GS Nguyễn Khắc Hoạch sinh ngày 15.05.1921, tại Hưng Yên, làm thơ với bút hiệu Trần Hồng Châu. Tiến sĩ Quốc gia tại Đại học Sorbonne Pháp (1955) về Truyện Nôm Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX, dưới sự hướng dẫn của Pierre Moreau, đỗ Cao học Quốc tế tại trường Luật Paris (1952) và Cao học Âu Châu tại Nancy (1957), chuyên về chính sách đối ngoại của Nhật Bản sau Thế chiến thứ II, giáo sư văn chương Việt Nam ĐH Văn khoa Sài Gòn, ĐH Văn khoa Huế, cựu khoa trưởng ĐH Văn khoa Sài Gòn (1965-1969).
Sau tháng 04.1975 ông định cư tại Hoa Kỳ và đã từ trần tại quận Cam, California, Hoa Kỳ vào ngày 7.12.2003. Ông đã có nhiều tiểu luận, thơ, văn như: “Xây dựng và phát triển văn hóa giáo dục” (Lửa Thiêng, SG-1970), “Thành phố trong hồi tưởng” (tùy bút, An Tiêm - California - 1991), “Dăm ba điều nghĩ về Văn Học Nghệ Thuật” (tiểu luận, Văn Nghệ-Cali - 2001), “Nửa khuya giấy trắng” (thơ, Thanh Văn-Los Angeles - 1992), “Nhớ đất thương trời” (thơ, Thế Kỷ - Los Angeles - 1995), “Hạnh phúc đến từng phút giây” (thơ, Văn Học-Los Angeles-1999), “Dăm ba điều nghĩ về Văn học - nghệ thuật” (Văn nghệ, Cali - 1999).
Dù sống ở đâu và làm gì, lúc nào GS cũng một lòng hướng về quê hương. Nhiều thế hệ sinh viên rất tự hào được học với GS. Hồn Việt trân trọng trích đăng một bài của GS, với những tâm huyết dành cho nền quốc học của nước nhà, do một học trò của GS gửi về từ Los Angeles.

GS-TS Nguyễn Khắc Hoạch (1921-2003). Ảnh TL
Khi nói đến quốc học, chúng ta liên tưởng đến những ý niệm đất nước, dân tộc, quá khứ, lịch sử, truyền thống và tương lai văn hóa, giáo dục…, tất cả những nhân tố kết hợp nên thực thể Việt Nam, nơi xuất phát cũng như điểm tiến tới của mỗi cá nhân chúng ta.
Liên hệ đến những giá trị trường cửu vốn vẫn là nền móng của tâm hồn Việt Nam: lòng yêu quê hương, gia đình, lễ giáo, nhân nghĩa, lòng tôn trọng trí thức và học vấn, lòng biết ơn, hành động trước sau như một, cái tâm thiện, niềm tin về một nguồn sống vĩnh hằng, về bản chất linh thiêng của con người…
Ngọn đuốc sáng đã được giữ gìn và truyền lại qua nhiều thế hệ “người thầy” mà điển hình là những Chu An, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Quang Bích… những kẻ sĩ “trồng người”, suốt đời tận tụy nêu cao đức sáng của các bậc tiên hiền…
Người thầy, cùng những nhà trí thức khác, trong mọi địa hạt, luôn truyền bá kiến thức, nghiên cứu văn hóa, sáng tác thi văn, trong truyền thống thanh nghị vẫn có từ xưa, để bảo vệ tiếng Việt sắc bén thêm, từ đó di sản tinh thần của tiền nhân, mà một trong những biểu tượng là nền quốc học sẽ mỗi ngày một thêm phong phú.
Có quốc học tự nhiên sẽ xây dựng và bồi đắp được quốc hồn và quốc hồn sẽ thổi một luồng sinh lực kỳ diệu vào đất nước lẫn dân tộc, giúp chúng ta tồn tại và sống mạnh hơn.
Thế giới ngày càng phát triển với những thành tích rực rỡ thêm về năng lượng nguyên tử, du hành không gian, điện toán tin học và công nghệ sinh học. Do đó, chúng ta không thể hóa thạch, bất động, ù lì theo quán tính.
Trên đất nước từng bị đổ vỡ thảm thương, mọi giá trị cần thẩm định lại. Gạn lọc, gìn giữ những nhân tố tích cực, đẹp và thực của cái học truyền thống, vì đó là điểm tựa, bản sắc và bản lĩnh của chúng ta, vì đó là hơi thở, khí sống, nuôi dưỡng, đã giữ chúng ta khỏi thành kẻ vong bản, đánh mất căn cước cá nhân và dân tộc…
Với bối cảnh tinh thần vững chắc đó. Ta phải mở rộng cửa khai phóng, du nhập tinh thần khoa học và thành quả thực tiễn của nó, những gì đã làm cho một số quốc gia khác trở nên phú cường.
Tinh thần cấp tiến của những Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch ở Việt Nam, những Itô và Minh Trị ở Nhật, cởi mở, khai phóng, nhưng có sự chọn lựa, suy nghĩ hợp lý.
Ví dụ, tinh thần tự do dân chủ phải có nghĩa là bảo vệ những giá trị bất khả nhượng của con người, nhưng không thể buông lơi hỗn loạn, vô kỷ luật, vô trách nhiệm, dẫn đến những thú tính không thể kiểm soát nổi.
Ví dụ say mê khoa học kỹ thuật để đổi mới đất nước là đúng, nhưng không thể theo một tinh thần khoa học vị khoa học một cách mù quáng đến nỗi đánh mất cả linh hồn. Vì bài toán “khoa học và nhân bản” vẫn luôn luôn là mối lo âu của những nhà khoa học đích thực như Einstein, Oppenheimer, Schweitzer, Teilhard de Chardin… những người từng nghĩ rằng khoa học kỹ thuật là vô cùng hữu ích, nhưng nếu không kiềm chế nổi sẽ đưa đến chỗ diệt vong cả trái đất lẫn con người.
Vấn đề là phải tỉnh táo, sáng suốt điều hòa để thực hiện một thế quân bình. Sức khỏe của một cơ thể, sinh lý hay xã hội cũng vậy, là tình trạng quân bình lành mạnh giữa những yếu tố khác nhau và phức tạp tạo nên cơ thể đó.
Ở đây sự hài hòa nhịp nhàng giữa quá khứ và hiện tại, giữa những yếu tố văn hóa nội tại và ngoại lai có chọn lọc cũng là khuôn mặt của nền quốc học trong thế kỷ 21.
***
Bàn về quốc học, nhấn mạnh những thực hiện cụ thể cần thiết, chúng ta có thể tạm hạn chế trong phạm vi đại học (ĐH). Vì cấp học này ở ngay biên giới giữa học đường và cuộc đời: người sinh viên (SV) khi tốt nghiệp ĐH thì đã bắt đầu mang dáng dấp một trí thức trẻ, sẵn sàng nhập cuộc. Vả lại, khi xét về tương lai một quốc gia, người ta thường dựa vào phẩm chất cao hay thấp của hệ thống ĐH nơi đó.
Tổ chức đại học trong môi trường xã hội Việt Nam sẽ ra sao?
Nói đến mô thức hình thành, tổ chức… là đề cập đến việc ứng dụng những suy nghĩ về quốc học Việt Nam vào môi trường thực tế. Đó là điều cần, vì lý thuyết chỉ trọn vẹn khi được nối tiếp cụ thể trong đời sống.
Trong bất cứ quốc gia nào, ĐH cũng giữ vai trò tiền phong, vì là nơi tập trung lòng hăng say và vị tha của tuổi trẻ, cộng với kinh nghiệm và kiến thức của những khối óc già dặn, không ngừng nghỉ hướng về phía trước.
Nói riêng thì ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, mà nhiều nhà giáo dục coi như linh hồn của ĐH, là nơi đồn trú và phát triển của những ngành nhân bản và khoa học xã hội, rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam và thế giới sôi động ngày nay.
Về tổ chức cụ thể, người viết đã có nhiều dịp phát biểu, và đặc biệt ghi lại trong tác phẩm “Xây dựng và phát triển văn hóa giáo dục” (NXB Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1970). Nay chỉ thêm vài ý kiến:
1. Tổ chức cơ cấu ĐH phải được tự trị một cách rộng rãi. Tự trị về học chính, hành chính và tài chính. Có thế mới phát triển được công tác giảng dạy và nghiên cứu bất vụ lợi vốn là lẽ sống của ĐH. Những khuôn viên cây cỏ, sân bãi rộng rãi, phòng ốc đầy đủ tiện nghi sẽ rất cần cho hoạt động trí thức mà cũng là mô hình mà ĐH Việt Nam phải tiến tới.
2. Nội dung chương trình học không nên cố định, cứng rắn như những mô thức cũ của ĐH Việt Nam. Cần có nhiều lối ngang, đi thông giữa KHXH và KHTN. Hai trường này có thể ghép chung thành một đơn vị như lối Mỹ hay để riêng biệt như một số ĐH châu Âu.
Trong bất cứ trường hợp nào, ngoài những giáo trình cơ bản, SV cũng được quyền chọn lựa một số môn của trường bạn. Để việc đào tạo được quân bình hơn, để kiến thức SV được phóng khoáng, không “một chiều”, hay quá thiên về chuyên môn “hẹp”, để ta có những kiểu mẫu kiến thức đa dạng uyển chuyển hơn.
3. Tỉ lệ giáo sư (GS) được nâng cao để GS có thì giờ nhiều chăm sóc SV đầy đủ hơn. Có chính sách tuyển mộ GS và SV hợp lý, nhằm tận dụng tài năng của đất nước, đồng thời giữ vững trình độ và thanh danh của ĐH. Bài giảng cần bớt tính chất trừu tượng, không tưởng mà nên nặng về thực nghiệm, ứng dụng trong cuộc sống.
Các GS ngoài công tác giảng dạy và với sự giúp đỡ của SV các lớp cuối, phải đưa ra những dự án nghiên cứu chú trọng đặc biệt đến thực thể Việt Nam, vì nghiên cứu và giảng dạy là hai hoạt động chính yếu, không thể tách rời của ĐH.
4. ĐH cần chú ý đến vấn đề huyết mạch là tài chính. Có tiếng nói trong việc thiết lập ngân sách và quản trị. Độc lập tài chính trong nhiều trường hợp để thúc đẩy công tác nghiên cứu, mỗi ngày mỗi phức tạp và tốn kém trong địa hạt chuyên môn mà người ngoài có khi không hiểu nổi.
Trong khôn khổ đó, việc trang bị học cụ phòng thí nghiệm và phát triển thư viện là công tác thiết yếu. Vì thư viện, cũng như phòng thí nghiệm, là một yếu tố quan trọng trong việc thẩm định giá trị của một ĐH.
5. ĐH sẽ ra khỏi tháp ngà, đi vào cộng đồng để giúp đỡ và được giúp đỡ, rời bỏ một quan niệm cố hữu của ĐH Việt Nam. Cụ thể, có nghĩa là ĐH phải được quyền tiếp nhận sự tài trợ của các tổ chức hay cá nhân trong cộng đồng quốc gia. Ngược lại, cộng đồng sẽ trực tiếp thụ hưởng thành quả tư duy và khám phá của những khối óc ĐH.
***
Điều mà nền giáo dục Việt Nam thiếu sót trầm trọng là sự đào tạo tính khí. Chẳng hạn ngay ở châu Âu, có sự khác biệt rõ ràng giữa nước Anh và nước Pháp. Đảo quốc thiên nhiều về luyện tính khí, ngay từ những lớp tiểu học, trong khi quê hương Descartes đặt sự đào tạo trí thức lên hàng đầu. Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp nền giáo dục nước Pháp, cũng mang trong mình sở đoản đó.
Với tính khí mạnh, người thanh niên vào đời sẽ sẵn sàng đối phó với mọi chông gai, thử thách. Can đảm, kiên trì, trầm tĩnh, đầy nghị lực, tự tin, tháo vát, quyết đoán, có tài lãnh đạo và biết giải quyết nhanh chóng các vấn đề… đó là đặc tính của người có tính khí mạnh.
Ngược lại, nền giáo dục của chúng ta, quá thiên về trí dục, nhiều lúc đã gửi ra đời những thanh niên có chuyên môn và trí thức cao nhưng thiếu tính khí mạnh. Không phải là mẫu người tự tin, biết cách giải quyết mọi vấn đề gai góc, nhiều lúc họ bơ vơ như lạc lõng giữa đường đời với cả một khối kiến thức! Do đó, bất cứ chương trình giáo dục mới nào ở ĐH Việt Nam cũng phải nhấn mạnh việc bồi đắp tính khí cho SV.
Cuối cùng, vẫn phải nhắc những giá trị đạo đức, nền móng từ đó chúng ta xây dựng trí thức và tính khí cho người trẻ tuổi. Điều này vô cùng cần thiết, vì giữa một xã hội phức tạp, duy vật quá mức, đó là những bức tường ngăn để khỏi sa ngã hay lạc hướng.
Đào luyện, hun đúc lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc như các ĐH Đức sau cuộc thất trận trước đoàn quân viễn chinh Napoléon, như các ĐH Trung Hoa của Khang, Lương, Trần, Hồ thời Thanh mạt, rồi cách mạng Tân Hợi, trước áp lực ngạo mạn của các cường quốc. Sống với lòng hăng say phục vụ và tinh thần trách nhiệm cao là đóng góp vào việc xây dựng đất nước.
Tôn trọng chữ Lễ, chữ Tín, đối xử công bằng và tình nghĩa với đồng loại. Luôn luôn trở về với gốc rễ của tâm hồn Việt Nam là cái Thiện, cái Đức, vun trồng bồi đắp chúng giữa cơn phong ba thời đại lúc nào cũng rình rập đưa con người trở lại đời sống hồng hoang…
Tôi có đang giảng đạo, đọc kinh không? Không biết nữa. Thực ra, tôi chỉ cố hình dung lại khuôn mặt người SV Việt Nam lý tưởng, sau nhiều năm miệt mài trong giảng đường ĐH, thấm nhuần lý tưởng quốc học đã nói ở trên và sắp sửa lao mình vào cuộc sống.
Những người thầy, thường được ưu ái gọi là “kỹ sư tâm hồn”, luôn luôn run sợ trước sứ mệnh quá lớn lao. Còn gì đẹp bằng tâm hồn tuổi trẻ mà gia đình và xã hội đã tin tưởng giao phó cho họ. Chất vàng ngọc đó phải được chăm sóc, nâng niu, mài giũa thành những công trình nghệ thuật cho đất nước. Trách nhiệm quá lớn! Chẳng biết có thực hiện được gì trong muôn một không. Chỉ biết tâm niệm là luôn luôn cố gắng và làm việc với cả một tấm lòng!