Những điều trông thấy…

Thi hào Nguyễn Du đã viết: "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Kẻ hậu sinh này không đủ tài trí để quy kết điều gì, chỉ xin cụ Nguyễn cho phép nương theo nửa câu thơ của cụ mà viết vài điều trông thấy nhân những dịp đi đó đi đây… Những điều trông thấy ở xứ người cũng như quê nhà thì nhiều vô số, nơi đây chỉ nêu lên một vài.


Ở nước ngoài:

Gạo: Hiện có khoảng hơn 3 triệu người gốc Việt ở các nước ngoài, trong đó khoảng một nửa ở Mỹ. Người gốc Việt thì chủ yếu ăn cơm nên cần mua gạo. Những người có chút tình với quê cha đất tổ đều muốn mua gạo do chính người nông dân đất Việt sản xuất như một trong nhiều phương cách nhớ về cội nguồn và tri ân đất mẹ đã cưu mang một thời. Thế nhưng cuối cùng cũng đành phải mua gạo của Thái Lan! Vì sao?

Gạo Thái Lan vừa đa dạng về mẫu mã vừa thơm, ngon hơn… và hầu như luôn có sẵn tại các siêu thị. Như thế gạo Việt Nam không thể cạnh tranh về chất lượng với gạo Thái Lan trên đất Mỹ, Đức, Pháp... khiến cho người Việt không dùng gạo Việt.

Nước mắm: Nước mắm là thứ “quốc hồn quốc túy” của người Việt, chứ người Hoa không ăn nước mắm. Ấy thế mà khi dân Việt đi tìm nước mắm ngon trên đất Mỹ, Đức, Pháp… thì hầu như  nước mắm không do người Việt làm ra!

Chẳng hạn, tìm thấy nước mắm Phú Quốc nhãn hiệu Việt Hương khá ngon. Tưởng là sản phẩm của quê cha đất tổ, nhưng than ôi lại là sản phẩm của Thái Lan (Product of Thailand), sản xuất tại… Hồng Kông (Made in Hongkong)! Những chi tiết trên chai nước mắm Phú Quốc Việt Hương in bằng 4 thứ tiếng: Việt, Hoa, Thái và Anh. Sản phẩm này khiến cho nhiều người nước ngoài lầm tưởng rằng Phú Quốc là phần lãnh thổ của Thái Lan, và nước mắm Phú Quốc Việt Hương là sản phẩm truyền thống của người Thái!?!       

Như vậy, qua điển hình là nước mắm thì có thể nói rằng trong quá trình phát triển kinh tế, chúng ta đã không biết bảo tồn, phát huy những thế mạnh sẵn có của cha ông để lại mà lại để cho người ngoài chiếm lĩnh và khai thác những quyền lợi chân chính của dân ta.

Quà tặng: Người Việt ở Mỹ hay du lịch tới Mỹ khi trở về Việt Nam đều muốn mua một ít quà đem về tặng bà con. Nhưng nhiều người Việt không muốn mua quà do Trung Quốc sản xuất. Khốn nỗi, hầu hết những thứ muốn mua lại là sản phẩm được ghi là “Made in China”! Nên rồi  cũng đành phải mua sản phẩm do Trung Quốc làm ra với an ủi rằng dầu sao, sản phẩm được bày bán tại Mỹ thì chất lượng cũng phải đạt tiêu chuẩn nhất định nào đó.

Bắt đầu từ “giao lưu bóng bàn” thời Tổng thống Nixon, giới tư bản, tài phiệt Mỹ đã đầu tư vốn và kỹ thuật vào Trung Quốc và sử dụng lực lượng công nhân người Hoa để sản xuất rất nhiều loại sản phẩm công nghiệp, từ hàng may mặc, giày dép, đồ gia dụng… đến đồ dùng điện, điện tử, máy tính… Những sản phẩm này từ Hoa lục được nhập vào Mỹ cho dân Mỹ dùng và tỏa ra khắp thế giới.

Tất nhiên giới tư bản tài phiệt Mỹ lời to vì giá công nhân ở Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều so với công nhân ở Mỹ. Về phần nhà nước Trung Quốc cũng có lợi rất lớn. Nhờ những đầu tư vốn và kỹ thuật từ Mỹ, trong mấy chục năm qua, đã học tập được rất nhiều quy trình sản xuất công nghiệp nên đã tự sản xuất được rất nhiều chủng loại sản phẩm dân dụng bán ra khắp nơi trên thế giới.

Nhưng dựa vào thế mạnh ấy Trung Quốc lại sản xuất ra rất nhiều sản phẩm dân dụng chất lượng kém, chứa nhiều yếu tố độc hại, cổ xúy cho việc sản xuất hàng giả đưa tới những xứ chưa giàu mà thị trường lại dễ xâm nhập như Việt Nam ta... (chứ không dại gì đưa qua Mỹ). Đó là một nguy cơ cho nền sản xuất của nước ta vì sản phẩm đủ thứ chủng loại của Trung Quốc tràn ngập thị trường nước ta với giá bán rất “bèo” khiến cho sản phẩm nội địa khó bề cạnh tranh.

Ngoài ra, các hóa chất hương liệu của Trung Quốc đã tạo điều kiện cho nhiều người vô lương tâm, hám lợi trong việc sản xuất ra nhiều loại hàng hóa giả rất độc hại cho người sử dụng nước ta. Đó là chưa kể Trung Quốc còn rất thâm ở chỗ tới đặt hàng những sản vật “độc chiêu” như đỉa;  một số người hám lợi trước mắt, không nghĩ đến sự nguy hại cho môi trường cứ lao vào nuôi đỉa; đến khi đỉa sinh sôi tràn ngập nhiều ao đầm, ruộng đồng gây thiệt hại lớn cho việc nuôi trồng của nước ta thì thương nhân Trung Quốc đánh bài “tẩu”. Chuyện ầm ầm như vậy mà mấy anh cán bộ, thanh tra, kiểm tra và chính quyền địa phương lại chẳng hay biết gì cả, cho đến khi đỉa tràn lan, nông dân la làng mới “Ụa, có chuyện đó à”!

Ở nước ta:

Tên bằng tiếng Mỹ: Hiện nay ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội..., không những ở những nơi trung tâm, nơi nhiều người nước ngoài viếng thăm mà cả những con phố gồm rặt ròng dân “Giao Chỉ” lao động bình thường đi lại mua sắm thì rất nhiều cửa hàng lại “kiêu hãnh” với cái tên rất Mỹ.

Chẳng hạn tại TP Hồ Chí Minh, trên một đoạn đường độ hơn 100 mét, khá xa trung tâm mà có đến hơn 20 cửa hàng có tên Mỹ như WOW, Bi One, Shine, Belly… và với cách chào hàng cũng rất Mỹ như “We Can Always Make You Smile”, “From A Lot Of…To You”, “New Arrival”, “Sale Off 50%”, “Buy 2 Get 1 Free”…Không những ở thành phố mà ở những vùng quê, thậm chí lên cả vùng núi quanh năm chẳng có một người nước ngoài nào viếng tới như ở quanh một cái chợ vùng thượng nguồn sông Thu Bồn mà trong chuyến viếng thăm vừa qua người viết cũng thấy các tên Mỹ: Cafe King, Titanic…

Tuần trước, người viết vào cửa hàng sách FAHASA ở đường Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) tìm sách và nhân tiện mua giùm quà và một tấm thiệp chúc mừng sinh nhật cho một đứa cháu nhỏ học lớp 3 để nó tặng quà sinh nhật cho bạn.Có rất nhiều mẫu mã, nhưng tuyệt nhiên không hề có một thiệp nào in bằng tiếng Việt, chỉ toàn in chữ Mỹ: Happy birthday to you!, cho nên đành phải mua tấm thiệp in tiếng Mỹ dù trong lòng thấy không vui chút nào!

Như vậy từ em bé 1 tuổi chưa biết gì cho tới bà già trầu 100 tuổi trên đất nước Việt Nam ta hiện nay đều nhận quà sinh nhật với thiệp chúc bằng tiếng Mỹ!

pic
Những cái tên rất Mỹ mọc lên trên nhiều cửa hàng

 

Nhiều nhóm ca nhạc gồm vài ba cô, cậu Việt và phục vụ cho 100% dân Việt mà đều lấy tên Mỹ. Một người quen đưa cho người viết một vé máy bay nội địa của Việt Nam mà in hoàn toàn bằng tiếng Mỹ thay vì in hàng trên bằng tiếng Việt và hàng dưới bằng tiếng Mỹ.

Cả đến những danh từ riêng bằng tiếng Việt như Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Việt Nam… cần phải viết chính xác theo chữ Việt trong văn cảnh tiếng Việt mới hợp lý, nhưng có nhiều nơi, nhiều người “sính ngoại” nên viết thành Saigon, Hanoi, Hochiminh, Vietnam... Tại Huế, trên đường Lê Lợi hiện có nhà trưng bày tranh mang tên họa sĩ Lê Bá Đảng, nhưng trên bức tường về phía con đường đi bộ ven bờ sông Hương lại thấy viết Le Ba Dang!

Việt Nam ta “sính ngoại”, “vọng ngoại” đến thế là gần như “hết cỡ thợ mộc” rồi! Điều này rất hiếm thấy từ Đông Âu như ở Vácxava, qua Tây Âu như Berlin, Paris… đến Á châu như Tokyo…, tất nhiên trừ những nơi mà họ nhận tiếng Anh làm ngôn ngữ chính như Philippines, Singapore… Chỉ những nơi mà dân trí thấp và đặc biệt là những người có thẩm quyền về văn hóa thiếu lòng tự trọng dân tộc, chỉ biết a dua, bắt chước người nước ngoài một cách mù quáng mới khiến cho sự bát nháo ấy xảy ra!

Điều đáng nói là tên tiếng Việt theo mẫu tự La tinh thì người nước ngoài nhận ra dễ dàng hơn rất nhiều so với các thứ chữ khác như Nhật, Hàn, Trung Quốc, Thái, Lào… mà ở những xứ ấy người ta vẫn trân trọng, tự hào tiếng nói, chữ viết của họ đối với người nước ngoài, không vọng ngoại như ta!

Lái xe ô tô, xe gắn máy ẩu tả nhất thế giới: Rất nhiều người lái ô tô và xe gắn máy không tuân theo luật lệ giao thông: vượt đèn đỏ, lấn tuyến, chạy ngược chiều vào đường cấm với tốc độ cao, rẽ trái rẽ phải sai luật, xe gắn máy mà ngang nhiên vượt ngang qua trước đầu xe ô tô…, bóp còi inh ỏi khi không cần thiết.

Đặc biệt do thói quen chạy xe với chỉ hai pha đèn tín hiệu tại các giao lộ, ngã tư, nên khi rẽ trái không có đèn tín hiệu riêng mà chạy đồng thời với xe đi thẳng ngược chiều và người lái xe lại ẩu, không chịu nhường nhau, mạnh ai nấy tranh cướp đường mà chạy thì tai nạn và sự ùn tắc giao thông do đan xen nhau xảy ra rất nhiều là điều tất nhiên.

Khi phạm luật, Cảnh sát giao thông (CSGT) ra lệnh dừng thì nhiều người tăng tốc, bỏ chạy, CSGT chặn lại được thì cự cãi bằng ngôn từ thô lỗ, chống đối lại một cách quyết liệt có khi gây tai nạn làm bị thương hay chết CSGT. Những điều ấy hiếm thấy trên thế giới.

Ở Mỹ, khi CSGT rượt xe, ra lệnh dừng xe, thì theo luật người lái phải tấp xe vào lề đường, tắt máy, ngồi im, hai tay phải đặt trên vô lăng, chờ CSGT tới và phải làm theo lệnh của CSGT. Nếu tài xế không tuân luật, CSGT sẽ xử lý rất cương quyết và rất nghiêm.

Có lần, một người Việt bị CSGT Mỹ ra lệnh dừng xe, anh này dừng lại, nhưng quên việc ngồi im, đặt hai tay trên vô lăng, đợi lệnh của CSGT mà lại nghiêng người về phía phải, đưa tay mở hộc chứa hồ sơ, với ý định lấy đưa giấy tờ xe cho CSGT xem, nhưng CSGT tưởng người này rút súng nên bắn ngay khiến người ấy bị thương.  

Quá nhiều thanh niên, trung niên ngồi uống cà phê trong giờ làm việc: Trong khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều có rất nhiều người trẻ không ở nơi học tập, lao động sản xuất mà lại ngồi tại các quán cà phê. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các dịch vụ cà phê, ăn nhậu rất phát đạt ở nước ta.

Trong các quán cà phê hạng kha khá ở TP Hồ Chí Minh, một cốc cà phê đen giá hiện nay xấp xỉ 50.000 -70.000 đồng, có khi đắt hơn nhiều so với một quyển sách giáo khoa hay một quyển sách chuyên đề.Trong khi ở Mỹ, một quyển sách giáo khoa hay chuyên đề bao giờ cũng đắt gấp vài chục lần một cốc cà phê. Nhưng cũng nên nhấn mạnh rằng cốc cà phê đen trong các tiệm cà phê nước ta thì đen nhất thế giới, có bột quánh nhất thế giới, đắng nhất thế giới, thơm nhất thế giới!

Một cốc cà phê đen xịn nhất ở Paris hay New York thì làm gì có đen, đắng, thơm như thế được. Đừng vội mừng! Thật ra, nhiều cốc cà phê đen ở ta không phải là cà phê mà có thể trong cốc đó là hóa chất tạo mùi, màu, sủi bọt với những thứ không phải cà phê được rang cháy đen! Đó đúng ra là một cốc thuốc độc, nhưng khốn nỗi dân ghiền cà phê ở ta nhâm nhi cốc thuốc độc ấy mới thấy đã, mới cho là cà phê ngon!

Ăn uống, xả rác một cách “vô tư”: Tại TP Hồ Chí Minh, có những cô gái hay chàng trai ngồi sau xe gắn máy uống nước ngọt, nước mát trong túi ni lông, uống xong vứt ngay bao ni lông xuống đường; những học sinh trong khi ngồi sau xe để đến trường vừa ăn xôi hay bánh mì, ăn xong vứt ngay giấy gói xuống đường, cha mẹ học sinh xem là chuyện thường.

pic
Rác xả "vô tư", một hình ảnh dễ bắt gặp ngay cả tại các thành phố lớn nước ta

Trong công viên Tao Đàn có một sân cát dành cho trẻ em từ 4 đến 12 tuổi vào chơi. Mặc dầu đã có tấm bảng ghi “Giữ gìn vệ sinh, không xả rác, không lấy cát ra ngoài”, nhưng thường thấy rất nhiều rác xen lẫn trong cát, nào bao ni lông, que nhựa hút nước, bao giấy bánh kẹo, vỏ hộp sữa, hộp xốp dùng chứa thức ăn…

Nhiều người lớn ngồi quanh sân cát trông coi con, cháu chơi cũng ăn quà vặt, uống nước ngọt, nước mát từ túi ni lông như con, cháu mình... rồi cả người lớn lẫn trẻ em “vô tư” thả rác xuống cát! Người viết cảm thấy quá vất vả cho hai người phụ nữ dọn rác bãi cát, và đã bắt chuyện thì hai chị còn nói “hôm nay rác thế này là đỡ đó, nhiều hôm còn có cả phân người nữa!”.

Cái sai ở đây một phần là người đưa con cháu tới chơi không tuân theo quy tắc ghi trên  tấm bảng, nhưng cái sai chính là ở ban quản lý: chỉ ghi một câu “cấm xả rác” rồi không ai kiểm tra, quan sát thử xem trẻ em chơi như thế nào, mà đúng ra phải ghi: “Tuyệt đối không được đem đồ ăn, thức uống vào bên trong hàng rào của sân cát, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt nặng”, đồng thời phải thỉnh thoảng cho nhân viên đi kiểm tra và phạt nặng những người vi phạm.

Quá nhiều quảng cáo được xen vào các phim chiếu trên TV: Trong các phim được chiếu trên truyền hình thì số lần quảng cáo được chen vào là quá nhiều. Hơn nữa, nhiều quảng cáo về nội y, vệ sinh cá nhân, về tình dục, về bệnh tật, về thai nhi… vừa thiếu thẩm mỹ, quá lộ liễu, có nhiều chi tiết không đáng có, lại xuất hiện vào những giờ mà trẻ em, người già cả xem truyền hình. Nên nhớ là quảng cáo trên truyền hình khác xa trên báo giấy: trên báo giấy thì ai quan tâm mới tìm đọc, còn trên truyền hình thì nhà đài áp đặt lên mọi người xem đài.

Nhiều ca sĩ, người mẫu ăn mặc thiếu lòng tự trọng, xúc phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam: Thời gian qua, báo giấy và báo mạng đã nói rất nhiều về sự ăn mặc quá hở hang của những ca sĩ, người mẫu mà giới truyền thông dùng từ “lộ hàng”. 

pic
pic

Những hình ảnh phản thuần phong mỹ tục trên sân khấu ca nhạc nước ta

Ca sĩ của người ta thì lấy tài năng đích thực của ca hát, kết quả vừa của năng khiếu vừa của khổ luyện qua lao động nghiêm túc về nghệ thuật để chinh phục khán thính giả, còn những ca sĩ, người mẫu Việt Nam này lại lấy “cái vốn có của cơ thể” để thu hút sự chú ý của khán giả, khiến người ta cho rằng để bù vào chỗ thiếu tài năng. Quả là họ đã tạo ra được sự chú ý, sự ủng hộ cuồng nhiêt của một số người hâm mộ có cùng “tầm” với họ. Lỗi của chính bản thân họ là một, thì lỗi của những người quản lý chương trình, duyệt chương trình biểu diễn phải gấp hai.

Quảng Thanh