Hơn mười năm nay đã có nhiều người gióng lên những tiếng chuông báo nguy về thực trạng giáo dục nước ta từ mẫu giáo cho đến đại học. Những ý kiến đóng góp của họ khá phong phú, đã được đưa lên các báo giấy, báo mạng. Nhưng người viết thì cứ viết, người ra chính sách thì cứ ra và người thực hiện thì cứ làm hầu như một cách độc lập với nhau. Cho nên giáo dục không những không tốt hơn, mà xem ra càng ngày càng tệ hơn! Đã có nhiều hiện tượng làm “nhức đầu” cho những thành phần có liên quan. Người ta cho rằng nền giáo dục đã không làm tròn sứ mạng: không đào tạo thỏa đáng nguồn nhân lực cần thiết cho công cuộc xây dựng đất nước, và không giúp nâng cao văn hóa cho xã hội như mong muốn. Nhiều người đang kêu gọi cải cách một cách triệt để nền giáo dục(1,2).
Nhưng từ nay đến khi có và thực hiện được chương trình cải cách hợp lý chắc còn lâu, cho nên những cái “nhức đầu” vẫn còn xảy ra dài dài nếu không sớm tìm ra phương thuốc hữu hiệu.
Bài viết xin nêu lên một số hiện tượng “nhức đầu” nổi cộm, phân tích nguyên nhân, và đề nghị phương hướng giải quyết.
Vấn đề 1: Không có đủ sinh viên đến đăng ký học
Đã từ hơn 20 năm nay, những ngành khoa học cơ bản Toán, Lý, Hóa, Sinh... và những ngành khoa học xã hội Văn, Sử, Địa, Hán Nôm... tại các trường đại học công lập hàng đầu nước đã không tuyển được và đủ những sinh viên ưu tú nhất, có năng khiếu nhất trong các ngành ấy. Nhưng từ mùa tuyển sinh năm 2011 và đặc biệt năm 2012 thì không những các ngành khó đó mà nhiều ngành trong nhiều đại học vừa công lập và tư thục cũng bị người học chê một cách “thảm bại”. Thậm chí có những đại học mà trong mùa tuyển sinh năm 2012, chỉ có vài ba phần trăm sinh viên tới đăng ký học!(3,4). Có đại học tư thục tuyên bố sẽ tuyển 500 sinh viên với học bổng 3.000 USD/năm đầu cho mọi sinh viên mà cũng chỉ có vài chục sinh viên tới học! Tất nhiên, các ngành không tuyển được sinh viên phải tạm thời dẹp bỏ, nhưng cả một đại học thì làm sao? Tiếp tục mở dạy hay đóng cửa là vấn đề “nhức đầu” đối với nhiều thành viên liên quan trực tiếp: sinh viên đang theo học, cán bộ giảng dạy và nhân viên cơ hữu, cơ quan, chính quyền địa phương và trung ương. Những nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể dễ nhận ra:
a. Các quan chức ở Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấp phép cho quá nhiều đại học mà không cần biết họ thực chất có điều kiện cần và đủ để phát triển hay không(5,6,7). Và cho phép mỗi trường tuyển quá nhiều sinh viên khi chưa có đủ thầy cơ hữu, chưa đủ phương tiện, cơ sở vật chất để giảng dạy(8).
b. Các địa phương và các nhà đầu tư mở trường với nhiều mục đích vừa tốt và xấu. Tốt: con em địa phương có nơi học tập được ngành nghề và nâng cao dân trí. Xấu: danh và lợi: địa phương được tiếng có đại học, nhiều người có bằng cấp; và xem giáo dục như một dịch vụ dễ kiếm tiền.
c. Nhà nước và các chính quyền địa phương đã không có chính sách, kế hoạch và biện pháp hữu hiệu cho việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực cần thiết cho sự phát triển của đất nước mà để cho giáo dục bị chi phối bởi sự đòi hỏi nhất thời của thị trường tự do về nhân lực. Điều này khiến cho những học sinh có năng khiếu, có đam mê chuyên biệt mà không có đủ tiền để theo học đến cùng ngành nghề yêu thích và có sở trường như các ngành khoa học cơ bản, các ngành khoa học xã hội để trở thành những nhà nghiên cứu đích thực. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho đất nước. Bởi vì chỉ những người có năng khiếu, có đam mê được theo học đúng ngành sở thích thì mới có thể trở thành những chuyên gia giỏi, những tài năng thật sự cần thiết cho sự tiến bộ của đất nước.
d. Những học sinh thuộc loại giỏi nhất đã được học bổng du học, rất nhiều học sinh con nhà khá giả cũng du học tự túc vì nhiều lý do, trong đó có lý do là chê giáo dục đại học nước ta.
Giải pháp nào? Bản thân chúng tôi đã có bài viết: Lối thoát nào cho giáo dục đại học nước ta? đã đăng trong tạp chí Hồn Việt số 60, tháng 7/2012 (có thể xem báo in hay xem trên website: http://honvietquochoc.com.vn) nhằm góp ý cải cách toàn diện. Ở đây, riêng về vấn đề “thiếu người học” thì xin đề nghị mấy ý:
1. Giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường để bảo đảm chất lượng đào tạo.
2. Trừ các trường chuyên nghề như Sư phạm, Y Dược, thì tại các trường Khoa học Xã hội – Nhân văn, Khoa học Tự nhiên, Kinh tế... không nên cho sinh viên chọn chuyên ngành hẹp quá sớm ngay trong đơn dự thi. Nên gộp nhiều ngành hẹp lại thành một khối trong tuyển sinh. Sau khi học từ một năm rưỡi đến hai năm hãy sàng lọc và cho chọn ngành theo khả năng của sinh viên và theo chỉ tiêu của từng ngành hẹp.
3. Đại học công lập: Có chính sách đúng về đào tạo nhân lực. Nhà nước cần quy hoạch số lượng cán bộ các ngành cần đào tạo cho nhu cầu phát triển. Căn cứ vào đó, những ngành sẽ cần, nhưng khó tìm việc ở thị trường tự do như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Hán Nôm… thì nhà nước “nuôi” các ngành ấy bằng chính sách học bổng, miễn giảm học phí để khuyến khích sinh viên có năng khiếu, có đam mê theo học đúng sở thích. Ngoài ra, điều rất quan trong là cần phải tăng lương cho toàn bộ nhà giáo để họ đủ sống mà yên tâm lo giảng dạy với số giờ vừa phải và có thì giờ làm nghiên cứu.
4. Các đại học tư thục: được sinh ra trong cơ chế thị trường thì cũng sẽ bị “chết” theo cơ chế ấy là lẽ tất nhiên. Các trường không tuyển được số tối thiểu sinh viên, ban lãnh đạo trường hãy can đảm “xuống đúng vị trí” bằng cách biến trường thành đại học cộng đồng 2 năm: dạy bổ túc văn hóa, dạy nghề từ vài tháng đến 2 năm, dạy chương trình liên kết 2 năm đầu cho các đại học 4 năm (xem văn bằng Associate Degree ở phần dưới đây). Việc “xuống đời” này sẽ là giải pháp tốt cho sự tồn tại của các trường “yếu” vì không đòi hỏi nhiều cán bộ giảng dạy phải có bằng tiến sĩ, và “được việc” trong vai trò giáo dục tại địa phương.
Vấn đề 2: Không tuyển công chức có văn bằng đại học hệ tại chức, liên thông, dân lập, tư thục
Tới nay đã có khoảng 10 địa phương mà khởi đầu là Đà Nẵng từ tháng 10 năm 2011, mới nhất là Thái Nguyên tuyên bố không tuyển công chức tốt nghiệp từ hệ tại chức, dân lập, tư thục, liên thông. Điều này khiến cho các trường dân lập, tư thục, các trường đào tạo nhiều hệ tại chức và người học theo các hệ ấy phản đối.
Bên phản đối cho rằng:
a. Bằng đại học một khi được nhà nước cho phép cấp phát thì có giá trị như nhau.
b. Chủ trương ấy là vi phạm luật giáo dục, phạm luật lao động v.v…
c. Việc tuyển dụng như vậy là xem trọng bằng cấp mà không nghĩ đến “thực tài”.
d. Thế giới, người ta gọi đến phỏng vấn để chọn chứ không coi trọng cái bằng.
Thật ra, không phải mọi người nộp đơn đều được mời phỏng vấn, mà họ tự sàng lọc theo tiêu chuẩn riêng rồi chỉ chọn một số ứng viên mà họ đánh giá là có tiềm năng nhất, thường là gấp 2 hay 3 lần số cần tuyển.
Một vài quan chức ở Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ cũng tỏ ra “ủng hộ” họ bằng cách nói bằng “tại chức”, bằng “chính quy” có giá trị như nhau. Nhiều người dân cũng góp ý, nhiều người tán thành chủ trương của các địa phương, và cũng có nhiều người phản đối(9).
Bên tuyển dụng nhân sự không đưa ra lý do cụ thể. Nhưng dường như hai lý do chính là:
a. Họ không tin đại đa số những người tốt nghiệp các hệ tại chức, dân lập, tư thục, liên thông đã được đào tạo một cách nghiêm túc, sẽ không đủ khả năng làm việc như họ mong muốn.
b. Họ muốn đưa ra một rào cản chung để ngăn chặn từ xa cái “ nhức đầu” có khi nguy khốn cho sự nghiệp của họ là việc họ nhận được “lời nhắn” của các “cụ” hay các “anh hai, anh ba, anh năm, anh bảy... nào đó” khi “con cháu” các vị ấy nộp đơn với tấm bằng “tại chức, dân lập, tư thục, liên thông”.
Chúng tôi xin góp ý như sau:
Thứ nhất: Học tại chức tức là học trong khi đang làm việc. Hình thức học này tạo cơ hội cho rất nhiều người đang làm việc mà thu xếp thì giờ hợp lý để học tập thu nhận kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, như người kỹ sư, người bác sĩ, người thầy giáo vừa đi làm vừa học để lấy bằng cao học, tiến sĩ. Đây là điều nên khuyến khích. Hình thức học này là cần thiết vì đó là một dạng của việc học tập suốt đời và hiện tồn tại và phát triển ở mọi nơi trên thế giới. Nhưng cái quan trọng là làm sao cho việc học tại chức có cùng nội dung học, cùng trình độ như học chính quy, để văn bằng tại chức có giá trị như văn bằng chính quy? Ở nước ta, trong thời gian qua việc học tại chức đã bị lạm dụng từ cả hai phía vì “lợi” và “danh”. Phía nhà trường mặc dầu thiếu thầy giáo, thiếu trang thiết bị, thiếu cơ sở thực tập… vẫn đua nhau mở hệ tại chức với quy mô rất lớn, tại nhiều địa phương khác nhau để có được càng nhiều học viên càng thu được nhiều tiền, càng có “lợi”. Nói lên điều này thì cũng phải thấy “nỗi đau” của nhà giáo, của nhân viên nhà trường là lương chính thức của họ quá ít, nếu không dạy thêm nhiều giờ, nhiều nơi thì làm sao đủ sống?
Phía người học, vì thấy hệ tại chức mở ra khắp nơi, với các điều kiện: đầu vào, quá trình học và đầu ra quá dễ, kiếm “cái bằng” quá nhẹ nhàng nên theo học. Nhiều nơi chủ động liên kết với các trường ở xa mở lớp tại chức tại địa phương mình để vừa “có thu nhập” vừa tạo cơ hội cho nhiều cán bộ học tại chức để có “cái bằng” mà hợp thức hóa chức vụ hay củng cố vị trí theo quy chế của chính quyền. Như vậy cũng vừa “có lợi” vừa “có danh”.
Chính vì bị lạm dụng bởi “lợi” và “danh” khiến cho “tại chức” ở nước ta mất đi cái ý nghĩa chân chính là “hình thức học suốt đời để hiểu biết nhiều hơn, cập nhật kiến thức, nhờ đó giúp ích nhiều hơn cho xã hội”, mà thay vào đó lại “cho ra lò” quá nhiều “cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ” kém chất lượng, không làm được việc theo đúng chức năng, mà lại chiếm đầy hết những vị trí, chức vụ trong các cơ quan nhà nước, không còn cơ hội làm việc cho những người trẻ vừa tốt nghiệp chính quy mới ra trường. Phải chăng, đó là lý do chính để các chính quyền địa phương tuyên bố “không” với các loại bằng ngoài chính quy công lập?
Thứ hai: Về phía cơ quan tuyển dụng nhân viên, họ luôn luôn muốn tuyển chọn được những nhân viên làm được việc, chứ không ai điên gì tuyển những người không làm được việc, cho nên bằng cách này hay cách khác họ phải đề ra một số tiêu chuẩn để tuyển chọn được nhân sự có khả năng nhất, làm việc hữu hiệu nhất.
Vấn đề cốt lõi là Bộ GD&ĐT và các trường củng cố toàn diện hệ tại chức sao cho các khâu “tuyển chọn đầu vào”, “quá trình đào tạo”, “thi tốt nghiệp” thật nghiêm túc, để chất lượng tương đương với hệ chính quy công lập.
Tôi đề nghị là chúng ta “khai tử” các cụm từ “tại chức” và “chuyên tu” mà thay vào “chế độ học bán thời gian”. Như thế trong một văn bằng chỉ có hai chế độ học là “toàn thời gian” và “bán thời gian”.
Toàn thời gian là chế độ học dành cho sinh viên thuần túy, học ban ngày theo học trình với thời gian chuẩn quy định trước, chẳng hạn “4 năm” cho cử nhân. Bán thời gian là chế độ học dành cho những người không có thời gian học ban ngày, mà học vào buổi tối, các ngày nghỉ cuối tuần với tổng thời lượng trong một tuần không thể bằng chế độ toàn thời gian, nhưng ít nhất bằng một nửa (để đảm bảo kiến thức tích lũy đến khi tốt nghiệp không lạc hậu, nếu thời lượng học quá ít thì thời gian cần tốt nghiệp quá dài, kiến thức tích lũy sẽ không còn ý nghĩa). Nhưng thời lượng ít, thì chỉ có nghĩa là số môn học ít lại, chứ trong mỗi môn học thì tổng thời lượng và nội dung học cho bán thời gian cũng bằng cho toàn thời gian. Ngoài ra, việc tuyển chọn đầu vào, việc thi từng môn và thi tốt nghiệp cũng phải tương đương với toàn thời gian ở hệ chính quy. Điều này sẽ dễ dàng áp dụng khi các đại học chuyển hẳn qua cách học lấy tín chỉ (credit) thay cho chế độ niên chế. Khi đó tích lũy được bao nhiêu tín chỉ trong những môn nào thì được cấp bằng cho bất cứ hệ toàn hay bán thời gian. Chẳng hạn ở Mỹ, chương trình cử nhân thông thường cần 4 năm, mỗi năm 2 học kỳ, thì người sinh viên theo chế độ toàn thời gian (full time) học ít nhất 4 môn mỗi môn có được 3 credit, tức ít nhất được 12 credit trong một học kỳ. Còn người theo chế độ bán thời gian (part time) học không tới 4 môn (12 credit) nhưng ít nhất phải học 2 môn với 6 credit, và ngoài 2 học kỳ chính, người sinh viên cả toàn lẫn bán thời gian có thể học thêm vào mùa hè (khi nhà trường có tổ chức lớp học).
Điều quan trọng là nội dung học tập của mỗi môn học trong bán thời gian và toàn thời gian đều như nhau và trình độ đề thi cũng như nhau, điểm cho sẽ có giá trị như nhau, và nội dung toàn học trình của bán thời gian cũng y như toàn thời gian, chỉ khác là bán thời gian thì cần nhiều thời gian hơn để hoàn tất toàn bộ chương trình hơn toàn thời gian. Khi đó thì mới có quyền nói là “Văn bằng có giá trị như nhau”.
Vấn đề 3: Liên thông
Liên thông là cách nói chuyển từ cấp học thấp lên cấp học cao, từ trường này qua trường khác để học lấy bằng ở cấp cao hơn. Hình thức này giúp cho nhiều người ban đầu chưa đủ điều kiện học ngay ở trường cấp cao, phải học ở một trường cấp thấp, có thể đi làm một thời gian, rồi về sau với “cái vốn” học được ở trường cấp thấp được chuyển tiếp lên học ở trường cấp cao hơn. Về mặt lý thuyết, chủ trương này phù hợp với lòng mong muốn học tập của mọi người và khuyến khích học tập suốt đời. Nhưng “liên thông” trong điều kiện nào? Khi không quy định rõ “liên thông trong điều kiện nào” thì “liên thông” sẽ bị lạm dụng ngay bởi hai phía “lợi” và “danh” y như trong hệ tại chức. Các chủ trường sẽ nhận nhiều học sinh thi rớt đại học vào học nghề hay cao đẳng, sau đó cho liên thông lên chương trình đại học mà xem các năm học ở trường nghề tương đương với các năm ở cao đẳng, các năm ở cao đẳng tương đương với các năm ở đại học. Người học thì thấy “con đường thênh thang” vì mặc dầu thi rớt đại học, nhưng vẫn sẽ có bằng đại học mà việc học lại dễ, lại rẻ hơn vài năm đầu ở đại học chính quy, cho nên không dại gì mà không đăng ký học. Như vậy “lợi” cho cả nhà trường “thu được tiền”, còn người học “vừa có lợi vừa có danh”. Chính vì thế mà rất nhiều trường mở lớp dưới hình thức “liên thông” nên mới có hiện tượng “loạn liên thông” ở nước ta (10,11,12,13,14). Đó cũng là lý do cho nhiều địa phương “nói không” với “bằng đại học” theo chế độ “liên thông”.
Ở Mỹ, có cho phép liên thông đại học, nhưng liên thông theo nghĩa “đã học chương trình đúng như 2 năm đầu ở đại học 4 năm và phải đạt trình độ tương đương nào đó” chứ không phải “học 2 năm trung cấp nghề” hay “2 năm cao đẳng nghề” rồi “liên thông” lên năm thứ 3 để học thành kỹ sư bởi “2 năm trung cấp nghề” hay “2 năm cao đẳng nghề” là học ra lấy bằng để làm một nghề cụ thể, không tương đương với 2 năm đầu của “kỹ sư”. Tương tự học “y tá” hay “điều dưỡng” thì không thể liên thông lên “y sĩ”; học “y sĩ” không thể liên thông lên “bác sĩ”. Ở Mỹ, ngành đào tạo bác sĩ khá nghiêm ngặt vì nghề nghiệp liên quan tới sinh mạng của con người. Một sinh viên muốn học thành bác sĩ, trước hết phải học ở Đại học Tổng hợp ít nhất 3 năm, thường 4 năm với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và Anh văn v.v… mới thi bài MCAT (Medical College Admission Test) trên máy tính kéo dài khoảng 5 giờ, có giá trị trên toàn nước Mỹ, tổ chức 28 lần/năm tại các Prometric centers(15) và mỗi sinh viên thi được 3 lần/năm, không hạn chế số lần thi trong suốt đời, MCAT có giá trị trong 4 năm. Thi đỗ MCAT mới có thể nộp đơn xin vào trường Y (Medical School).
Vì vậy, một giải pháp cho liên thông hợp lý ở nước ta là cần có sự cam kết giữa trường cấp thấp A với trường cấp cao B một cách cụ thể: trường A cam kết dạy đúng chương trình và trình độ tương đương mấy năm đầu của trường B, và trường B chỉ nhận liên thông sinh viên tốt nghiệp ở A theo chương trình cam kết với mình và với kết quả học tập do trường B quy định hàng năm. Nước ta chưa có cơ quan độc lập thẩm định và công nhận giá trị của các trường cao đẳng, đại học, cho nên sự cam kết giữa trường A và trường B cần phải được công khai và trong tinh thần trách nhiệm cao nhất của A và B. Trường B có quyền từ chối nhận sinh viên tốt nghiệp ở A khi kết quả học tập dưới chuẩn quy định của mình, và cũng không nhận sinh viên tốt nghiệp ở trường cấp thấp C mà không có ký cam kết “liên thông” với B. Tương tự, một sinh viên tốt nghiệp trường cấp thấp A không thể “liên thông” lên trường cấp cao D mà D không ký cam kết liên thông với A.
Việc liên thông như tôi đề nghị sẽ mở ra một hướng mới ở đại học nước ta: Những đại học không tuyển đủ sinh viên nên “can đảm xuống đời” thành đại học cộng đồng 2 năm, ký cam kết dạy 2 năm đầu cho một hay nhiều trường đại học 4 năm. Những sinh viên thi rớt vào đại học 4 năm có thể được nhận vào đại học cộng đồng tại địa phương của mình. Đối với những sinh viên này, học ở đây sẽ phù hợp và có lợi cho bản thân: được học từ trình độ thật của mình học lên. Chẳng hạn, trước khi vào học, phải làm một bài về toán để đánh giá trình độ, nếu bài thi thấy chỉ ngang tầm lớp 10 thì nhà trường cho học bổ sung mấy lớp toán trước khi ghi học chương trình toán đại học. Tương tự, nếu bài thi thấy Anh văn chỉ ngang lớp 9 thì nhà trường cho học bổ sung mấy khóa Anh văn trước khi học Anh văn cấp đại học. Ngoài ra, học phí rẻ hơn ở đại học 4 năm v.v… Với những sinh viên yếu như thế phải học nhiều thời gian hơn 2 năm mới có thể đủ sức vào học năm thứ 3 của đại học 4 năm. Nếu sau khi tốt nghiệp chương trình liên kết mà người sinh viên không được trường nào nhận “liên thông” vì thành tích học không đạt yêu cầu của trường 4 năm thì chuyển qua học nghề tại đại học cộng đồng ấy. Cũng nên biết là rất nhiều sinh viên tốt nghiệp cử nhân ở Mỹ không xin được việc làm, trở về học nghề từ vài tháng đến 2 năm tại đại học cộng đồng thì lại tìm được việc làm.
(Còn tiếp)(1) Khẩn trương thay đổi căn bản và toàn diện nền giáo dục
(http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120927/khan-truong-thay-doi-can-ban-va-toan-dien-nen-giao-duc.aspx)
(2) Giáo dục: Tiếp tục giam hãm hay khai phóng? (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/90595/giao-duc-tiep-tuc-giam-ham-hay-khai-phong-.html)
(3) Nhiều ngành học có nguy cơ đóng cửa (http://tuoitre.vn/Giao-duc/513188/Nhieu-nganh-hoc-co-nguy-co-dong-cua.html)
(4) Những chấm phá buồn của bức tranh đại học (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/90192/nhung-cham-pha-buon-cua-buc-tranh-dai-hoc.html)
(5) Đại học mọc như nấm (http://tuoitre.vn/Giao-duc/460081/Dai-hoc-moc-nhu-nam.html)
(6) Kiến nghị giải thể trường đại học kém chất lượng (http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2011/10/kien-nghi-giai-the-truong-dai-hoc-kem-chat-luong/)
(7) Căn bệnh lạm phát đại học ở Việt Nam? (http://www.gocnhinalan.com/bai-cua-khach/cn-bnh-lm-pht-hc-vit-nam.html)
(8) Trường đại học “khát” giảng viên (http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2011/11/truong-dai-hoc-khat-giang-vien/)
(9) Chính quy, tại chức: Xe Tàu như xe Nhật? (http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/91252/chinh-quy-tai-chuc-xe-tau-nhu-xe-nhat-.html)
(10) Dễ dãi liên thông (http://tuoitre.vn/Giao-duc/462826/De-dai-lien-thong.html)
(11) Loạn đào tạo ngành nghề (http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20111011/Loan-dao-tao-nganh-nghe.aspx)
(12) Liên thông “chui” (http://tuoitre.vn/Giao-duc/514148/Lien-thong-“chui”.html)
(13) Vụ liên thông “chui” (http://tuoitre.vn/Giao-duc/514311/Xu-ly-truoc-xet-cap-phep-sau.html)
(14) Nên giám sát quá trình đào tạo (http://tuoitre.vn/Giao-duc/513647/Nen-giam-sat-qua-trinh-dao-tao.html)
(15) Medical College Admission Test
(http://en.wikipedia.org/wiki/Medical_College_Admission_Test,2007 Completely Computerized MCAT Exam". Association of American Medical Colleges)