Nạn đói năm 1945 và những tấm lòng Nam Bộ

Từ mùa thu 1940, khi Nhật chiếm Đông Dương, đời sống nhân dân càng lúc càng kiệt quệ do chính sách vơ vét của bọn Pháp - Nhật.

Năm 1944, nước ta bị mất mùa nhưng Pháp phải xuất sang Nhật 900.000 tấn gạo, cùng với số gạo cung cấp cho quân Nhật ở Đông Dương, cộng với số gạo thóc cho bọn Pháp nấu rượu, đốt lò thay than, số gạo Nhật tích trữ. Hậu quả của chính sách tàn bạo ấy đã dẫn tới thảm cảnh gần 2 triệu đồng bào ta ở miền Bắc chết đói vào đầu năm 1945…

Nạn đói đã hình thành những dòng khất thực dài dằng dặc, lê lết, vật vờ ra Hà Nội kiếm ăn. Nhiều người đã ngã gục trên đường. Nhiều nấm mồ chôn hàng chục, hàng trăm linh hồn không hương khói - nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh đã chụp được bức ảnh đầy ấn tượng về những bộ xương người chết đói chất thành đống cao như núi ở trại Giáp Bát, được cải táng về nghĩa trang Hợp Thiện.

Điều đáng căm phẫn là quân Nhật lúc đó còn có những nơi gạo chất cao như núi trong các kho quân đội. Tại một nhà thờ Thiên Chúa giáo trong tỉnh, gạo đầy ắp trong kho nhưng Đại sứ quán Nhật nhắm mắt làm ngơ trước nạn đói thảm khốc của nhân dân Việt Nam.

Những lưỡi gươm tuốt trần của bọn lính Nhật sẵn sàng đâm xuyên vào lưng những người phu xe khốn khổ, mong tìm chút gạo rơi trên đường áp tải...

Nhân dân miền Bắc bị nạn đói hoành hành, đang chờ phát lúa.

Với lòng thương cảm sâu sắc, với lòng căm hận bọn phát xít Nhật, với niềm đam mê, rung cảm của một người cầm máy, Võ An Ninh đã ghi lại được nhiều cảnh tượng thương tâm như cảnh thanh niên Thái Bình gầy giơ xương, những người chết đói đầy đường, những chiếc xe bò nhặt xác người trên đường phố, cảnh cả nhà cùng chết, cảnh thiếu phụ đẻ non, con lọt lòng chết ngay.

Nạn đói làm nhà hoang, làng trắng, có xóm 51 hộ đã có 40 người chết đói. Nhiều đứa trẻ bị chó ăn thịt vì tiếng khóc khi đói lả giống tiếng mèo kêu. Thật đau lòng, dân quê hai tỉnh Thái Bình và Nam Định - vựa lúa Bắc Bộ - lại chết đói nhiều nhất.

60 năm sau, nhắc đến những bức ảnh lịch sử ấy, lòng cụ Võ vẫn còn nguyên cảm xúc: “Thấy nạn đói, tôi nghĩ mình phải chụp để con cháu sau này biết. Tuổi trẻ, máu nghề nghiệp, có được chiếc máy ảnh là đi, cùng trải qua cái đói, thật khủng khiếp. Những bức ảnh năm ấy có sức lan tỏa mãnh liệt từ Bắc vào Nam. Những ngày bi thảm ấy, làm sao quên được!”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh và con gái bên những bức ảnh chụp nạn đói năm 1945 được trưng bày ở nhà riêng (ảnh chụp năm 2005). Ảnh: Trầm Hương

Ngoài những bức ảnh của Võ An Ninh, nạn đói 1945 được lưu truyền trong nhân dân bằng bài truy điệu của Vũ Khiêu viết vào tháng 3/1945, có những đoạn thật khốc liệt, não lòng:

“… Mẫu tử tình thâm
Ôi một mái tơ xanh nào đã tội, bỏ trơ cuối chợ đầu đường
Phu thê nghĩa nặng
Hẹn trăm năm đầu bạc cũng sai lời, sớm đau đớn người còn kẻ khuất.
Biết đi đâu? Bốn phương mờ mịt, giời lờ như điếc, đất như câm
Hỏi cung ai? Những bóng bơ vơ ruột rát tựa bào, gan tựa cắt…”. 

50 năm sau, Đài truyền hình Nhật NHK và NDN đã làm thành sách, phim tài liệu về nạn đói 1945, chiếu trên nước Nhật và nhiều nước khác. Nhưng có những cảnh tượng mà thế giới không bao giờ hình dung nổi và bộ phim cũng không thể dựng lại từ lời kể của một nhân chứng hoàn toàn đáng tin và xác thực.

Ông Lê Văn Lăng, nguyên Vụ trưởng Vụ Trị an hành chánh trong kháng chiến chống Pháp năm ấy vốn là chàng trai Nam Bộ, ra Bắc dạy học đã “mắt thấy tai nghe” những cảnh thương tâm, rùng rợn của nạn đói mà sau này ông đã thuật lại trong hồi ký của mình. Trước tai họa khủng khiếp của dân tộc, nhiều hoạt động cứu đói đã diễn ra.

Cụ Lê Văn Lăng năm 89 tuổi (2004) - nguyên Vụ trưởng Vụ Trị an hành chánh trong kháng chiến chống Pháp.

Thông tin nạn đói từ miền Bắc vào Nam gây chấn động đồng bào mọi giới, mọi thành phần. Dù lúc ấy, máy bay Đồng minh liên tục ném những trận bom xuống Sài Gòn - Chợ Lớn, các nơi có kho tàng của Nhật gây bao thương vong tang tóc.

Có gia đình ngang chùa Bà Đen, bị sập hầm chết 11 người. Nhân dân Sài Gòn phải tản cư xuống các tỉnh, nhiều trường học phải đóng cửa hoặc dời đi. Dù nhiều vùng nông thôn Nam Bộ không có dầu thắp, ốm đau không thuốc uống, vợ chồng chỉ có một cái quần nhường nhau mặc... Trong đau thương tang tóc, đồng bào miền Nam đã có những nghĩa cử vô cùng cảm động.

Nhân một buổi gặp Giáo sư Trần Văn Khê đầu năm Ất Dậu, tôi hỏi ông về ký ức nạn đói năm 1945, khi ấy ông là sinh viên trường Đại học Y khoa Hà Nội.

Những gì ông viết trong hồi ký đã phản ánh được phần nào tâm thức giới sinh viên học sinh lúc ấy: “Hằng ngày đi từ nhà đến trường đại học, tôi thấy xác người chết vì đói nằm rải rác bên lề đường. Các bạn tôi như Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước đều lên đường, hô hào phong trào đi xe đạp về Nam...

Khi về đến Sài Gòn, sau khi chữa lành bệnh sốt rét, tôi cùng với các bạn như Hồ Thông Minh, anh Chức, anh Huỳnh Văn Tiểng lập một gánh hát nhỏ đi các tỉnh miền Nam trình diễn để lấy tiền mua gạo gởi ra miền Bắc cứu đói”.

GS Trần Văn Khê ngậm ngùi nhắc đến nạn đói năm 1945 với tác giả.

Với tinh thần lá lành đùm lá rách, thành phố Sài Gòn, Tân An - Chợ Lớn đã dấy lên phong trào quyên góp cứu đói đồng bào miền Bắc.

Giáo sư Trần Văn Giàu lúc ấy là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ viết bài diễn văn kêu gọi những người dân Sài Gòn - Chợ Lớn quyên tiền, lương thực cứu đói đồng bào miền Bắc; chọn cô giáo Nguyễn Ngọc Phượng, con gái lương y Nguyễn Văn Hinh, đọc trong một đêm trăng bên bờ sông Chợ Đệm.

60 năm đã trôi qua, đêm trăng năm ấy vẫn còn in đậm trong ký ức bà Nguyễn Ngọc Phượng: “Dạ hội khai mạc vào ngày 16 tháng giêng Âm lịch, tại nhà Đỗ Hữu Nguyên (Một Nguyên), cạnh sông Chợ Đệm, dưới chân cầu Bình Điền, xã An Phú Tây, Trung Quận (nay là Bình Chánh)…

Khách được mời và dám tới trong dạ hội ấy hầu hết là những trí thức, viên chức, thương gia, điền chủ lớn ở Trung Quận, trong tỉnh Chợ Lớn và ở cả Sài Gòn, có một số người tôi quen hoặc biết như bác sĩ Tốt (anh của Một Nguyên), bác sĩ Tín ở Phú Lâm, ông Nguyễn Phú Hữu (nhà in Nguyễn Phú Hữu ở Sài Gòn), Út Di (Cần Giuộc), Đốc Phủ Chương, Võ Lợi Trinh (chủ nhà máy xay gạo ở Chợ Đệm)…

Trong số khách mời hôm ấy, sau này có nhiều người tham gia kháng chiến như Đốc Phủ Chương, Nguyễn Phú Hữu - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn, đã hy sinh, Võ Lợi Trinh - thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong tỉnh Chợ Lớn, sau là Chủ tịch...

Dạ hội sắp khai mạc, anh Một Nguyên hé màn quan sát nói với tôi: “Đông lắm, khoảng 400 đến 500 người”. Tôi không giấu được vẻ lo lắng. Anh động viên tôi hãy bình tĩnh và phải hết sức tự nhiên. Tim tôi đập thình thịch khi bước lên diễn đàn. Sau tràng pháo tay của khách, nghĩ đến sứ mệnh được giao, tôi lấy lại bình tĩnh, cúi chào mọi người, mở đầu bằng hai câu thơ:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”. 

Giọng diễn cảm chân thành, xúc động của tôi hướng mọi người nghĩ đến cảnh chết chóc bi thảm của đồng bào miền Bắc, tiếp đến là lời kêu gọi sự đùm bọc của đồng bào.

Cuối bài diễn thuyết là lới hứa hẹn - không phải của riêng tôi mà của cả mấy trăm khách mời, của cả đồng bào trong Nam đối với miền Bắc và kết thúc bằng hai câu thơ biến thể từ Truyện Kiều:

“Trăng thề còn đó trơ trơ
Dẫu xa xôi mặt chẳng thơ thớt lòng”. 

Dứt lời, tôi kiệt sức muốn khuỵu xuống, chợt tràng vỗ tay nồng nhiệt không dứt vang lên. Tôi rời diễn đàn trong niềm vui tột độ. Anh Một Nguyên đưa tôi ly nước, bảo tôi lấy lại bình tĩnh, rồi đưa tôi ra chào từng vị khách. Tôi rất cảm động khi nhìn thấy những giọt nước mắt còn đọng trên gương mặt họ.

Dạ hội đạt kết quả mỹ mãn, thành công của dạ hội và số tiền quyên góp ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi. Tôi vô cùng sung sướng vì đã làm một việc đầy ý nghĩa đồng bào. Sự kiện đó in đậm suốt cuộc đời cách mạng của tôi sau này. Sau cuộc vận động ấy, các bạn tôi ở Cần Giuộc và ở Cần Đước mời tôi về Rạch Kiến, dự cuộc vận động mua dàn hát bán vé lấy tiền cứu đói...”.

Nguyễn Ngọc Phượng - người đọc diễn văn ở chợ Đệm quyên tiền cứu đói miền Bắc năm 1945.

Năm Ất Dậu 1945, cô Đặng Thị Tám mới 21 tuổi, đang theo học trường nữ hộ sinh, nghe ngoài Bắc có nạn đói đã nhanh chóng cùng nhiều người quyên góp gạo, vận động 2 tài công của chiếc tàu của Pháp bỏ lại chở ra miền Bắc.

Máy bay Đồng minh đuổi theo quần ném bom trên đầu. Cô phải cho chặt cây chất lên tàu ngụy trang. Ra tới Mũi Né, biển động, tàu vật vã với sóng gió 3 ngày ròng rã. Cô nóng lòng khi nghĩ bao nhiêu người đang đói và đang chết dần, bèn có sáng kiến lên rừng kiếm củi, bỏ gạo vào nồi súp-de nấu chín thành cơm phơi khô, để khi ra tới miền Bắc chỉ đổ nước sôi vào cho mềm là có thể cứu đói ngay được.

Chuyến đi cứu đói miền Bắc gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng cô gái trẻ. Sau đó, cô tham gia Phụ nữ cứu quốc, với nghề nữ hộ sinh, rồi lại rẽ ngang, dành dụm tiền mua tàu ra biển đánh bắt hải sản. Sau này, mỗi lần tham gia các chương trình cứu trợ đồng bào thiên tai, lũ lụt, hình ảnh bi thảm nạn đói năm 1945 mà bà tận mắt nhìn thấy lại hiện về...

Ông Nguyễn Văn Thu cũng là một nhân chứng ở Châu Đốc. Năm 1945, ông nghe những người miền Trung vào, truyền nhau tin đói thảm khốc ngoài Bắc. Được vận động, ông mượn tiền mua 2 chiếc ghe sức chứa 40 tấn chở gạo ra Bắc bán với giá không lấy tiền lời.

Điều đáng nói là 2 chiếc ghe chở gạo cứu đói ấy phải mưu trí thoát khỏi tầm kiểm soát của Nhật bằng cách khởi hành giữa đêm khuya, luồn lách qua những khúc sông vắng để tránh thuế quan. Con tàu rơi vào tâm bão, may nhờ người lá vững tay đã vượt sóng, hoàn thành sứ mệnh cứu đói…

Ông nói: “Mất nước, còn giặc, muốn làm từ thiện cũng không dễ. Đất nước độc lập, khi quốc gia hữu sự, chính quyền chỉ xướng lên một tiếng là nhất hô bá ứng. Ngày nay, ta đang tiến tới ăn ngon mặc đẹp, nhớ lại nạn đói năm 1945 có đến 2 triệu đồng bào chết đói mà nghẹn đắng. Mong sao...”.

Ông Nguyễn Văn Thu cùng bà Đặng Thị Tám kể chuyện cứu đói đồng bào Bắc Nộ năm 1945 (ảnh chụp năm 2000). Ảnh: Trầm Hương.

Những người đang sống mong sao nạn đói năm 1945 mãi mãi chỉ còn trong lịch sử.

Trầm Hương