Nồi bánh chưng sưởi ấm ngày Tết quê

Trong tâm thức người Việt Nam từ bao đời nay, bánh chưng đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu trong ngày Tết Cổ truyền: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Trên mâm cỗ ngày Tết, bánh chưng luôn được đặt ở vị trí trung tâm.

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in, khi những cơn gió heo may nhè nhẹ thổi về, cánh đồng lúa rộng mênh mông ở hai bên đường thôn chín vàng trĩu hạt, thì mẹ tôi cũng bắt đầu đi quanh xóm đặt vài thúng nếp ngon nhất để dành gói bánh chưng. Mẹ tôi nói, dù cho hoàn cảnh kinh tế nhà mình thế nào thì tết nhất cũng phải lo cho được nồi bánh chưng, trước là để cúng gia tiên và biếu xén họ hàng, sau là củng cố hương vị Tết cho cả nhà. Vì vậy, đối với tôi, tấm bánh chưng đã được nâng từ giá trị vật chất lên thành giá trị tinh thần.

Như có sự mặc định, cứ 29 Tết, sau khi nhà cửa đã được dọn dẹp, lư đồng đã được đánh bóng, “lão mai” đã được đưa vào nhà thì mẹ tôi tổ chức gói bánh chưng. Nhà đông người nhưng khâu chuẩn bị gói bánh cũng lắm, nên mẹ phân công cho mỗi người một việc. Bố tôi thì luôn là người chẻ lạt và gói bánh, các anh tôi người cắt lá dong, người tìm củi nấu bánh, chị tôi đồ đậu, đãi gạo, mẹ tôi đi chợ mua thịt, còn tôi thì luôn luôn làm nhiệm vụ tỉ mỉ nhưng không kém phần quan trọng đó là rửa và lau khô lá. Mẹ thường nhắc nhở tôi phải rửa lá thật sạch, lau thật khô thì bánh mới để được lâu, không bị thiu.

Nguyên liệu gói bánh chưng thì thời nào và nhà nào cũng giống nhau, nhưng tấm bánh có ngon không, có rền không, có để được lâu không là do cách gói của từng nhà. Để tấm bánh ngon thì nếp phải ngon, đậu xanh ngon là đương nhiên, nhưng phần thịt làm nhân buộc phải là miếng thịt ba rọi đều mỡ, nạc và bì, nếu mỡ nhiều ăn dễ ngán, nếu nạc nhiều bánh sẽ khô; nêm gia vị phải cho vừa miệng, nếu nêm lạt quá sẽ bánh nhạt nhẽo mất ngon..., nhưng để chấm điểm chiếc bánh ngon không thể bỏ qua vòng thẩm mỹ: bánh phải được gói cho vuông thành sắc cạnh, khi bánh chín phải rửa qua nước lạnh rồi đè thật chặt cho rền bánh. Điểm phần này bố tôi được tuyệt đối là cái chắc…


Bánh chưng. Ảnh: Simplyspike.

Thế đấy, công việc chuẩn bị Tết kể ra tất bật thật, nhưng thấy quanh ta mọi người đều làm việc, lại cộng thêm khí trời se se lạnh, mơn man gió, những đám mây cao trên kia như không còn giữ khoảng cách nữa mà cứ muốn sà xuống để được dịp nô nức cùng trần thế mừng xuân,… thì mọi nỗi mệt nhọc tan biến đâu hết, chỉ còn lại cái cảm xúc lâng lâng khó tả…

Rồi cứ thế, bao nhiêu cái Tết qua đi, chúng tôi đã trưởng thành, nhưng mỗi lần Tết đến, chúng tôi lại gác tất cả công việc để đoàn tụ với gia đình. Thời buổi kinh tế thị trường, chỉ cần nhấc điện thoại, đặt vài chục chiếc bánh chưng thì có ngay, chẳng phải vất vả này kia. Nhưng chúng tôi không muốn thế. Bởi chúng tôi biết rằng, chỉ chiếc bánh chưng nhà mình mới đậm đà, mới thơm ngon vì nó đã được gói ghém tất cả sự đầm ấm vào trong đó, mà như chị tôi nói “có tiền mua được tất cả nhưng không thể mua được không khí ấm áp ngày Tết!”.

Riêng tôi, tôi sẽ hụt hẫng biết mấy nếu như truyền thống ấy mất đi, sẽ như bị đánh cắp hồn quê trong con người của mình. Tết về, chúng tôi sẽ lại tề tựu với đại gia đình của mình, cùng ngồi gói bánh; những đứa cháu của tôi sẽ lại lập lại hình ảnh của chúng tôi ngày xưa, sẽ lại quây quần bên nhau, sẽ lại tíu tít nói cười, sẽ lại xúm xít đứa gọi ông nội, đứa gọi ông ngoại đòi gói cho mình chiếc bánh nho nhỏ làm “tài sản” riêng, sẽ lại ra vẻ người lớn lấy gạo, đậu để tập tành gói bánh.

Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, háo hức, “hây hây má hồng” của chúng, tôi lại thấy sự bình yên và hạnh phúc. Và, tôi lại được dịp lấy cái nồi gang - mà mẹ nói đã bằng tuổi tôi - gác trên nóc bếp xuống, rửa sạch lót sẵn những đọt lá dong ở đáy, để khi bố tôi gói bánh xong thì đặt bánh vào nồi nấu ngay. Tôi sẽ lại nhóm lửa trên cái bếp mà các anh tôi đã dựng từ chiều ở bên hông nhà, để rồi chúng tôi sẽ được ngửi mùi thơm khói bếp, sẽ được cùng nhau túc trực bên nồi bánh để nghe tiếng tí tách khi ngọn lửa nhảy múa… Không gian ấy đem lại cảm giác ấm áp và yên lòng làm sao. Từ đó, tôi nhận ra rằng, không khí Tết không chỉ có ở sự ồn ào của quán bán hàng buôn, không chỉ có cái nhộn nhịp vui tươi ở chợ hoa, cây cảnh… mà còn có ở sự lắng đọng trong tâm hồn, dưới mái nhà nhỏ bé nhưng lại tràn ngập yêu thương.

TĨNH THU