Những ngày Tết không quên

Trong đời một con người, có những ngày Tết mà người ta không thể nào quên. Đối với tôi lần đầu cảm nhận niềm vui ngày Tết là hồi còn nhỏ, lúc ấy độ 5 hay 6 tuổi được bà ngoại dắt đi chợ Tết trong làng quê. Bà mua cho tôi một cây “lung tung” giá chỉ một đồng xu thôi mà tôi mừng hết biết. Món đồ chơi rất thô sơ. Một thanh tre uốn cong, giấy hồng đơn phất hai bên thẳng băng, phẳng lì như hai mặt trống.

Cầm cái que tre xoay xoay, viên sáp ong nhỏ đính vào sợi dây đánh lên hai mặt giấy nghe “lung tung, lung tung” thật vui tai. Đó là lúc còn bé với cái Tết ở quê nghèo, xã Long Phước thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lớn lên đi chiến đấu, chuyên nghề tình báo.quốc phòng, tôi không thể nào quên cái Tết năm 1967 trên đất Củ Chi. Trước Tết, vào đầu tháng 1, giặc Mỹ mở chiến dịch Xê-đa-phôn. Hơn 25.000 quân Mỹ và chư hầu bao vây càn quét khu Tam Giác Sắt, lấy Củ Chi và Bến Cát làm trọng điểm cho cuộc hành quân hơn 40 ngày ấy. Gần đến Tết, có sự thỏa thuận giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng và chính quyền Sài Gòn là ngưng bắn 3 ngày để nhân dân ăn Tết. Nhưng giặc Mỹ bất chấp sự thỏa thuận ấy, ngày ngày, từ sáng tinh mơ đến tối mịt cho xe ủi đất phá sạch địa hình ấp Phú An xã Phú Hòa Đông nơi Cụm Tình báo tôi đóng quân. Bọn giặc tức tối vì tín hiệu máy điện đài của chúng tôi để giữ liên lạc với trung tâm cứ dội vào máy thu của chúng, do đó mà chúng dùng đủ mọi cách để tiêu diệt chúng tôi cho bằng được.

Đến 4 giờ chiều 30 Tết, do xe ủi nặng cứ chạy tới chạy lui trên một phạm vi hẹp nên đường hầm nơi chúng tôi ẩn nấp bị sập một đoạn. Thiếu khí trời để thở, ngộp không chịu nổi. Có lúc tổ 7 người chúng tôi muốn phóng lên mặt đất sống chết với bọn Mỹ một phen nhưng rồi động viên nhau cố chịu đựng đến sẫm tối chúng rút về chốt (chốt là căn cứ tạm trong cuộc hành quân dài ngày của Mỹ, tối chúng gom về chốt ngủ, có hầm, hào và xe tăng bao bọc chung quanh). Thật ra, thiếu không khí để thở, bị ngộp là rất khó chịu nhưng anh em nói với nhau dù có phải chết ngộp thì cùng chết dưới hầm này để giặc Mỹ không huênh hoang là đã diệt được Cụm Tình báo chúng ta và đồng bào khỏi đau lòng khi thấy thi thể con em mình bị giặc Mỹ kéo về bêu ở chợ.

Điện đài mở máy làm việc với trung tâm. Có một mệnh lệnh từ cấp trên: lực lượng vũ trang của Cụm tạm rời Củ Chi về căn cứ Bời Lời (Trảng Bàng). Riêng Cụm trưởng vào Sài Gòn và qua Tết có một báo cáo đầy đủ về sự bố phòng của giặc trong Sài Gòn những ngày Tết.

Cũng như các đêm trước, dù địa đạo chúng tôi nằm cách chốt Mỹ không xa, chỉ khoảng 200 mét nhưng các chị em cũng mạo hiểm bưng cơm, cá, chè... ra cho chúng tôi bồi dưỡng để đủ sức chịu đựng trận càn dài ngày của quân Mỹ. Đặc biệt, đêm đó là đêm 30 Tết nên có thêm các món dưa giá, thịt kho tàu. Đúng là đêm tối như “đêm ba mươi”, mò gắp được món gì thì đưa vào miệng món ấy, không phân biệt được.

Một tình cảm lưu luyến trong buổi chia tay giữa người thân và chiến sĩ, giữa đồng đội đi về rừng trên và Cụm trưởng một mình đi vào thành làm nhiệm vụ. Chị em bùi ngùi từ giã trở vô xóm. Các chiến sĩ lặng lẽ mang máy, xách súng băng vào bóng đêm. Riêng tôi lần mò vào nhà dượng Hai, một cơ sở giao thông mật của Cụm Tình báo. Nơi đó, tôi luôn để sẵn một bộ đồ thường phục bảnh bao của người thành phố và một tấm thẻ kiểm tra giả của dân thường. Sau nhiều ngày chiến đấu, nằm hầm, muốn trở lại có dáng vẻ người thành phố thì còn rất lắm việc phải làm ngay trong đêm, từ chà rửa kỳ cọ chân tay, cạo râu, nhờ người o bế lại mái tóc…

Sáng hôm sau, đúng sáng mồng Một Tết, tôi ngồi bàn giữa ăn Tết với dượng Hai. Một trung đội lính Mỹ hành quân vào xóm. Chúng dừng lại trước sân, súng lăm lăm chĩa mũi ra ngoài hàng rào đề phòng Việt cộng. Hai tên chỉ huy bước vào theo phép lịch sự, tôi đứng dậy nói lời chúc mừng năm mới và mời khách uống ly rượu đầu xuân. Thấy chủ nhà có vẻ mến khách lại nói tiếng Mỹ trôi chảy, đúng giọng, hai tên sĩ quan Mỹ không còn vẻ hung dữ ban đầu. Một tên khoát tay từ chối và thân thiện đáp lại: Xin cảm ơn nhiều, chúng tôi đang làm nhiệm vụ.

Rồi chúng lục tục kéo nhau đi về hướng địa đạo. Có thể hôm nay và những ngày sau nữa, chúng sẽ huy động tất cả phương tiện để xới tung cái ấp Phú An nhỏ bé này lên để bắt cho bằng được Tổ Tình báo có điện đài của Việt cộng. Viên sĩ quan Mỹ không ngờ người vừa lịch sự mời hắn chén rượu đầu năm là Thiếu tá Cụm trưởng, chỉ huy Cụm Tình báo H.63, đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân Dân.

12/12/2010


(*)

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân Dân

Đại tá NGUYỄN VĂN TÀU (*)