Huyện Gia Khánh xưa, hay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, là một vùng đất thiêng, nơi có Kinh đô của hai triều đại Đinh, Tiền Lê và năm đầu của nhà Lý. Đất thiêng nên có những bến đò đã đi vào lịch sử, không chỉ nâng cho những trang sách của Ninh Bình – quê hương của Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh, danh sĩ Trương Hán Siêu – mà còn in dấu trong nhiều tác phẩm sử học, văn học của cả nước.
“Hoàng Long độ” – bến Hoàng Long, được viết bằng chữ son thời Đinh Bộ Lĩnh. Đây là bến đò giáp ranh giữa hai huyện: bờ Bắc là huyện Gia Viễn, bờ Nam là huyện Hoa Lư.
Truyền thuyết kể rằng: ông Tướng Cờ Lau lúc còn để tóc trái đào đã “hạ” một con trâu của ông chú – ông Đinh Thúc Dự - để khao “đám quân trẻ trâu”. Cái đám quân mặc quần cộc, áo rách vai hoặc cởi trần, cầm những bông lau trắng trên tay vừa chạy nhảy, vừa hò reo khi bước vào những “trận đánh của đám trẻ con” ở Thung Lau, ở cánh đồng Rộc Xéo. Đám quân ấy được “dự” một bữa tiệc thịt trâu nhớ đời.
Ông Đinh Thúc Dự cầm thanh gươm đuổi đánh cháu – vị Tướng Cờ Lau Đinh Bộ Lĩnh – vì cái tội đã giết trâu của chú để khao quân. Đinh Bộ Lĩnh chạy một mạch ra cánh đồng Rộc Xéo cho đến bờ sông thì hết đường. Trong cái thế khó ấy, chú bé giậm chân trên bờ sông, kêu to: “Rồng ơi, rồng hãy chở ta qua sông!”.
Bỗng, một khoảng trời lóe sáng và xuất hiện những đám mây đỏ rực, rồng vàng từ trời cao hạ mình “cõng” Đinh Bộ Lĩnh bay qua dòng sông rộng, rồi đặt ông Tướng Cờ Lau bên bờ phía Nam – cái chỗ chỉ cách Kinh đô Hoa Lư sau này – khoảng vài dặm thôi.

Sông Hoàng Long ngày nay. Nguồn: laodong.com.vn.
Ông Đinh Thúc Dự đuổi đến nơi, thấy rồng cõng cháu qua sông, ông cắm gươm, sụp xuống lạy: “Đúng là người nhà giời nên mới có rồng đến cứu”. Và từ đấy, dòng sông quê ấy mang tên Hoàng Long. “Sông Hoàng Long - sông Rồng Vàng; Bến đò quê ấy vào trang sử nhà”. Chỗ ông Đinh Thúc Dự cắm gươm, bây giờ là núi Cắm Gươm – một di tích đứng bên sông Hoàng Long đời đời sáng danh huyền thoại. Khoảng mười lần, tôi về quê thăm quê sinh – huyện Hoa Lư, đứng nơi bến sông rồng vàng ấy, lần nào cũng nao nao cảm xúc: “Dòng sông và bến Hoàng Long/ Đi vào lịch sử với rồng bay cao/ Nghe chăng, sóng vỗ lao xao/ Cánh buồm truyền thuyết phổng phao gió ngàn”.
Cách bến đò sông Hoàng Long không đầy hai cây số, lui vào phía sau đền thờ vua Đinh, vua Lê là bến Ghềnh Tháp. Cái bến đó đứng bên quả núi cao, bốn mùa sáng nước đầy ăm ắp. Ngày xưa – cách đây hàng nghìn năm – nơi này là một khu đầm rộng, phía bờ đầm sát vào chân dãy núi đá vôi, và phía trong dãy núi là một khu rừng cổ có những thú dữ và nhiều loài chim lạ.
Thời Đinh và Tiền Lê, thủy binh hai triều này thường diễn tập ở đây. Chỉ cầm một vọng canh trên núi cao, nhìn hướng phía Bắc, vọng canh làm cái chốt thép, thì phía trong này – khu đầm rộng sẽ kín như bưng. Đọc sử, nhiều người biết, thời xưa, trai tráng Hoa Lư, Gia Viễn – những con cá Kình của đồng chiêm trũng – bơi giỏi, lặn giỏi, đánh trận trên thuyền được xếp vào loại bậc thầy… Yết Kiêu, Dã Tượng. Tướng Phạm Cự Lượng – ông tướng đánh bộ giỏi mà “vào trận” sông nước cũng là vị tướng lừng danh, thường là người chỉ huy những cuộc “diễn tập chiến thuyền này”.
Bến đò Ghềnh Tháp ấy, “hãnh diện” đi vào lịch sử nước nhà, vì đây là bến đò xuất phát của đoàn thuyền nhà Lý dời đô. Sách xưa ghi: “Vào năm Canh Tuất, niên hiệu Thuận Thiên năm đầu, Lý Thái Tổ bày tỏ ý định dời đô ra thành Đại La”. Và bài Chiếu dời đô do Lý Thái Tổ “xướng to” tại sân rồng kinh đô Hoa Lư. Bến Ghềnh Tháp, mùa thu ấy, tiễn đưa ông vua mở đầu nhà Lý lên đường về thành Đại La. Bao nhiêu là lưu luyến, kể sao cho hết ân tình. Trên bờ sông Sào Khê và đôi bờ nơi bến Hoàng Long, chúng dân vẫy cờ, vẫy hoa trong tiếng nhạc của phường bát âm, tiếng trống chèo vang động cả một vùng sông núi. Bấy giờ, “Kính chào đô cũ Hoa Lư/ Thuyền rồng buồm lộng gió thu đầy trời/ Tiễn vua, hạc trắng từng đôi/ Bay trong lớp lớp mây trôi nắng vàng”.

Cuộc dời đô của vị vua sáng lập triều Lý. Nguồn: VTC.
Bến đò sông Hoàng Long và bến Ghềnh Tháp sông Sào Khê đã đi vào sử sách. Hoa Lư còn mời du khách bốn phương về thăm một danh thắng nổi tiếng thiên hạ: Tam Cốc. Đoàn thuyền chở Du khách “bơi” trên dòng sông Ngô Đồng hai mái chèo của chiếc thuyền nan quê kiểng lướt nhẹ như ru trên sóng nước, đi qua ba hang mà đến với cảnh tiên trên cõi Phật.
Kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (năm 1285), nhà Trần sơ tán, tạm bỏ kinh thành Thăng Long về vùng đất Vũ Lâm thuộc Hoa Lư, Ninh Bình. Đoàn thuyền sơ tán cập bến Vũ Lâm, thời xưa gọi là Ô Lâm – rừng Quạ đen.
Thượng hoàng Trần Thánh Tông (1258-1278) và vua Trần Nhân Tông (1278-1293) buổi chiều thường đứng ở bến đò Vũ Lâm – cái bến đón khách bốn phương bây giờ về thăm Tam Cốc – Bích Động và bờ sông Ngô Đồng sát vách núi mà ngắm cảnh núi non, sông nước, ngắm những đàn cò trắng và những cánh quạ đen bay trong buổi hoàng hôn, cảnh chiều thu nắng vàng nhạt và sông Ngô Đồng lên màu núi biếc.
Thi sĩ Trần Khâm – vua Trần Nhân Tông – không thể không cảm xúc trước cảnh thiên nhiên đẹp hơn tranh vẽ này. Nhà thơ gieo tứ thơ trong bài Vũ Lâm thu vãn (Chiều thu ở Vũ Lâm)
Lòng khe in ngược bóng cầu hoa Hắt sáng bờ khe vạt nắng tà Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa…Băng Thanh (dịch) |
Bài thơ in trong Thơ văn Lý – Trần, tập II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội 1977, trang 467.
Ninh Bình với ba bến đò lịch sử: Hoàng Long, Ghềnh Tháp, Vũ Lâm: Mãi xanh cùng với thời gian/ Bến quê buồm lộng gió ngàn Hoa Lư.