Nhà văn Mai Thanh Hải từng kể, hồi ông và nhà văn Nam Cao cùng đi với nhau từ vùng đồng bằng lên Việt bắc vào năm 1947. Trong những câu chuyện ở dọc đường, khi nhà văn Mai Thanh Hải nhắc đến chuyện văn chương, nhà văn Nam Cao vừa tủm tỉm cười, vừa bảo: “Mình túng bấn quá, cầm bút ghi lại những chuyện xóm giềng, bạn bè và nhất là chuyện của chính mình, của vợ con. Lúc đầu viết tam toạng, bài được đăng, bài mất tăm. Ấy vậy mà cũng có thêm vài đồng bạc, đỡ đần được cho bà vợ tý chút đấy!”. Đó chính là lời tâm sự chân thật nhất của nhà văn Nam Cao chăng?
Thời ấy, những ai hiểu được gia cảnh và cuộc đời nhà văn Nam Cao thì đã ít nhiều biết về bạn bè, quê hương, xóm giềng của ông, nên mỗi khi đọc văn ông, ta sẽ thấy như đang được gặp gỡ họ bằng xương, bằng thịt và được chuyện trò cùng họ, trong cuộc đời thực. Và người hiện hữu rõ nét nhất, trên những trang văn, lại chính là tác giả.
Chẳng hạn, khi đọc Những cánh hoa tàn, qua nhân vật Tân, ta như được gặp Nam Cao. Lúc ấy, Nam Cao mới là cậu bé mười tuổi. Còn đang đi trọ học, cách nhà hơn chục cây số. Nhưng lại rất thân với một cô gái, hơn mình tới sáu tuổi. Cô gái này đến nhà Nam Cao để học làm nghề làm “đăng-ten”. Hàng tuần, cứ đến ngày chủ nhật, bà mẹ đến trường thăm con trai, thường đưa cô bé đi theo. Mỗi lần như thế, cô gái đều mang cho cậu bé, những món quà quê mà cậu rất thích, kèm theo mấy bông hoa đẹp, để cậu đem ép vào sách để chơi. Sau này, cô gái phải rời xa cậu đi lấy chồng, và những bông hoa đẹp ngày xưa trở thành Những cánh hoa tàn.
Rồi khi đọc tiếp các tác phẩm sau này, ta sẽ gặp nhà văn Nam Cao trong nhân vật thầy giáo Thứ. Một thầy giáo trường tư đầy lòng yêu nghề. Luôn giữ tấm lòng trong sáng của một nhà giáo. Song, cũng nhiều dằn vặt và trắc ẩn, trong hoàn cảnh cực nhọc của người dân nô lệ. Và các nhân vật khác như Cao trong Những truyện không muốn viết; Điền trong Giăng sáng và Nước mắt. Như Độ trong Đôi mắt, như Kiên trong Đợi chờ. Cũng có khi chỉ là Tôi là Hắn như ở truyện Mua nhà và Cười. Lại có lúc tác giả để nguyên tên thật như Tri trong Cái mặt không chơi được. Ở truyện này, ngay ở dòng đầu nhà văn viết: “Sáng nay đang ngồi viết với nhau, chẳng biết cái ý nghĩ lan man nào đã xui anh Sen đột ngột bảo tôi:
- Này Tri ạ, cái mặt anh trông thế nào ấy. Quả thực không chơi được!”
Hai người này: Tri chính là tên thật của nhà văn Nam Cao. Còn Sen là tên thật nhà văn Tô Hoài.
Còn với người thân thì nhà văn đặc biệt yêu quý, kính trọng và thương cảm bà ngoại. Trong tiểu thuyết Sống mòn và truyện Nhìn người ta sung sướng nhà văn đã kể về hoàn cảnh bà như sau:
Thuở bé, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng. Bà phải đi làm con nuôi người ta. Người ta nuôi không phải vì hiếm muộn, mà chỉ cần người làm. Nghĩa là đi ở không công. Cái khổ biết kể sao cho xiết. Lớn lên, lấy chồng nghèo. Chồng lại cờ bạc, rượu chè. Cứ vợ làm ra được tí nào thì chồng phá sạch. Vợ chồng đánh chửi nhau luôn. Rồi nhân một lần thua bạc, ông chồng cầm cố hết cửa nhà, ruộng vườn và trốn đi biệt tích. Năm ấy, bà mới hai ba tuổi và vừa sinh một người con gái. Bà đã ở vậy nuôi con, con lớn cưới rể về sống ở nhà mình. Sau này lại gây dựng cho các cháu.
Nhà văn cũng kể rằng: Cuộc đời bà như vậy, nên tính bà vừa sẻn so vừa cay nghiệt lắm! Bà chưa bao giờ được ăn ngon, không thể nghĩ rằng, người ta có thể ăn ngon, chưa bao giờ được nghỉ ngơi. Không thể tin rằng, người ta có quyền nghỉ ngơi. Bà cũng chưa bao giờ được yêu đương, vui vẻ nên không bằng lòng cho kẻ khác yêu đương, vui vẻ…
Bên cạnh hình ảnh bà ngoại, hình ảnh cha, mẹ và các em, thì một hình ảnh khác được nhà văn tô rất đậm nét. Đó là hình ảnh người vợ. Nam Cao cưới vợ năm ông mười tám tuổi. Cuộc hôn nhân ấy do đôi bên cha mẹ sắp đặt mà thành. Nhưng cuộc sống vợ chồng của hai người lại đầy ắp tình yêu thương và rất nhiều nhung nhớ mỗi khi phải xa cách.
Nhà văn từng mượn nhân vật Liên trong tiểu thuyết Sống mòn. Vợ Điền trong truyện Giăng sáng, Nước mắt và Liễu trong Đợi chờ để kể về vợ mình, từ lúc bà còn là cô gái mười bảy tuổi, chuẩn bị bước chân về nhà chồng, cho đến cái đêm, hai người chia tay nhau đầy lưu luyến và cảm động. Trước ngày ông lên đường đi kháng chiến.

tượng gốm Chí Phèo - Thị nở (gốm Bát Tràng)
Lúc đầu là: “… Cô gái quê mười bảy tuổi là Liên, những buổi tối mùa thu, cả nhà ngủ cả rồi. Đóng chặt của buồng lại, ngồi giở những cái quần lĩnh, áo the, thắt lưng nhiễu, khăn nhung, khuyên vàng… sắm sanh để về nhà chồng ra ngắm nghía, vuốt ve, mắt sáng ngời và đôi má ửng hồng. Chắc – đã sung sướng mỉm cười, nghĩ đến tương lai của chúng mình đẹp như hoa…”.
Và tiếp theo những ngày làm vợ, với sự dịu dàng yêu thương chồng: “… Liên thật là người vợ yêu chồng và ngoan ngoãn. Liên chịu khổ vì Y rất nhiều, nhưng bao giờ cũng vui lòng. Chẳng bao giờ Liên nghĩ rằng, chỉ vì đi lấy chồng mà mình đang từ cảnh ấm no bước sang cảnh đói nghèo… Và Liên đã nín nhịn chồng, đã chiều ý chồng biết bao nhiêu mà kể…”.
Dưới ngòi bút của nhà văn, hình ảnh người vợ theo năm tháng và những nghèo túng, cực nhọc đã già đi, xấu đi. Nhưng lúc nào cũng chu đáo tận tụy: “… Liên vẫn ngoan ngoãn, vẫn chiều chồng, nhưng trở nên ít nói, ít cười hơn. Đôi mắt mệt mỏi và thẫn thờ. Liên có vẻ già đi, đến mười năm”. Còn cái sự nhớ nhung khi phải xa cách, lại được nhà văn mô tả, trong những lần chia tay nhau để ông đi Hà Nội dạy học: “… Y nhớ một câu Liên nói với Y qua một nụ cười chua chát và buồn: Thật trăm cái tội, chẳng tội gì bằng tội nghèo. Chỉ vì nghèo mà vợ chồng mình cứ kẻ một nơi, người một nẻo suốt đời… Người ta thì chỉ phải sẻn ăn, sẻn mặc, chứ tôi thì đến cả chồng cũng phải sẻn. Thế có khổ không?”.
Còn nhiều lắm những hình ảnh của người vợ, được nhà văn phác họa trên các trang văn. Có lúc thật dịu dàng, hiền hậu. Có khi lại cáu bẳn, nóng nảy. Nhưng tựu trung lại thì ngay cả khi cãi nhau, chì chiết nhau cũng vẫn toát lên được sự thông cảm sâu sắc và một tình yêu đằm thắm giữa hai người.
Đặc biệt, trong tác phẩm của Nam Cao, những người thân là nữ giới luôn được nhắc đến nhiều hơn cả: bà ngoại, mẹ, vợ, các em gái và con gái. Trong tiểu thuyết Sống mòn nhà văn từng đau xót nhắc đến mẹ mình như thế này: “… Mẹ già và xấu đi nhiều quá! Bà làm và nhịn đến tóp người đi như một con ve. Một mình bà cố nâng đỡ cả một thế giới đang sụp đổ kia, như một con ngựa già cố kéo một cái xe lên dốc, tuy biết mình cũng đang kiệt sức rồi!”.
Nhà văn cũng từng là người anh cả trong gia đình. Sau ông còn bốn người em trai, ba người em gái là: Trần Thị Khiết, Trần Thị Trinh, Trần Thị Trạch. Trong tác phẩm nhà văn, thường chọn các em gái để xây dựng nhân vật. Có lúc, ông dùng tên thật của các em đưa vào trang văn như trong truyện Ma đưa.
Ông viết: “… Hai đứa trẻ lê la trong vườn, vừa làm cỏ, vừa nói chuyện. Hai đứa cùng gầy còm, cùng đen đủi. Tóc mới nuôi, chẳng sửa chăm, quần áo rách vá nhiều chỗ và bẩn thỉu. Nhưng nhìn kỹ, cả hai đều có thể xinh xắn được, chỉ cần thêm cơm và sạch sẽ. Trinh mười bốn tuổi, hai mắt tròn, đen và dịu dưới hai nét lông mày nhỏ tắp, cong và dài. Miệng nó nhỏ, tròn… Cái cười của nó rất lành. Giọng nói của nó chậm và cung bậc đều đều. Nó hiền, hiền đến hơi ngờ nghệch. Trạch kém chị hai tuổi, nhưng có vẻ tinh nhanh hơn. Người nhỏ nhưng có thịt lẳn, da nhẵn. Đôi mắt nhanh nhẹn và sắc sảo…”.
Nhà văn Nam Cao có năm người con: ba trai, hai gái. Con gái cả tên là Trần Thị Hồng, các em tiếp theo là Trần Mai Thiên, Trần Thị Bình Yên, Trần Hữu Thành, Trần Hữu Thực. Trần Thị Bình Yên bị bệnh hiểm nghèo, mất từ khi mới được một tuổi vào năm 1945. Cậu con út ra đời năm 1950 tại quê nhà. Lúc ấy, nhà văn đang công tác ở tòa báo Cứu Quốc đóng tại Việt Bắc. Cho tới ngày nhà văn hy sinh vào tháng 11 năm 1951, hai cha con chưa bao giờ được gặp mặt nhau. Trong số năm người con, thì cô gái lớn được nhà văn chọn làm nhân vật trong nhiều tác phẩm của ông hơn cả.

Chí Phèo, bộ phim được dựng dựa theo tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao
Trong truyện Bài học quét nhà, ông để nguyên tên thật của con gái để viết thế này: “… Thày xách hai cái ghế ra sân. Thày ngồi một cái, Hồng ngồi một cái… Hai bố con nói chuyện với nhau. Thường thì chỉ mình Hồng nói mà thôi. Hồng nói bất cứ chuyện gì: chuyện U, chuyện em Thiên, chuyện con chó hay chuyện mặt trăng… Hồng nói nói, cười cười. Đôi mắt Hồng như hai hạt nhãn, cái miệng chúm chím. Đôi hàm răng nhỏ như răng chuột. Đôi bàn tay nhỏ xíu nhưng múp míp, làm những điệu bộ xinh xinh rất đáng yêu. Thầy sung sướng nhìn, mỉm cười. Có khi mắt thày ươn ướt vì cảm động. Thày nắm tay Hồng, nhắc Hồng sang ghế của thày, ôm Hồng trong lòng, vuốt ve mái tóc và hôn con”.
Hồng còn xuất hiện khá nhiều qua các nhân vật Hường trong Nước mắt; Huyền trong Đợi chờ. Có khi nhà văn chỉ gọi là: đứa con gái của tôi như trong truyện Mua nhà hoặc Giăng sáng. Truyện Bài học quét nhà, Nam Cao kể rằng: “… Một ngày nọ, đứa con gái chưa đầy năm tuổi là Hồng, đã được mẹ dạy quét nhà. Và rồi: Buổi tối hôm ấy, sau khi đã uể oải ăn xong bát cơm nguội rắc vừng, Hồng uống nước rồi lẳng lặng vào giường ngủ. Một lát sau, người bố vào, nằm bên con, quạt cho con. Một bàn tay Y vuốt ve những sợi tóc mềm như tơ của nó. Con bé nhắm nghiền đôi mắt, không dẫy dọn… Thật ra, thì Hồng có ngủ đâu. Tự nhiên nó thấy nước mắt ri rỉ chảy ra đầy má. Nó không dám chùi, sợ thày nó biết…”. Đó là tính cách của cô con gái. Còn tâm trạng người cha, khi nhìn cảnh vợ dạy con quét nhà thì: “Người bố chỉ lẳng lặng nhìn tất cả tấn bi kịch đang diễn ra trước mắt. Y thấy lòng đau quằn quặn… Suốt buổi chiều hôm ấy, Y buồn bã. Y cũng vào phòng viết, ngồi như thường lệ nhưng Y không viết được”.
Xem thêm: