Tôi xin chuyển sang phần bạn bè cùng thời của Nguyễn An Ninh. Tại sao thời kỳ trước đổi mới không ai lên tiếng? Thật ra, thời kỳ ở miền Bắc, có hai nhà sử học viết về Nguyễn An Ninh là chú Trần Huy Liệu và chú Trần Văn Giàu, nhưng chúng tôi không được đọc, mãi sau năm 1975 khi sưu tầm tư liệu chúng tôi có đọc quyển Đảng Thanh niên của chú Liệu. Chú viết sai cũng là điều bình thường thôi, vì lúc đó ba tôi đã dặn má tôi:
- Các chú là những thanh niên còn rất trẻ, đầy nhiệt huyết, dám nói dám làm, nhưng rất hiếu thắng, thích làm chính trị, thích được ca ngợi, phải hết sức thận trọng và đừng bao giờ trao đổi với các chú việc làm của tôi.
Làm sao chú Liệu hiểu hết việc làm của ba tôi nhất là tổ chức Thanh niên Cao vọng, vì vậy mà sau khi Jeune Annam ngưng hoạt động chú đã rẽ sang Quốc dân đảng.
Còn chú Giàu, chú chưa hoạt động ngày nào ở Sài Gòn, chú sang Pháp, sang Nga rồi mới trở về quê hương hoạt động năm 1933 và quen với ba tôi. Ở ngoài Bắc chú đã viết nhưng chúng tôi cũng chưa được đọc, mãi sau năm 1975 khi bộ Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh ra đời, chúng tôi mới đọc những phần chú viết về Nguyễn An Ninh, về tổ chức Thanh niên Cao vọng, về báo Tiếng Chuông Rè. Chúng tôi rất buồn và trách móc chú vì thời gian đó chú chưa quen với ba tôi, chưa một lần trao đổi thì làm sao chú biết được ba tôi cùng bạn bè tâm huyết thành lập tổ chức Thanh niên Cao vọng để làm gì, về số phận lận đận của báo Tiếng Chuông Rè sau đổi thành báo L’Annam, về những gì mà ba tôi đã làm để giúp Đảng Cộng sản từ cuối năm 1929 và thời kỳ thoái trào 1932-1933.
Trong bài Cụ Hồ trong tôi(1), chú Giàu kể:
“Tôi nhớ hồi đầu năm 1927, tôi đã đọc một bài trong Bản án chế độ thực dân Pháp rồi, nhưng Nguyễn Ái Quốc thì tôi không được biết và tôi cũng không biết Nguyễn Ái Quốc nói cái gì, thâm ý của Nguyễn Ái Quốc là gì, công việc giữa Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh là thế nào, Nguyễn Ái Quốc khác với Phan Bội Châu như thế nào, nghĩa là bấy giờ tôi chưa biết. Tôi chỉ biết đó là những người yêu nước mà thôi”.
Như vậy, từ năm 1927, chú Giàu chưa biết gì về Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh và cụ Phan Bội Châu vì năm đó chú mới 16 tuổi, lúc đó chú chưa sang Pháp, chưa hoạt động cách mạng. Cũng không phải từ thời điểm đó, mà mấy chục năm sau, khi chú đã ngoài 70, trong lần giỗ thứ 40 của ba tôi, trước mặt rất đông các cô chú hoạt động cùng thời với ba tôi, chú còn nói:
- Chúng tôi quen anh Ninh đã lâu, biết anh nhiều, nhưng hiểu cho hết những suy tư của anh, biết cho hết những việc làm của anh thì còn quá ít.
Chú Giàu nói vậy cũng đúng, vì theo má tôi cho biết, giai đoạn hoạt động cách mạng của ba tôi bắt đầu từ năm 1920 tại Pháp, lúc đó Đảng Cộng sản Pháp chưa có tên tuổi, chưa giúp gì cho các phong trào cách mạng ở thuộc địa, đến khi về nước năm 1922 phong trào quần chúng cũng chưa có, còn bộ máy cai trị thì luôn sẵn sàng đàn áp những ai dám chống lại nhà cầm quyền, người làm cách mạng còn đơn độc chỉ biết dựa vào sức lực của chính mình.
Năm 1933, chú Giàu ở Nga về, chưa quen với ba tôi, nhưng ba tôi đã là thần tượng của chú từ khi chú ở tuổi 14, 15. Ở Nga về, chú chưa dám về quê sợ bị lộ, nghe nói vùng Hóc Môn - Bà Điểm của Nguyễn An Ninh bọn lính kín không dám bén mảng đến, chú tự tìm đến làm quen với ba má tôi và chú đã ở lại rất lâu, đọc hết bộ Tư bản của Mác, chú còn giúp cho anh cô cậu của tôi là Trương Văn Bang lúc đó là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ trong công tác viết truyền đơn, tài liệu cho Xứ ủy, cho đến khi chú là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ bị bắt trong vụ án Giàu - Dực (1934-1935) đăng đầy trên các báo ở Sài Gòn.
Thời gian đó chú khai ở bót Catinat là vô gia cư.
Chú Giàu rất mê đọc sách và cũng hay tranh luận với ba tôi, nhiều lúc rất gay gắt. Má tôi kể, chú hay dẫn giải Mác nói thế này, Lênin nói thế kia, giống y như trong sách. Chú bảo phải làm cách mạng vô sản, phải chống chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, phải bài trừ giai cấp tiểu tư sản không triệt để cách mạng. Còn ba tôi thì bảo đó là ấu trĩ rập khuôn theo sách, người làm cách mạng phải biết tùy cơ ứng biến phù hợp với hoàn cảnh. Ở Việt Nam không đủ điều kiện để làm cách mạng vô sản mà phải làm cách mạng giải phóng dân tộc, phải đoàn kết mọi tầng lớp, tận dụng sức mạnh của cả dân tộc. Ba tôi còn bảo: “Chủ nghĩa quốc tế không thể tồn tại nếu không có chủ nghĩa quốc gia”.
Sau những ngày tranh cãi quyết liệt, dần dần chú Giàu bớt tranh cãi và bàn luận với ba tôi rất nhiều, bàn về cách vận động trí thức, họ nhất trí không có tri thức thì không thể làm được việc lớn, trí thức là động lực cách mạng. Ở thành thị là thanh niên học sinh, công chức nhà nước. Ở nông thôn là giáo viên, viên chức hội tề, con em địa chủ khá giả.
Má tôi còn nói, năm 1929, khi ba tôi bị bắt trong vụ án lập Hội kín, thì chú Phạm Văn Đồng bị bắt trong vụ án mạng trên đường Barbier, bị giam chung khám với ba tôi cả năm trời. Hai ông cũng tranh cãi và ông Đồng đã thuật lại sự việc nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của ba tôi:
“Chúng tôi đã trải qua nhiều thời gian để thảo luận và tranh luận rất là gay gắt về những vấn đề cực kỳ quan trọng, những quan điểm về học thuyết Mác-Lênin, về đấu tranh cách mạng ở nước ta, về tổ chức cách mạng và về vai trò của quần chúng nhân dân.Chúng tôi tất nhiên có những ý kiến khác nhau nhưng càng thảo luận thì càng đi đến nhất trí, càng hiểu biết nhau, càng có tình cảm và lòng kính trọng lẫn nhau”(2).
Trở lại chuyện chú Giàu. Sau này ra miền Bắc, chú thím sống trong căn hộ nhỏ ở đường Phan Huy Chú, còn chúng tôi ở trong khu tập thể của Ban Tuyên huấn Trung ương gần đó, nên thỉnh thoảng má tôi đến và hai mẹ con cùng đến nhà chú thím chơi cả ngày. Nhắc chuyện ngày xưa, chú bảo:
- Bao nhiêu điều mình tâm đắc, tưởng là hay, lợi cho dân cho nước nên mới làm, không ngờ đều bị phê phán là sai. Tôi nhớ mãi lúc ở Nga mới về, anh Ninh phê bình tôi đó là bệnh ấu trĩ giáo điều, mà ảnh phê bình đúng thiệt. Còn bây giờ tôi không bị phê phán gì, mà chỉ được ngồi chơi xơi nước. Ngày đó tôi không có thời giờ để đọc cho hết tủ sách của anh Ninh, còn bây giờ thì quá nhiều thời giờ.
Suốt hơn 20 năm ở miền Bắc và hơn 10 năm sau ngày đất nước thống nhất, chú toàn ngồi nhà viết sách. Chúng tôi cũng cố gắng đọc để xem chú biết gì, viết gì về những việc làm của Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh, nhưng chúng tôi thất vọng. Nếu so những gì chú viết về Nguyễn An Ninh trong bộ Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh với bài viết gần nhất dành cho bộ sách Nguyễn An Ninh - Tác phẩm thì khác rất xa.
Tôi còn nhớ buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nguyễn An Ninh, năm 2000, tại Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh, do Ban Tuyên huấn Thành ủy và Sở Văn hóa - Thông tin tổ chức, trong buổi họp mặt đó, trước đông người, tôi có hỏi chú Giàu:
- Có một nhà sử học Mỹ đến làm việc với chú và hỏi chú: Nguyễn An Ninh làm rất nhiều cho đất nước và dân tộc Việt Nam, vậy đất nước này đối xử như thế nào với Nguyễn An Ninh? Xin chú hãy kể cho mọi người nghe chú đã trả lời như thế nào với nhà sử học đó.
Hôm đó chú không trả lời câu hỏi của tôi, nhưng khi phát biểu chú đã khóc trước mọi người, chú kể rằng:
- Trần Văn Giàu đi làm cách mạng là nhờ có người dẫn dắt. Những gì Trần Văn Giàu nói, Trần Văn Giàu viết đều đã có người đã nói, đã viết trước đó rồi. Nếu không có người đó cũng không có Trần Văn Giàu và một số người khác. Người đó là Nguyễn An Ninh - người xứng đáng được lưu danh bằng bia đá, tượng đồng.
Hình ảnh chú Giàu khóc và câu nói rất thật của chú hôm đó làm cho nhiều người xúc động và chỉ hơn một tháng sau Ủy ban Nhân dân TP.HCM chỉ đạo tổ chức lễ khởi công xây nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh tại quận 12 đã bị trì trệ suốt mấy năm trước đó. Chúng tôi vô cùng cảm ơn chú và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Một ngày đầu tháng 10 năm 2001, chú Giàu gọi điện thoại bảo tôi và anh Sơn [ông Nguyễn Sơn, nguyên Phó ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, chồng bà Minh] đến. Tôi vào trước đến gần bên chú, chú quay sang cười rồi hỏi: - Sao cháu đến có một mình? Tôi chỉ tay ra phía sau lưng chú, anh Sơn đang đứng cười, chú cũng nhoẻn miệng cười rồi chỉ cái ghế, chúng tôi ngồi xuống. Tôi liếc nhìn trên bàn chú, toàn là sách về Nguyễn An Ninh, chú nói ngay:
- Chú không còn khỏe và viết cũng chậm rồi, chú muốn các cháu xúc tiến nhanh việc xuất bản tác phẩm Nguyễn An Ninh, nếu nhà nước không làm thì chú cháu mình làm.
Trước tấm lòng của chú, nước mắt tôi đã lưng tròng, nhưng tôi vẫn ngoan cố trách cứ:
- Chú thường nhắc, sử là phải trung thực, phải có trách nhiệm khi viết. Bộ Địa chí văn hóa hiện nay là bộ tư liệu mẫu rồi, mọi người đều dựa vào đó mà đọc mà viết, tất cả đã thành giấy trắng mực đen rồi.
Chú cười buồn:
- Đâu phải giấy trắng mực đen là đúng hết đâu, chú cũng là nạn nhân của giấy trắng mực đen, từ từ rồi viết lại.
Sau đó chú có mời anh Dương Đình Thảo, anh Phan Xuân Biên và anh Nguyễn Sơn đến để bàn việc cho xuất bản và giới thiệu tác phẩm của Nguyễn An Ninh.
Tôi viết những chuyện này để thấy rằng, chú Giàu là một nhà sử học chân chính và thực sự cầu thị. Chú là người hiểu và thương ba tôi rất nhiều, còn nếu có viết sai sót điều gì chẳng qua là chú quá chân thật với những gì chú đã học, đã thấm sâu vào máu, vào não của chú rồi. Tôi chỉ ước mong sao những người đi sau tiếp thu những điều đã học một cách khách quan, có độc lập suy nghĩ và có trách nhiệm thì lịch sử sẽ được trong sáng hơn.
* * *
Nhân đây, tôi cũng muốn viết vài dòng về chú Hà Huy Tập, là người thầy, người anh của chú Giàu mà chú Giàu thường hay nói: “Những lời phê phán Hà Huy Tập cũng chính là phê phán Trần Văn Giàu”.
Chú Hà Huy Tập là tác giả của một số văn kiện Đảng những năm 1932-1933 chỉ trích Thanh niên Cao vọng của Nguyễn An Ninh. Chú Tập vào Sài Gòn từ năm 1927, chơi thân với chú Nguyễn Khánh Toàn là biên tập cho báo L’Annam, nên chú Tập có đến tòa soạn báo và có chào hỏi ba tôi. Theo má tôi cho biết, lúc đó chú Tập và ba tôi chưa hề có trao đổi, chú cũng chưa lên nhà ba tôi lần nào, cho đến khi tờ L’Annam tự đình bản, ba tôi tổ chức cho chú Nguyễn Khánh Toàn sang Pháp thì chú Hà Huy Tập cũng không còn đến tòa soạn nữa. Mãi đến năm 1935 khi Trung ương về đóng tại Hóc Môn, thì anh Phan Văn Voi là dân vùng Bà Điểm, là con nuôi của má tôi, anh là người của tổ chức Thanh niên Cao vọng được vào An Nam Cộng sản đảng năm 1929, anh được chỉ định làm liên lạc cho Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản, anh báo cho ba tôi và xin phép đưa Bí thư đến nhà gặp ba tôi.
Khi chú Hà Huy Tập đến lần đầu có chú Giàu cùng đi, đó là lần đầu tiên họ gặp gỡ và bàn bạc công việc với nhau. Cũng từ đó, chú Tập thường đến gặp ba tôi hơn, má tôi gọi chú là chú Khịt vì chú hay khịt mũi mỗi khi nói chuyện, nếu đến ban ngày thường có liên lạc trước và hóa trang cẩn thận, còn đến ban đêm thì không cần, thường má tôi hay nấu cháo gà đãi chú vì họ bàn công việc rất lâu, nhất là đấu tranh với nhóm trốt-kít.
Cô Nguyễn Thị Lựu, đảng viên cộng sản từ năm 1930, nguyên là Xứ ủy viên Nam Kỳ, là Tổng thư ký Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cô đã viết trong hồi ký:
“Theo bức thơ của anh Ninh trao cho, tôi liền đi lên Bà Điểm để gặp anh Hà Huy Tập, lúc bấy giờ là Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Anh Hà Huy Tập gặp tôi và giao nhiệm vụ cho tôi tham gia công tác tại cơ quan báo La Lutte.
… Về anh Nguyễn An Ninh, anh Tập nói anh Ninh là nhà yêu nước chân chính… Về đường lối chính sách của Đảng thì thông thường anh Hà Huy Tập đã bàn bạc với anh Nguyễn An Ninh trước rồi”(3).
Như vậy để thấy rằng, đâu phải chỉ riêng chú Giàu, mà ngay Tổng bí thư Trung ương Đảng, khi người ta trực tiếp trao đổi bàn bạc với Nguyễn An Ninh thì quan điểm có thay đổi, do đó mà văn kiện của chú Hà Huy Tập viết về Nguyễn An Ninh những năm 1936-1937 khác với những năm trước và khác với Lê Hồng Phong là người chưa gặp Nguyễn An Ninh.
(Còn tiếp một kỳ)
_____
(1) Trong quyển Trần Văn Giàu - Dấu ấn trăm năm, Nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2012.
(2) Trích Nguyễn An Ninh - Tác phẩm, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn Học, 2009, tr.23.
(3) Trích Nguyễn An Ninh qua hồi ức của những người thân, Nhiều tác giả, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn Học, 2009, tr.445.