Những ngôi nhà “THIÊNG” trong lòng buôn làng cổ

Nói về Tây Nguyên, những nhà nghiên cứu văn hóa đều biết đến buôn Buôr (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắc Nông) là một buôn cổ của người Ê Đê. Nơi đây còn lưu giữ rất nhiêu yếu tố văn hóa cổ xưa, tiêu biểu nhất là ngay giữa lòng buôn còn hiện hữu 8 ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 100 năm tuổi. Những ngôi nhà này văn còn giữ nguyên vẻ uy nghiêm của cái thuở ban đầu.

Đồng bào buôn Buôr quý trọng báu vật của cha ông để lại và gọi những ngôi nhà này là những ngôi nhà “thiêng”. Hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con, cũng như việc bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của người Ê Đê, UBND tỉnh Đắc Nông đã đầu tư 3,2 tỷ đồng vào việc tu sửa, bảo tồn những ngôi nhà cổ; bà con rất cảm kích và phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào.

Ngược thời gian hàng trăm năm trước, người Ê Đê sống theo tập quán du canh du cư, khi đến buôn Buôr, họ không ngờ mảnh đất này lại lưu chân họ cho đến ngày hôm nay. Họ đã sống và xác lập một vị trí vững chắc trong thiết chế cộng đồng buôn. Nét văn hóa đặc trưng nhất là phải kể đến những ngôi nhà dài như tiếng ngân xa của tiếng cồng, chiêng của chàng Đam San. Ngôi nhà vững chãi và uy nghiêm như chủ nhân của nó, những người đầu tiên có công khai phá và sáng lập ra buôn Buôr. Trong 8 ngôi nhà cổ còn tồn tại, thì ngôi nhà dài của cụ Y Ngăm Niê là ngôi nhà cổ xưa nhất tọa lạc giữa trung tâm của buôn.


Ngôi nhà cổ của chủ nhân Y Sai Buôn Yă.

Thuở xưa, ngôi nhà này được dựng lên có chiều dài 100m, chiều ngang 6m, chủ nhà đã sửa chữa nên chiều dài hiện nay chỉ còn lại 55m. Ngôi nhà có tuổi đời hơn một thế kỷ, mặc cho biến động của thiên nhiên nó vẫn vững vàng, bề thế và uy nghiêm như vốn có của nó. Ai đã từng tới tham quan ngôi nhà này, đều đặt câu hỏi vì sao nó lại nằm ở vị trí trung tâm (?). Đây chính là ngôi nhà của vị chủ buôn xưa Y Blưng Ktul, người có công rất lớn đối với lũ làng nên được bà con tín nhiệm và tôn sùng, đến đời cụ Y Ngăm Niê đã trải qua 7 đời nối tiếp nhau.

Nó là ngôi nhà dài lớn nhất trong buôn và chủ nhân của nó là người chủ buôn nên mọi hoạt động như lễ hội, sinh hoạt của cộng đồng đều diễn ra ở đây. Cả làng kéo nhau về đây để cúng Yàng (trời), uống rượu cần, đánh cồng chiêng, nhảy múa, hát những làn điệu Ay ray, Hơh cư júVay vay mượt mà đặc trưng của người Ê Đê… Ngôi nhà này là vật chứng lịch sử chứng kiến bao nỗi thăng trầm của bà con nơi đây.

Những ngôi nhà cổ còn tồn tại đều có chung một thiết kế và được làm bằng các loại gỗ tốt nhất của núi rừng Tây Nguyên, mái được lợp bởi một loại lá trong rừng.


Trống cổ trong ngôi nhà của Y Sai Buôn Yă.

Từ cầu thang độc mộc bước vào trong nhà, gian đầu tiên là phòng khách có không gian rất rộng chứa được hơn trăm khách. Ở giữa gian khách, chủ nhà đặt một bếp khách, đây là nơi linh thiêng và trang trọng nhất để chủ nhà tiếp khách, điều đó thể hiện sự hiếu khách của người Ê Đê khi tiếp bạn rượu cần và thịt nướng bên bếp lửa bập bùng lung linh. Những vị khách ngồi trên những hàng ghế chân dê, còn chủ nhà ngồi trên ghế ngựa. Vách tường bên phải đặt hai hàng ghế k’pan dài thẳng tắp được làm từ thân gỗ có chiều dài hơn 20m, các chân liền với mặt ghế. Ghế k’pan dành cho các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng trong các dịp lễ hội hay các dịp tiếp khách quý.

Đa số trong các ngôi nhà cổ còn lưu giữ lại nhiều hiện vật cổ có giá trị văn hóa cao như những chiếc trống được đánh lên vào các dịp lễ hội, với 2 mặt trống được bọc bởi da những con trâu to khỏe nhất, dùng để cúng Yàng; nào là chiêng, ché, dao, cuốc, khung dệt, bàn quay tơ, nỏ… vẫn còn hiện hữu nơi đây. Sau phòng khách là các phòng nhỏ, nơi sinh hoạt riêng tư của đại gia đình, theo truyền thống mẫu hệ.


Voi ở Tây Nguyên.

Ai đã từng tận mất thấy được những ngôi nhà dài ở buôn Buôr với hàng cột lớn uy nghiêm, và nhất là khi thấy được chiêng, ché, trống, ghế k’pan… những vật dụng của tổ tiên ông bà người Ê Đê để lại cho con cháu. Khi đó người xem sẽ hình dung được cuộc sống hoang sơ huyền bí đầy tâm linh khi con người hòa với các thần chiêng, thân ché… một cuộc sống rất đỗi thanh bình và sung túc của cư dân bản địa.

Anh Ma Gun, một người con ở buôn Buôr cho biết, những ngôi nhà cổ là do ông bà tổ tiên để lại, trước đây, mỗi ngôi nhà đều có trên 50 người sinh sống hòa thuận với nhau trong một đại gia đình. Ngôi nhà là của quý đối với bà con nơi đây, nó là những ngôi nhà thiêng được kế thừa từ nhiều thế hệ trong gia đình dòng tộc người Ê Đê.

XUÂN THÂN