Những huyền thoại tình yêu

Trong chiến tranh, những chàng trai cô gái đã yêu nhau như thế nào, có lãng mạn và nồng nàn như bây giờ đôi lứa đang yêu?

Quả thực, ở đây sẽ không có những giọt nước mắt ủy mị, không có những cuộc tình thất điên bát đảo để chàng và nàng phải tìm đến men cay, càng không có những cuộc bỏ nhà ra đi, dầm mình trong mưa gió để chứng tỏ tình yêu như trong những thước phim Hàn Quốc…

Tình yêu trong chiến tranh, đó là nỗi khoắc khoải, nhớ thương của những đôi lứa yêu nhau thiết tha, nhưng chấp nhận sống xa nhau vì nghĩa lớn…

Chỉ còn lại trong những gian phòng truyền thống Bảo tàng Cách mạng những lá thư đã nhòe màu mực, những chiếc khăn thêu loang lổ, những chiếc gối cưới đã bạc màu, những chiếc kẹp bằng inox khắc tên đôi lứa yêu nhau chưa đến được tay người yêu, nhưng người con trai đã ngã xuống nơi chiến trường…

Đã mấy mươi năm, biết bao mối tình mãnh liệt trong trái tim non trẻ xưa kia bây giờ nằm lặng thinh trong khung kính…, từng dòng thư thổn thức yêu thương ngày ấy như trĩu nặng những linh hồn của người đã khuất.

Ảnh cưới trong thời chiến tranh trong chiến khu.

Làm sao mà có thể không xao lòng khi đọc lại những dòng chữ thiết tha, mong nhớ chất chứa cả một trời yêu, mà vẫn phải dồn nén, phải chịu cách xa nhau: “Anh muốn chúng ta dưới ánh trăng đẹp sẽ cùng nhau im lặng… Anh muốn lúc đó được nghe những lời yêu thương tha thiết của em. Anh muốn ghì chặt cô bạn xinh xắn của anh vào lòng và nói rằng suốt đời yêu em. Anh muốn mãi mãi được âu yếm hôn lên đôi môi xinh đẹp của em…” (Thư liệt sĩ Hoàng Kim Giao gửi cho người yêu Nguyễn Thị Lan ngày 5/9/1964).

Những kỷ vật xưa đã trở nên quá cũ kỹ, có chiếc khăn tay đã lấm lem đường chỉ, có chiếc áo gối đã ngả màu vàng ố, nhưng nó làm người xem không nén được mối cảm hoài cùng với những rung động trên từng đường kim mũi chỉ…

Ảnh cưới anh Trỗi và chị Quyên

Đây là chiếc áo cưới 19 ngày chồng vợ của chị Quyên, bên cạnh là chiếc áo tang chồng và bức ảnh cưới Trỗi - Quyên còn tươi nguyên nụ cười hạnh phúc; đây những dòng thư của nhà quay phim, liệt sĩ Nguyễn Văn Giá gửi cho chị Bùi Ngọc Hiên nhắc nhớ những câu thơ của Konstantin Simonov “Em ơi đợi anh về, đợi anh về em nhé…”; đây chiếc radio của bà Trần Thị Thìn (con gái NSND Trần Hữu Trang) gửi cho chồng nơi Côn Đảo…

Người ta đã yêu nhau như vậy giữa thời chiến, thủy chung một lòng với niềm tin mãnh liệt sẽ gặp lại nhau trong ngày độc lập. Ta hãy đọc nhẩm từng dòng thư để thấu hiểu những nghĩa nặng tình sâu trong những trái tim yêu thương ngày ấy, nó rất lặng thầm nhưng mãnh liệt biết là chừng nào.

Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và chị Phan Thị Quyên.

Rất nhiều bức thư bây giờ không còn nơi đến, bởi cả người viết và người nhận đều đã hy sinh, có những dòng nhật ký tức tưởi nằm trong lòng đất suốt mấy mươi năm, bây giờ mới về được với người yêu….

Chị Quyên đau đớn bên mộ chồng, người bên cạnh là anh trai của anh Nguyễn Văn Trỗi.

Nhưng cũng có những mối tình trọn vẹn, dù sống triền miên trong xa cách. Đó là tình yêu của thiếu tướng Phan Khắc Hy và cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, tình yêu của nguyên đại sứ Võ Anh Tuấn và cô Tâm, mối tình trải gần 60 năm cùng với hàng trăm lá thư thương nhớ.

Bây giờ cả hai ông bà đã như hình với bóng. Là tình yêu của Anh hùng Nguyễn Văn Thương - người chiến sĩ tình báo bị giặc cưa chân 6 lần - và cô Tư Em, thôn nữ Phú Hòa Đông, cũng là cô giao liên binh vận. Mối tình rất bình dị mà nặng nghĩa, nặng tình. Họ yêu nhau, cưới nhau và chờ đợi nhau suốt mười mấy năm.

Mỗi lần chị đến thăm anh trong tù, qua hàng kẽm gai, đồng đội phải cõng anh lên cho chị thấy mặt anh. Chị mua bánh mì và phô mai Con bò cười gửi cho anh, và đã kín đáo để lại tình yêu của mình bằng dấu răng của con trai đầu lòng của anh chị trên mỗi miếng phô mai. Anh đã cầm miếng phô mai hôn lên những dấu răng đó để thỏa lòng thương nhớ vợ con…

Họ đã chờ đợi nhau như vậy, khi hòa bình, chị đón anh trong vòng tay thấm đẫm dòng nước mắt tự hào. Anh không còn đôi chân thì cả đời chị sẽ là đôi chân cho anh…

Và tình yêu huyền thoại của anh Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu, mối tình đã được nhà văn Nguyễn Văn Bổng viết thành tiểu thuyết Áo trắng, quyển tiểu thuyết đã được tái bản 6 lần ở Hàn Quốc.

Anh Tư kể về tình yêu của anh với người con gái nhân hậu, dịu dàng tên Châu, kể về một thời sôi nổi của một thời tuổi trẻ. Yêu chị, nhưng ngỏ lời thì bị cự tuyệt. Vì hoàn cảnh gia đình, chị đã tự dối mình, kềm nén lòng mình đến thành lạnh lùng. Lòng anh như muối xát khi thấy chị thản nhiên ngồi làm bài tập toán sau lời tỏ tình thiết tha của anh.

Vậy mà khi nghe tin anh bị kêu án tử hình, ở trong tù chị đã khóc ngất và tự nhận mình là hôn thê của anh, kiên quyết chung thủy chờ anh. Bốn câu thơ nổi tiếng: “Áo trắng em chưa vướng bụi đời/ Chưa từng nghĩ ngợi chuyện xa xôi/ Nhưng nay gặp cảnh đời đau xót/ Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi” chị đã khắc trên vách hầm tối sau một trận đòn tra tấn tưởng không sống nổi.

Và dù chưa một lần hứa hẹn, chị vẫn chờ anh suốt 15 năm, nguyện với lòng nếu anh hy sinh chị sẽ là một Kiều Nguyệt Nga của anh… Nhưng đoạn kết của hai người đã rất có hậu, họ gặp lại nhau sau hòa bình, chị đã 37 tuổi tưởng chừng không thể sinh nở được sau những trận đòn thù của địch.

Vậy mà họ đã có với nhau một đứa con trai với một tình yêu đằm thắm, trọn vẹn cho nhau… Mãnh lực nào đã đem đến cho họ niềm tin mãnh liệt đến như vậy? Đó chính là tình yêu. Một tình yêu không cần nhiều lời hoa mỹ, không ồn ào với những cách tỏ tình gây sốc…

Ảnh cưới chị Nguyễn Thị Châu và anh Lê Hồng Tư.

Họ đến với nhau lặng lẽ nhưng vĩnh viễn một lời thề chung thủy trong cùng một tình yêu lớn đối với Tổ quốc. Họ có thể hy sinh hạnh phúc riêng mình, đau đớn lìa xa nhau, nhưng trái tim vẫn gắn chặt với nhau một lời thề son sắt…

Chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng những huyền thoại tình yêu thời chiến tranh như mối tình của cô Nguyễn Thị Xinh và liệt sĩ Nguyễn Công Tộc, vẫn lặng lẽ mà thủy chung đến chết.

Như mối tình của nhà văn-liệt sĩ Chu Cẩm Phong với chị Phương Liên vẫn còn đó, trên từng dòng nhật ký của anh tràn đầy một nỗi nhớ đến nao lòng người đọc: “Lại chiêm bao thấy Em. Mình đi làm, đầu óc lúc nào cũng nghĩ tới Em, hình ảnh Em cứ thắm thiết, thân yêu, nồng nàn hiện lên trong đầu óc mình…. Tình yêu sôi nổi trong máu mình, trong trái tim nóng bức chói chang như nắng hè của mình… Mình như trôi vào cõi lạ, chỉ còn nỗi nhớ PL và khao khát được sống bên nhau, quấn quýt trong hạnh phúc ấm êm…”.

Ôi cái thứ hạnh phúc hết sức bình dị của con người mà cả hai cùng mơ ước đã chẳng bao giờ đạt được. Chỉ 30 ngày sau đó, trang nhật ký đã vĩnh viễn ngừng lại ở ngày 27/4/1971…

Nhà văn Chu Cẩm Phong.

Còn biết bao mối tình như thế… trong suốt cuộc trường chinh giữ nước! Làm sao có thể kể hết những tên người, bởi trong bể lớn của dân tộc, đã có hàng triệu triệu người như thế, họ đã sống, đã yêu và đã chết vì sự sống của cả dân tộc mình…

Và họ chính là những huyền thoại mà chúng ta - những người còn sống, mãi mãi không bao giờ được quên…

Ngô Ngọc Ngũ Long