Nổi chìm phận rối nước

Từ thuở khai thiên lập địa, mảnh đất cong cong hình chữ S đã gắn bó với lúa nước. Hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau gắn chặt với người nông dân một nắng hai sương. Và từ trong lam lũ, người nông dân đã cân bằng đời sống tinh thần của mình bằng những trò chơi dân gian - Rối nước cũng ra đời từ đó.

Thoát thai từ thứ gỗ... vô dụng

Chẳng biết tự thưở nào, cái thứ gỗ sung cho không đắt, bán chẳng ai mua, làm củi đun thì khói toét mắt, đã chứa đựng thân phận của rối. Rối nước chọn gỗ sung để làm nên đời sống của mình, và gỗ sung qua con rối mà khẳng định giá trị của nó.

Từ thế kỷ thứ 12, bia chùa Đọi ở Hà Nam đã ghi lại nghề làm con rối. Tính đến nay 9 thế kỷ trôi qua, biết bao phen lận đận nhưng 14 phường rối cổ ở vùng đồng bằng Bắc bộ vẫn tồn tại và âm thầm thách thức thời gian.

Hiện nay, “Nhà hát múa rối Thăng Long và Nhà hát múa rối TW chịu ảnh hưởng về tích trò và tạo hình rối nước từ các phường rối cổ là phường Nguyễn (Thái Bình), phường Nam Chấn (Nam Trực - Nam Định), phường Đống (Đông Các - Thái Bình)”, anh Lượng (họa sỹ, trưởng đoàn múa Rối - Nhà hát Múa rối Thăng Long) cho biết như vậy.

Là thứ gỗ dễ kiếm, nhẹ, mềm, chịu nước, chịu nhiệt, nên gỗ sung được người dân chọn làm quân rối. Phần gốc sung to hơn thường dành để đẽo những chú tễu ngộ nghĩnh, còn những thân gỗ vừa, nhỏ thì đẽo thành những nhân vật như vịt, cá, người nông dân... theo tích trò dân gian. Quân rối cũng có thể thoát thai từ gỗ vàng tâm, loại gỗ có đầy đủ những đặc điểm đáp ứng đời sống với nước của rối nhưng vì chi phí quá đắt đỏ cho một quân trò “khoảng 1 triệu đồng/quân nên các phường rối không dùng”, ông Nguyễn Văn Dậu, trưởng phường rối Chàng Sơn, Thạch Thất chia sẻ.


Rối được bày bán tại cửa hàng 57E phố Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội.

Thổi hồn cho rối

Với những khúc gỗ được cưa đoạn, người nghệ nhân bắt đầu những nhát đục, vạc để tạc thô hình rối. Sau đó, để ngoài trời khoảng dăm bữa, nửa tháng cho gỗ ngót ổn định thì người thợ mới bắt đầu tạc tinh, tức là thổi vào khuôn mặt, điệu bộ những nét thần thái đặc trưng của từng quân trò. Khi đẽo rối, người nghệ nhân dồn tất cả cảm xúc, thẩm mỹ, niềm mê say của mình vào quân rối, như trò chuyện với nó. “Khuôn mặt rối phản ánh chính hình ảnh của họ. Những đắm say, tâm huyết dồn vào đôi bàn tay để con rối là đại diện cho đời sống tinh thần hồn nhiên, thuần khiết của người nông dân”, nghệ sỹ Chu Lượng (Trưởng đoàn Rối - Nhà hát múa rối Thăng Long) chia sẻ.

Trong các vở rối, khán giả thường bắt gặp những khuôn mặt chú tễu, ông địa to hơn cơ thể, con cá to hơn người câu cá, chuột to hơn mèo, cáo to hơn người nông dân... Những điều tưởng chừng bất thường ấy lại làm nên vẻ ngộ nghĩnh, đáng yêu của dân gian, lấy cái không bình thường để nói về cái bình thường, tạo ra sự thiếu cân bằng để làm cân bằng trong cảm xúc của khán giả.

Khi đã “ra“ hình hài của rối, người thợ bắt đầu tạo sắc diện cho rối. “Theo lối truyền thống sơn rối phải trải qua ba công đoạn. Đầu tiên sơn mộc, quét một lớp sơn phủ khắp thân rối. Để khoảng hai ngày, khi sơn đã khô, thì tiến hành sơn phủ và dành thời gian cho lớp sơn phủ ngấm đều vào thân rối, rồi người thợ bắt đầu sơn thật. Mất khoảng 6 ngày mới hoàn thiện được một quân trò”, anh Nguyễn Văn Kiên (làng rối Chàng Sơn, Thạch Thất) cho biết. Ở công đoạn này, không chỉ là những lớp sơn được quét đúng quy trình mà người thợ đẽo rối ví như họa sỹ thổi hồn vào rối, từ đôi lông mày cong cong, đến cái miệng hể hả cả chú tễu, cái bụng no tròn...

Loại sơn truyền thống mà ở các phường rối cổ truyền thường dùng là sơn dầu (sơn ta). Nhựa cây sơn được lấy từ vỏ cây, khi khô đóng thành màng mỏng, chịu nước, tránh mối mọt và chịu được đến 300 độ C. Và nước sơn ta khi đã “ăn” vào quân rối thì càng để lâu, càng thắm, tạo nên sức sống cho từng quân trò.

Rối lên thành phố

Trước đây, rối chỉ được ngó ngàng đến vào những dịp hội làng, những lúc nông nhàn, người nông dân mới thong thả gieo trò trên mặt nước. Và ngay cả môi trường sống dưới nước của rối cũng phải lấm tấm ao bèo, cá tôm bơi lội, những động tác rối theo tiếng nhạc bát âm và điệu chèo cổ mà múa, mà phô diễn.

Khi trở thành món ăn tinh thần của người thành thị và cả những vị khách nước ngoài, rối lại bươn lên thành phố. Khi lên sân khấu của hai nhà hát rối tại Thủ đô, rối theo thị hiếu của khách mà làm việc hết công suất “một ngày 6 xuất diễn, đỏ đèn cả 365 ngày” như anh Lượng tâm sự. Người nghệ sỹ rối, diễn theo đơn đặt hàng, yêu cầu của khách không có thời gian để tĩnh tâm chiêm nghiệm và tìm hiểu đời sống của rối.

Những chiếc ghế trong rạp được bọc nhung khác chỗ ngồi bệt bên bờ ao làng, hàng khán giả tăm tắp chẳng còn giống cảnh chen chúc xem rối nơi làng quê, và ngay cả những nghệ sỹ múa rối của các nhà hát chuyên nghiệp cũng được đào tạo bài bản, đấy là chưa nói đến những nghệ sỹ trẻ chưa từng được sống đời sống nông nghiệp, tay không biết bừa, gặt, cày cấy... mà chuyển tải những động tác dân gian vào từng con rối... liệu thế, đời sống rối có bị biến dạng?


Thợ đẽo rối tại xưởng rối của nghệ sĩ Chu Lượng (La Khê, Hà Đông).

“Trong thời buổi kinh tế thị trường, con rối đang biến thành hàng hóa, thương mại. Hình dáng, màu sắc của rối chạy theo sở thích của khách hàng. Còn người sáng tạo ra nó lại kém hiểu biết, nên khi xem những con rối vô hồn ấy khiến tôi thấy buồn” anh Lượng giãi bày.

Đến thăm xưởng đẽo rối của nghệ sĩ Chu Lượng (La Khê - Hà Đông), người nghệ sỹ đam mê với nghề này đã kỳ công về tận quê hương của rối nước Nam Chấn (Nam Trực - Nam Định) mời ba người thợ thủ công để giúp anh tạo hồn cho những khúc gỗ vô tri.

Sau khi đẽo xong, người thợ bắt đầu tạo diện mạo cho rối. Công việc này kỳ công hơn rất nhiều so với lối sơn rối của làng rối nước Chàng Sơn. Anh Lượng, vừa làm nghệ sỹ rối vừa là họa sỹ nên cách thức tạo diện mạo cho rối cũng được anh công phu và tỉ mỉ “rối của xưởng mình dùng lối sơn mài truyền thống. Sau khi con rối được đẽo hoàn tất, người thợ phải đánh giấy ráp cho đạt độ nhẵn cần thiết.

Sau đó đến công đoạn bó, tức là dùng dung dịch được pha từ sơn với đất phù sa và một chút mạt cưa để quết lên thân rối nhằm bịt những chỗ nứt, nẻ. Để đến khi lớp bó se lại sẽ tiếp tục mài (Ở tranh sơn dầu, phải qua công đoạn đánh vải, còn với rối thì không cần).

Tiếp đến là hom rối, tức là dùng sơn ta trộn với phù sa sông Hồng để miết vào những phần lõm, lỗ trên thân rối. Sau đó tiếp tục mài hom và sơn lót (quét lớp sơn ta lên rối để giữ hom và bó). Con rối được ủ cho đến khi khô hẳn và tiếp tục mài lót bằng giấy ráp. Sau đó quết lớp sơn đen để tạo vóc cho rối, ví như là nền, là phông để dát màu lên. Công đoạn này phải mất chục ngày để có được một quân trò“.

Thế mới biết, con rối được sinh ra từ đời sống người dân, vì thế cả diện mạo, phong cách đều ảnh hưởng trực tiếp từ tư duy, thói quen, lòng đam mê của người sản sinh ra nó. Đoạn đường từ làng quê lên thành phố chẳng xa xôi, cách trở nhưng “nhan sắc” của những quân trò lại bị biến đổi đi rất nhiều, và chính với lớp sơn son thếp vàng kia ra sức “bắt” thứ ánh sáng lung linh của đèn laze trong sân khấu thủy đình nơi phố xá, để dần xa rời cuộc sống thô mộc, bình dị - nơi chúng thoát thai.

Rối ra nước ngoài

Nước ta đang trong thời kỳ mở cửa, nên việc giao lưu văn hóa với thế giới luôn được chú trọng quan tâm. Không ít buổi biểu diễn rối nước đỏ đèn tại các sân khấu nước ngoài, đó là điều đáng mừng cho nghệ thuật rối nước khi được bạn bè quốc tế biết đến và trân trọng.

Trên đường Đinh Tiên Hoàng, những quầy hàng lưu niệm bày rối trong tủ kính để kinh doanh. Một chú tễu cỡ đại 40cm x 15cm được bán với giá 3 triệu đồng, nếu mua cả đôi tễu và tiên thì 5,5 triệu đồng. Còn những quân rối nhỏ hơn giá 900.000 đồng/con, nhỏ nhất là 400.000 đồng/con - người bán hàng (quầy 51 Đinh Tiên Hoàng) cho biết.

Dẫu biết, phải yêu quý nghệ thuật múa rối nước lắm những vị khách nước ngoài mới mua những quân trò rối. Hình như tễu chẳng bao giờ biết buồn mà vẫn nụ cười rộng đến mang tai khi chuẩn bị dời quê để sống một đời sống khác trên đất nước bạn với ngôn ngữ, truyền thống văn hóa xa lạ. Nhưng dẫu ở đâu, thì những con rối ấy vẫn là dấu ấn truyền thống văn hóa lúa nước, là người Việt, tâm hồn Việt.

Theo An Ninh Thủ Đô

MỘC LAN