Gần đến Tết Tân Mão, hai ông nhà văn ngồi tán chuyện “Con mèo”, từ lịch sử mèo hoang đến mèo nhà. Nào là mèo có vai trò quan trọng trong thần thoại cổ Ai Cập và châu Phi. Tương truyền mặt trời RA đã biến thành mèo để chiến đấu với thần Apop là chúa tể của các thế lực đen tối, do đó con mèo rất được tôn trọng ở Ai Cập cổ xưa.
Mèo tượng trưng cho nữ thần Bastet được coi là người bảo trợ cho sự phì nhiêu và tình mẫu tử, đồng thời là nữ thần của sung sướng và vui chơi. Nữ thần được thể hiện bởi thân hình phụ nữ đấu mèo. Hầu như mọi người dân Ai Cập xưa đều nuôi mèo trong nhà. Nếu như có cháy nhà thì mèo được đưa ra trước, thậm chí trước cả trẻ em. Khi mèo chết thì cả gia đình mặc đồ tang, hát đưa tang và bứt lông mày của mình để thể hiện nỗi đau thương. Những con mèo chết được tẩm dầu thơm và được ướp xác.
Ngược lại, Cơ đốc giáo lại không cho con mèo là vật đáng quý. Người ta gán cho nó giao du với ma quỷ. Năm 1484, giáo hoàng Innocent VIII mô tả “mèo là những con vật đa thần giáo trong liên minh với quỷ dữ. Chúng bị buộc tội trong đủ mọi rủi ro và đau thương của con người. Con mèo bị người ta bắt ném từ gác chuông xuống, bị đánh đập, thiêu sống hoặc đem dìm vào vạc nước sôi”.
Tuy nhiên có nhiều người nổi tiếng lại rất thích mèo. Nhà tiên tri Mohammad, người sáng lập ra đạo Hồi, đã từng cắt vạt áo của mình để tránh không phải đánh thức con mèo đang nằm ngủ trên đó. Từ đó, mèo luôn được người Hồi giáo quý trọng. Khi sống ở Cu Ba, nhà văn E. Hemingway có hơn 30 con mèo, còn Mark Twain có cả chục con. Diễn viên điện ảnh Otto Fisher đã gọi mình là cung điện mèo. Nữ văn sĩ Anh Doris Lessing đã viết 14 truyện ngắn về mèo. Nhiều danh họa đã vẽ mèo như Renoir, Manet, Picasso… Nhà soạn nhạc Rossini sáng tác Song ca mèo. Mèo là nhân vật không thể thay thế trong các phim hoạt hình…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Sau khi đã kể đủ chuyện con mèo trong lịch sử cổ kim đông tây, những bước thăng trầm của nó, nhà văn A hỏi nhà văn B: Theo ông thì con mèo ở Việt Nam ta được đánh giá thế nào?
Nhà văn B: Thì cũng có người khen, kẻ chê, người yêu kẻ ghét. Còn đặc tính của nó thì ai cũng rõ. Nó tiêu biểu cho sự ăn ít: “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”.
Nhà văn A: mèo ăn ít, đó là mỗi lần ăn, nhưng nó ăn rất nhiều lần nên ít hóa ra nhiều. Đặc tính của nó là ăn vụng, cho nên có thơ:
Tính mèo là ăn vụng Cứ tưởng thực như miêu Chẳng có đáng bao nhiêu Cho nên không ai đụng Nhưng tích tiểu thành đa Kiểu vụng trộm bê tha Cũng phạm trù gây hại! … |
Biết vậy nên đến năm Mão, “năm tuổi” của nó, lẽ ra mèo mừng sinh nhật xôm trò nhưng nó lại buồn thiu, mắt lim dim đau khổ, cứ nằm dài trăn trở. Hiểu rõ ăn vụng là xấu, dơ bẩn cho nên mèo rất giỏi trò giấu thối! Đến nỗi trong nhân gian có câu: “Giấu như mèo giấu c…”.
Để kỷ niệm Tết Tân Mão, B ra một vế đối:
Mèo ăn ít, ăn vụng, ăn nhiều lần, hại không ít!
A suy nghĩ một lúc, đối lại:
Hổ chén to, chén càn, chén một phát, tội rất to!
Cả hai đắc ý về các vế đối đáp của mình, than trách sự đối xử bất công với tội của con mèo và hổ:
Mèo tha miếng thịt nhừ đòn Hổ tha con lợn, không sờn cái lông. |
Bài liên quan