“Những nhà thông thái Mỹ” nghĩ gì trong mùa xuân 1968?

Ngoài các cố vấn chính thức làm việc thường xuyên tại Nhà Trắng, vài tổng thống Mỹ còn mời một số cựu viên chức cao cấp và tướng lĩnh về hưu có uy tín làm cố vấn không chính thức để khi cần thì mời đến đóng góp ý kiến tư vấn về một vấn đề trọng đại nào đó của quốc gia. Dưới thời Lyndon B. Johnson (làm tổng thống từ cuối năm 1963 đến đầu 1969), Nhóm cố vấn cao cấp không chính thức (the Senior Informal Advisory Group – thành lập tháng 7/1965) thường được gọi là “Những nhà thông thái” (the Wise Men).
Tổng thống Lyndon Baines Johnson (giữa) - 1968.

Sáng 2/11/1967, Tổng thống Johnson mời đến Phòng bầu dục tại Nhà Trắng 11“nhà thông thái” gồm: Dean Acheson, cựu Bộ trưởng Ngoại giao thời Truman; George W. Ball, cựu Thứ trưởng Ngoại giao thời Kennedy và Johnson; Đại tướng Omar N. Bradley, cựu Chủ tịch Hội đồng các tham mưu trưởng liên quân thời Truman; McGeorge Bundy, cựu cố vấn về an ninh quốc gia thời Kennedy và Johnson; Clark Clifford, luật sư; Arthur Dean, luật sư, nhà ngoại giao; Douglas Dillon, cựu Bộ trưởng Ngân khố thời Kennedy và Johnson; Abe Fortas, cựu thẩm phán Tòa án tối cao; Henry Cabot Lodge, cựu đại sứ tại Liên Hiệp Quốc và tại Sài Gòn thời Kennedy và Johnson; Robert D. Murphy, nhà ngoại giao; Đại tướng Maxwell Taylor, cựu Chủ tịch Hội đồng các tham mưu trưởng liên quân thời Kennedy và cựu đại sứ tại Sài Gòn thời Johnson.

Mở đầu cuộc họp, Johnson nêu ra 5 câu hỏi:

- Chúng ta có thể làm gì với những điều chúng ta chưa làm ở  miền Nam Việt Nam?

- Đối với miền Bắc, chúng ta có nên tiếp tục những gì chúng ta đang làm, có nên thả mìn phong tỏa các cảng và phá hoại các đê hay là nên chấm dứt ném bom?

- Chúng ta có nên theo đuổi chính sách sẵn sàng đàm phán một cách thụ động, hay tìm kiếm đàm phán một cách xông xáo, hay rút lui bỏ cuộc?

- Chúng ta có nên rút khỏi Việt Nam?

- Chính quyền nên có những bước đi tích cực nào để đoàn kết và liên lạc tốt hơn với dân chúng [Mỹ]?

Tổng thống L. Johnson trong Phòng bầu dục (Nhà Trắng).

Tối hôm trước 1/11, họ đã được nghe đại tướng Earle G. Wheeler, Chủ tịch Hội đồng các tham mưu trưởng liên quân và George Carver, chuyên viên cao cấp về vấn đề Việt Nam của Cơ quan Tình báo trung ương CIA, thuyết trình về tình hình quân sự và chính trị ở miền Nam Việt Nam.

Trừ George W. Ball, người từng nhiều lần kêu gọi Mỹ ngưng ném bom miền Bắc Việt Nam, 10 người còn lại đều có lập trường hiếu chiến. Vì vậy những câu trả lời của họ có thể tổng hợp như sau:

Đối với cuộc chiến tranh trên bộ ở miền Nam, họ thấy có những cải thiện và tiến bộ lớn lao, yêu cầu tổng thống tiếp tục chương trình hiện nay.

Về việc ném bom miền Bắc, trừ George Ball, tất cả đều nhất trí nên tiếp tục.

Về việc đàm phán, 8 trong số 11 người dự đoán Cộng sản sẽ không bao giờ chịu thương thuyết: Một khi đối phương hiểu rằng chúng sẽ không bao giờ chiến thắng, đơn giản chúng sẽ giảm các hoạt động chiến tranh và cuối cùng là từ bỏ.

Về việc liệu chúng ta có nên rút lui hay không, họ đồng thanh nói không.

Cuối cùng, về việc làm thế nào để đoàn kết nhân dân Mỹ, họ khuyên nên nhấn mạnh “ánh sáng ở cuối đường hầm” thay vì nói tới đánh nhau, chết chóc, hiểm nguy(1).

Họ kết luận: “Theo đúng chính sách của chính quyền thì cuộc chiến có thể thắng lợi(2). Kết luận ấy làm vui lòng Johnson.

Ngày 27/1/1968, Johnson nhận được báo cáo cuối năm của đại tướng Westmoreland. Viên tư lệnh của hơn 500.000 quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam cho biết:

Về ném bom miền Bắc, “sự ngăn chặn dòng tiếp tế của đối phương ở Lào và Bắc Việt Nam bằng những nỗ lực tối cần thiết của Không quân chúng ta đã gây ra cho họ những khó khăn đáng kể.

Về cuộc chiến ở miền Nam, “tại nhiều vùng, đối phương bị đẩy ra xa các trung tâm dân cư; tại những vùng khác, họ bị buộc phải phân tán và tránh đụng độ, do đó vô hiệu hóa nhiều tiềm lực của họ”.

Báo cáo kết luận: “Năm [1967] kết thúc với việc đối phương ngày càng dùng đến những chiến thuật liều lĩnh tuyệt vọng trong cố gắng giành chiến thắng về quân sự hay về tâm lý, và họ chỉ nếm phải thất bại trong những cố gắng này(3).

Báo cáo đầy màu hồng ấy càng khiến Johnson an tâm, mơ thấy ánh sáng sắp xuất hiện ở cuối đường hầm.

Giấc mơ ấy không lâu, vì chỉ mấy ngày sau, tiếng súng tổng tiến công của bộ đội Việt Nam ở hầu hết thành phố, thị xã và thị trấn vang động tới tận Nhà Trắng. Đặc biệt, mờ sáng 31/1/1968, 15 chiến sĩ Biệt động đột nhập vào Tòa đại sứ Mỹ ngay giữa Sài Gòn. Cuộc đấu súng kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ, quốc huy Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ bị bắn rơi, nằm lăn lóc dưới đất.

Quốc huy Mỹ tại Tòa đại sứ trong ngày 31/1/1968

Bộ tư lệnh quân Mỹ (MACV) ở Sài Gòn thông báo có khoảng 2.000 lính Mỹ bỏ mạng trong tháng 2(4). Bước qua tháng 3, lính Mỹ tiếp tục tổn thất ở mức độ cao. Chỉ trong một tuần lễ, có 509 chết và 2.766 bị thương. Số thương vong của Mỹ tại Việt Nam lên tới 139.801 người, vượt qua con số 136.914 trong chiến tranh Triều Tiên(5).

Johnson cử đại tướng Earle G. Wheeler sang Sài Gòn từ ngày 23 đến 25/2 để nắm tình hình. Báo cáo đề ngày 27/2 của viên Chủ tịch Hội đồng các tham mưu trưởng liên quân không mấy sáng sủa:

Chúng tôi thấy đối phương đang theo đuổi một cuộc tiến công tăng cường nhằm mở rộng sự kiểm soát của họ ra khắp nước (miền Nam) và duy trì sức ép đối với chính quyền [Thiệu – Kỳ] và đồng minh… Mục tiêu chính của họ vẫn là tiêu diệt chính phủ Nam Việt Nam và lực lượng vũ trang của nó. Tối thiểu, họ muốn chiếm đủ lãnh thổ và kiểm soát đủ dân chúng để ủng hộ việc thiết lập những nhóm và những ủy ban mà họ đề nghị tham gia vào một chính phủ do Mặt trận dân tộc giải phóng chế ngự… Ở một quy mô lớn, Việt Cộng hiện nay kiểm soát nông thôn… Không nghi ngờ gì nữa, Chương trình Xây dựng nông thôn [thực chất là bình định nông thôn] đã chịu một thất bại nghiêm trọng”.

Wheeler cũng cho biết: Westmoreland (đang có trong tay hơn  nửa triệu quân Mỹ) yêu cầu gửi thêm sang Nam Việt Nam 206.756 quân nữa, tức tăng khoảng 40% quân số hiện có(6). Nội bộ Đảng Dân chủ cầm quyền chia rẽ: trong hội nghị sơ bộ chọn ứng viên ra tranh chức tổng thống (tổ chức ngày 12/3 tại New Hampshire), thượng nghị sĩ Eugene McCarthy, người chủ trương chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, được 28.701 phiếu, ngang ngửa với Johnson (29.021).

Ngày 19/3, 139 hạ nghị sĩ Mỹ thông qua nghị quyết yêu cầu Quốc hội xem xét lại chính sách chiến tranh ở Việt Nam của chính quyền Mỹ.

Một tuần sau, ngày 25/3, một cuộc thăm dò dư luận của hãng Harris cho thấy 60% những người được phỏng vấn xem cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân là “một thất bại cho những mục tiêu của Mỹ ở Việt Nam(7). Trong bối cảnh đó, Johnson phải hỏi ý kiến “Những nhà thông thái” để tìm cách thoát khỏi thế bế tắc.

Lần này, Nhóm cố vấn cao cấp không chính thức không có Clark Clifford vì ông này vừa được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng từ ngày 1/3 thay cho Robert McNamara. Bù lại, Johnson mời thêm 4 người nữa: Arthur J. Goldberg, đại sứ tại Liên hiệp quốc; John J. McCloy, cựu cao ủy tại Tây Đức sau chiến tranh thế giới II; tướng Matthew Ridgway, cựu Tư lệnh quân Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên; Cyrus Vance, cựu Thứ trưởng Quốc phòng thời Johnson.

Tối 25/3, 14 “nhà thông thái” được mời tới Bộ Ngoại giao để nghe Philip Habib (phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao), thiếu tướng William DePuy (trợ lý đặc biệt cho Hội đồng các tham mưu trưởng liên quân, chuyên gia về chống nổi dậy) và George Carver (nhà phân tích của CIA) thuyết trình tình hình Nam Việt Nam sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân. Trước đó, tân Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford đề nghị các “nhà thông thái” cho ý kiến về 3 phương hướng hành động mà tổng thống sẽ phải lựa chọn:

- Leo thang chiến tranh (đổ thêm quân, tăng cường ném bom miền Bắc…)

- Duy trì mức độ chiến tranh hiện nay

- Hạn chế ném bom miền Bắc, triển khai quân Mỹ bảo vệ các vùng dân cư đông đúc ở miền Nam trong khi chuẩn bị cho chính quyền Thiệu – Kỳ tiếp quản cuộc chiến.

Hôm sau, các “nhà thông thái” được mời ăn trưa với tổng thống tại phòng ăn của Nhà Trắng. Cùng dự có tướng Creighton Abrams, phó tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam, người đang chuẩn bị thay tướng Westmoreland mấy tháng sau.

Sau bữa ăn, Johnson rút sang Phòng nội các với Abrams và nhờ McGeorge Bundy ghi lại các ý kiến của Nhóm cố vấn.

George Ball vẫn giữ lập trường phản đối ném bom miền Bắc. Ông phát biểu:

“Từ năm 1961, tôi đã nghĩ rằng chúng ta không thể đạt được những mục tiêu của chúng ta. Ở Mỹ đang có sự chia rẽ ý kiến sâu sắc. Trên thế giới, chúng ta có vẻ rất xấu vì việc ném bom. Đó là nhược điểm chủ yếu trong lập trường của chúng ta. Việc ném bom đem lại bất lợi nhiều hơn lợi. Chúng ta cần chấm dứt ném bom trong 6 tuần lễ tới đây để trắc nghiệm ý muốn của Bắc Việt Nam. Chừng nào chúng ta còn tiếp tục ném bom thì chúng ta tự tách khỏi thế giới văn minh. Tôi muốn Giáo hoàng hay U Thant [Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc] gợi ý chấm dứt ném bom. Không nên để tổng thống [Johnson] nêu ra. Ngưng ném bom sẽ làm dịu tình hình [phản đối chiến tranh] ở Mỹ”(8).

Arthur Golberg, một người phản chiến như George Ball, yêu cầu chấm dứt ném bom miền Bắc ngay để có thể bắt đầu thương thuyết.

Điều bất ngờ là phần lớn những “diều hâu” trong Nhóm cố vấn (từng tán thành đưởng lối hiếu chiến của Johnson trong cuộc họp tháng 11/1967) nay đã thay đổi lập trường.

Dean Acheson, lần lượt làm Thứ trưởng Ngoại giao rồi Bộ trưởng Ngoại giao từ 1945 đến 1953, từng khuyên Truman viện trợ đôla và súng đạn cho thực dân Pháp chống lại cuộc kháng chiến của Việt Nam, nay thừa nhận “công chúng Mỹ không ủng hộ cuộc chiến”(9) và thúc giục Johnson “tìm cách ra khỏi cuộc chiến”(10).

McGeorge Bundy, người từng ủng hộ việc ném bom miền Bắc ngay từ đầu, nay lại nói: “Ném bom làm hại cho việc công chúng Mỹ ủng hộ cuộc chiến, do đó phải chấm dứt ném bom”(11).

Trong báo cáo gửi Johnson, McGeorge Bundy giải thích: “Có một thay đổi rất có ý nghĩa trong lập trường của chúng tôi. Khi chúng tôi họp lần trước [tháng 11/1967], chúng tôi có lý do để hy vọng. Hồi đó, chúng tôi hy vọng sẽ có tiến bộ tuy chậm nhưng chắc. Đêm qua và hôm nay, bức tranh không còn hy vọng như thế nữa, đặc biệt ở nông thôn”(12).

Douglas Dillon phát biểu: “Cuộc thuyết trình đêm qua khiến tôi kết luận rằng chúng ta không thể có một chiến thắng quân sự. Tôi đồng ý với Henry Cabot Lodge rằng phải ngưng chiến thuật “tìm và diệt” và phải tiến tới một sự thoát ra có thể xảy ra”(13).

Tướng Ridgway đề nghị “tăng cường quân đội Nam Việt Nam (của chính phủ Thiệu – Kỳ) để chúng ta hoàn tất công việc của chúng ta trong vòng 2 năm”. Đề nghị này về sau được thực hiện dưới các tên “phi Mỹ hóa chiến tranh” “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Cyrus Vance cảnh báo: “Trừ phi chúng ta nhanh chóng làm một điều gì đó, tâm trạng ở nước này [Mỹ] có thể dẫn chúng ta đến việc rút lui [khỏi Việt Nam] ”(14).

Các “cựu diều hâu” đồng thanh cho rằng: “Nước Mỹ phải thoát ra khỏi cuộc chiến vì chúng ta không thể chiến thắng… Hơn nữa, sự ủng hộ của công chúng [Mỹ] đối với cuộc chiến bị lung lay bởi cuộc tiến công Tết, đang suy yếu. Giải pháp là thương thuyết chứ không phải tiếp tục ném bom”(15). Các nhà nghiên cứu gọi đây là “một sự thay chiều đổi hướng [trong nhận thức] về chiến tranh” (a turnabout on the war)(16).

Những người biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam trước cửa Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ Mỹ tại Chicago năm 1968. Ảnh Arthur Rothstein.

Chỉ có 4 “diều hâu” giữ nguyên lập trường cũ, không đồng tình với các ý kiến trên.

Robert Murphy gọi cách tiếp cận vấn đề của những người này là “chính sách bỏ rơi”. Tướng Maxwell Taylor phát biểu: “Tôi mất tinh thần. Bức tranh mà tôi có được [về Việt Nam] khác xa bức tranh của các ông. Chúng ta không để thua mặt trận trong nước [chỉ phong trào phản chiến tại Mỹ], phải làm một điều gì đó”. Abe Fortas nói: “Tôi đồng ý với tướng Taylor. Nay không phải là lúc để chúng ta thương lượng. Tôi không nghĩ việc ngưng ném bom sẽ mang lại điều gì tốt đẹp trong lúc này”. Cả 4 diều hâu này “chủ trương duy trì đường lối quân sự [hiện có] và ngay cả leo thang nếu cần”(17).

Johnson từng hy vọng các “nhà thông thái” – mà hầu hết có lập trường hiếu chiến – ủng hộ đường lối của mình trong chiến tranh Việt Nam, nên khi nghe McG. Bundy báo cáo, ông phản ứng khá gay gắt. Các nhà nghiên cứu đã dùng các từ sau đây để diễn tả tâm trạng của Johnson lúc đó: ngạc nhiên (surprised) (Maclear), bàng hoàng sâu sắc (deeply shaken) (báo The Los Angeles Times), điên tiết (furious), tức giận (angry), chán nản (dispirited) (Herring), sửng sốt (astounded), tức điên lên (infuriated) (Karnow), giật mình (startled), choáng váng (stunned) (Zaroulis và Sullivan) v.v…

Ông thừa nhận: “Rõ ràng cuộc tiến công Tết đã làm suy sụp tinh thần nước Mỹ”(18). Phó tổng thống Hubert H. Humphrey đồng ý với ông: “Cuộc tiến công Tết quả đã giáng cho chúng ta một đòn”(19).
Sau đó Johnson mời 3 thuyết trình viên tối 25/3 đến Nhà Trắng. Habib đã rời thủ đô, không liên lạc được. Johnson đề nghị DePuy và Carver báo cáo tình hình miền Nam Việt Nam hiện nay một cách trung thực, không bôi đen mà cũng không tô hồng. Sau khi nghe xong, theo Nancy Zaroulis và Gerald Sullivan, “có lẽ đây là lần đầu tiên ông hiểu rằng thông tin mà ông tiếp nhận trong những năm tháng trước đây là không đúng, hay ít ra là không đầy đủ(20).

Những ngày cuối tháng 3/1968, Johnson sống trong tâm trạng giằng xé bởi những định hướng cho tương lai: leo thang hay xuống thang Việt Nam. Chỉ trong mấy ngày mà sắc mặt của ông trở nên tàn tạ thấy rõ, mắt thâm quầng vì nhiều đêm mất ngủ, các nếp nhăn hằn sâu vầng trán. Dù đã tung vào Việt Nam một lực lượng khổng lồ (hơn nửa triệu quân, bom đạn và phương tiện quân sự dồi dào…) nhưng Mỹ sẽ không bao giờ thắng được cuộc chiến tranh, càng kéo dài càng hao người tốn của. Chỉ có thương thuyết mới mong rút khỏi vũng lầy chiến tranh, chấm dứt tình trạng chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ và đem lại thắng lợi cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thổng cuối năm 1968.

Ngày 31/3, từ phòng bầu dục tại Nhà Trắng, Johnson đọc bài diễn văn quan trọng, được trực tiếp truyền hình không chỉ cho toàn nước Mỹ mà cả thế giới theo dõi. Ông đề nghị Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ. Đây không phải là lần đầu tiên và duy nhất Mỹ đưa ra đề nghị này. Nhiều lần, Hà Nội bác bỏ việc thương thuyết nếu Washington không chấm dứt ném bom. Do đó, lần này Johnson chịu hạn chế ném bom (chỉ ngưng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra). Tuy Washington chỉ chấp nhận 50% điều kiện, Hà Nội vẫn đồng ý đề nghị của Mỹ.

Johnson với bài diễn văn ngày 31/3/1968.

Trong bài diễn văn ngày 31/3, Johnson còn đưa ra một quyết định gây bất ngờ cho mọi người: ông sẽ không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa, một phần vì ông không tin sẽ được dân Mỹ ủng hộ (thượng nghị sĩ Robert Kennedy, người chủ trương chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, ngày 16/3 đã tuyên bố sẽ ra tranh chức tổng thống và có nhiều hy vọng thắng cử), phần khác sức khỏe của ông suy sụp nghiêm trọng trong mấy tháng đầu năm 1968. Trong hồi ký, ông nhớ lại:

“Năm 1968, tôi thành thật không tin rằng mình có thể chịu đựng thêm trong 4 năm nữa những giờ phút dằng dặc và những căng thẳng kéo dài mà tôi vừa trải qua”(21).

Rõ ràng cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân không chỉ làm thay đổi nhận thức của các “nhà thông thái” mà còn góp phần chấm dứt sự nghiệp của một tổng thống Mỹ ở tuổi 55.


(1)Robert  McNamara, Introspect - The Tragedy and Lessons of Vietnam, Times Books, New York, 1995.
(2) (5) (9) (11) (15) (20)Nancy Zaroulis và Gerald Sullivan, Who Spoke Up?, Doubleday & Company, New York, 1984.
(3) (6) (16)The Pentagon Papers as published by The New York Times, Bantam Books, New York, 1971.
(4) (10) (18)Stanley Karnow, Vietnam, A History, Penguin Books, New York, 1987.
(7)Michael Maclear, Vietnam: The Ten Thousand Day War, Thames Methuen, London, 1984.
(8) (12) (13)William A. Williams, Thomas McCormick, Lloyd Gardner và Walter LaFeber (chủ biên), America in Vietnam, W,W, Norton, New York, 1975.
(14) (17)George C. Herring, America’s Longest War, McGraw-Hill, New York, 1996.
(19) (21)Lyndon B. Johnson, Ma vie de président 1963-1969 (bản dịch tiếng Pháp của F. Herbulot, C. Durieux, D. Ferrando-Durfort và M. Wamel), Buchet/Chastel, Paris, 1972.

---

Xem thêm:

TS PHAN VĂN HOÀNG