Thật may mắn khi Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình còn để lại cho cuộc đời những vật kỷ niệm quý báu. Đó là những bức ảnh, những dòng ghi lại hoạt động của anh từ tuổi thơ ấu, đến những ngày học tập và hoạt động phản chiến trên nước Mỹ… Tôi vô cùng xúc động khi bà Lê Thị Anh - mẹ của anh run run mở chiếc va-li phủ đầy bụi, lần tìm những quyển sổ ghi chép, những lá thư của con trai… Bà ôm vào lòng tấm bằng tốt nghiệp Đại học Washington hạng danh dự của anh, cả tấm tranh cổ động phản chiến anh vẽ hình cô du kích Nam bộ… Chị Huỳnh Mai, em gái của anh nói: “Tính anh Bình cẩn thận nên trước khi gửi thư cho ai, anh đều ghi vào quyển nhật ký”.
Đây là những dòng ghi chép tinh nghịch và rất thật của anh để lại:
“Lược sơ các nhân vật gọi tôi là ANH BÌNH - một thằng sinh viên Việt duy nhất ở Seattle, từ dạo 9/10/1970…
- Đào Thị Loan
- Nguyễn Sen
- Nguyễn Cúc…
Khá chín chắn, tế nhị, sẵn lòng gả em, nhưng tôi là lục bình trôi, cảm ơn Cúc!
Tại sao? Thích đối đầu, chinh phục những người đàn bà rành đời, bản lĩnh già dặn (Ex: Những cô sinh viên, cử nhân, master), không muốn dụ dỗ, quyến dụ người trong trắng, ngây thơ.
Vì ai tôi cũng yêu thương thành ra không có một người yêu riêng. Tôi yêu người thì được nhưng không muốn cô nào yêu tôi vì yêu tôi sẽ khổ. Tôi không thể đền đáp xứng đáng tình yêu của kẻ khác, vì thế tôi không muốn ai yêu tôi…
(Có nói với Lan, Liên, cả Hiền như ri)
- Cho vợ tôi sau này (197?)
“Em là người yêu riêng biệt đầu tiên của anh, và hy vọng em sẽ không khổ vì yêu anh”…

Nguyễn Thái Bình hoạt động phản chiến trên đất Mỹ.
Anh viết cho cô bạn gái Hoàng Thị Thanh Hà ngày 19/1/1971:
“… Tôi có nhiều lý do để không thể quên Thanh Hà được.
- Thanh Hà vẫn nợ tôi tấm ảnh ở Berkeley, hôm đi với anh chị Quyền. Tôi biết chắc chắn rằng, Thanh Hà không quên gởi nên vẫn chờ và tôi đã đợi hơi lâu đó. Hơn nữa, trên hai năm sang đây, dù mỗi người học một trường nhưng tôi và Hà đã có những lần kỳ ngộ khác đặc biệt. Hà ơi, tôi muốn gợi lại và giữ mãi kỷ niệm đó…
Giờ đây thì tôi ở bờ Thái Bình, Thanh Hà ở bên bờ Đại Tây. Vẫn biết Thanh Hà không phải là Tây Thi nhưng nhiều lúc tôi vẫn muốn nhầm lẫn Thanh Hà với cô Tây Thi của tôi (câu chuyện ngày nào)…”.
Ở Mỹ, Nguyễn Thái Bình là một sinh viên học giỏi, tài hoa, được nhiều người mến mộ. Anh mê thể thao - đặc biệt môn bóng đá. Anh viết báo, nhảy đẹp, diễn thuyết giỏi. Anh có cô bạn gái là công chúa Thái Lan mà những người bạn nói: “Nếu muốn, Bình chỉ bước thêm "vài bước” là có thể trở thành “phò mã” của vương quốc Thái Lan…”.
Một tương lai tươi sáng, đang rất gần tầm tay của anh. Nhưng anh đã chọn con đường “Tôi là người Việt Nam”, tham gia phong trào phản chiến ở Mỹ bằng cả bầu máu nóng sục sôi. Nhưng con người được xem là rất nguy hiểm dưới mắt nhà cầm quyền Mỹ cũng là một chàng trai với khát khao hạnh phúc, cũng rung cảm trước cái đẹp và rất nhiệt tình với những người phụ nữ. Anh viết:
“Xuân Lan có dặn: “Anh Bình qua bển đừng có xí xọn” nhưng quả thật hổm rày mình khá lăng xăng: Thanh Hà, Ott (+ bà mẹ Thais), rồi lông bông, gặp ai cũng muốn xông xáo: Dianna, Ann…! Cũng vì như lục bình trôi dạt, tấp vào nhiều chỗ, nhưng chẳng dừng lại nơi nào, cũng chẳng được gì, cuối cùng cũng vẫn hoàn cái kiếp bình bồng.

Nguyễn Thái Bình và Kipty trong kỳ nghỉ ở Mỹ.
Nguyễn Thái Bình dành một trang đặc biệt cho Hellen và Ott:
* Hellen Crutchfield chợt nhìn: gương mặt, đôi mắt, sống mũi, lông mày, mái tóc gợi lại hình ảnh con gái, công nương giới quý phái, hoàng tộc Âu châu xa xưa mà mình có dịp xem hình, xem phim lúc 5, 10 tuổi. Nhìn ngắm cho vui mắt chớ không có đối thoại, trong khi có nói chuyện với Hana, Mary… (Chuyện trời trăng mây gió).
Gần giai đoạn chót, ngẫu nhiên ra tay nhảy nhót một bản, rồi lại đúng bản Slow. Thôi thì ôm người đẹp trong vòng tay (2 bản). Rồi mình lại chủ động cùng nàng nhảy chân sáo, chim chóc, xoay lòng vòng (chì chưa). Tấn công, tiến hành mạnh. Tặng nàng cái nón lá có lẽ được việc, chứ giữ nữa cũng chẳng làm gì và quanh quất cũng không có ai đáng để tặng.
Thế rồi đưa em về Sorority… tay trong tay, choàng vai theo kiểu Mỹ, lại còn hôn “good night”
Tương lai: còn nữa. Stop!
* Chúa Nhật 31/1/1971
Gần cuối năm, mình bị vọp bẻ chân. Để Bill Cord vào thế, ra ngồi nói chuyện với mẹ Ott và … Có thể nói Ott là người con gái (Thais có bà ngoại Việt) có gương mặt Á Đông đẹp, duyên dáng nhất mình gặp ở xứ người. Bà mẹ mời đi ăn cơm Tàu (Atlas, Chinatown bằng xe…)- món đặc biệt, pig tail (quả là năm pig), tàu hủ, cải làn…
Trên đường về Mc Mahon. Bà mẹ (chỉ còn ở đây thăm Ott 10 ngày nữa) muốn xem mình như con và gởi gắm:
- Bình. Please take care off, not only by one eye but two eyes” (Ngụ ý? two eyes = carefully? Đứng đắn? Đừng có cẩu thả và liếc mắt đưa tình?!). Thôi thì mình láu lỉnh bảo Ott: “I will be your older brother”. Nàng nhướng mày - Đẹp làm sao.
Liên tưởng đến cảnh phi trường Sài Gòn. Bà mẹ của Thanh Hà:
- Em nó chân yếu tay mềm, trăm sự nhờ anh dẫn dắt”.
Kết luận: Té ra mình cũng có cái phong thái được người lớn tin cậy mà gởi gắm (và gởi con gái hiền, đẹp mới oai chứ), chứ chưa đến đỗi vứt đi như các anh lãng tử giang hồ bình bồng phiêu bạt… (mình thuộc hạng siêu đẳng!).
Tổng kết:
Đầu năm Hợi này coi bộ khá lăng xăng, nhiều business.
THANH HÀ, HELLEN, OTT (3 người đẹp của ngày tôi 23 tuổi).

Nguyễn Thái Bình trong đội tuyển bóng đá của trường Đại học Washington (3/1972).
NƯỚC MẮT PHỤ NỮ ĐỂ LẠI TRONG NGUYỄN THÁI BÌNH DẤU ẤN SÂU ĐẬM:
“… Lần trước chị Hiền, đêm nay chị Phượng. Cũng cùng là cái khóc của người con gái giàu cảm xúc nhưng ý nghĩa, hoàn cảnh khác nhau hẳn.
- Một đàng là cái buồn giã biệt, xa cách thường tình.
- Còn giọt lệ này, sự uất nghẹn, nức nở này hàm chứa bao tủi hờn, đau khổ, dày vò cùng niềm đau chung của quê hương, dân tộc. Cao Ngọc Phượng! Chị can đảm và xứng đáng lắm”.
Một chàng trai hào hoa, được nhiều cô gái mến mộ như Nguyễn Thái Bình; một sinh viên đã tốt nghiệp Đại học Washington hạng danh dự, tương lai đang rộng mở phía trước lại tự nguyện gánh trên vai mình một sứ mạng thiêng liêng, như lá thư cuối cùng anh gửi cho cha mẹ, khi ngồi trên chuyến bay cuối cùng của cuộc đời:
“Guam ngày 2/7/1972,
Con biết ba má và các em sẽ khổ nhiều trước cảnh sanh ly hay tử biệt này. Con quả quyết ra đi hôm nay vì con thấy một sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc, Tổ quốc đã đặt vào tay con. Nỗi khổ này của ba má, các em con hiểu lắm.
Suốt mấy năm qua khi nghĩ đến quyết định này nó đã làm cho con giằng co tâm não, để cuối cùng con chọn con đường chông gai, khổ nhục này vì con đã thấy rõ đâu là con đường sống của dân tộc, đâu là bọn người tàn bạo, dã man nhất.
Sự đau khổ của đồng bào, quê hương suốt mấy chục năm qua dưới bom đạn đốt phá không gì sánh nổi. Đau khổ này của ba má ví bằng sự đớn đau của bao triệu cha mẹ Việt Nam mất đi đứa con yêu hay một ngày nào đó con cũng sẽ vùi thân trong tủi nhục mà không có một chút lý tưởng, nghĩa lý cho sự hy sinh.
Hôm nay, vì chính nghĩa, vì sự sinh tồn của cả một dân tộc, vì chân lý, lẽ công bằng, nhân đạo mà con có hi sinh thì cái chết này không phải là một sự chấm dứt mà là khởi đầu cho sự hồi sinh của các thế hệ tương lai.
Đường con đi nhất định theo chân anh hùng Việt Nam đi vào thanh sử chớ không bám gót ngoại xâm làm thân tôi đòi, nô lệ. Con hy vọng ba má đặt mình vào vị trí của cha mẹ Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi thì sự mất mát này không làm sự khổ đau, thương tiếc quá lớn, mà sẽ giảm thiểu để còn vun bồi, xây dựng cho lớp đàn em kế tiếp (Vì phi cơ xóc viết không rõ, xin ba má hiểu cho).
Con yêu của ba má
Anh của các em thương”

Bút tích, lá thư cuối cùng của Nguyễn Thái Bình.
35 năm sau ngày hòa bình, Nguyễn Thái Bình được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Ngay sau khi máy bay vừa hạ cánh, kẻ thù đã nã súng bắn chết anh rồi vứt xác xuống đường băng Tân Sơn Nhất, tên tuổi Nguyễn Thái Bình đã đi vào thanh sử.
Trong ngôi nhà sâu trong hẻm Đa Thiện, quận 7, bà Lê Thị Anh vẫn giữ nguyên vẹn những vật dụng, hình ảnh của Nguyễn Thái Bình. Bà tiếc đã không giữ được bộ quần áo anh mặc khi bị sát hại. Mẹ nói: “Vì quá đau thương, tôi đã đốt bộ quần áo đẫm máu của con!”.
Bà ôm vào lòng chiếc va-li phủ đầy bụi. Tôi cùng mẹ mở ra. Bàn tay mẹ run lên, giở từng lớp. Vẫn còn nguyên vẹn những lá thư của bạn bè gửi cho anh, được nhà cầm quyền phân loại, vẫn còn tấm biểu ngữ anh đi đấu tranh, và cô du kích do tự tay anh vẽ trên tấm vải dường như đang bước ra khỏi chiếc va-li chật hẹp kia, cùng nói với người đang sống: “Nguyễn Thái Bình đã đồng hành cùng dân tộc, đã cùng chúng tôi cầm súng chiến đấu lâu rồi!”.
Mẹ nói trong nước mắt: “Sau ngày hòa bình, cách mạng đã mang chiếc va-li này đến cho tôi!”. Và cho mãi đến hôm nay, mẹ vẫn còn hối tiếc: “Phải chi Bình còn để lại cho mẹ đứa cháu. Năm 1970, nó về nước, mẹ hối: “Con có thương cô nào, cứ nói cho ba má biết. Nếu tụi con thương nhau, má bằng lòng tác hợp”. Nhưng Bình nói: “Con chưa muốn cưới vợ. Con còn nhiều việc phải làm!””.
Anh hi sinh. Nhiều người đã khóc thương anh, trong đó có những người bạn gái như Hiền, Thanh Hà, Hellen, Ott, Kipty…, có cả những bà mẹ dám gửi đứa con gái đẹp và hiền cho anh “dẫn dắt”.
Quyển nhật ký của anh đã chứa đựng những ẩn số về quan niệm, cách sống, những trăn trở, suy nghĩ về người, về tiền, về hoa, những người bạn trai, những người bạn gái mà anh được gặp, đã giữ lại trong những trang ghi chép.
Trước những bức hình, những lá thư đã ố vàng cũ kỹ, tôi bị thôi thúc với ước nguyện được thực hiện quyển sách về anh, giữ nguyên những trang nhật ký với dòng chữ mảnh mai như con gái nhưng chứa đựng một ý chí mạnh mẽ, một nội tâm giằng xé giữa sứ mạng cho Tổ quốc và cuộc sống ấm êm cho riêng mình.
Và tôi tin sẽ kết nối được với những người bạn của anh năm nào - trong đó có cả nàng công chúa đã từng dành cho anh một tình cảm đặc biệt. Ở một nơi nào đó, nàng công chúa ấy không nguôi niềm tự hào về anh. Bởi khi ngã xuống, Nguyễn Thái Bình đã trở thành biểu tượng của một người Việt Nam cao đẹp, tỏa sáng.
(Ảnh trong bài do gia đình cung cấp)