Bây giờ ngồi ngẫm lại, tôi thấy dội lên trong lòng mình một cảm giác nuối tiếc khó tả khi nhớ lại mình đã từng bỏ qua, đánh mất rất nhiều những khoảnh khắc yêu thương. Tiếc thay, cơ hội sửa sai dường như không bao giờ có…
Không phải riêng tôi, nhiều bậc nhà văn, nhà báo bậc cha chú cũng từng có cảm giác như tôi. Nhà văn, đại tá Minh Khoa đã từng hối tiếc khi trên đường vượt Trường Sơn vào Nam, trên con đường bí mật, ông đã gặp một chân dung hào kiệt. Đó là một cán bộ người Kinh, trong những năm đen tối nhất đã cà răng căng tai, cải trang làm người Ê Đê, chôn tất cả những dấu vết người miền xuôi. Hàm răng của cha mẹ cho rất đẹp, vậy mà anh đã phải dùng đá đập gãy, ghè từng chiếc một. Người cán bộ miền xuôi ấy đã âm thầm nhận lấy nhiệm vụ ở lại núi rừng Tà Luông, dựng trạm giao liên, phục vụ đoàn cách mạng.
Thoạt nhìn người trạm trưởng ấy, nhà văn Minh Khoa cứ đinh ninh anh là người Ê Đê thực thụ: “Trạm trưởng ngẩng đầu nhìn tôi. Hai chiếc khoen bằng thau trắng bóng căng rộng vành tai, đong đưa theo tiếng cười của anh. Hàm răng trên của anh cà sát, chỉ còn để lại một vạch màu ngà…”. Vì lẽ đó, khi phát hiện ra anh là người Kinh, nhà văn Minh Khoa lúc ấy là một chiến sĩ trong đoàn Phương Đông - đoàn quân có quy mô cỡ lớn đầu tiên gồm khung Bộ chỉ huy Miền và các Quân khu Nam bộ trên con đường Trường Sơn mới mở về Nam chiến đấu - đã vỡ òa trong lòng bao xúc cảm.
Lúc ấy, ông mới thấy 7kg gạo mình được nhận, miếng thịt heo mình được ăn ở trạm giao liên giữa núi rừng Trường Sơn, thay cho món măng luộc hàng tháng trời thật trĩu nặng ân tình, chứa đựng bao hy sinh thầm lặng. Trong khoảnh khắc đó, ông như nuốt vào lòng hình ảnh yêu thương, hào hùng của người trạm trưởng. Thử hỏi, có một chân dung nào đẹp hơn:
“Tôi lần ra phía trước. Tôi muốn ngắm anh từ phía trước mặt. Tôi ngắm anh như họa sĩ bắt gặp người mẫu. Thân hình anh trần trụi. Vai ngang, ngực nở của một lực sĩ chơi tạ. Anh hệt như một pho tượng đồng đen. Thỉnh thoảng anh cũng tò mò liếc nhìn tôi. Khi hai luồng mắt gặp nhau, anh lại cười trừ. Hai hàm răng cửa mòn vẹt, chỉ toàn là lợi.
Tôi không phải là họa sĩ (rất tiếc), lại không có máy ảnh (cả đoàn cũng không có), đến bây giờ vẫn còn tiếc ghê lắm…”.
Đọc xong bút ký Đường trong mây, gấp sách lại, lòng tôi cũng trào lên niềm tiếc nuối như chính nhà văn Minh Khoa. Phải, nếu như lúc đó trong đoàn có nhà nhiếp ảnh nào đó, như Lâm Tấn Tài, như Minh Lộc, như Võ An Khánh… thì biết đâu, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có thêm một tác phẩm vượt thời gian… Cũng may, dù không có được máy ảnh, ngòi bút của nhà văn Minh Khoa đã khắc họa vào văn học một chân dung sừng sững, bất tử giữa cổng trời:
“…Đến lưng chừng dốc tôi quay lại nhìn lần cuối. Anh vẫn đứng đó.
Con dao rựa trên tay.
Chiếc gùi sau lưng.
Hai vòng khuyên bạc to lủng lẳng trên vành tai căng rộng.
Chiếc khố nhỏ bằng vỏ cây rừng.
Ôi! Một pho tượng tạc vào vách đá Trường Sơn hùng vĩ.
Dưới chân chúng tôi, núi chồng lên núi, trùng trùng điệp điệp. Mây trắng bồng bềnh”.
Khoảnh khắc yêu thương ấy may còn được ghi lại trong ký ức nhà văn. Còn có biết bao khoảnh khắc thiêng liêng đời người, chúng ta đã đánh mất nó…

Đại tá, nhà văn Minh Khoa (hàng đầu, thứ hai từ trái qua) cùng
các nhân chứng Mậu Thân 1968 trong buổi ra mắt tiểu thuyết Đêm Sài Gòn
không ngủ của tác giả Trầm Hương ngày 23/7/2008.
Ảnh: Trầm Hương.
Đời nhà báo, đôi khi, chiếc máy ảnh trở thành một người bạn thân thiết, một vũ khí không thể thiếu. Cùng với những phương tiện khác như máy ghi âm, laptop, camera, điện thoại di động, Internet, phương tiện di chuyển…, tôi có biết bao gắn bó với chiếc máy ảnh mà mình từng tác nghiệp. Và đôi khi ra trận, tôi thất bại thảm thương, như một chiến binh không tìm ra đâu vũ khí của mình trong giờ phút xông trận. Điểm lại, tôi nhận ra mình đã để mất quá nhiều khoảnh khắc thiêng liêng. Tất cả, chỉ còn lại trong bâng khuâng, tiếc nuối…
Một trong những khoảnh khắc tiếc nuối ấy là vào tháng 7 năm 2003… Khi ấy, nhà văn Anh Đức, nhà thơ Nguyễn Duy cùng nhiều nhà văn ở Nhà xuất bản Quân Đội đến Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ dự buổi ra mắt tập truyện ký Mẹ. Hôm ấy, những người mẹ trong trang sách của tôi bước ra ngoài cuộc đời, bằng xương bằng thịt, với nỗi đau mất con sâu thẳm... Mỗi bà mẹ là một chân dung sống động, một quyển sách còn chưa được viết ra.
Tôi bấm máy liên tục. Rất nhiều bức ảnh quý đã được chụp. Tôi “chộp lấy” được khoảnh khắc yêu thương của nhà văn Trần Kim Trắc với người kế mẫu Nguyễn Thị A Na - cuộc hội ngộ còn ly kỳ hơn cả tiểu thuyết. Đến phút chia tay, nhìn thấy nhà thơ Nguyễn Duy khập khiễng với đôi nạng gỗ (lúc ấy, anh vừa qua một tai nạn giao thông, chân còn bó bột), đi đến bên bà mẹ Nguyễn Thị Sâm bằng những bước chân khó nhọc, với nỗi bức xúc khi lắng nghe tâm sự của một bà mẹ có biết bao công trạng, đã dâng tặng cho Tổ quốc người chồng bà hết mực yêu thương, đến đứa con gái cuối cùng mình có được mà tuổi già bóng xế, vẫn chưa có được ngôi nhà để thờ cúng những người thân yêu đã ngã xuống; rồi nhà văn Anh Đức ân cần nắm lấy bàn tay gầy guộc của một bà mẹ ở Củ Chi, rồi nhà văn Trần Thanh Giao không giấu được sự ngưỡng mộ chất anh hùng từ chính con người huyền thoại của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Quang Mẫn…
Chứng kiến hình ảnh ấy, tim tôi thắt lại trước một khoảnh khắc thật tuyệt vời, thật quý báu. Tôi biết, sẽ không bao giờ có được khoảnh khắc yêu thương này lần thứ hai. Tôi giơ máy ảnh, nín thở… Nhưng chiếc máy cơ Nikon cũ kỹ của tôi cứng ngắc. Phim đã hết tự bao giờ, đôi tay tôi buông thõng, thất vọng. Và lúc ấy, tôi có khác gì một chiến binh bại trận…
Và còn có biết bao lần vì cẩu thả, lười biếng, vì… nhiều lý do để biện minh khác, tôi đã quên vũ khí, bỏ mất cơ hội “chộp lấy” những khoảnh khắc quý báu của đời người - những phút giây qua đi không bao giờ trở lại… Vì lẽ đó, tôi rất đồng cảm với những đồng nghiệp nhà báo của mình, dẫu nghèo vẫn dành tiền, thậm chí vay mượn để sắm những phương tiện làm việc tốt nhất.

Nữ Thanh niên xung phong Giáp Thị Thanh Tiến (hàng đầu, trái)
tại rừng Bà Chim, Tây Ninh, 1968, trong lúc kê vai làm cầu người
đưa thương binh qua suối. Ảnh: Phạm Thính.
Từ những bài học chát đắng nghề nghiệp, tôi vẫn không trách, không lấy làm buồn lòng khi ai đó miệt thị, rẻ rúng, tỏ ra không tin tưởng trước dụng cụ sơ sài, không chuyên nghiệp của mình. Nếu năm ấy, tôi có một máy ảnh kỹ thuật số bán chuyên nghiệp với thẻ nhớ mấy “ghi bê” như ngày nay, tôi đã tha hồ chụp, đâu để lỡ mất khoảnh khắc vàng của đời mình.
Tôi nhớ năm 2006, trong dịp họp mặt nữ đại biểu Quốc hội nhân kỷ niệm 60 năm khóa họp đầu tiên của Quốc hội, khi giơ chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ xíu, chồm lên phía trước để chụp một toàn cảnh, gồm mấy mươi vị phụ nữ quyền lực khả kính, thuộc mấy thế hệ, một nhân viên Văn phòng Quốc hội đã bĩu môi, không cần giấu diếm sự miệt thị: “Máy ảnh mấy ngàn đô còn chẳng ăn thua, chứ cái đồ này…”. Lúc đó, mắt tôi hoa lên vì phẫn nộ, vì tự ái… Nhưng rồi bình tâm lại, tôi thấy anh ta phần nào cũng có lý, cho dù hôm ấy, bằng sự nhiệt tình của mình, tôi đã có được những bức ảnh quý. Nhưng nếu như hôm ấy, tôi có được chiếc máy ảnh chuyên nghiệp hơn thì có lẽ sẽ tốt hơn biết bao, không phải mất hòa khí vì chen lấn, rối trật tự…
Cầu thị nhìn lại sự non kém của mình, tôi quyết tâm rút tiền tiết kiệm, sắm một máy ảnh đẳng cấp, sắm luôn cả một máy quay phim để lưu lại khoảnh khắc quý báu về những nhân vật cần gặp. Hẳn nhiên, được trang bị những phương tiện tốt, nhà báo được thuận lợi rất nhiều khi tác nghiệp. Mỗi khi chụp được một bức ảnh chất lượng cao, tôi chợt nhớ đến cái bĩu môi đầy miệt thị của anh ta. Tôi không giận anh ta chút nào mà ngược lại muốn gửi đến lời cảm ơn chân thành.
Tôi nhớ những năm đầu thập kỷ 90, khi học Đại học Báo chí, hình ảnh một nhà báo quốc tế giỏi ngoại ngữ, giỏi kỹ năng nghề nghiệp - vừa là nhà nhiếp ảnh, quay phim, biết lái xe hơi là hình ảnh trong mơ ước. Ngày nay, đồng nghiệp tôi khi tác nghiệp đã tự lái xe hơi, tự chụp ảnh, quay phim… Họ đã luôn nỗ lực nâng mình lên với nghề nghiệp. Và đã thầm lặng hy sinh, bởi trông vẻ bề ngoài bóng bẩy, hầm hố ấy, mấy ai hiểu họ phải trả giá rất đắt cho đam mê nghề nghiệp. Thật sự, họ đang nỗ lực hạn chế sự đánh mất những khoảnh khắc qua đi không bao giờ trở lại…