LTS: Trong khi viết Lời nói đầu cho bộ sách 100 năm văn học yêu nước và cách mạng Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh (1900-2000) do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Hội Nhà văn TP.HCM tiến hành (dự kiến gồm 15 tập, 15.000 trang), chúng tôi tìm đến luận điểm của Karl Marx về một sứ mệnh hai mặt (une double mission) của chủ nghĩa thực dân Anh ở Ấn Độ để đối chiếu với chủ nghĩa thực dân Pháp ở Nam Kỳ, ở Việt Nam. Luận điểm đó của K.Marx được trình bày trong Những kết quả có thể xảy đến cho Ấn Độ do sự thống trị của đế quốc Anh(1) viết năm 1853. Đó là một tác phẩm xuất sắc, thể hiện thiên tài, tầm nhìn, sự sâu sắc biện chứng trong tư duy của K.Marx. Gần 200 năm sau đọc lại, với những biến cố lịch sử to lớn trên toàn thế giới, người đọc vẫn có thể thưởng lãm và suy nghĩ về cái vĩ đại của người sáng lập chủ nghĩa Marx. Lịch sử nhân loại quanh co, nhiều khi phải đi đường vòng, quy luật lịch sử, quy luật biện chứng mà K.Marx đã phát hiện về con đường đi của nhân loại nhất định sẽ được thực hiện, tuy không phải đúng y nguyên như những dự kiến. Một học thuyết vĩ đại như học thuyết Marx, một thiên tài kỳ vĩ như K.Marx, người mà ngay trong cơn chấn động Liên Xô - Đông Âu vẫn được hàng ngàn học giả xưng tụng là thiên tài số một trong tất cả các thiên tài nhân loại. (Năm 1999, Đại học Cambridge (Anh) công bố bình chọn nhà tư tưởng số một thiên niên kỷ, kết quả là Marx đứng đầu, còn Einstein đứng thứ hai. Nhiều học giả lớn của thế giới khẳng định: “Thế kỷ 21 vẫn là thế kỷ của Marx”).
Hồn Việt xin đăng toàn văn luận văn trên để bạn đọc một lần nữa tiếp cận tư duy Marx, sau những lần đọc các tác phẩm lớn khác của ông. Tài liệu do GS Trần Thanh Đạm cung cấp, bằng tiếng Pháp, bản dịch của Nam Văn.
Trong bài này, tôi có ý định chấm dứt những nhận xét của tôi về nước Ấn Độ. Làm thế nào mà người Anh có thể áp đặt sự thống trị của họ lên đất nước Ấn Độ? Thoạt tiên, các phó vương đã lật đổ quyền lực tối cao của các vua Mogol(2). Sau đó thì bộ tộc Mahratte(3) dẹp bỏ các phó vương. Rồi cuối cùng đến lượt những người Mahratte lại bị người A Phú Hãn đánh bại. Và trong khi mọi người quay ra đánh nhau lung tung như thế thì người Anh xuất hiện bắt tất cả phải khuất phục. Ấn Độ là một đất nước bị chia rẽ, không phải chỉ có sự chia rẽ giữa người Hồi giáo và người Ấn Độ giáo mà ngay đến những bộ tộc, những giai cấp cũng chia rẽ với nhau. Đó là một xã hội đặt nền tảng trên một sự thăng bằng được tạo ra bởi sự kỳ thị lẫn nhau và sự tự xem mình là trên tất cả mọi người khác của những phần tử trong chính xã hội ấy. Một đất nước và một xã hội như thế rõ ràng là một món mồi béo bở dễ rơi vào tay các đế quốc thống trị. Nếu chúng ta không biết gì về quá khứ, về lịch sử của nước Ấn Độ, có lẽ ít ra cũng nghe nói đến một sự kiện quan trọng không thể chối cãi là hiện đang có cả một đạo quân gồm toàn người Ấn Độ, do chính nước Ấn Độ trả lương khống chế, bắt buộc ai nấy phải ngoan ngoãn cam chịu sự thống trị của người Anh. Như thế, Ấn Độ không sao thoát khỏi cái định mệnh tai ác bị ngoại bang xâm lược và toàn bộ lịch sử của Ấn Độ, giả dụ như Ấn Độ có được một lịch sử, sẽ là lịch sử về những cuộc thống trị kế tiếp nhau mà Ấn Độ phải chịu đựng từ trước đến giờ. Xã hội Ấn Độ không có lịch sử. Cái mà chúng ta gọi là lịch sử của Ấn Độ chỉ là lịch sử của những nước xâm lăng kế tiếp nhau lợi dụng tình trạng thụ động và cam chịu của cái xã hội Ấn Độ ù lì bất biến và mất cả tinh thần phản kháng. Vấn đề ở đây không phải là chúng ta tìm hiểu để xem có phải người Anh có quyền chinh phục Ấn Độ hay không mà là chúng ta tự hỏi chúng ta có nên thích trông thấy một nước Ấn Độ bị người Thổ Nhĩ Kỳ, bị người Ba Tư, bị người Nga chinh phục hơn là trông thấy một nước Ấn Độ bị người Anh chinh phục.
Khi chinh phục Ấn Độ, người Anh có hai nhiệm vụ cần làm: một là phá hoại đất nước Ấn Độ, hai là giúp xã hội Ấn Độ được hồi phục nghĩa là xóa bỏ cái xã hội già cỗi của châu Á và đặt những nền tảng vật chất để thiết lập một xã hội kiểu phương Tây ở Á Đông.
Người Ả Rập, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Tatar, người Mogol đã lần lượt chinh phục Ấn Độ nhưng cuối cùng đều đã bị “Ấn Độ hóa”. Do một định luật hằng cửu của lịch sử, những phiên bang đi chinh phục những nước có nền văn minh cao hơn họ thế nào cũng sẽ bị chinh phục trở lại bởi chính nước mà họ đã chinh phục. Người Anh là những người chinh phục đầu tiên có nền văn minh cao hơn Ấn Độ thành thử không bị hề hấn gì khi gặp nền văn minh Ấn Độ. Trái lại, họ còn tiêu diệt nền văn minh ấy bằng cách tiêu diệt các cộng đồng bản địa, vứt bỏ nền công nghiệp bản địa và san bằng tất cả những gì vĩ đại và cao cả của xã hội bản địa. Lịch sử của sự thống trị của người Anh, ngoài sự tiêu diệt xã hội bản địa nói trên đã không mang lại cho Ấn Độ một thứ gì khác cả. Công trình giúp cho xã hội Ấn Độ hồi phục không đáng là gì cả nếu so với những đống đổ nát do sự tiêu diệt và tàn phá mà người Anh gây ra.
