Họa sĩ, nhà báo, Đại tá Phạm Thanh Tâm (Huỳnh Biếc) của hơn 60 năm về trước, lúc chiến dịch Điện Biên Phủ còn chưa bắt đầu, là chàng chính trị viên trung đội 22 tuổi của Đại đoàn 351, có nhiệm vụ đi cùng đoàn văn công ra mặt trận Điện Biên Phủ phục vụ bộ đội. Chứng kiến lính Pháp, lính Mỹ đốt nhà, giết hại dân làng, nhưng cái nhìn của người lính trẻ đối với chiến tranh lúc ấy như sau: “Trong chiến tranh có tình yêu và cả sự hận thù,… nhưng hận thù không đủ để đánh bại chiến tranh. Chúng tôi phải có một tình yêu lớn, tình yêu đất nước và tình yêu con người…”. Đó cũng chính là những cảm xúc mà người lính trẻ Phạm Thanh Tâm đã thể hiện trong nhật ký Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 khi ông đã tham chiến được 7 năm (15 tuổi ra vùng kháng chiến chống Pháp). Ông nói, khi viết nhật ký, ông không viết với mục đích là sau này sẽ xuất bản nó, tuy vậy, một người Pháp mê tranh của ông đã tình cờ bắt gặp khi đến nhà ông mua tranh và đã xin ông mang về Pháp dịch sang tiếng Anh và Pháp (cuốn sách dày 188 trang do NXB Armand Colin (Pháp) ấn hành tháng 2-2011 mang tên Cuốn sổ chiến tranh của một thanh niên Việt Minh ở Điện Biên Phủ). Ngay khi cuốn sách xuất bản, ngày 15-2-2011, báo Pháp Le Point đưa tin: “…Cho tới nay đã có hàng trăm, hàng ngàn cuốn sách nói về chiến tranh Đông Dương với kết thúc là thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ, song đại đa số đều do các cựu binh Pháp viết và hầu hết mang nặng tâm lý của những người thất bại… Nhưng đến cuốn sách của Phạm Thanh Tâm, độc giả có thể hiểu thêm về cuộc chiến tranh Đông Dương và thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ qua cái nhìn không hề thù hận của một người lính Việt Minh… và thông qua cuốn sách, Phạm Thanh Tâm đã lý giải cho độc giả biết vì sao và bằng cách nào mà Quân đội nhân dân Việt Nam đã khiến người Pháp bất ngờ và phải thua trận…”.
Hồn Việt xin trích đăng đoạn nhật ký viết ngay ngày chiến thắng Điện Biên Phủ giới thiệu cùng bạn đọc.
Ngày 7-5-1954
Chiều hôm qua, lúc sẩm tối, tôi đi loanh quanh đường hào và mặt ruộng từ quanh đồi D sang lại đồi E nơi tôi đang ở cùng đơn vị Sơn pháo 75 núp trong hầm pháo nhỏ dã chiến đang cố ngụy trang để nhìn thẳng nòng pháo địch, lỗ châu mai địch… mà bắn. Tôi bỗng gặp một số anh em đang lúi húi đặt súng lạ: đó chỉ là mấy cái ống nòng dài như ghép vào nhau. Đêm, ngồi nghe có nhiều tiếng sét… như có từng đàn chim lớn vút trong không gian gần, tầm thấp… lao vào Mường Thanh nổ bùng xé tai… thật khủng khiếp! Hỏi ra mới biết: đó là H12, là Kachiusa của Nga, một loại tên lửa đã từng gây kinh hoàng cho bọn phát xít Đức trong đại chiến thế giới thứ 2.
Sáng nay, gặp anh em bộ binh mới đi đánh sát đồn địch đêm qua trở về. Hỏi han ai cũng chỉ lắc đầu, cười và chỉ vào cái tai của mình: đôi tai lính ta cũng còn điếc đặc… vì gần điểm nổ.
Đêm qua ta giải quyết đồi A (đồi A1 cứng nhất!) và hầu hết các đồi bên này Nậm Rốn. Sáng nay tiếp tục đánh xong, đánh toàn bộ khu trung tâm. Tôi hiểu: đây là giai đoạn tổng công kích rồi. Ở đây, tôi có thể trực tiếp gặp gỡ tất cả: Thấy rõ địch chạy chết, thấy rõ pháo binh ta càng đánh càng lớn, càng “bắt nạt” được địch, diệt chúng, bắt chúng phải câm họng. Ở đây, tôi đi lại được nhiều chỗ, nhìn rõ “phong cảnh” của chiến trường. Dòng Nậm Rốn ngổn ngang, vương vất dù trắng từ trên cầu sắt, cầu gỗ xuống giữa dòng chảy và mấy tên lính địch mò ra lấy nước bị bắn tỉa… Nhưng những ngày ở trên Chỉ huy sở và đài quan sát tôi lại được biết tình hình khái quát chung các trận đánh… thế rồi bị cuốn hút trong sự căng thẳng bom đạn, trong nhiều hoạt động chiến đấu cục bộ khu vực quanh đồi E bên này Nậm Rốn… Cho tới lúc xế chiều, tiếng súng ngớt dần, có vẻ dịu đi, lại có vẻ như căng thẳng chờ đợi một cái gì đó…
Từ bên kia mô đất, theo chiến hào trở về, một anh lính bộ binh bước nặng nhọc về tới chỗ chúng tôi. Anh có vẻ mệt bã người, ngồi phịch xuống, nói mỗi một câu: “Cũng chiến thắng rồi!”.
Bộ binh xuất kích gặp tụi địch ở Mường Thanh hàng cả! Cả De Castries!
Reo… tiếng reo ran ran, xôn xao ruộng, giữa đồi xơ xác đỏ. Những chiến sĩ bộ binh trẻ và vóc người bé nhỏ nhưng tư thế chiến thắng! Vui quá! Chạy tới!... (Có cả những cậu tân binh mới lớn, mới bổ sung ra lần đầu, chưa được đánh trận nào… mới “cay” chứ!).
Địch lốc nhốc từ phía Mường Thanh ra, cả bọn Ngụy binh mặc quần áo dù loang, Tây trắng, có thằng còn trơ xì líp. Mũ sắt, mũ nhựa vứt bừa ra ruộng.
Hồi 5 giờ chiều, sau mấy loạt hỏa tiễn và cháy ở Mường Thanh, cháy ở Hồng Cúm… địch treo cờ dù trắng. Địch chui lên từ những “lỗ cua, lỗ cáy”, giơ cao hai tay kẹp mùi xoa vải trắng vẫy hàng… chúng lốc nhốc lội qua suối.
Chúng ra khỏi hầm, được đứng lên, reo lên mừng vì được thoát khỏi những nấm mồ mả… Một đồng chí cán bộ ta đứng lên trên gò đất, phất khăn chỉ lối cho chúng đi; chúng đi dồn lại dần thành hàng lối, ngoan ngoãn cúi đầu đi. Không một tên nào còn dám manh động chống trả hoặc chuồn lủi… vì hết lối rồi! Các cánh quân bao vây của ta đã từ chiến hào sát vách chúng, nhảy lên chiếm lĩnh ngay trên đầu chúng.
Chỗ kia, một cán bộ ta đã kịp cắm lên lá cờ quyết chiến quyết thắng và với chiếc loa thô sơ (đã sẵn mang theo) một cán bộ cất cao giọng… Lính Pháp, lính Ngụy ngóc đầu, ngẩng đầu lên nghe…
De Castries đã có ý định đi xe jeep ra hàng. Nhưng hắn đã phải giơ tay trước mũi súng của chiến sĩ ta ngay trong hầm của hắn… và phải chịu dồn lên xe cam nhông ra Chỉ huy sở để lại bị chia: quan - lính, đen - trắng, vàng (màu da) ra đi hàng bốn. Thanh - chiến sĩ quan trắc 753 bắc máy Pháo đối kích lên đồi D nhìn rõ chúng bị dồn rất đông tập trung bên kia cầu sắt Mường Thanh.
Tên Ngụy binh: - May mà các anh đã cứu chúng em, ở trong này thối lắm. Các anh bắn súng của Xíttalin, chúng em sợ lắm!
Nom chúng thì ghét và khinh nhưng tôi cảm thấy xót thương cho dân tộc mình: biết bao người bị giặc đè nén đầu độc, chia rẽ và giết chóc!
Trong khi địch ra hàng thì máy bay Đakôta vẫn thả dù tiếp tế. Hẳn là Hà Nội – bọn Nava và ngụy quyền đã biết thảm cảnh này… và buộc chúng vẫn phải thả dù tiếp tế. Nắng chiều 7 tháng 5 nhạt dần. Mặt trời ngả dần về phía tây sau dãy núi Thượng Lào. Mấy chiếc dù rơi xuống gần đây, thùng đồ hộp bị vỡ, mấy anh em khui một thùng sắt, thấy có bánh kẹo liền chia cho bất cứ ai… Mấy anh lính nông dân trẻ chê kẹo sô cô la là đắng và chê cả phô mai, vứt, không thèm ăn.
Những đôi bạn chiến đấu (75 + DKZ + 120 ly) gặp nhau mừng rỡ.
Thương binh nặng, nhẹ chờ trên miệng hào, đợi cáng và xe ô tô đang tới.
Mấy chỗ hầm sập đang còn phải đào bới ngay. Vui chiến thắng nhưng nhộn nhạo khẩn trương (xương máu: anh em liệt sĩ, thương binh, cả lính địch thương vong ta cũng phải lo giải quyết nhân đạo. Trời tối dần, mìn còn nổ…!).
Đứng trên đỉnh đồi D nhìn xuống cánh đồng Mường Thanh… cả thung lũng chiến trường này bàng bạc sương. Từng đám cháy, đám khói đặc xịt trộn lẫn đám linh tinh: mảnh dù, vách thép và hố bom; hào, hố loang lổ… như đống rác lớn chập chờn đom đóm, ma trơi. Xa về phía tây nam, kho đạn Hồng Cúm vẫn nổ, tóe từng cụm, vầng lửa chói sáng.
Có vào tận nơi mới thấy: Rất khâm phục lao động vĩ đại và sự bền bỉ, dũng cảm quyết tâm của anh em bộ binh. Với chiếc xẻng cá nhân đeo bên người đã đào chiến hào từ trên núi (bốn xung quanh) xuống, bao vây, lấn dần vào… thực sự là những mũi tên nhọn lao vào cắt ngang sân bay, xuyên ngầm, chọc thủng các vị trí, các ổ súng địch… Xác máy bay chỏng chơ đuôi, cánh… mặt bằng những tấm thép lát sân bay tung cao lên, bị uốn cong oằn oèo…!
Đặc biệt đồi A1! Bọn lính Pháp - Âu Phi cố thủ hầm ngầm của quả đồi… bỗng từng đêm từng đêm cảm thấy dưới chỗ nằm ngồi của chúng có tiếng đào khoét…, có một tầng ngầm nữa mới xuyên vào phía dưới… Và rồi đêm qua, đúng giờ G… Một tiếng nổ đánh “ục”!... Nghe nói có tới nửa tấn bộc phá đã nổ một phát… âm đanh, gọn - Đã loại khỏi vòng chiến đấu ngay lập tức hơn một tiểu đoàn địch! Mặc dù đã nhiều đợt phản kích, bây giờ trên đỉnh quả đồi ác liệt ấy vẫn còn nghi ngút khói cháy của hai chiếc xe tăng chịu chết.
Chiến công diệt đồi A1 - cái vỏ cực cứng án ngữ đường 41 với đầu cầu sắt Mường Thanh ấy - đã kết thúc một giai đoạn giành giật sống mái giữa ta và địch… Và đã mở đầu cho tổng công kích đợt cuối bắt toàn bộ quân địch với Tư lệnh của nó phải đầu hàng nhất loạt!
Có lẽ phải tới vài trăm kilômét giao thông hào trong chiến dịch này, nhờ chiếc xẻng! Không phải đào theo lối thường đào dùng lực từ trên ấn xuống. Mà phải đào ngang. Ấn, khoét… từng nhát nhỏ. Lực mạnh mà không vung tay quá trán! Vì người phải nằm nghiêng sát mặt đất, càng thấp càng tốt, để tránh làn đạn các cỡ bắn thẳng sát đất của địch.
Các chuyện chiến hào đâu có lạ: Trong thế chiến 1 (1914-1918), thế chiến 2 (1939-1945)… hai bên chiến tuyến là những chiều ngang chiến hào trận địa chiến dài dằng dặc, có tuyến hào một, tuyến hào hai, ba… Khi xuất phát tiến công thường rất rõ đội hình dàn quân của hai bên.
Còn đây, Điện Biên Phủ - Tôi nghĩ rằng cả quá trình của giai đoạn bao vây tiến công cho tới trước khi tổng công kích đã là quá trình ta đào chiến hào mở, nối… hòa mạng
lưới chiến hào với địch tận trung tâm của chúng. Không còn hai bên chiến tuyến nữa mà cùng chung chiến hào mới vui!! Dần về cuối, địch mất dần khả năng thoát ly công sự, tập trung có xe tăng yểm hộ đi phản kích… là cái sự như thế.
_____
* Đầu đề do Hồn Việt đặt