Sau một chiều thăm cột cờ Lũng Cú ở độ cao 1.700m so với mặt nước biển mới được xây dựng lại vừa khánh thành cuối tháng 9/2010, buổi tối, ngồi uống cà phê trong ngôi nhà trăm tuổi ở khu phố cổ Đồng Văn, đang hỏi nhau về gốc gác và ý nghĩa của tên gọi Lũng Cú, chúng tôi được anh Thò Mi Dế, cán bộ văn hóa của tỉnh Hà Giang ngồi ở bàn bên vui vẻ giải đáp.
Anh cho biết, có mấy cách hiểu, nhưng được truyền tụng nhiều nhất là chuyện vua Quang Trung sau khi đại phá quân Thanh, cho đặt tại nơi biên cương này một trống đồng thật lớn, cứ mỗi canh giờ lại được đội trấn thủ lưu đồn gióng lên ba hồi vang động khắp vùng khẳng định chủ quyền đất nước. Trống này được gọi là Long Cổ (trống vua), phát âm qua tiếng H’Mông là Lũng Cú. Từ đấy, cây cột cờ vốn có từ thời Lý Thường Kiệt, được gọi là cột cờ Lũng Cú.
CAO NGUYÊN ĐÁ
Chúng tôi đến Đồng Văn sau khi nơi này được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (Global Geoparks Network GGN, một chương trình được UNESCO thiết lập năm 1998) công nhận là thành viên chính thức của GGN. Đây là công viên địa chất toàn cầu thứ hai ở Đông Nam Á, sau Langkawi của Malaysia.
Khi xe vào đến địa phận Quản Bạ, chúng tôi thấy trên đồi dựng nổi bật hai hàng chữ màu trắng:
CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN, DONG VAN KARST PLATEAU GEOPARK
Cách thị trấn Tam Sơn khoảng 2km, xe lên đến Cổng trời Quản Bạ ở độ cao 1.500m. Ngoài ý nghĩa là vị trí cao nhất trong vùng, đây vốn còn là một cái cổng theo nghĩa đen. Vào năm 1939, “vua” Mèo đã cho dựng tại đây một cái cổng thật lớn có cánh dày đến 15cm bằng gỗ nghiến, đánh dấu nơi bắt đầu lãnh thổ của xứ Mèo (H’Mông).
Xe chạy tiếp lên đèo Cán Tỷ, một bên vực sâu, một bên vách núi dựng đứng. Quả là một miền cao nguyên khác thường với những dãy núi đá bao quanh bốn bề, rìa núi sắc nhọn, có những ngọn cao vút thẳng đứng, khác hẳn với vùng cao nguyên Nam Trung Bộ. Đường càng lúc càng lên cao và cua ngặt hơn.
Khi xe thả dốc xuống một thung lũng đến đoạn qua xã Na Khê, con đường nằm lọt giữa khe núi sâu thẳm chạy song song một đoạn dài với một con suối lớn. Cảnh đẹp đến mê hồn. Núi đá trùng điệp xen kẽ vài vạt ruộng bậc thang nhỏ, những con dốc quanh co, cua gắt vươn lên gần đỉnh núi rồi lại đổ xuống một thung lũng. Đôi lúc chúng tôi bắt gặp một tảng đá rất lớn nằm chắn bên vệ đường, có nơi còn thấy nguyên một đoạn bờ bê tông bảo vệ phía vực sâu bị vỡ tan. Đó là dấu tích những vụ núi lở mới đây.
Ấn tượng khó quên nhất trên Con đường Hạnh phúc vốn được phá đá mở đường vô cùng gian khổ trong những năm 1959-1965 là đèo Mã Pì Lèng nối liền hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc. Phong cảnh vô cùng hùng vĩ, một bên là vực sâu cả ngàn mét mang trong lòng những ghềnh thác tung bọt trắng xóa đầu nguồn sông Nho Quế, một bên là vách đá thẳng đứng cao đến khoảng 700m, từng được các nhà thám hiểm Pháp đánh giá là một tượng đài địa chất hiếm hoi trên thế giới.

Một đoạn đèo Mã Pì Lèng.
DINH THỰ HỌ VƯƠNG
Từ con đường 4C trải nhựa, theo bảng chỉ dẫn lối vào “Nhà Vương”, xe chúng tôi rẽ xuống dốc vào đậu nhờ trong sân trường tiểu học. Chợ Sà Phìn ngay gần đó, họp ngay trên những bậc nền rộng dẫn lên khu dinh thự họ Vương. Hôm ấy đúng ngày phiên chợ đông vui. Nam giới lớn bé đều đồng phục một màu xanh đen nhưng phụ nữ và các bé gái thì đầy màu sắc tươi sáng hồng, đỏ, vàng, xanh nõn chuối… lấp lánh kim tuyến.
Những bậc đá ẩn hiện dưới tán lá hàng cây pơ mu cao vút và sương khói bảng lảng làm tăng thêm vẻ huyền bí của khu dinh thự vốn mang nhiều giai thoại trong quá khứ, nơi từng là tổng hành dinh của một vùng trồng anh túc, sản xuất thuốc phiện, nằm trên con đường nha phiến, nối Myanmar, Lào với vùng Vân Nam (Trung Quốc).
Sau khoảng thời gian dài đầy biến động, dinh “vua” Mèo xuống cấp nhiều. Sau khi nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (1993), UBND xã Sà Phìn còn dùng một số căn phòng làm trụ sở, phần còn lại dành làm nơi ở cho mấy gia đình dòng họ Vương. Đến năm 2004, Bộ Văn hóa Thông tin trùng tu như hiện trạng du khách được thấy.

Cột cờ Lũng Cú.
Khu dinh thự khởi công năm 1923 gồm bốn dãy nhà ngang, sáu dãy nhà dọc, tường đá cao, dày bao quanh. Các dãy nhà cao dần theo địa hình của khu đất. Tất cả đều hai tầng. Nhà trước và nhà sau tầng dưới xây bằng đá hộc, tầng trên bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương. Riêng nhà giữa cả hai tầng đều bằng gỗ. Hai bên nhà sau là hai lô cốt ba tầng bằng đá, có đường thông với tầng hầm.
Thấy chúng tôi dừng xem đôi câu đối hai bên cổng ngoài, cô Vương Thị Chở, người hướng dẫn du lịch, giải nghĩa: Nhà tiếp người hiền ra vào - Cổng luôn mở đón khách quý ghé thăm. Ngay trên cửa vào nhà trước có treo một hoành phi sơn son thiếp vàng với bốn đại tự Biên Chính Khả Phong được giới thiệu là do Vua Khải Định ban tặng năm 1923. Bức hoành phi treo không khéo nên che mất một phần hai chữ đầu của đôi câu đối trên cột đá hai bên cửa, chữ môn (門) bên phải và chữ đại (大) bên trái.

Bà cháu H'Mông cùng đi chơi chợ Sà Phìn.
Một điều tôi thấy buồn lòng là tường đá của tiền dinh nay được tô vữa và quét một lớp vôi trắng, nhìn từ ngoài lúc đầu tôi tưởng chỉ là tường gạch bình thường. Đã thế, lớp vôi lại được quét cẩu thả, lấm lem cả vào đôi câu đối trên cột đá hai bên cửa.
Gian chính tòa nhà giữa có bàn thờ Vương Chính Đức (Vàng Dúng Lùng, 1865-1947), bên cạnh treo tấm bằng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký tặng. Hai bên vách là những tấm ảnh gia đình, có tấm ảnh lớn chụp ông Vương với hai bà vợ là bà cả và bà ba cùng các con. Bà hai vì không có con nên không đứng trong ảnh. Các bà và đám con gái đều bận sắc phục H’Mông. Vương Chí Sình (Vàng Seo Lử) là con thứ hai của bà cả. Vương Chí Chư, con bà ba, có trong tấm ảnh này chính là ông nội cô Chở đang thuyết minh cho chúng tôi về dinh thự này.
Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, sau khi kết nghĩa anh em với Vương Chí Sình và mời ông tham gia Quốc hội khóa đầu, năm 1946, Hồ Chủ tịch đã đích thân giới thiệu anh thanh niên Vương Quỳnh Sơn vào học trường lục quân Trần Quốc Tuấn. Ông Sơn trải qua nhiều vị trí công tác rồi trở thành chuyên viên cao cấp về vấn đề dân tộc. Khi nghỉ hưu, ông có một chuyến thăm Mỹ theo lời mời của mấy dòng tộc H’Mông định cư bên ấy. Ông đã rất vui khi được biết khu nhà Vương được giới thiệu chi tiết trong một CD phổ biến rộng khắp cộng đồng bà con người H’Mông ở Mỹ…