (AFP)

Tại Mỹ, công ty AFP chuyên quảng cáo bán Tuần báo như: Time, Newsweek… người điều hành chương trình (Hot Show) trên Truyền hình là ông Ed McMahon, vừa qua đời hôm 23/6/2009.

Người cùng điều khiển chương trình (co-host) là ông Dick Clark. Công ty (AFP) gửi cho hàng triệu người dưới dạng quảng cáo hấp dẫn: “Bạn đang có cơ hội trúng số” hàng triệu đô-la. Trong bì thư, Công ty Sweepstakes có phiếu trình bày rất “khôn khéo” làm như bạn đã trúng hàng triệu đô-la đến nơi rồi. Thư cũng kèm theo danh mục cả trăm tuần báo như: Time, NewsWeek, New York Times… có đề giá và phiếu mua báo với câu tránh bị kiện tụng: “Bạn không cần phải mua cũng có thể được vào vòng chung kết”. Người đọc cảm thấy mình sắp trúng hàng triệu đô-la thì tiếc gì mà không làm vừa lòng Công ty Sweepstakes bằng cách mua một năm báo chỉ có khoảng 24 đô-la mà thôi.

Với chương trình Hot Show trên Truyền hình mà ông Ed McMahon trình diễn chúng ta cũng thấy “dường như” có người trúng cả 10 triệu đô-la thật. Vì thế, nhiều người bị lôi cuốn, ước lượng có hằng trăm ngàn người mua báo, và mỗi người 24 đô-la thì số tiền thu quả là rất lớn.

Vì cách viết văn “chuyên nghiệp” đầy mánh mung nhưng hợp pháp nên thấy có một cụ già nghĩ rằng mình đã trúng 10 triệu đô-la, nên mua vé máy bay hạng sang (1st class) để đi lãnh tiền. Đây là trường hợp được thông tin đại chúng cho biết, nhưng biết bao trường hợp bị mắc lừa hoặc mua báo mà mình không muốn. Hằng năm, Công ty AFP có thể kiếm rất nhiều tiền qua sự mánh mung chữ nghĩa nhưng hợp pháp.

Nigeria(*)

Nigeria là một quốc gia ở Bắc Phi có nhiều dầu hỏa, dân số khoảng 150 triệu người. Nhiều người chuyên nghề lừa gạt xuyên quốc gia. Một trong những phương thức mà họ xử dụng là gửi thư điện tử (e-mail) cho rất nhiều người khắp địa cầu. Một trong những cách dàn cảnh là tùy theo “họ” của “bạn” để thiết lập câu chuyện.

Thí dụ, bạn có họ là Nguyễn, Trần, Bùi… Người lừa đảo gởi thư cho bạn qua thư điện tử với câu chuyện ông ta là một luật sư, có quen một người Mỹ tên “Edward Buida” (trong chữ Buida trông như có liên hệ với họ Bùi), ông chết vì tai nạn xe hơi. Hơn hai năm qua, ông (luật sư) không kiếm được tông tích gia đình, cha mẹ hoặc vợ con của ông Buida để phân phối số tài sản. Nay tìm thấy tên Bùi, có lẽ liên hệ với ông Buida. Tài sản ông Buida ước lượng là 14 triệu đô-la. Để lãnh số tiền này, ông Bùi phải cho biết tên, địa chỉ, ngày tháng và năm sinh, bằng lái xe, mã số giấy chứng minh nhân dân, và số an sinh xã hội (tùy theo quốc tịch của bạn).

Tại Mỹ, mỗi người đều có thẻ và số bảo hiểm xã hội (Social Security Number), gọi tắt là SSN. Ông ta nói thêm, là để bạn có một ít tiền lo thủ tục nhận lãnh tài sản 14 triệu đô-la của ông Buida, bạn cho biết, qua thư điện tử, số tài khoản (bank account), tên và địa chỉ ngân hàng để ông ta chuyển trước 50 ngàn đô-la. Nếu bạn tin điều này là có thật, bạn sẽ cho ông ta toàn bộ các chứng từ lý lịch của bạn như liệt kê ở trên. Thế là bạn đã vào bẫy của ông ta rồi.

Qua các chứng từ vừa kể (identité, iditification), ông ta có thể nhân danh bạn để chuyển (transfer) hết tất cả số tiền mà bạn có trong ngân hàng qua tài khoản của ông ta. Trên hệ thống Truyền hình Mỹ, thỉnh thoảng có trình chiếu các trường hợp tương tự; người thì mất 200 ngàn đô-la, người mất vài triệu đô-la. Tôi có người bạn ở Huế gặp trường hợp tương tự, cô có tiệm vàng tại chợ Đông Ba và đang bị dàn cảnh như trên. Cô khoe với tôi: “Em sắp giàu to”. May mắn tôi đã cho biết kịp thời.

Điều chỉnh tiền nợ (Loan modification):

Để cứu vãn hằng triệu căn nhà bị ngân hàng tịch thu, nhiều tháng qua, chính phủ Mỹ đưa ra chương trình “Điều chỉnh tiền nợ thích hợp theo giá thị trường”.

Thí dụ: Sáu năm trước bạn mua căn nhà với giá 5 trăm ngàn đô-la, trả trước 1 trăm ngàn đô-la, nợ ngân hàng 4 trăm ngàn đô-la, tiền lời 6% mỗi năm. Hàng tháng trả 2 ngàn đô-la tiền lời cộng thêm tiền vốn, và trả trong 30 năm. Nay căn hộ ấy bị xuống giá chỉ còn 3 trăm ngàn đô-la. Bạn không muốn tiếp tục trả nợ hàng tháng vì nhà đã tụt giá. Để tránh việc nhà bị tịch thu (foreclose), chính phủ tài trợ cho ngân hàng một số tiền. Ngân hàng sẽ giảm số nợ còn tồn đọng và giảm tiền trả hàng tháng cho chủ nhà.

Để hưởng được chương trình này, bạn nên kiếm một luật sư hoặc một tổ hợp luật sư đáng tin cậy và chuyên nghiệp về địa ốc (real estate attorneys), người có kinh nghiệm, có giấy phép hành nghề và biết cách để điều đình với ngân hàng.

Hiện nay có gần 75% văn phòng luật sư gian dối dịch vụ “Điều chỉnh tiền nợ” (It's not a secret that nearly 75% of Loan modification companies are fraudulent or scam artists). Một số đã bị bắt, trong đó có bốn “luật sư” người Việt ở Quận Cam. Lý do, họ nhận tiền của hằng trăm thân chủ nhưng không tiến hành công việc, hoặc chỉ làm sơ sài cho có lệ rồi bỏ chạy. Mỗi người mất khoảng 3 ngàn đô-la.

Thế giới càng văn minh thì mánh mung càng nhiều, ai cẩn thận và không tham lam có thể sẽ tránh được nhiều sự lừa đảo tinh vi của nhân thế.


(*)

Nigerian Scams: Mạng google cũng cảnh cáo chúng ta phải cẩn thận: “Có rất nhiều vụ lừa đảo, qua mạng (Internet), nguy hiểm nhất và cách dàn dựng sáng tạo nhất để lấy sạch toàn bộ số tiền trong tài khoản trong ngân hàng của bạn. Vui lòng đưa lên mạng trường hợp bạn bị người Nigerian lừa gạt để lưu ý người khác sự nguy hiểm này”.

Bài liên quan: