Những người thành đạt nói gì về gia đình?

ĐÀM THANH -XUÂN HƯƠNG thực hiện

Gia đình là chỗ dựa, là nơi để ta trở về trong vòng tay yêu thương của người thân sau một ngày lao động căng thẳng, là nơi mà mọi người có thể sẻ chia và cùng gánh vác với nhau những khó khăn nhất trong cuộc sống với lòng yêu thương và tôn trọng. Tổ ấm nhỏ của mỗi người là tế bào sống của xã hội, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, đã có hiện tượng một số gia đình Việt Nam dường như đang đánh mất dần truyền thống quý báu của dân tộc… Đây là một số ý kiến của các doanh nhân thành đạt và các nhà tâm lý, xã hội nghĩ về gia đình của họ…

* Bà Nguyễn Thị Oanh (Cử nhân Xã hội học, Thạc sĩ Phát triển cộng đồng): GIA ĐÌNH NGÀY NAY PHẢI ĐƯỢC XÂY DỰNG, CỦNG CỐ BẰNG NHỮNG KIẾN THỨC KHOA HỌC

Trẻ con là nguồn vui của người lớn và chỉ có thể phát triển lành mạnh trong vòng tay thương yêu của cha mẹ. Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ lớn lên trong cô nhi viện kém thông minh và có nhiều vấn đề về nhân cách hơn trẻ sống trong gia đình. Gia đình cũng là pháo đài vững chắc nhất để bảo vệ trẻ đối với các tệ nạn xã hội. Qua đó, gia đình hoàn thành chức năng cung ứng những công dân tốt cho xã hội.

Tuy nhiên, gia đình Việt Nam ngày nay đã thay đổi từ hình thái đến cấu trúc, trải qua những khủng hoảng trầm trọng và tỏ ra hụt hẫng trong chức năng giáo dục con em. Đại gia đình nhường chỗ cho gia đình hạt nhân.

Gia đình ngày nay không còn phát triển tự phát như xưa, không còn giáo dục bằng cách áp đặt, la mắng, cấm đoán mà tự củng cố một cách tự giác. Nghĩa là phải dựa trên kiến thức khoa học để hiểu biết và thuyết phục nhau, phải thương yêu nhau trong sự tôn trọng lẫn nhau.

Xã hội ngày nay không còn hỗ trợ gia đình bằng ca dao tục ngữ hay dư luận khắt khe mà bằng cung ứng những kiến thức và nhất là kỹ năng cơ bản. Cụ thể là các trường lớp chuẩn bị hôn nhân gia đình, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho thanh thiếu niên…

Những giá trị tinh thần vĩnh viễn như tình thương yêu, lòng hiếu thảo, các giá trị nhân bản vẫn sẽ là cơ sở và phải được phát huy trong gia đình. Giữ gìn văn hoá dân tộc nhưng hiện đại hoá để hỗ trợ sự đi lên của gia đình và xã hội.

* Ông Nguyễn Thành Long (Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh VàngViệt Nam): GIA ĐÌNH TRONG SỰ NGHIỆP KINH DOANH: MỘT VỊ TRÍ KHÔNG GÌ THAY THẾ ĐƯỢC

Dù trong hoàn cảnh nào, để góp phần xây dựng sự nghiệp doanh nhân, gia đình đã đóng vai trò hậu phương đầy ân tình, cảm thông và trách nhiệm, giúp doanh nhân thư thái đầu óc, tiếp sức kinh doanh, tạo nên nghiệp lớn.

Gia đình cũng là một động lực cho doanh nhân hăng hái xây dựng sự nghiệp kinh doanh với mục tiêu mưu cầu cuộc sống hạnh phúc, phong phú tinh thần và vật chất cho gia đình mình. Dĩ nhiên ở chiều ngược lại, doanh nhân phải có bổn phận vun đắp hạnh phúc gia đình, phấn đấu thành công ở vai trò chủ gia đình như là phấn đấu thành công làm chủ doanh nghiệp.

Gia đình không phải là cái gì trừu tượng mà cụ thể ở đó có những người thân là phụ nữ. Tạo hóa đã ban cho người phụ nữ sự dịu dàng, tính sâu sắc, lòng độ lượng,… Bản thân tôi may mắn có được những người phụ nữ như vậy. Tôi luôn biết ơn về những chăm sóc, chia sẻ đó của má tôi, vợ tôi và các con.

Theo tôi, mục đích cuối cùng của cuộc sống vẫn là làm sao mang lại sức khỏe, hạnh phúc cao nhất cho bản thân, gia đình, xã hội và những người bất hạnh hơn mình. Biết làm ra tiền nhưng cũng phải biết sử dụng tiền vào những mục tiêu có ý nghĩa nhất. Lao vào kinh doanh để ôm một đống tiền, sống cô đơn, ích kỷ thì không phải là một doanh nhân đích thực và dĩ nhiên, hãy đặt gia đình ở một vị trí không gì thay thế được trong sự nghiệp kinh doanh của chính mình.

* Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên Hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (SAIGON CO-OP): GIA ĐÌNH: NƠI KHƠI GỢI KHẢ NĂNG SÁNG TẠO CHO DOANH NHÂN

Đối với doanh nhân chúng tôi, gia đình không chỉ là nơi nghỉ ngơi, giải tỏa tâm lý mệt mỏi, căng thẳng ở nơi làm việc mà còn là điểm tựa vững chắc cho mình và cho cả doanh nghiệp. Vì một gia đình hạnh phúc, yên ấm còn là nơi khơi gợi khả năng sáng tạo cho doanh nhân, bởi chỉ trong điều kiện tâm lý thoải mái, nhà doanh nghiệp mới động não, nảy nở những sáng kiến được.

Mỗi khi gặp khó khăn thì sự nâng đỡ của chồng con, của gia đình là vô giá. Tôi may mắn có được người chồng có kiến thức về kinh tế, từng tham gia nhiều hoạch định kinh tế vi mô nên sự “cố vấn” của anh là cần thiết, nhất là trong những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua được.

Đã là doanh nhân thì không thể tránh khỏi những lúc mệt mỏi trước sự khốc liệt của thương trường, tôi đã nhận được sự động viên đúng lúc của chồng cùng sự cảm thông và quan tâm của các con. Khi lên chức bà nội, bà ngoại, tôi lại càng thấy có trách nhiệm hơn với công việc, với gia đình và xã hội.

Ngày ngày, nhìn khung ảnh của các cháu đặt trên bàn làm việc, tôi luôn nghĩ cách phải làm sao cho thế hệ của các cháu có được môi trường sống tốt hơn, điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe được bảo đảm hơn; làm thế nào để các con, các cháu cảm thấy tự hào khi nhắc đến ông bà, cha mẹ mình. Nhưng, để làm được điều này, bên cạnh nỗ lực của bản thân, doanh nhân rất cần có sự hợp lực từ nhiều phía và của toàn xã hội.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm (Chủ tịch Chi hội Từ thiện Thiện Tâm – Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP. HCM): “YÊU GIA ĐÌNH” LÀ MỘT TRONG NHỮNG YẾU TỐ CƠ BẢN…

Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng trước đây, trong thời bình chúng ta nên thêm một điều nữa: đó là “yêu gia đình”. Gia đình chính là nền tảng của xã hội. Nhiều lãnh đạo, cán bộ hiện nay ít quan tâm tới gia đình. Từ đó, nhiều trẻ em không biết gia đình là gì, không biết thương yêu và quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ.

Tình trạng trẻ bỏ học, lang thang bụi đời là do thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình. Theo tôi, “yêu gia đình” là yếu tố rất cơ bản. Cán bộ không chăm lo gia đình, không lo giáo dục con cái nên người thì làm sao lo việc nước. Nếu không củng cố gia đình thì quốc gia cũng không ổn định.

Cha, mẹ lo cho con ăn học thành tài nhưng phải giáo dục con ý thức tự lập, không dựa dẫm vào cha mẹ. Tôi để cho con tự lo việc làm, qua đó chứng tỏ năng lực của mình. Tôi cũng giáo dục con biết quan tâm, thương yêu những người xung quanh, không nên sống ích kỷ. Lấy gia đình làm nền tảng cơ bản trong quan hệ, từ đó mở rộng ra với xóm giềng, bạn bè, những người nghèo khổ khác.

Không chỉ lo cho gia đình mà ta phải biết quan tâm tới những người chung quanh. Ngoài việc đi làm kiếm tiền nuôi vợ con, bản thân tôi là người rất “mê” làm công tác xã hội từ thiện. Rất mừng là “bà xã” cũng là người biết thương người, luôn ủng hộ tôi làm công tác xã hội. Tuy rất bận rộn, tôi luôn cố gắng sắp xếp hài hòa giữa việc chung và việc riêng. Dù lo công tác xã hội nhưng tôi không phó mặc việc gia đình cho vợ.