Nên giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Nhân đọc bài Sự bức tử Chữ Hán – Nôm của tác giả Lê Bá Triều và Phạm Thị Tuyết Anh trên Tạp chí Hồn Việt số 18 (Tháng 12/2008), tôi xin góp ý như sau:

1. Nếu nói chữ Quốc ngữ là do thực dân Pháp cưỡng bức dân Việt Nam sử dụng để dễ bề cai trị, thì ta phải nói thêm rằng, chữ Hán là do bọn thống trị phương Bắc cưỡng bức dân Nam phải học để chúng dễ đồng hóa và cai trị mới đầy đủ. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng, dùng loại chữ gì bọn thống trị đem đến Việt Nam, đều có 2 mặt. Mặt phải là bọn thống trị dùng làm chữ viết để ban bố các mệnh lệnh cai trị bắt dân Nam noi theo. Nhưng mặt trái phải nói rằng dân Nam đã sử dụng chữ nghĩa của bọn thống trị thế nào? Đấy mới là bản chất của vấn đề sử dụng thứ chữ đó.

Trước hết, phải nói đến bản Hịch Tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi đã sử dụng chữ Hán đấy chứ? Hay bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bản truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Nôm – Hồ Xuân Hương và các bản Chiêu hồn nước của Phan Bội Châu, Bản lên án chế độ thực dân…của Nguyễn Ái Quốc đều được dịch hoặc viết bằng chữ Quốc ngữ, đều thể hiện tâm hồn Việt Nam chứ có mất đi đâu.

Như vậy, chữ Hán Nôm hay chữ Quốc ngữ đều là loại ký tự ghi chép lại tâm hồn, văn hóa, truyền thống, khí phách của dân tộc.

2. Ký tự chỉ là cách ghi chép ngôn ngữ của dân tộc mà thôi. Đúng là (thay đổi ngôn ngữ là thay đổi cả một dân tộc). Nhưng dùng chữ Quốc ngữ có đâu là thay đổi ngôn ngữ. Thí dụ, tôi viết câu: “Tôi đi ăn cơm”. Khi đọc lên cũng là tiếng nói: “Tôi đi ăn cơm”, ai cũng hiểu đó thôi. Giữa văn viết và tiếng nói như thế là đồng nhất, thể hiện đầy đủ tâm hồn và giao tiếp của một dân tộc. Ngược lại, nếu dùng chữ Hán mới là thay đổi ngôn ngữ của dân tộc Việt.

Cũng thí dụ trên người Trung Quốc nói: “Ủa xuy sư phan” người Trung Quốc nghe là biết ngay: “Tôi đi ăn cơm”. Nhưng người Việt Nam viết bằng chữ Hán câu đó thì phải đọc là: “Ngã khứ thực phạm”. Nói như vậy thì chả người Việt Nam nào biết là nói cái gì, trừ mấy ông đã học tinh thông chữ Hán. Và nói câu đó, theo âm ngữ Hán, ngay người Trung Quốc cũng không hiểu ta nói gì. Đó có phải là sinh ra ngôn ngữ thứ ba rồi không.

 

Người Việt Nam dùng chữ Hán viết và nói tách rời tiếng nói của dân tộc, đó mới là điều đáng bàn. Sứ mạng lịch sử của chữ Hán Nôm đến lúc phải nhường lại cho chữ Quốc ngữ viết theo kiểu la tinh là phù hợp với quy luật phát triển của chữ viết Việt.

3. Chữ Hán có phải là thần thánh không thể thay đổi được đâu?

Từ ngày sáng tạo ra chữ Hán đên bây giờ. Ngay người Trung Quốc đã không ngừng cải tiến chữ viết của mình. Hãy xem từ điển chữ Hán cổ đến nay đã có nhiều thay đổi về tự dạng và cách dùng chữ. Hiện nay, xu hướng người Trung Quốc đang tìm cách đơn giản hóa chữ viết cải tiến dùng ít nét hơn xưa.

Chúng ta rất cảm ơn ông cha ta vì đã thấy người Việt Nam dùng chữ Hán không đồng nhất với ngôn ngữ Việt nên đã sớm tìm cách viết bằng chữ Nôm. Đó là một sáng kiến đáng ngợi ca. Nhưng tiếc rằng cách chọn chữ Nôm của các cụ là cách làm cho chữ Hán phức tạp thêm. Phải là người thông thạo chữ Hán mới biết sử dụng chữ Nôm.

Do vậy, chữ Nôm không thể phổ biến trong dân gian. Mà chỉ nằm tại trong các bậc nho sĩ mà thôi. Dân số Việt Nam thời các cụ phải tới mấy triệu người rồi mà các bậc hiểu biết chữ Hán Nôm đã ghi trên bia đá mới có vài trăm người. Như vậy, dù chữ của thánh hiền cao quý nhưng dân Nam mình vẫn là dân mù chữ. May thay có chữ Quốc ngữ ra đời dùng ký tự la tinh.

Ký tự la tinh nay đã trở thành ngôn ngữ và chữ viết đồng nhất còn gì hay hơn nữa. Chính vì có loại chữ viết này mà đến nay gần 100% dân số Việt Nam đều biết đọc biết viết. Văn thơ và văn chương bằng chữ Quốc ngữ cũng đã thể hiện đầy đủ tâm hồn trí tuệ Việt Nam.

4. Điều quan trọng là tiếng Việt cần cải tiến sao cho trong sáng trong giao tiếp và văn bản viết. Cần xây dựng phong trào có tiếng nói chung để dư luận đồng lòng hưởng ứng mới khắc phục được cách dùng tiếng Việt lai căng pha lẫn tiếng ngoại quốc như hiện nay trên các mặt báo và truyền hình.

Trên đây là mấy ý kiến của tôi, xin chân thành đóng góp vào văn hóa chữ viết nước nhà.


Bài liên quan:
VŨ ANH TUẤN