Thư trước, bố đã nói đến những “Điều cốt yếu của gia đình” mà bậc làm cha làm mẹ phải suy ngẫm. Hôm nay, bố nói với con về “Chuyện nuôi con”.
Bố chỉ chia sẻ kinh nghiệm nuôi con của bố mẹ, cũng không thành kiểu mẫu gì. Bởi lẽ, hoàn cảnh kinh tế mỗi người, mỗi giai đoạn sống có khác nhau; tình trạng công việc và khả năng mỗi người cha, người mẹ có khác nhau… thì cách nuôi con cũng có phần khác nhau. Chỉ kể chuyện nuôi các con của bố mẹ để từ đó rút ra những điều giúp các con trong công việc cực kỳ quan trọng và vô cùng khó khăn mà các bậc làm cha làm mẹ sẽ đối mặt là “Nuôi nấng con cái”.
Cha mẹ phải học để thành thầy thuốc của gia đình mình: Bố kể câu chuyện này cách đây tròn 30 năm… Khi đó chị H. của con mới 8 tháng tuổi. H. đau bụng từng cơn cả ngày, mà không bị tiêu chảy. Đến chiều tối bố phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Bác sĩ trực nắn bụng và yêu cầu bố ký giấy “đồng ý mổ” vì bụng nổi từng cục, đau khóc rướn người lên, chắc chắn là lồng ruột. Họ giải thích không mổ ngay thì nguy hiểm tính mạng…
Bố ký, lòng phân vân không yên. Bác sĩ đã lập tức cho tiêm thuốc mê. Theo bố biết thì lồng ruột thường xảy ra với trẻ bụ bẫm và phải xử lý ngay, nếu để lâu thì có thể dẫn đến tử vong. Trường hợp Hiếu thì không hẳn vậy. Thật may, ngay lúc đó bố gặp một vị bác sĩ (có lẽ đang đi kiểm tra) và trình bày. Kết quả là bác sĩ này đã khám lại và khẳng định không phải lồng ruột mà là giun (!). Thế là thoát chuyện mổ bụng con mình.
Còn không biết bao nhiêu chuyện quanh điều thiếu hiểu biết về y mà dẫn tới những điều vô cùng đáng tiếc. Con bác C. bị chết vì không kịp thời chữa viêm phổi. Con chú A. bị chết vì viêm rốn rồi uống thuốc quá liều… Bố kể những chuyện đó để khuyên các con một điều: Hãy tin tưởng tính chuyên môn của thầy thuốc, nhưng đôi khi cũng nên biết nghi ngờ. Muốn vậy, cha mẹ phải học để làm thầy thuốc gia đình. Cha mẹ phải thành thục đến mức, nghe con mình thở đã biết là viêm họng, viêm a-mi-đan hay viêm phổi, viêm phế quản… Thuốc thang loại gì, giờ giấc và cách uống ra sao cho từng đứa con… phải nắm rõ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cha mẹ phải hiểu rõ tâm sinh lý trẻ: Có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Làm cha làm mẹ phải hiểu tính cách của con, để có cách nuôi dạy thích hợp với từng đứa trẻ. Cũng cần chú ý về giới tính, con trai có điều khác con gái. Do không quan tâm điều này khiến con gái mạnh mẽ quá, con trai lại ủy mị quá. Độ nghiêm khắc cũng cần khác nhau theo tính cách của trẻ. Có trẻ ăn uống dễ, có trẻ khó.
Giờ giấc ăn, nhất là về đêm, tâm lý cha mẹ hay nhồi nhét, làm mất giấc ngủ của trẻ. Phải nhẹ nhàng có biện pháp dỗ dành và chỉnh đổi những thói quen không tốt. Đến từng lứa tuổi thì rõ ràng tính cách, tâm lý biến đổi theo. Làm cha mẹ cần thấy rất rõ điều này. Khi đó, phải thích ứng kịp thời, không nóng vội, thậm chí không mất bình tĩnh. Tuổi niên thiếu mà bậc cha mẹ đã trải qua sẽ tái hiện theo lúc này của từng đứa con. Nghĩ được như thế để thông cảm và nuôi con cho thích hợp. Bây giờ, kinh tế phát triển, nhiều gia đình nuôi con, cho con buồng riêng với màu sắc thích hợp; cho tiếp xúc với đồ chơi, sách vở, máy móc văn minh, điều đó cũng tốt cho việc phát triển trí tuệ.
Cha mẹ phải có kiến thức về dinh dưỡng: Nhớ thời “bao cấp”, kinh tế khó khăn. Có lẽ vì thế cũng không cần lắm kiến thức dinh dưỡng (!). Nay thì khác, sữa bột nội, ngoại khá nhiều. Sự khuyến cáo, hướng dẫn cũng khá đầy đủ. Cha mẹ chỉ cần đọc tài liệu hoặc lên mạng là đã trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về dinh dưỡng nuôi con.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ, dù khá giả hay kinh tế eo hẹp thì cũng cố nuôi con bằng thức ăn, bột, sữa loại tốt nhất. Nhiều người đọc trên bao bì hướng dẫn để lấy công thức bột, sữa nuôi con. Họ cố mua tôm, cá, cua bể, thịt… cho con ăn mà không quan tâm đến liều lượng. Do công thức nuôi con ghi trên bao bì thường là tài liệu nước ngoài dành cho trẻ Âu Mỹ, lại có tâm lý nhồi nhét cho trẻ mau lớn, cao ráo sau này… nên làm trẻ người Việt ta ăn không tiêu hóa kịp, dẫn đến ói và sợ ăn. Hãy lắng nghe khả năng tiêu hóa và sự phát triển theo từng thời gian, lứa tuổi của con mình mà điều chỉnh dinh dưỡng thích hợp.
Một số trẻ bị béo phì khiến sau đó phải ăn kiêng, thuốc thang chữa chạy… Đó là điều cần tránh.
Nuôi con khỏe, dạy con ngoan là thành tích số MỘT của bậc làm cha làm mẹ. Nhìn con khôi ngô, khỏe mạnh, phát triển mạnh mẽ theo lứa tuổi sẽ là niềm kiêu hãnh và hạnh phúc lớn của cha - mẹ.