Những người đã hy sinh và những người còn sống, tất cả đều cất lên tiếng nói. Thơ Lệ Thu in ra cả một tập dày Điềm đạm Việt Nam, chị gửi tặng tôi. Thơ chị sôi nổi, mãnh liệt, tiếng nói của một thời hào hùng, và nhiều trăn trở. Thơ của một phụ nữ Bình Định, “trong văn có võ”, suốt cả một đời hiến dâng, tận tụy, cho nhân dân, Tổ quốc thân yêu.
M.Q.L.
Người Tam Quan Bắc
6-2-1974
Vào phố Tam Quan trong đêm trăng, lòng thấy hồi hộp lạ lùng. Phố vắng lặng, nhà cửa đổ nát chỉ còn thấp thoáng ít ngọn đèn dầu. Phía đầu phố là chốt địch. Chốt này bọn lính hay càn, hay kích. Một ông già nói thầm thì cùng chúng tôi:
- Các con làm gì thì làm mau lên rồi đi. Đêm qua bọn lính “kích” lúc 1 giờ sáng đấy!
Anh em du kích cảnh giới xung quanh, tôi và Liên (Bí thư xã đoàn Tam Quan Bắc) ngồi nói chuyện với một người đàn ông trạc năm mươi tuổi. Cuộc náo động đã xảy ra làm cho mọi người hoảng sợ - ông già phản ứng kịch liệt không chịu nộp phiếu kiểm soát cho cách mạng và đòi lấy dao tự tử. Khi ông sầm sầm chạy vào nhà, mọi người kéo ông ra. Tôi bỗng nhiên trở thành một “chỉ huy”, nói với mấy em:
- Trả lại cho chú ấy đi! - Rồi quay sang nói với người đàn ông kia: Đêm nay chú suy nghĩ, mai đem nộp cũng được. Cách mạng sẽ không để sót một phiếu nào đâu!
Nói “cứng” vậy thôi, nhưng trong lòng tôi vô cùng bối rối. Việc bắt dân trả phiếu kiểm soát, đã đành là để dễ dàng hơn cho cách mạng, nhưng làm cho dân phải lo lắng, căng thẳng thế kia thì thật không đành lòng! Lo lắng khổ sở vậy mà hầu hết mọi người dân đều răm rắp làm theo. Trường hợp như ông già này là rất hiếm.
Công tác về đã mười một giờ đêm, tôi thấy mấy chị em ở trụ sở đã ngủ cả, không ai mắc võng, mặc dù rất nhiều muỗi. Sau tôi mới hiểu họ sợ địch càn, chạy không kịp. Đồng chí bí thư xã ủy hôm đó đi Thiện Chánh thăm nhà. Hội trưởng phụ nữ, người vẫn đưa tôi đi, hôm nay lại sang Trường Xuân. Các du kích xã đi ngủ ở đâu hết cả, chỉ còn mình cậu Mến xã đội phó rất trẻ, đang loay hoay cất giấu tài liệu. Chiếc thùng đạn nhỏ màu xám được Mến chồng chất bao nhiêu thứ giấy tờ vào đó. Xong xuôi, cậu ta mang ba lô, xách súng ra sân, vừa đi vừa nói:
- Đêm nay trăng sáng quá, sợ địch càn đây. Chị ngủ phải cảnh giác, mà không nên bọc võng đâu!
Tôi không biết ở đâu là công sự, đường đầy mìn mà tôi thì chưa thuộc. Nằm phân vân tự hỏi: Nếu nó càn thật thì sao? Và tôi tự trả lời: Phải chiến đấu một mất một còn với địch. Quyết không để nó bắt sống mình.
May, đêm này cũng trôi qua trót lọt.
Dân ở đây kể cho mình nghe về một chị cán bộ quê Bắc, cũng tên Thu, năm trước về đây công tác, chị là bác sĩ về tổ chức khám bệnh cho dân. Hôm đó địch càn vào xóm, cán bộ “bất hợp pháp” đều xuống hầm bí mật. Thu là khách mới, không có hầm, nên chạy đại vào trốn trong buồng nhà dân. Lính đuổi theo, xông vào buồng bắt được. Chúng lột hết quần áo chị, bắn chết và kéo xác lên bêu trước đồn cảnh sát Tam Quan, trên Quốc lộ Một. Đã thế, chúng còn bày trò độc ác đem một cây sậy cắm vào chỗ kín của chị, rồi cả bọn đứng nhìn chỉ trỏ, cười khả ố... khiến người dân ở đây không chịu nổi. Chị không phải người Tam Quan nhưng những người dân Tam Quan đã bật khóc. Mấy chục bà mẹ già phải mặc áo dài lên trước đồn cảnh sát, sắp hàng ngang, quỳ lạy bọn lính và sĩ quan, xin nộp tiền và đem xác chị về chôn. Trong lòng ngùn ngụt lửa giận, nhưng các mẹ vẫn phải năn nỉ nhẹ nhàng: “Người ta là con gái con đứa, đã chết rồi mà còn hành hạ lõa lồ như thế này, mang tội với trời đất chết, các ông ơi! Người làm mẹ như chúng tôi không chịu đựng thêm được nữa đâu. Các ông làm ơn làm phước đi!”. Những người mẹ Tam Quan đã khóc, mang chị về, may áo quần, khâm liệm và làm đám tang cho chị như chính con gái của mình.
Tôi đi qua phần mộ của chị và nghĩ rằng: Biết bao nhiêu đồng chí đã ngã xuống trên mảnh đất này vì sự sống của nhân dân. Họ đã chết nhưng sẽ còn sống mãi giữa lòng dân.
“Chuyện riêng” của chị
21-4-1974
Trong hang đá, tôi bồi hồi nghe tiếp tâm sự của chị Bành Thị Ngọc Anh - Ủy viên Thường vụ Thị ủy Quy Nhơn. Lòng cứ nghĩ miên man: riêng cuộc đời chị đã đáng là một thiên tiểu thuyết rồi! Đêm khuya yên tĩnh, suối nước chảy róc rách qua đầu võng. Tôi nằm lặng lẽ nghe chị kể cuộc đời bão táp của chị trong công tác và tình yêu.
Một cô nữ sinh ở trường Hoài Nhơn II trong kháng chiến chống Pháp. Nhà chị ở cạnh ga Chương Hòa (Hoài Châu), nơi có bãi cát trắng mênh mông và rừng dừa xanh rợp bóng. Người yêu đầu tiên của chị đi tập kết, chị chờ đợi đến năm 1961, anh “quần kết” trở về, gặp lại nhau. Trong những năm mà cuộc cách mạng của miền Nam chìm trong biển máu đó, chị sống ở nhà và hoạt động cơ sở cho cách mạng. Cha chị, một ấp trưởng độc ác của ấp Chương Hòa, đối xử với vợ con khe khắt, lại rượu chè! Ông thương chị, nhưng bắt chị không được dính líu đến cộng sản. Chị dùng lý lẽ thuyết phục bằng lòng trung hiếu mà ông dạy trước đây. Cuộc sống trong gia đình khá gay gắt.
Năm 1963, chị bị bắt tù. Trong tù chị thêu cặp gối gửi về cho cha mẹ.
Ông già ban đầu giận dữ đòi xé đốt. Nhưng mẹ chị, một bà già nhẫn nhục và phúc hậu đã giằng lấy cất đi. Nửa đêm, ông già lén lấy ra xem và khóc.
Năm tháng trôi qua, thực tế phũ phàng của cuộc chiến tranh phi nhân tàn khốc đã làm ông tỉnh ngộ. Ông đã chống lại bọn ngụy quyền xã ấp và sống cuộc đời lương thiện, mặc cho con cái làm gì thì làm.
Ra tù, chị thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng. Anh Lê sau những năm tập kết trở về và gặp lại chị. Tình yêu của họ nảy nở trong chiến trường và họ xây dựng với nhau, được thường vụ tỉnh ủy ủng hộ. Chị sinh đứa con đầu lòng ở căn cứ, trong một trận càn của giặc. Hai tháng sau khi sinh, chị gửi con cho gia đình để tham gia hoạt động “hợp pháp” trong thành phố. Buổi ra đi tình mẹ con lưu luyến, nỗi đau day dứt dằn xé chị. Bầu sữa cũng căng đầy đau nhức, nhìn thấy con đói mà lòng xốn xang. Chị đòi cho con bú. Mẹ chị nhìn con, rồi nhìn cháu, nước mắt lưng tròng, nói nhẹ nhàng mà kiên quyết:
- Một là mày ráng chịu đau, cho con bỏ bú rồi đi. Hai là cho nó bú rồi ở nhà nuôi con, không đi hoạt động cách mạng nữa.
Không, có thể nào lại bỏ chiến trường, bỏ cách mạng được khi những nhiệm vụ quan trọng nặng nề đang đầy ắp trên vai chị. Vị trí của chị bây giờ mà bỏ thì chẳng có ai thay, sẽ ảnh hưởng cho cách mạng biết chừng nào! Hơn nữa, nỗi nhục “phản bội” này biết bao giờ mới rửa sạch được! Chị trở vào giường nằm khóc nức nở. Và mỗi lần đứa bé khóc, hai bầu sữa căng đầy nóng bỏng lại tràn ra ướt đầm áo chị. Mẹ lại bấm bụng tiễn đưa và nuôi giùm con cho chị.
Đứa con thứ hai chị sinh trong một hoàn cảnh khác, ở xã Phổ Thuận (Quảng Ngãi). Chị gửi nhờ một gia đình cán bộ cơ sở nuôi giùm. Có một sự kiện trùng hợp lạ lùng như là định mệnh: Chị cán bộ cơ sở ấy cũng vừa mới sinh con trai, nhưng cháu bé bị chết, vừa lúc con chị được thế vào. Cả gia đình rất vui mừng và hai vợ chồng chị cán bộ cơ sở quý thằng bé như vàng như ngọc. Xóm làng không ai biết đó là đứa con của cán bộ “Việt Cộng”. Bà cụ mẹ chồng chị nghe được, lấy làm xót xa. Bà lần ra Phổ Thuận xin đón cháu về, nhưng người mẹ nuôi khóc lóc, cả gia đình van nài, bà không nỡ đòi cháu, và quay trở về. Lần sau chị đến thăm, vì sợ tổn thương người “mẹ nuôi” của cháu nên không nói gì đến chuyện đòi con. Nhìn con bụ bẫm, hồng hào trong bàn tay âu yếm của một người đàn bà khác, chị có phần yên lòng, nhưng không khỏi xốn xang. Một tuần lễ sau, cô của đứa bé từ Bồng Sơn ra đón cháu về, và bảo với xóm giềng là con xin, nhưng ai cũng trầm trồ: sao nó giống cô Anh quá vậy? Người cô sợ lộ, không dám nuôi, lại đem về cho bà nội.
Năm 1967, chị bị bắt, cuộc sống tù đày khốn khổ. Vài năm sau anh Lê cũng bị bắt, rồi bị chúng đày đi Côn Đảo. Lúc chị về thì lại nghe tin anh Lê đã hy sinh. Nỗi đau xót cắn xé lòng chị. Nhưng bỏ qua mọi nỗi niềm riêng, chị tiếp tục hoạt động bí mật trong vùng sâu của địch. Một hôm chị gặp lại anh Thành, người ngày xưa từng âm thầm thương chị, nhưng ngày ấy chị chỉ yêu anh Lê. Hai người được tổ chức phân công hoạt động hợp pháp trong Quy Nhơn. Họ cải trang thành cặp vợ chồng thương nhân đi làm ăn để nắm tình hình địch. Một thời gian sau, anh ngỏ lời yêu và muốn cưới chị làm vợ. Tổ chức đồng ý và xe duyên cho họ. Anh chị lại sinh thêm một đứa con, rồi cũng lại gửi cho cơ sở nuôi giùm...
Thời gian cứ trôi đi trong bao nhiêu bận rộn và gian nguy của người cán bộ hoạt động “hợp pháp” trong lòng địch. Bỗng một hôm chị nghe tin anh Lê còn sống, được trao trả tù binh trở về, đang ở Quảng Nam, chuẩn bị ra Bắc chữa bệnh. Lòng chị đầy bão táp, chẳng biết nên xử sự thế nào. Bây giờ chị là vợ của ai đây - anh Lê hay anh Thành? Hai người đều tốt, đều nặng nghĩa nặng tình, đều có con và đều kết hôn chính thức.
Chị đem chuyện đời của chị kể hết cho tôi nghe như là muốn tâm sự cho nhẹ bớt nỗi lòng, vừa như là muốn tham khảo ý kiến. Tôi hỏi chị một cách chân thành bằng sự sẻ chia của một cô em gái thân thiết: Vậy tình yêu đích thực của chị là ai? Chị nói là anh Lê. Tôi bảo vậy thì chị hãy chia tay anh Thành, về lại với anh Lê đi. Chị lại bảo nhưng sợ anh Lê tự ái, không chịu trở về với chị...
Quả thật, từ khi anh Lê được trao trả tù binh, trở về, nghe tin chị đã kết hôn với Thành, anh lặng đi và không hề đả động gì đến chuyện của hai người nữa, nhưng anh buồn lắm. Người anh vốn đã gầy guộc xanh xao do bị tra tấn ở trong tù, giờ hay tin gia đình như thế này, anh càng rộc đi trong nỗi âm thầm đau đớn. Bao năm trong tù anh đã thương nhớ chị biết bao nhiêu. Vì tình yêu với chị mà anh đã vượt qua tất cả để sống, trở về... Tình yêu của họ là một tình yêu nồng thắm của thuở đầu đời đầy mơ mộng và đã là một cặp vợ chồng hạnh phúc thủy chung, đã cùng trải qua bao nhiêu khốc liệt của cuộc chiến tranh này và những sự hy sinh không kể hết. Giờ anh phải tự chọn cho mình một cách ứng xử nhẹ nhàng là để yên cho chị sống hạnh phúc với Thành - một người đồng chí của anh! Trong khi đó, anh Thành lại vô cùng bối rối và chẳng biết tính làm sao. Thành khuyên chị nên bố trí ra gặp thăm anh Lê, và nếu được anh Lê chấp thuận, thì hãy trở về với anh ấy, đừng bận tâm gì về anh. Anh tự nhủ rằng anh Lê là người có quyền hưởng hạnh phúc suốt đời với chị! Thành gửi lời xin lỗi anh Lê và nguyện làm người bạn, người đồng chí tốt của cả hai người...
Ôi rắc rối quá! Cũng chẳng liên quan gì đến mình, nhưng mà tôi thấy chị Ngọc Anh có vẻ thảng thốt lắm. Chị đau khổ thật sự và đang yêu thương anh Lê với một tình yêu vô bờ bến. Liệu mình có giúp được gì cho chị ấy không nhỉ? Vậy là tôi phải thức trắng đêm để viết cho anh Lê một lá thư “đặc biệt” rất dài. Bức thư với tư cách một cô em gái quê hương và là một người “đồng nghiệp” (vì trước kia anh Lê cũng là nhà báo) để nói với anh về hoàn cảnh, về chiến công, về trái tim trong trắng và nhất là về tình yêu nồng thắm, thủy chung của chị đối với anh. Viết xong đọc lại, chuyện của người ta mà mình cứ nước mắt đầm đìa. Chị vui mừng nhận lấy bức thư và trù tính sắp tới sẽ về họp gần chỗ anh Lê điều dưỡng, sẽ rủ cô Tần, Ủy viên Thường vụ Thị ủy Quy Nhơn cùng đi thăm. Chị thổ lộ nỗi niềm một cách hồn nhiên và đầy tin cậy, trong tưởng tượng: “Cô Tần sẽ vào trước, đưa bức thư này để thăm dò anh ấy... Nếu anh ấy cảm thông và tỏ ra mong muốn gặp nhau, thì chị sẽ vào, vợ chồng đoàn tụ với nhau sau bao tháng năm dài thương nhớ. Còn nếu anh ấy tỏ ra lạnh nhạt hoặc oán trách, nghi ngờ... thì thôi, chị sẽ về luôn và chắc sẽ không bao giờ gặp nữa, em nhỉ!”.
Vâng, cầu mong cho anh chị gặp mọi điều may mắn, bình yên. Cầu mong cho mọi người không bị cuộc chiến tranh này cướp đi chút hạnh phúc riêng tư nhỏ nhoi còn lại.
Ngày gặp má
9-5-1974
Một nỗi thấp thỏm mong chờ cứ rộn lên trong lòng tôi từ mấy hôm nay. Ngày hẹn gặp má tôi. Tôi muốn Mai cùng tôi đi vào thôn Lương Lộc, đường từ huyện đội vào Lương Lộc hôm nay bắt đầu phức tạp. Đi một mình tôi cứ ngài ngại thế nào ấy. Vả lại tôi muốn Mai được gặp má. Má sẽ rất hài lòng về đứa con ngoan ngoãn, dịu hiền và giàu tình cảm đó. Nhưng em không được đi vì công việc cơ quan hôm nay bề bộn căng thẳng quá.
Tôi lại đi cùng chiến sĩ trinh sát Tám. Tám mang AK đưa tôi qua cánh đồng lầy lội rất quen thuộc của xã Phước Thắng vào Phước Hưng. Tôi đã đi lại gần nát cả cánh đồng để chờ gặp má, gặp bà. Thật là buồn nếu hôm nay tôi lại phải trở về không kết quả. Tôi vào đầu xóm Lương Lộc ngồi chơi dưới hàng bông gòn nở trắng. Bà con trong làng cũng nhiều người đang ngồi chơi ở đó. Những thím, những bác, những chị những em... nói chuyện với tôi trong tình cảm gia đình ruột thịt. Nhưng tôi không hề biết được ai, bà con ra sao, cứ ai đáng tuổi nào gọi thế.
Hai giờ chiều, tôi bắt đầu thất vọng đứng lên đi về. Nhưng đi được một lúc thì có tiếng một cô gái gọi gióng giả sau lưng: “Chị Hai, chị Hai... Má chị đến!”. Tôi cứ như người trong mơ chợt tỉnh, quay ngoắt lại và chạy một mạch vô xóm.
Má, tôi bàng hoàng gọi lên một tiếng và má tôi ngồi khóc nức nở, ngon lành. Tôi sà vào lòng má như ngày còn thơ bé, nước mắt tôi trào ra. Các bà ngồi bên cạnh tôi cũng nước mắt lưng tròng. Má vuốt tóc, vuốt lưng tôi, sờ nắn hai bên vai tôi, thổn thức:
- Ốm quá! Con ăn đói lắm phải không? Có đủ áo quần bận không con? Má giả đò xách mấy bó mạ đi dặm lúa để che mắt “bọn nó” mới thoát qua được cánh đồng kia, ra đây gặp con nên không đem được thứ gì cho con... Nghe nẫu đồn con dìa, má mừng nhưng lo lắm. Bom đạn đầy trời, tránh sao cho được! Mỗi lần thấy chiếc tàu bay bay ra phía ngoải, má lại thắp ba cây nhang khấn Quán Thế Âm Bồ Tát che chở cho con... - Ngập ngừng một lúc, má hỏi tôi, giọng như chùng xuống:
- Con chỉ về một mình thôi à?
Tôi hiểu ngay là má muốn hỏi tại sao không có ba về cùng tôi. Vì khi đi, má tiễn cùng một lúc hai người - hai mảnh thịt xương và nửa hồn của má. Má đã chờ đợi ba suốt gần hai mươi năm nay, trông ngóng từng giờ... Nỗi mừng gặp con là rất lớn, nhưng với má, có lẽ còn chưa đủ! Má lại còn phải tiếp tục những tháng ngày đơn độc lẻ loi... Tôi bối rối vì câu hỏi của má, làm sao giải thích được cái thắc mắc rất có lý này!
Lòng tràn ngập niềm vui hạnh phúc nhưng xen lẫn vị chua cay, tôi hỏi về cuộc sống của gia đình, về quê hương trong những năm dài xa cách - Tất cả đã khác rồi, duy chỉ có sự đau đớn, xót xa, nhớ thương và mong đợi là vẫn đeo đẳng má tôi. Má ơi! Sao má khổ nhiều dữ vậy!
Ánh nắng chiều ngả bóng dài rất nhanh trên nền gạch đổ. Bàu Lương Lộc rậm rịt rong bèo bốc một luồng hơi mát vào chỗ tôi ngồi. Chuyện hỏi chưa kịp trả lời, đã hỏi sang chuyện khác.
Giờ phút đi sao mà nhanh thế. Chưa chi đã bốn giờ rồi. Má không ở lại được, thôi má cứ về đi! Má đứng lên ngoan ngoãn theo đường tôi chỉ. Tôi cũng chẳng hơn gì má, những nẻo đường xưa giờ lạ hết cả rồi. Đặt bước chân vào đâu cũng thấy rờn rợn vì sợ bố phòng. Tôi nhìn theo bóng má đi xăm xăm đầy lo lắng sợ hãi, lòng thương vô kể.
Tất cả vì con, chỉ vì con mà má khổ sở thế này đây!