1. Ai cắm cờ trên Dinh Độc Lập đầu tiên?
Đó là trung úy Bùi Quang Thận - đại đội trưởng đại đội 4, tiểu đoàn 1, lữ đoàn xe tăng 203, quân đoàn 2.
Anh Thận ngồi trên chiếc xe tăng T-54, số hiệu 843, xe húc vào cổng phụ bên trái. Cổng không đổ. Anh Thận cầm cờ nhảy xuống xe chạy vào trong dinh. Nhờ người dẫn đường lên cắm cờ trên dinh lúc 11 giờ 30 (anh có viết trên lá cờ và ký tên “Thận”). Diễn biến cụ thể như sau:
Đại đội 4, tiểu đoàn 1, là mũi thọc sâu đi đầu của lữ đoàn xe tăng 203. Khi vượt qua cầu Thị Nghè là chiếc xe tăng T-59, số hiệu 387 dẫn đầu đội hình xe tăng, xe thứ hai cũng là T-59 số hiệu 390, xe đi thứ ba là T-54, số hiệu 843. Bùi Quang Thận ngồi sau xe này… Phố xá lúc đó vắng tanh, không một bóng người. Vì trên cầu còn có một ổ đề kháng của địch có xe tăng M-41 và xe bọc thép M-113 nên đã xảy ra một cuộc chạm súng với quân ta. Đây cũng là cuộc chạm súng cuối cùng diễn ra trong nội thành Sài Gòn. Ổ đề kháng này cũng bị dập tắt sau mấy phút. Nhưng bên ta, chiếc xe tăng dẫn đầu số 387 đã bị trúng đạn, một chiến sĩ trên tăng đã hy sinh. Sau khi xe số 387 bị bắn hỏng nặng, phải nằm lại, xe số 390 do trung úy Vũ Đăng Toàn, chính trị viên, chỉ huy cho vượt qua cầu Thị Nghè, trở thành chiếc xe dẫn đầu đột kích; xe tăng thứ hai đi sau là chiếc xe tăng T-54 số hiệu 843 do Bùi Quang Thận chỉ huy.
Nhưng tại sao xe đi sau (số 843) lại húc vào cổng Dinh Độc Lập trước? “Vì không biết đường, nên đi lạc, - anh Toàn kể - xe tăng chúng tôi (số 390) cứ thẳng tiến theo đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) và không biết quẹo trái ngã tư nào để đến dinh. Khi xe chúng tôi vượt qua ngã tư Công Lý - Hồng Thập Tự đến Lê Quý Đôn, thì nhận được tín hiệu Bùi Quang Thận từ phía sau, phải quay xe lại”.
Thật ra lúc đó đại đội trưởng Bùi Quang Thận cũng chẳng biết đường, dù Dinh Độc Lập ở ngay trước mặt. Anh cho xe dừng lại, đang bối rối giữa phố phường vắng lặng, thì bỗng xuất hiện một cô gái đi xe gắn máy. Bùi Quang Thận ra hiệu cho cô gái dừng xe, cô gái đã hướng dẫn xe tăng 843 quẹo qua đường Pasteur rồi theo đường Thống Nhất đến Dinh Độc Lập.
Cũng theo lời kể của trung úy, chính trị viên Vũ Đăng Toàn: Xe 843 xả hết tốc độ húc vào cổng phụ bên trái, cổng trụ khá vững chắc, nên cổng không đổ. Thận cho xe lùi lại tiếp tục húc lên, nhưng lại va vào trụ cổng… Ngay lúc đó, xe số 390 xuất hiện từ phía đường Công Lý, quẹo phải lao thẳng vào cổng chính và ủi văng hai cánh cửa sắt. Xe 390 tiếp tục tiến thẳng vào dinh. Súng đại liên trên xe bắn liên tục. Cùng lúc, Thận giật phăng cần ăng ten có gắn cờ giải phóng, nhảy khỏi xe 843, chạy bộ vào dinh. Trước khi đi, Thận nói: “Nếu không thấy mình trở lại, báo cáo với chỉ huy là đại đội trưởng đã vào trong dinh”. Anh cầm lá cờ Giải phóng nhuộm màu lửa đạn và bụi đường, cùng với Vũ Đăng Toàn lao vào dinh mà không biết chuyện gì đang chờ đợi mình.
Thận hơi lo, khi thấy bên trong lố nhố nhiều người mặc quân phục. Và do tập trung cảnh giác quá, nên anh lao thẳng vào cửa kính, ngã bật ra phía sau, nhưng tay vẫn cầm chắc lá cờ. Lúc ấy từ trong dinh, một người bận đồ dân sự đi ra thân thiện, mời hai anh Giải phóng vào. Đó là ông Nguyễn Văn Diệp (cựu Tổng trưởng Kinh tế và cũng là cơ sở giải phóng). Ông dẫn mấy anh bộ đội xe tăng lên gặp tướng Nguyễn Hữu Hạnh tại cầu thang. Ông Hạnh nói rằng Tổng thống Dương Văn Minh đang đợi quân cách mạng bên trong.
Vũ Đăng Toàn và Bùi Quang Thận thoáng chốc bối rối trước tình hình này, không biết phải xử lý thế nào với Tổng thống Dương Văn Minh và mấy ông nội các Sài Gòn, bởi những người lính tăng như các anh chỉ biết chiếm dinh và cắm cờ. Bùi Quang Thận đề nghị Vũ Đăng Toàn ở lại “canh chừng” các thành viên nội các và chờ cấp chỉ huy đến, còn mình phải thực hiện cho được nhiệm vụ cắm cờ trên Dinh Độc Lập.
Hồi ký Nguyễn Hữu Thái viết: “Thận định lên cắm cờ, nhưng không biết đường. Có lẽ nhìn thấy nhóm sinh viên tôi và tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng tay đeo băng xanh, đỏ của lực lượng quân chủng nổi dậy, nên khi tôi đề nghị dẫn dường, thì Thận đi theo. Nhưng không rành bố cục bên trong dinh và cũng chưa biết cách nào lên nóc dinh nhanh nhất, nên họ hỏi có ai dẫn đường lên nóc dinh. Tướng Nguyễn Hữu Hạnh nhớ là mình đã ra lệnh cho đại tá Vũ Quang Chiêm, chánh võ phòng phủ Tổng thống, người đã ở lâu trong dinh, dẫn họ đi. Tôi yêu cầu Chiêm dẫn chúng tôi đi chiếc thang máy loại nhỏ”.
Bùi Quang Thận kéo lá cờ Giải phóng xanh đỏ sao vàng lên, sau khi viết và ký lên lá cờ “11 giờ 30 ngày 30-4-1975. Thận”.
Thật ngẫu nhiên. Vào thời điểm lịch sử ấy, trên nóc Dinh Độc Lập có 3 chàng trai của 3 miền đất nước. Anh bộ đội Thận từ đồng bằng sông Hồng, tiến sĩ Tòng quê Tây Ninh Nam bộ và sinh viên Thái gốc ở thành phố Đà Nẵng, miền Trung.
Khoảnh khắc lịch sử ấy đã đánh dấu sự cáo chung của 117 năm thống trị của thực dân, đế quốc phương Tây và mở ra một thời kỳ độc lập thống nhất đất nước Việt Nam. Anh em xúc động không cầm được nước mắt, vừa sung sướng vừa hãnh diện. Vào giây phút này chắc chắn nhân dân cả nước đang reo mừng. Sài Gòn đã được giải phóng, hòa bình được lập lại, dân tộc Việt Nam từ nay trở lại thống nhất - hòa bình để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
2. Ai đại diện quân Giải phóng làm việc với nội các Dương Văn Minh?
Đó là trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy lữ đoàn xe tăng 203, quân đoàn 2.
Khi trung úy Bùi Quang Thận và trung úy Vũ Đăng Toàn có mặt đầu tiên tại nội các Dương Văn Minh thì ngay sau đó, Ban chỉ huy lữ đoàn xe tăng cũng kịp đến. Chỉ huy trưởng Nguyễn Tất Tài lệnh cho các chiếc xe tăng còn lại quây quanh dinh đề phòng địch phản kích. Chính ủy Bùi Văn Tùng và chủ nhiệm chính trị Lê Minh xuống xe thiết giáp, vội vào sảnh dinh. Đại đội trưởng đặc công Phạm Duy Đô chạy đến báo cáo: “Anh em đang giữ Dương Văn Minh và nội các trong đó. Mời thủ trưởng đến giải quyết”.
Chính ủy Tùng nhớ lúc còn ở Rừng Lá, tướng Nguyễn Hữu An đã giao cho ông trách nhiệm giải quyết mọi việc trong Dinh Độc Lập, nên ông đường hoàng bước vào phòng lớn, nhìn thấy một nhóm người có vẻ buồn bã, đang ngồi im lặng ở giữa căn phòng bài trí cực kỳ sang trọng. Nhà báo Đức Borries Gallasch ghi nhận “sự hoang mang chỉ chấm dứt khi người chỉ huy quân Giải phóng, chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện”.
Thấy các cấp chỉ huy bộ đội vào, người cao lớn mang kính trắng là tướng Dương Văn Minh đứng lên: “Thưa ông, chúng tôi chờ các ông vào để bàn giao”. Chính ủy Tùng cố nén sự khó chịu trước hai tiếng “bàn giao”, cố không to tiếng: “…Các ông chẳng còn gì để bàn giao. Các ông phải đầu hàng vô điều kiện”.
Chính ủy Tùng nghĩ ngay đến việc phải buộc họ tuyên bố đầu hàng sớm để đỡ đổ máu. Hiện, Sài Gòn vẫn vang tiếng súng. Miền Tây Nam Bộ và các hải đảo vẫn chưa được giải phóng. Ông bèn quay sang tướng Hạnh, nói: “Đường dây đến đài phát thanh còn hoạt động được không?”. Ông Hạnh trả lời: “Không sử dụng được nữa”. Chính ủy Tùng nói: “Ngay bây giờ yêu cầu ông Minh đến đài phát thanh tuyên bố đầu hàng trước nhân dân, trước thế giới!”.
Bây giờ, Vũ Đăng Toàn vẫn khẳng định: “Tôi khẳng định như vậy, vì tôi đã có mặt đầu tiên tại Dinh Độc Lập và chứng kiến buổi làm việc của trung tá Bùi Văn Tùng và nội các Dương Văn Minh từ đầu đến cuối. Nếu ai nói khác là sai sự thật”.
3. Ai viết lời cho Dương Văn Minh đọc đầu hàng vô điều kiện ngày 30-4-1975?
Đó cũng là trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy lữ đoàn xe tăng 203, quân đoàn 2.
Anh Tùng viết bài cho ông Minh đọc đầu hàng vô điều kiện: vừa hợp lý, hợp với tình hình cụ thể vừa đúng chức năng, nhiệm vụ, vừa đúng với sự thật lịch sử.
Trong những sự kiện diễn ra tại Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, đến hôm nay tròn 40 năm rồi, chỉ còn duy nhất một sự kiện vẫn còn đang tranh cãi: Ai là người viết bài cho Dương Văn Minh đọc đầu hàng ngày 30-4-1975?
Vì trong 20 năm đầu (từ 1975 đến 1995) nói anh Bùi Văn Tùng, trung tá, chính ủy lữ đoàn 203 viết. Nhưng 20 năm sau (từ 1996 đến nay 2015) thì nói lại là Phạm Xuân Thệ, đại úy, trung đoàn phó 66 viết.
Trong quân đội ta chức năng nhiệm vụ về lĩnh vực hoạt động chính trị như viết bài, diễn văn trong ngày lễ hội, kể cả hoạt động văn hóa, nghệ thuật là chức trách của cơ quan chính trị và cán bộ chính trị, cán bộ cấp đại đội, tiểu đoàn, là chính trị viên, cấp trung đoàn, lữ đoàn trở lên là chính ủy và cơ quan chính trị đảm nhiệm (thường là cơ quan tuyên huấn), lúc “khẩn cấp đặc biệt” thì chính ủy đảm nhiệm là hợp lý.
Trong trường hợp cụ thể như trưa ngày 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập, giữa đồng chí Bùi Văn Tùng (trung tá, chính ủy lữ đoàn xe tăng 203) và đồng chí đại úy Phạm Xuân Thệ (trung đoàn phó trung đoàn 66) - nếu như cả hai đồng chí cùng một lúc có mặt tại chỗ thì anh Tùng viết cho ông Minh đọc là hợp lý, đúng chức trách (đúng người, đúng việc rồi). Một trung tá, chính ủy lữ đoàn trình độ văn hóa trung học thời Pháp thuộc (diplôme), lại được đào tạo chính quy hiện đại ở các nước xã hội chủ nghĩa, mà không viết lại để cho một đại úy trung đoàn phó, trình độ văn hóa chưa hết cấp 1 (hay mới đầu cấp 2), chữ xấu (anh Thệ kể lại) viết lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, thì thật vô lý, vì trật với chức năng nhiệm vụ mà quân đội đã phân công .
Giờ, vì sao lại dựng ra chuyện anh Phạm Xuân Thệ viết bài cho Dương Văn Minh đọc? Có phải chăng vì cho rằng anh Bùi Văn Tùng đã bị tai biến mạch máu não rồi! Chắc sắp chết rồi! Hoặc nằm tại chỗ mê man không biết gì hết, hoặc có biết mà không nói được, nhẹ hơn thì nói ngọng, không nghe rõ lời và không đi lại được, ít nhất cũng không đủ trạng thái tinh thần và sức khỏe để tranh cãi với anh Thệ.
Và điều đáng nói nữa: Quyển sách Tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, do NXB Quân Đội Nhân Dân - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam xuất bản tháng 4-2006, nói sai những sự kiện cơ bản. Nếu xuất bản sau khi giải phóng miền Nam 5-7 năm thì không đáng trách mấy, vì chưa có thời gian để kiểm tra, xác minh sự thật về lịch sử, còn đây là sau khi miền Nam được giải phóng hơn 30 năm rồi mà nói sai cơ bản như vậy thật là điều đáng phê bình.
Trong quyển sách này, còn in một bức ảnh anh Phạm Xuân Thệ trung đoàn phó trung đoàn 66, sư đoàn 304, cầm súng ngắn, dẫn ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu đi, việc này để chứng minh là: anh Thệ dẫn hai ông Minh, ông Mẫu sang đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và cũng chứng minh là bài ông Minh đọc trên đài 30-4-1975 là bài do anh Phạm Xuân Thệ viết.
Điều này không có sức thuyết phục, nhất là với quân đội, vì:
Dẫn ông Minh, ông Mẫu đi sang đài phát thanh không đồng nghĩa với việc viết bài cho ông Minh đọc. Vì ai cũng biết chức năng, nhiệm vụ viết bài không phải là của đại úy trung đoàn phó. Mà đây không phải là bài báo phản ánh một sự việc cụ thể nào đó, cũng không phải là một bức thư gởi cho bạn bè, mà là một văn bản cho tổng thống Việt Nam Công hòa tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước quốc dân đồng bào, trước cả thế giới nữa. Vấn đề trọng đại như vậy, mà trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy lữ đoàn 203 đã có mặt tại chỗ, đã trực tiếp làm việc với ông Minh và nội các của ông ta, lại không viết bài cho ông Minh đọc là thiếu trách nhiệm chính trị với lịch sử! Hơn nữa, với cương vị trung đoàn phó (vào trong dinh không có trung đoàn trưởng) thì anh Thệ phải phụ trách thay trung đoàn trưởng (quân đội có quy định rõ ràng). Trung đoàn trưởng mà lại bỏ chỉ huy trung đoàn, lại cầm khẩu súng, dẫn ông Minh, ông Mẫu đi, việc này, người trung đoàn trưởng không ai làm như vậy! Việc đó giao cho cấp dưới làm (chiến sĩ, hạ sĩ quan hoặc sĩ quan dưới quyền làm).
Phần đầu tôi trình bày là những người trong cuộc (nội bộ trong quân đoàn 2) là cán bộ của lữ đoàn xe tăng 203 và trung đoàn 18, sư đoàn 325, khẳng định bài ông Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 30-4-1975 là bài của trung tá Bùi Văn Tùng viết.
Phần tiếp theo chúng ta nghe những phía khác, lực lượng khác họ nói chính xác là ai đã viết bài cho ông Minh đọc:
1. Lực lượng quần chúng nổi dậy cùng sinh viên Sài Gòn, tiêu biểu là giáo sư Huỳnh Văn Tòng, giảng dạy trường đại học (khoa báo chí) là Việt kiều tiến bộ ở Pháp về nước và Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và là kiến trúc sư, đều nói là ông Bùi Văn Tùng viết.
2. Phía chính quyền Sài Gòn: ông Minh, ông Mẫu, ông Hạnh, ông Chiêm cũng đều nói rõ vấn đề này.
3. Có nhà báo phương Tây đã có mặt trực tiếp tại nơi ông Tùng ngồi soạn thảo văn bản mà ông Minh đọc. Ông Tùng đã viết được từ này rồi lại sửa thành từ khác, sửa đi sửa lại 2, 3 lần, viết rồi đưa ông Minh đọc, ông Minh không đọc được chữ ông Tùng viết, phải đọc lại 2, 3 lần - ghi vào băng cát xét phát lên đài phát thanh.
Nhà báo Đức Borries Gallasch thuật lại quang cảnh đó như sau: “Họ đi vào phòng thu âm trên lầu một. Nhân viên cũ trong đài đã lấy chân dung của Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Mọi người ngồi bất động một lát. Ông Mẫu quạt mặt mình bằng một quyển sách. Tổng thống Dương Văn Minh và chính ủy Bùi Văn Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và nhà báo Đức ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Họ mượn máy thu băng của nhà báo Đức. Pin máy cát xét quá yếu, anh em sinh viên chạy đi tìm pin thay thế. Họ cũng đi tìm ngay kỹ thuật viên cho đài phát sóng lại. Tất cả đều nhờ anh em sinh viên. Chính ủy Tùng xác nhận “không có các cậu sinh viên giúp đỡ phát đi lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh thì thật gay go!”.
Họ tìm được anh Trần Văn Bảng, kỹ thuật viên phát sóng trú ngụ ngay gần đấy. Bảng còn lên tiếng gọi thêm mấy người khác đến giúp vận hành.
Chính ủy Tùng rất khó viết, ông ngồi bất động trong khi thảo một vài từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Về sau, chính ủy Tùng kể rằng: ông rất lúng túng, không biết làm sao thảo ra một văn kiện đầu hàng. Từ bé đi học, lớn lên là anh bộ đội Cụ Hồ, đã mấy chục năm, chưa ai chỉ vẽ cho ông cách soạn thảo văn bản đầu hàng cho đối phương cả. Mặt khác, ông cũng chưa kịp xin ý kiến cấp trên. Viết làm sao đây? Phải rồi, với cách mạng chỉ có hai vấn đề cơ bản nhất: chính quyền và quân đội. Khi mất chính quyền, thì quân đội không còn nữa và ngược lại không còn quân đội thì chính quyền cũng không thể tồn tại. Sẵn tập giấy pơ luya trên bàn, suy nghĩ mấy phút, ông viết lời đầu hàng của tướng Minh. Ông Minh đề nghị thay vì “tổng thống, xin dùng chữ đại tướng”, dân chúng có cảm tình hơn. Chính ủy Tùng cho rằng: tướng Minh phải đầu hàng với cương vị Tổng thống, vì dẫu sao ông ta cũng ở cương vị này 3 ngày rồi, mới ra lệnh được cho cả dân sự và quân sự.
Nghe lời phân tích có lý lẽ, tướng Minh gật đầu: “Dạ, tôi xin nghe các ông”.
Chính ủy Tùng nghĩ tiếp: có người đầu hàng thì cũng phải có người chấp nhận đầu hàng. Nếu không, có thể nhiều người lầm tưởng chỉ ông Minh có thiện chí. Và ông thảo luôn lời chấp nhận đầu hàng.
Nhưng khi ông Tùng viết xong, đưa cho ông Minh đọc ghi vào băng cát xét để phát trên đài, ông Minh không đọc được bản viết tay của chính ủy Tùng và nói sai nhiều lần. Lại phải đọc lại từ đầu. Cuối cùng cũng đã xong.
Như vậy, những người trình bày trong bài này là những người trong cuộc, có người nghe, có người thấy và hầu hết là chứng kiến từ đầu đến cuối tại Dinh Độc Lập, tại Đài Phát thanh Sài Gòn. Trong bức ảnh chụp được, có mặt trên 10 người, đứng, ngồi chung quanh ông Tùng đang soạn thảo văn bản cho ông Minh. Đặc biệt nhà báo Tây Đức Borries Gallasch ngồi giữa hai ông Minh và Tùng, theo dõi băng ghi âm tiếng ông Minh để phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30-4-1975. Tất cả những người này đều khẳng định bài viết cho ông Minh đọc đó là do trung tá, chính ủy Bùi Văn Tùng viết. Nếu nói người nào viết bài cho ông Minh đọc ngày 30-4-1975 không phải ông Tùng là sai sự thật, tức là sai với lịch sử.
_____
* Nguyên Chính ủy trung đoàn 18, sư đoàn 325, quân đoàn 2.