Niềm Tin

Sách Luận Ngữ (chương Nhan Uyên) có đoạn:

“Tử Cống hỏi về chính sự, Khổng Tử nói: Đầy đủ lương thực, đầy đủ binh lực, được dân tin, thế thôi. Tử Cống hỏi: “Nếu bất đắc dĩ phải bỏ bớt (một điều) trong ba điều ấy thì bỏ điều nào trước?”. Khổng Tử nói: Bỏ binh lực. Tử Cống lại hỏi: Nếu bất đắc dĩ phải bỏ bớt một trong hai cái còn lại thì bỏ cái nào? Khổng Tử nói: Bỏ lương thực. Từ xưa đều có người chết, nhưng dân không tin thì không thể đứng vững”.

*

Niềm tin của dân đối với nhà cầm quyền ghê gớm thế. Từ thời Cổ đại, Khổng Tử đã nhìn thấy sức mạnh ghê gớm của lòng tin nhân dân.


Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các triều đại Trung Hoa sau này, nhất là các triều đại xuất thân từ nông dân, điều hiểu sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Cho nên, Đường Thế Dân (x. Trinh quán chính yếu) mới răn đe con ông ta: “Dân là nước, nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền”. Ở ta, Nguyễn Trãi có câu thơ: “Phúc chu thuỷ tín dân cho thuỷ” (Thuyền bị lật mới tin câu nói “dân như nước”).

Ngày nay, chính quyền của ta là do hy sinh xương máu của nhân dân lập nên, một chính quyền do dân vì dân, lấy lý tưởng Xã hội chủ nghĩa làm nền tảng. Chính quyền ấy đã làm rất nhiều việc để được dân tín nhiệm.

Nhưng, phải thừa nhận rằng, trong chính quyền hiện nay không ít phần tử thoái hoá, biến chất, cơ hội, tham nhũng, làm những việc đi ngược lại lợi ích nhân dân, làm mất niềm tin của dân.

Tình hình đó nếu không được khắc phục, theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống tham nhũng, thực hành liêm chính, “thực hành dân chủ, rộng rãi”… thì đó sẽ là nguy cơ của sự tồn vong.

MAI QUỐC LIÊN