Kho tàng văn hóa phong phú và rực rỡ của các dân tộc vùng cao hao khuyết dần, rơi vãi dần một phần do đời sống khó khăn, phần nữa do thiếu chính sách bảo tồn thiết thực và lâu dài. Vài chục năm trước chúng ta từng vui mừng reo lên, người Mèo có chữ rồi. Nay ở chính quê hương của người H’Mông không còn người biết chữ của tổ tiên, bởi không có người dạy…
1.
Một vài năm nay đi thực tế sáng tác ở vùng dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa, tôi thường được anh em làm công tác văn hóa ở cơ sở giới thiệu gặp những người… cuối cùng. Đến cao nguyên Đồng Văn, ông Vàng Chứ Dính, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện nói với chúng tôi, chợ Đồng Văn ngày xưa người xuống chợ không chỉ mua bán, mà để múa hát, đánh quay, ném quả pao và uống rượu mừng kết bạn còn bây giờ chỉ mua và bán, uống rượu thôi.
Đồng Văn, Mèo Vạc là quê hương của người H’Mông, nhưng cả hai huyện cực bắc chỉ có ông Giàng Lũng Sài là biết chơi các nhạc cụ và thuộc những bài hát của người H’Mông. Người H’Mông có 360 điệu hát, riêng hát trong đám hiếu bài Phát đường cho người chết có trăm điệu, nhưng cả vùng tìm không ra người hát được vài điệu… Năm nay cụ Sài đã yếu, không còn đi thổi khèn được nữa. Các anh nên gặp cụ, kẻo lỡ ra, cụ mang tiếng khèn về với tổ tiên, là hết…
Mới rồi đến tỉnh Đăk Nông, tôi được ông Y Thịnh, Phó Chủ tịch tỉnh mời về nhà riêng đãi cơm kháng chiến chỉ có canh lá bép và cá suối nướng để nói chuyện ngày xưa. Ông Y Thịnh tâm sự, trong xây dựng nếu không may làm hỏng một căn nhà, một khúc đường, đã đành là thiệt hại rồi, nhưng còn chữa được, đập bỏ làm lại được. Nhưng làm hỏng, để mất những giá trị văn hóa của dân tộc thì khó mà khôi phục, khó làm lại. Ông bảo, Đăk Nông đa số là người M’Nông. Không ít bà con dân tộc khi đến mùa giáp hạt thì thiếu cơm, thiếu áo, nhưng không bao giờ thiếu tiếng cồng chiêng, thiếu múa hát, thiếu các lễ hội truyền thống.
Vì thế, để dân vui, cần phát triển bền vững, không chỉ dồn sức vào tăng trưởng kinh tế mà phải chăm lo đến văn hóa, xã hội là cái gốc hình thành lối sống, nhân cách của con người. Đăk Nông là tỉnh mới thành lập, trong nhiều việc phải lo, có nỗi lo mất văn hóa truyền thống.

Khèn của người H’Mông
Người M’Nông lấy chiêng là nhạc cụ chính. Lễ cưới: đánh chiêng; lễ dựng nhà: đánh chiêng; lễ đặt tên con: đánh chiêng; lễ cất mả cũng đánh chiêng. Tiếng chiêng gắn với đời người M’Nông từ khi chào đời đến lúc xuôi tay nhắm mắt. Bởi thế, nhà người M’Nông nào cũng lo làm ăn sao cho khá giả để sắm được một bộ chiêng. Nhà nào chưa có dàn sáu chiếc chiêng chưa được xem thoát nghèo, con trai khó được kén rể, con gái khó đón chồng.
Chiêng gắn với người M’Nông như vậy, nhưng đó là hôm qua, là thời ông bà, cha mẹ, xưa rồi, chứ người M’Nông hôm nay thì cả huyện Đăk Lấp chỉ còn một người là ông Y.Mớt, 69 tuổi biết đánh chiêng mà thôi. Sau ông, không còn ai. Quê hương của chiêng mà không còn người biết đánh chiêng, thì sẽ không còn múa chiêng, không còn những bài hát và những đêm kể trường ca trong tiếng chiêng âm vang núi rừng…
2.
Ở cao nguyên đá Đồng Văn và cao nguyên đất ba gian Đăk Nông, tôi tìm gặp những người cuối cùng về văn hóa khèn và văn hóa chiêng của H’Mông và M'Nông. Ông Sài và ông Y Mớt đều cùng tuổi xưa nay hiếm, mà hồn khèn, hồn chiêng vẫn sâu nặng, nhưng nhiều ngày, nhiều đêm cũng chỉ ngồi ngắm các nhạc cụ treo trên vách nhà mà nuối tiếc không nguôi vì sự chìm lặng dần của văn hóa dân tộc mình.
Với ông Giàng Lũng Sài thì vài năm trước chân còn chưa bị khớp, thỉnh thoảng có lễ hội, xe của huyện, của tỉnh về tận nhà rước đi trình diễn như một thứ “đặc sản” đãi khách. Vài năm nay, cụ yếu, đi lại khó khăn, đón đưa cũng vãn dần, cụ nhớ khèn thì thổi ở cửa bếp nhà mình. Cụ Sài bảo, cũng có vài người từ nơi xa tìm đến nhà, không phải học thổi khèn, học hát mà chỉ chụp ảnh rồi hỏi mua những nhạc cụ mà cụ đã gắn bó cả cuộc đời.
Còn với cụ Y Mớt gặp may là tỉnh sợ bị thất truyền văn hóa cồng chiêng của người M’Nông nên từ hai năm nay, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh có chương trình học cồng chiêng, mời cụ đến truyền nghề cho con trẻ, mỗi khóa học kéo dài ba tháng, mỗi tháng khoảng 8 tiết học, kiểu đạo. Tôi đến nhà cụ Y Mớt vừa khi cụ kết thúc ba tháng dạy cồng chiêng ở trường về. Tôi hỏi cụ về bài bản dạy cồng chiêng cho học sinh trường, cụ nói, phải dạy nhiều thứ lắm. Trước khi đánh cồng, đánh chiêng, phải sửa người đã.

Cồng chiêng là loại nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội của người M’Nông. Nguồn: Tuổi Trẻ.
Người cầm cái dùi chiêng là người đứng đắn, tử tế, ăn mặc theo lối truyền thống, khăn áo chàm, nẹp đỏ mới được gióng lên tiếng linh khí của ông bà. Như vậy, một khóa học ba tháng, mỗi tuần tám tiết, học như học ngoại khóa thì kết quả cũng không được là bao. Nhưng, cụ Y Mớt hào hứng nói, như thế cũng là tốt lắm rồi, vui rồi, ít ra là bọn trẻ còn nhắc nhớ đến tiếng cồng, tiếng chiêng…
3.
Kho tàng văn hóa phong phú và rực rỡ của các dân tộc vùng cao hao khuyết dần, rơi vãi dần một phần do đời sống khó khăn, phần nữa do thiếu chính sách bảo tồn thiết thực và lâu dài. Vài chục năm trước chúng ta từng vui mừng reo lên, người Mèo có chữ rồi. Nay ở chính quê hương của người H’Mông không còn người biết chữ của tổ tiên, bởi không có người dạy. Ở trụ sở xã Lũng Cú, ông Phó Chủ tịch xã tìm và cho chúng tôi xem một đống sách song ngữ Việt - Lô Lô, Việt - H’Mông còn mới, nói là sách tồn nhiều lắm, trên phát cho, nhưng không có người biết đọc. Một dân tộc đánh mất chữ viết của chính mình thì văn hóa cũng mất theo là điều dễ hiểu. Khôi phục, giữ gìn và làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam sau các nghị quyết của Đảng, cần có chính sách cụ thể, chứ không thể nói chung chung rồi bỏ lửng.
Trong những ngày đi tìm các giá trị văn hóa của các dân tộc vùng cao cho một chuyên khảo Nghệ thuật trình diễn các dân tộc Việt Nam, tôi may mắn gặp được Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Thanh, hiện là Phó Chủ tịch HĐND huyện Phước Sơn, Quảng Ngãi với bộ sách Công cụ Việt - Bhnong dài ngàn trang. Anh Thanh cho biết, huyện Phước Sơn có 16.000 người Bhnong dài một nhánh của người Giẻ Chiêng, nhưng ngôn ngữ không đồng nhất với Giẻ Chiêng. Để phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội, xây dựng cuộc sống mới, và góp phần giữ gìn bản sắc của người Bhnong, huyện chủ trương xây dựng bộ sách công cụ gồm từ điển, chữ viết, ngữ pháp và các bài học dành riêng cho người Bhnong.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Thành cùng nhóm cộng sự đã lao động gần mười năm để hoàn thành bộ sách công cụ này. Bộ sách đã được Viện Ngôn ngữ, nhiều cơ quan và chuyên gia chuyên ngành tham gia chỉnh lý, đánh giá tốt nhưng hai năm nay vẫn chưa thể đem ra ứng dụng vì thiếu kinh phí. Ước mơ của người Bhnong là có chữ viết, có từ điển không chỉ phát triển nội lực văn hóa, mà mở rộng giao lưu với các nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam còn chờ trong ngăn kéo.
Do tầm nhìn chiến lược về phát triển văn hóa của chúng ta đôi khi còn bất cập, rồi có thể nhà giáo Nguyễn Văn Thanh với bộ sách công cụ của anh cũng dần lùi, để trở thành một trong những người cuối cùng của văn hóa dân tộc như ông Sài khèn H’Mông, như ông Y Mớt cồng chiêng và một ít người ở nơi xa khuất nữa mà ta chưa kịp biết tên…