Những hệ lụy của cách nhìn sai lầm về tỉ số thi đỗ

Mỗi năm, sau khi có kết quả thi tú tài, thì tỉ số đỗ tú tài của các địa phương khiến dư luận nước ta lại rộ lên nhiều ý kiến: Phải chăng có gian lận trong các khâu tổ chức thi, coi thi, chấm thi khiến tỉ số ở các tỉnh, thành lên cao ngất, không phản ánh trung thực chất lượng học tập của các địa phương.

Đó là căn bệnh “chạy theo thành tích” đã “thâm căn cố đế” trong não trạng của các lãnh đạo địa phương mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa cách gì ngăn cản được. Từ đó, nhiều người cho rằng thi như thế là tốn công, tốn của một cách vô ích nên bỏ thi tú tài là hơn; nhiều người lại cho rằng, Bộ không nên ôm đồm tổ chức thi mà giao cho từng địa phương tự tổ chức thì có thể giảm hay chận đứng đươc nạn “chạy theo thành tích”....
lầm về tỉ số thi đỗ trong giáo dục không những ở nước ta mà ngay cả ở Mỹ. Loạt bài gồm:

I. Các tỉ số thi đỗ tú tài của ta có ý nghĩa gì?

II. Vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử giáo dục Mỹ.

III. Các cuộc cải cách giáo dục của Tổng thống Bush và của Tổng thống Obama căn cứ trên tỉ số thi đỗ đã bị chỉ trích như thế nào?

IV. Bộ có nên giao cho từng địa phương tự tổ chức thi tú tài không?

Thí sinh ra về sau khi hoàn thành bài thi tại điểm thi Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Ảnh minh họa.

------------------------------

Các tỉ số thi đỗ tú tài của ta có ý nghĩa gì?

(Kỳ I) 

Nhiều năm từ 2006 trở về trước, tỉ lệ đỗ kỳ thi tốt nghiệp trung học tại các địa phương đã lên quá cao, xấp xỉ 95%, có nơi gần 100%. Nhiều ý kiến cho tỉ lệ cao này không phản ánh đúng học lực của học sinh, mà kết quả cao là do các địa phương cố ý làm sai quy định của Bộ từ tất cả các khâu tổ chức thi, coi thi, chấm thi cốt tạo điều kiện cho địa phương mình có tỉ lệ đỗ càng cao càng tốt.

Chính vì để chấn chỉnh căn bệnh “chạy theo thành tích” này, năm 2007, Bộ GD-ĐT đã phát động chiến dịch “Hai không” = “Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực”.

Ban đầu, do “sợ uy” của cuộc vận động này mà các địa phương tổ chức thi và chấm được nghiêm túc hơn nên năm 2007, tỉ lệ đỗ kỳ thi tốt nghiệp giảm, chỉ còn 66,7%. Có thể nói tỉ lệ này phản ánh tương đối trung thực học lực của học sinh. Nhiều nhà giáo tâm huyết tỏ ra phấn khởi vì nghĩ rằng từ nay giáo dục của ta có cơ may thoát khỏi “bệnh thành tích”.

Nhưng tỉ lệ thấp này lại làm cho nhiều người không vui, nên qua “cơn sợ uy ban đầu”, họ đã đủ “bản lĩnh” tìm mọi cách để nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp lên, cho nên năm 2008 thì tỉ lệ đã lên tới 75,96% (tăng 9,26% so với năm 2007).

Có lẽ Bộ GD-ĐT đã thấy có triệu chứng “bệnh thành tích ngóc đầu dậy” nên năm 2009, để củng cố “Hai không”, Bộ lại đưa ra phương thức “thi cụm, chấm chéo”.

Tuy vậy, người ta đã thừa kinh nghiệm để “lách” các phương thức của Bộ nên năm 2009, tỉ lệ lại cao hơn, lên tới 83,3% (tăng 7,34% so với năm 2008, và tăng 16,6% so với năm 2007). Rồi mặc dầu, “thi cụm, chấm chéo” được tiếp tục áp dụng, năm 2010 tỉ lệ vẫn tiếp tục cao, lên tới 92,57% (tăng 25,87% so với năm 2007, là năm cắm mốc chống bệnh thành tích).

Rồi năm nay 2011, theo cái đà “đỗ nhanh, đỗ mạnh, đỗ vững chắc” ấy, tỉ số đỗ tú tài của Việt Nam ta đã leo thang lên tới đỉnh trời, cao nhất thế giới. Thật vậy, số liệu cho thấy: Ở hệ chính quy: Hơn 50 tỉnh thành có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trên 90%. Trong đó có 37 tỉnh thành có tỉ lệ tốt nghiệp trên 95% và 12 tỉnh thành tốt nghiệp đạt trên 99%; dẫn đầu là tỉnh Nam Định: 99,89%, kế tiếp là Ninh Bình: 99,78%...

Đáng ngạc nhiên là những điều sau đây:

1. Các tỉnh miền núi phía Bắc, với mặt bằng học lực của học sinh vốn là không cao, mà năm nay (2011): 12/13 các tỉnh lại có tỉ lệ tốt nghiệp hệ trung học phổ thông từ trên 91% trở lên.

2. Tuyên Quang với tỉ lệ đỗ 99,76%, vươn lên đứng thứ ba cả nước!

3. Điện Biên vươn lên tỉ lệ 95,65%, trong khi năm 2010 có tỉ lệ 71%, là tỉnh đứng thứ 63 cả nước.

4. Sơn La từ vị trí cuối bảng xếp hạng năm 2009, thì năm nay (2011) cũng vọt lên 97,79%.

5. Bắc Kạn tuy là tỉnh duy nhất của khu vực miền núi phía Bắc đạt kết quả tốt nghiệp dưới 90%, là 88,70% nhưng so với năm 2010, tỉ lệ này đã tăng gần 20%.

Khu vực ĐBSCL năm nay cũng “vùng lên” không kém: 10/12 tỉnh có kết quả tốt nghiệp đạt trên 90%, trong đó có 3 tỉnh đạt trên 97%. Thấp nhất khu vực này là Vĩnh Long và Bến Tre, nhưng với tỉ lệ tốt nghiệp lần lượt 86,56% và 84,15%, thì cũng đã tăng cao hơn nhiều so với năm 2010.

Ở hệ giáo dục thường xuyên, tỉ lệ tốt nghiệp năm nay còn tăng rõ hơn: tăng từ 15% đến 68%. Đa số các tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp đạt từ 91% trở lên, trong đó có 12 tỉnh thành đạt 99% trở lên. Nam Định đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100%. Ngạc nhiên nhất là Điện Biên có tỉ lệ tốt nghiệp 88,86%, tăng trên 68% so với năm 2010.

Như vậy là sau 4 năm với chiến dịch “Hai không”, tốn biết bao công và của, thì tỉ lệ đỗ kỳ thi tốt nghiệp trung học năm 2011 lại tăng lên gần 30% so với năm 2007, và tỉ lệ đỗ đã vượt hơn cả thời kỳ 2006 – được cho là “quá ảo”, là lý do chính đáng để Bộ GD-ĐT phát động “Hai không”.

Như thế nghĩa là sao? Nghĩa là không những “mèo lại hoàn mèo, còn quá mèo nữa”! Chính vì vậy mà nhiều người đã nói “Hai không” đã phá sản.Và rất nhiều người nói “thi như thế là vô ích, nên bỏ kỳ thi”, có người nói “nên giao cho từng tỉnh tự tổ chức thi”...

Thí sinh xem kết quả thi đại học. Ảnh minh họa.

Các con số tỉ lệ của ta nói lên điều gì?

Nếu căn cứ vào các tỉ số đỗ này mà quy kết về trình độ học lực của học sinh, về hiệu quả đào tạo của các cơ sở giáo dục địa phương là sai lầm, và rồi căn cứ trên các quy kết đó mà khen thưởng, khiển trách các địa phương lại càng sai lầm: sai lầm chồng chất lên sai lầm! Đó mới là căn bệnh “thâm căn cố đế” của giáo dục nước ta.

Xin nói rõ, sai lầm ở đây không phải do việc tổ chức thi, coi thi, chấm thi không nghiêm túc theo quy định của Bộ GD-ĐT khiến cho các tỉ số ấy là không đúng với thực chất. Giả sử các tỉ số ấy có được qua việc nghiêm túc từ tất cả các khâu của quá trình thực hiện việc thi và chấm thi, thì những tỉ số ấy chỉ nói lên: đó là tỉ số giữa số người thi đỗ với số người dự thi tại một địa phương, mà không nói lên được trình độ chung của học sinh, không nói lên được hiệu quả đào tạo.

Quả vậy, hãy thử so sánh một thành phố lớn và một tỉnh nhỏ: tỉnh A có tỉ số học sinh đỗ 99,76%, thành phố B có tỉ số đỗ 90%. Nếu căn cứ vào hai tỉ số ấy mà nói rằng, mặt bằng học lực của học sinh tỉnh A, việc đào tạo của tỉnh A có hiệu quả hơn thành phố B là hoàn toàn sai!

Vì sao? Hãy xem cả lứa học sinh thi tú tài năm 2011 tại hai nơi mới có thể kết luận một cách chính xác hơn. Để thi năm 2011, lứa học sinh phải vào học lớp 10 (bắt đầu cấp 3 năm) năm 2008.

Giả sử năm 2008, thành phố B có 100.000 học sinh vào học lớp 10 năm 2008, lứa này lên lớp 12 năm 2010 còn lại 90% tức 90.000, và 90.000 học sinh này thi đỗ được 90%, tức có được 81.000 học sinh thi đỗ, cho nên tỉ lệ đỗ của lứa 2011 ở TP.HCM là: 81/100.000 = 81% trong quá trình đào tạo 3 năm.

Trong khi ở tỉnh A, giả sử năm 2008 có 20.000 học sinh vào lớp 10, lứa này lên lớp 12 năm 2010 chỉ còn 60%, tức còn 12.000 em, rồi cuối năm lớp 12 chỉ còn 8.000 em đi thi, và đỗ 99,76%, tức có 7.981 học sinh, như vậy tỉ lệ tốt nghiệp của lứa 2011 ở tỉnh A là 9.981/20.000 = 49,88%.

So sánh 81% của thành phố B với 49,88% của tỉnh A thì hiệu quả đào tạo tỉnh A kém xa thành phố B! Vì giáo dục của tỉnh A chỉ giúp cho 49,88% học sinh cấp 3 đỗ tú tài, trong khi thành phố B có tỉ số 81%.

Đó là chưa kể cần phải tính chi phí đào tạo được một tú tài trong quá trình đào tạo 3 năm, còn chi li hơn phải tính tỉ số, chi phí trong quá trình 7 năm từ cấp 2, hay 12 năm từ cấp 1, mới có thể có đủ thông số để đánh giá hiệu quả đào tạo, và mới có thể lập kế hoạch cho việc đào tạo tương lai. (Khi tính tỉ số đỗ tú tài của lứa gồm 7 năm học từ cấp 2 thì mới ước tính gần đúng tỉ lệ dân chúng có bằng tú tài).

Vậy nếu chỉ căn cứ vào tỉ lệ đỗ trong một kỳ thi mà đánh giá hiệu quả đào tạo của giáo dục địa phương là quá sai lầm! Chưa kể là các tỉ số ấy lại là tỉ số “ảo” do các ngài địa phương gian lận, tìm mọi cách “lách” quy trình nghiêm ngặt của Bộ trong các khâu tổ chức thi, coi thi, chấm thi cốt để tỉ số đỗ của địa phương mình càng cao càng tốt!

Ở các nước, chẳng hạn Pháp, Mỹ người ta đều quan tâm tính số đỗ của từng lứa học sinh chứ không tính tỉ số đỗ trong một kỳ thi, vì chính tỉ số đỗ của lứa cho biết hiệu quả đào tạo hơn là tỉ số trong một kỳ thi.

Ở Pháp, tỉ lệ đỗ tú tài tính theo lứa học sinh (tỉ lệ giữa số đỗ tú tài với số học sinh vào lớp 10 cách đó 3 năm) thay đổi qua thời gian như sau: vào khoảng 5% năm 1950, tăng dần lên từ 20% năm 1970 tới 29,4% năm 1985, 43,5% năm 1990 và 62,7% năm 1995, và tỉ lệ 62,7% này tương đối ổn định từ năm 1995 đến nay.

Ứng với tỉ lệ theo lứa 62,7% này, tỉ lệ đỗ hàng năm tương đương với 80% (tỉ lệ giữa số đỗ với số dự thi). Với tỉ lệ theo lứa là 62,7%, người ta có cơ sở để nói rằng, dân Pháp có khoảng 62,7% có bằng tú tài.

Còn ở Mỹ, tỉ lệ theo lứa (tỉ số giữa số có bằng tốt nghiệp trung học với số học sinh vào học lớp 9 trước đó 4 năm): lứa 1998, trung bình cả nước Mỹ là 71%, bang cao nhất: 93%, bang thấp nhất: 54%. Lứa 2001: 72%; lứa 2006: 69,2%; lứa 2007: 68,8%; lứa 2008: 75%. Nhưng không phải chỉ mỗi tỉ lệ theo lứa là đủ để kết luận hiệu quả đào tạo, mà còn phải kể thêm các yếu tố khác nữa.

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT toàn quốc từ năm 2006 đến 2011.

Bệnh thành tích

Như trên đã phân tích, xem tỉ lệ đỗ tú tài trong một kỳ thi tại một địa phương là “thành tích” của quá trình đào tạo của địa phương ấy đã là một sai lầm lớn. Rồi lại căn cứ vào cái sai lầm ấy mà khen, chê, thưởng, phạt lại là một sai lầm khác nữa. Vậy là sai lầm chồng chất lên sai lầm!

Và đó là “nguyên nhân chủ yếu, là mẹ đẻ ra bệnh thành tích”. Không hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh thì đương nhiên không thể chữa được bệnh. Điều này lý giải tại sao, Bộ đã đưa ra các chiến dịch “truy lùng, dịệt địch” là “Hai không”, rồi bồi thêm chiến dịch “bình định” là “thi cụm, chấm chéo” mà “địch quân vẫn ngóc đầu dậy” mạnh mẽ hơn (!) khiến cho tỉ lệ đỗ từ năm 2007 đến 2011 đã từ 66,7% tăng lên đến trên 95%, tức là đã tăng lên 30% chỉ trong vòng 5 năm, là cái chuyện mà chỉ có “thần thánh” mới làm nổi chứ không ai làm nổi trên cõi đời này từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim!

“Thần thánh” ở đây là những ai? Ai có con em đi thi ắt cũng mong con em thi đỗ, nhưng những phụ huynh bình thường thì dù có muốn chừng nào cũng không thể “ra tay làm lệch” kết quả thi cử được, chỉ có những người có thế lực mới làm được điều đó. Người có thế lực ở bất cứ xã hội nào cũng hoặc là những người có quyền lực chính trị, hoặc có quyền lực quyết định vấn đề, hoặc giàu có.

Những người này vì muốn cho địa phương của mình cái gì cũng tốt, cũng hơn thiên hạ do từ cái tiếng tốt, tiếng hơn ấy mà được thăng quan tiến chức, được giữ được cái ghế cho nhiệm kỳ tới (dù cái tốt, cái hơn ấy thực chất là không tốt, không hơn gì cả như tỉ số đỗ theo cách tính của ta hiện nay) hoặc vì muốn con em mình thi đỗ thì họ thừa sức ra tay làm lệch kết quả thi, chạy theo thành tích.

Một điều nói thật mích lòng là phần đông con em mấy vị có thế lực thường quá dư điều kiện để ăn chơi nên không ham học; mà không ham học thì không thể tự mình thi đỗ được, phải nhờ vào nhiều cách gian lận.

Chúng ta cũng đã thừa kinh nghiệm để biết rằng thành tích học tập của học sinh không thể do thầy giáo, nhà trường, chương trình, chính sách tạo ra được nếu không có sự nỗ lực của chính bản thân học sinh. Thầy cô giáo có dạy trời, nhà trường có biện pháp thúc ép trời mà các “cậu ấm, cô chiêu” không thèm học thì “trời” cũng không làm cho điểm thi của họ cao lên được, thì làm sao 100% tinh thông được, chỉ trừ gian lận!

Trái lại, với tinh thần ham học tập, với khả năng trí tuệ kha khá, với sự hướng dẫn đúng hướng của thầy cô giáo (không phải dạy ngày dạy đêm, dạy nhồi nhét), các học sinh tự biết cách học sẽ đạt thành quả cao như một số các thủ khoa trong các kỳ thi nước ta vốn là những học sinh con nhà nghèo, ở miền quê, không có điều kiện đi học thêm như những học sinh con nhà giàu khác.

Điển hình là các em Nguyễn Trường Thịnh (tỉnh Đồng Tháp) đã trở thành tân thủ khoa của trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM); Lê Minh Khiết (tỉnh Quảng Ngãi) đỗ thủ khoa 2 trường Đại học Y Dược TP.HCM và Đại học Ngoại thương TP.HCM trong đợt thi vừa công bố kết quả tháng 7/2011 này.

Do đó, ngoài lý do thăng quan tiến chức, việc muốn con em mình dễ thi đỗ thì những người có thế lực cũng sẵn sàng “ra tay” làm lệch kết quả thi. Mà một khi giới chức có thế lực tại địa phương toa rập nhau tổ chức thi cử “dễ dãi” một cách có hệ thống thì Bộ GD-ĐT khó cấm cản được.

Nhất là trong cơ cấu tổ chức của nước ta: Bộ trưởng GD-ĐT không có quyền cách chức giám đốc Sở Giáo dục tỉnh, thành nào; Thủ tướng không có quyền cách chức một chủ tịch tỉnh, thành nào, và đặc biệt là chúng ta chưa có “văn hóa từ chức” của các vị có chức có quyền khi có những chuyện tệ hại xảy ra, bị phanh phui trong phạm vi trách nhiệm của mình.

Có thể các vị Giám đốc Sở Giáo dục bị áp lực từ nhiều mặt như từ chính quyền địa phương, từ sự khen chê, thưởng phạt của Bộ GD-ĐT mà phải ra tay gian lận để lấy thành tích thì họ cũng làm khi không thể từ chức.

Một khi bị áp lực từ thượng cấp, do sợ mất chức, mất quyền lợi thì không những ở nước ta mà ở nước nào người ta cũng có thể gian dối. Một điển hình mới bị phanh phui trong tháng 7/2011 này: Vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử giáo dục Mỹ (xem bài II, kỳ tới).

 


Nguồn tham khảo:

 

1. http://tuoitre.vn/Giao-duc/443403/Pha-san-“hai-không”.html , 22/6/2011.
2. http://tuoitre.vn/Giao-duc/448113/Chang-thu-khoa-hieu-thao.html , 25/7/2011.
3. http://tuoitre.vn/Giao-duc/449426/Le-Minh-Khiet-dau-thu-khoa-2-truong-DH.html , 12/8/2011.

Lê Tự Hỷ