“Không bằng… con chó”
“Làm việc với anh, ít khi chúng tôi thấy anh nổi nóng: anh luôn luôn tự kiềm chế, không để sự vui buồn của mình tác động trong quan hệ công tác. Chỉ có một lần, tôi thấy anh không giữ được mình. Kỳ giáp hạt năm ấy, một số địa phương mất mùa, nhân dân thiếu ăn. Nhà nước đưa gạo về giúp, nhưng có nơi cán bộ xử sự không đứng đắn… Tại cuộc Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh X…, anh nói:
- Đảng viên gì? Cán bộ gì? Dân đói, Nhà nước gửi về mấy tạ gạo, ba ông chi ủy chia nhau trước mỗi người mấy chục cân, thật không bằng... con chó! Xin các đồng chí bỏ qua cho, tôi biết những hiện tượng như vậy không nhiều, nhưng nó diễn ra trong hoàn cảnh không thể nào tha thứ được. Không thể nào để lại trong Đảng ta những con người thoái hóa đến mức ấy!”.
(Trích Hồi ký Phan Quang)
“Ước mong sao bữa cơm về sau có được niêu cá kho mặn”
“Mùa hè năm 1962, tôi cùng anh vào Sầm Sơn vừa nghỉ ngơi vừa chỉnh lý một số văn kiện. Một sáng tôi thấy Chắt, cần vụ của anh ra chợ mua về một cái niêu đất. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Chắt cười: “Ở nhà an dưỡng thiếu gì món ngon thế mà ngày nào anh ấy cũng xuýt xoa nhắc đến món cá kho mặn, mình thương quá, thôi chiều anh ấy một tí vậy”.
Món ăn mơ ước ấy thật đơn giản. Đó là những con cá cơm rang mặn đến khô cứng, cùng với ớt tươi và một vài lát măng vòi. Đây chính là mối liên hệ máu thịt với nguồn gốc lao động nghèo – tôi nghĩ. Ý nghĩ của tôi có dịp được xác minh. Anh tâm sự: “Khi đi làm cách mạng mình có nghĩ tới chuyện cao xa nhưng cũng có khi chỉ ước mong sao bữa cơm về sau có được niêu cá kho mặn””.
(Trích Hồi ký Phan Quang)
“Cái khoản đãi đằng, nên phiên phiến”
“Dạo ấy, vào đầu những năm 60, thủ phủ khu Tây Bắc đặt ở Sơn La, cả thị xã mới có hai ngôi nhà tầng dựng trên đồi cao. Từ đây nhìn xuống phố xá mới hồi cư, nhà ở toàn bằng nứa lá, đường phố chưa kịp rải đá, tung bụi đỏ mù. Anh nói:
- Đồng chí xem, dân còn ở thế kia… Đã cần gì xây dựng một lúc mấy nhà to thế này. Tôi nghĩ chỉ cần một trụ sở chính quyền khu cho bề thế, để đồng bào dân tộc từ núi cao về trông thấy cơ ngơi cách mạng mà phấn khởi. Cho đồng bào có dịp so sánh: mấy mươi năm dưới chế độ cũ, chưa nhìn đâu thấy nhà to như thế này. Còn trụ sở đảng bộ, chưa cần xây vội. Tôi không phê bình. Tôi rất thông cảm với các đồng chí lãnh đạo khu, và dù sao nhà cũng đã làm rồi. Nhưng giá ta dùng số tiền này vào việc phục vụ sản xuất có phải tốt hơn không? Sao không bắt đầu bằng việc mở ở mỗi châu một xưởng cơ khí làm nông cụ, bảo đảm cho nông dân không thiếu dao, cuốc trong lao động? Sao không mở lò nung vôi bón ruộng? Không nên bày vẽ ra nhiều thứ. Làm việc gì khó, chứ bắt chước sự huênh hoang lãng phí thì dễ và nhanh vô cùng. Cơ quan trên khu, trên tỉnh bày biện bao nhiêu chậu hoa thì trụ sở xã cũng sẽ có bấy nhiêu chậu.
Đứng bên cửa sổ, anh tiếp tục thì thầm với chủ nhiệm nhà khách như đôi bạn quen biết từ lâu:
- Cái khoản đãi đằng, nên phiên phiến. Các đồng chí thường vụ Khu ủy có lòng hiếu khách cho nên chiêu đãi chúng tôi. Chúng tôi biết ơn và không từ chối. Nhưng chỉ một lần thôi, gọi là họp mặt anh em lâu ngày gặp nhau, cấp trên cấp dưới cùng ngồi lại uống với nhau chén rượu. Mà cũng chớ nên bày vẽ ra sang trọng quá. Các đồng chí có biết không, Bác Hồ Chủ tịch nước, không bao giờ đãi khách quá ba món, trừ những bữa tiệc đặc biệt về ngoại giao. Một bữa chủ khách ăn chung, sau đấy, thôi. Anh em về công tác, các đồng chí chăm sóc cho là quý rồi. Còn ai ăn cơm đều phải trả tiền, trả bao nhiêu tùy điều kiện và tiêu chuẩn mỗi người. Các đồng chí mến khách, cho thêm gói chè, bao thuốc, tôi không phản đối. Nhưng nên vừa phải…”.
(Trích Hồi ký Phan Quang)
“Buồn hung Thanh Tịnh ơi!”
“Có một tối Đại tướng đi bộ từ nhà riêng mãi trên mạn Cổ Ngư, Quán Thánh đến chơi với nhà thơ Thanh Tịnh. Hai người nằm khoèo trên sàn gỗ chuyện trò, tâm sự. Câu chuyện đang vui, bỗng Đại tướng đột ngột nói với nhà thơ: “Buồn hung Thanh Tịnh ơi. Chiều nay miềng bị mạ mắng”. “Mắng răng?” – nhà thơ hỏi bạn. “Mạ nói: Thanh ơi, mi mần đến Đại tướng mà có mỗi một việc đưa mạ về thăm quê mà không mần được!” – Đại tướng xúc động thuật lại. Thì ra, hai người con xứ Huế – một nhà thơ, một đại tướng không lúc nào nguôi nhớ về quê hương đang còn chìm trong khói lửa chiến tranh”.
(Theo Đại tá Ngô Vĩnh Bình – Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với công tác văn học nghệ thuật và đội ngũ nhà văn - chiến sĩ)
“Không việc gì căng bằng viết báo”
“Chà chà... không việc gì căng bằng viết báo. Hôm nào mình phải viết báo là y như cả nhà biết: ăn kém đi, ngủ ít hơn. Đẻ ra được một bài tốn biết bao công sức. Thế mà cánh biên tập các báo tưởng mình đẻ ra dễ lắm, tay này đến com măng bài này, tay kia đến bảo xin anh viết cho bài nọ. Rồi nó trả cho mấy đồng nhuận bút, có khi nó quên đi, mà mình thì mất ăn mất ngủ bao đêm”.
“…Căn phòng nhỏ làm việc ở nhà bày nhiều sách trên giá gỗ. Lần nào đến cũng thấy sách văn học anh đọc thay đổi luôn, chứng tỏ anh đọc khá nhanh. Tôi thấy có cuốn Chiến tranh và hòa bình, Hồng Lâu Mộng, Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi v.v... Thoáng phía trong là tấm bản đồ tham mưu cỡ lớn choán hết mặt tường trên đó găm những lá cờ nhỏ đánh dấu vị trí đóng quân của ta của địch toàn chiến trường miền Nam”.
(Trích Hồi ký Phan Quang)
“Cậu cho mình xem giấy phép”
“Lần ấy qua Phà Khuất (Ninh Bình) xe người ùn chờ phà. Một anh bộ đội ba lô lặc lè vẻ mặt cau có đứng bên. Anh Thanh bắt chuyện. Anh bộ đội cho biết đang đóng quân thuộc một đơn vị ở Tây Bắc nay về phép thăm quê trong Hà Tĩnh và phàn nàn “tôi muốn quay về đơn vị cho xong”… Anh bộ đội xổ ra một tràng rằng “các anh tính, đơn vị cho 15 ngày phép. Tính cả thời gian đi về. Từ Tây Bắc về đây đã mất một tuần. Về tới nhà hôm trước hôm sau phải đi ngay may ra mới kịp hạn. Đi ngay thì bà con gia đình thắc mắc, ở chơi dăm bữa thì phạm kỷ luật. Vậy thì tôi về làm gì. Biết thế này chẳng xin đi phép nữa”.
Anh Thanh vỗ vai anh bộ đội nói “Mình công tác ở Tổng cục Chính trị. Cậu cho mình xem giấy phép mình sẽ bày cho cậu cách giải quyết...”.
Anh bộ đội ngạc nhiên nhưng cũng đưa giấy phép ra. Anh Thanh rút bút ghi luôn: Cho nghỉ tại địa phương mươi ngày không tính ngày đi và về. Rồi ký tên Nguyễn Chí Thanh.
Lên xe, anh phàn nàn với anh em cùng đi, “Tất nhiên mình sẽ gọi điện cho đơn vị cậu ấy. Cán bộ mình còn máy móc, nhiều chính sách chế độ còn nhiều khiếm khuyết. Chúng ta phải góp phần chấn chỉnh...”.”.
(Theo Xuân Ba – Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Lon nước, mo cơm lội khắp đồng)