Nền văn minh Tây Âu trước nguy cơ trầm trọng

Aleksandr Aleksandrovich Zinov’ev (1922-2006), nhà triết học, nhà xã hội học, nhà văn... tài ba của nước Nga. Ông nổi tiếng ngay từ giữa thế kỷ 20 với những kỳ tích của một kỵ binh, một người lính xe tăng và một phi công 31 lần xuất kích thành công trong cuộc Chiến tranh vệ quốc chống phát xít Đức (1941-1945). Nhưng ông còn nổi tiếng hơn với những tác phẩm sâu sắc và gây tranh cãi về logic của bộ Tư bản, về triển vọng của chủ nghĩa xã hội, về văn hóa Nga và về chủ nghĩa tư bản Tây Âu... Cuộc đời A. Zinov’ev không suôn sẻ. Do bất đồng chính kiến với chính quyền Xô viết nên đã bị tước quyền công dân và bị trục xuất khỏi Liên Xô năm 1978. Từng sống và làm việc ở CHLB Đức. Năm 1999 được phép trở về Nga.

Với bạn đọc Việt Nam, A. Zinov’ev là một cây bút không xa lạ. A. Zinov’ev viết nhiều. Xin được kể ra một vài tác phẩm nổi tiếng của ông: Những vấn đề triết học của Logic học đa trị (1960), Logic khoa học (1971), Chủ nghĩa cộng sản với tính cách là một hiện thực (1980), Nổi loạn (1994), Phương Tây (1995), Chủ nghĩa Gorbachev (2000), Từ trừu tượng đến cụ thể (về Logic của bộ Tư bản của C. Mác, viết 1954, xuất bản lần đầu 2002) v.v…

Ông mất ngày 10-5-2006, hưởng thọ 84 tuổi. Bài báo dưới đây có lẽ là ấn phẩm cuối cùng được công bố trước khi ông qua đời.

Ở thời buổi ngày nay, câu nói “chuyện thời sự của nước Nga” chí ít nghe thật là vô nghĩa. Trên thế giới đã xảy ra những biến đổi lớn đến nỗi hầu như tất cả các sự kiện đáng kể vốn bằng cách nào đó vẫn còn gắn liền với những mảnh vỡ của lịch sử Nga xem ra đáng để coi thường và giễu cợt hơn là thương tiếc và thông cảm. Hy vọng rằng độc giả sẽ không quá nghiêm khắc phán xét tôi về điều đó. Bất luận thế nào, tôi đã nghiên cứu hết sức tỉ mỉ những sự kiện bi thảm của những năm tháng dưới thời hậu Xô viết và tôi không hề tìm thấy bất cứ một sự tha thứ và nhân nhượng nào cho các đồng bào của tôi. Nói chung, hiện nay tôi không thể nêu lên bất cứ một thời kỳ nào khác trong lịch sử nhân loại mà xét về mức độ phá sản và suy sụp có thể đem so với sự đổ vỡ của hệ thống xã hội Xô viết.

Tôi xin có mấy lời ngoại đề ngắn ngủi trước khi đi vào thực chất của vấn đề. Sau khi sống nhiều năm tháng, sau khi đã nhìn thấy nhiều thứ và suy đi ngẫm lại nhiều điều, cuối cùng tôi đã xác định cho mình một trong những phát hiện vô cùng quan trọng (nếu không phải là quan trọng nhất) của đời tôi: tôi thực sự được hình thành và hầu như sống suốt đời như một con người đến tận xương tủy thuộc về nền văn minh Tây Âu. Không phải thuộc về một nền văn minh nào khác mà chính là nền văn minh Tây Âu. Cuộc sống của thế hệ tôi được hình thành theo kiểu dù muốn hay không, chính tôi đã tiếp thụ tất cả những thành tựu ưu tú nhất của nền văn hóa thế giới vốn được phát triển chính là trong khuôn khổ của nền văn minh Tây Âu. Chúng tôi không mất đi chất Nga nhưng cũng không bị Nga hóa. Chẳng qua tất cả những cái khác đã trở thành thứ yếu mà thôi. Hiện nay có lẽ những người phương Tây khó làm sáng tỏ được cốt lõi của vấn đề. Nhưng lịch sử vĩ đại đã trôi qua và đã đi vào một tương lai xa tít mù tắp.

Tôi đã và vẫn đang coi Liên bang Xô viết là một hiện tượng của nền văn minh Tây Âu, cho dù nó có như thế nào chăng nữa. Nói đúng hơn, trong cái hiện tượng đó, tôi chỉ chấp nhận những gì do cách mạng Nga đem lại về mặt tự do của con người, tự do giáo dục, tự do tôn giáo, tự do sáng tạo tinh thần. Theo quan điểm này, tôi cũng chấp nhận cuộc sống của mình ở phương Tây và đánh giá nó hết sức cao chính là trên bình diện những quyền tự do của Tây Âu. Khi tôi sống ở phương Tây (năm 1978-1999), thời gian đó có lẽ là những năm thịnh vượng nhất của cuộc sống Tây Âu nói chung.

Tôi muốn lưu ý độc giả tới một điều là nhiều người đại diện cho thế hệ tôi đã lớn lên ở Liên Xô, nhưng, trên một mức độ đáng kể, lại như là những người Tây Âu chứ không phải như những người Nga xét về mặt dân tộc - về phương diện này, tôi đã đi xa hơn những người khác. Thậm chí hiện nay, sau sự sụp đổ đầy bi kịch của Liên Xô, đối với tôi, mối lo ngại chủ yếu lại chính là số phận của nền văn minh Tây Âu. Việc Liên Xô bị tiêu vong, tôi đã thấy rõ ngay từ thời kỳ đầu của lịch sử hậu chiến (nói chính xác hơn, từ năm 1985). Tôi thấy rõ rằng tại sao nó sụp đổ, rằng lịch sử của nó kết thúc như thế nào. Điều đó đã được tôi miêu tả tỉ mỉ trong nhiều bài viết và nhiều cuốn sách của mình. Tôi không tự hào về điều đó mà tôi chỉ xác nhận nó như một sự thật.

Đối với thế hệ chúng tôi, ánh sáng của lý trí chính là đến từ Tây Âu và theo mức độ ảnh hưởng của nền văn minh Tây Âu tới nước Nga. Tôi bao giờ cũng thấy rõ những khuyết tật của phương Tây. Song đối với tôi, phương Tây (hiểu theo nghĩa nghiêm chỉnh của từ này) không bị lược quy vào chủ nghĩa tư bản, vào chế độ tư hữu, vào thị trường, vào lợi nhuận.

Đó là một cái gì rộng lớn hơn, có sức chứa nhiều hơn, có tầm quan trọng hơn. Đó là thời đại Phục hưng, là Dante, Campanella, Michelangelo, Raphael, Shakespeare, Rablais, Thomas More, Robert Owen, Montaigne, Cervantès, Goethe, Beethoven, Mozart, Chaikovski, Mendeleev, Tolstoi... Tại sao lại liệt kê ra hàng loạt những tên tuổi vĩ đại từng tạo nên nền văn minh vĩ đại nhất, mà cũng có thể là cuối cùng trong lịch sử loài người?

Hiện nay nền văn minh Tây Âu đang gặp lúc nguy khốn trầm trọng. Nguy cơ đó chính là ở đâu?

Nó (cái nền văn minh ấy) bao quát tất cả các lãnh vực của cuộc sống con người. Cần phải bảo vệ những di tích của nó như bảo vệ con ngươi của mắt mình. Nhưng tôi có cảm tưởng là thế giới Tây Âu đã giao nộp tất cả những thành tựu vĩ đại nhất trong nền văn minh của mình mà không hề có một trận chiến đấu nào, giống như người Xô viết đã giao nộp một cách thật nhục nhã tất cả những thành quả cao nhất của lịch sử dân tộc mà không có một phát súng bắn trả nào.

Tấm gương của người Nga té ra có sức lây lan, nó đổ ập xuống thế giới như một bệnh dịch kỳ quặc. Không, không phải bệnh dịch mà là một nạn đại dịch của sự ngu xuẩn, hèn nhát, đê tiện, phản bội... Nếu như cái tạo nên tinh thần và nội dung của nền văn minh Tây Âu sẽ tiêu vong thì bóng đêm văn minh sẽ bao trùm khắp hành tinh.

Điều chủ yếu là không nên pha loãng nó, không nên xé lẻ, băm vụn, đánh đổi nó ra thành những thứ nhảm nhí, tầm phào. Một nền văn minh khác như vậy có thể sẽ không bao giờ xuất hiện nữa.

Hiện nay, sự bùng nổ văn minh đang được thổi phồng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các nhà tư tưởng và các chính trị gia đang nói nhiều đến chiến tranh giữa các nền văn minh. Nhưng thế nào là chiến tranh giữa các nền văn minh? Vị tất bạn có thể tìm được lời giải đáp rõ ràng cho câu hỏi ấy. Và bạn cũng sẽ không tìm được cách định nghĩa tương đối chính xác cho khái niệm “văn minh”. Không biết có bao nhiêu rác rưởi ngôn từ, nhưng trong đống rác này bạn sẽ không tìm thấy định nghĩa cho khái niệm đó phù hợp với những tiêu chí của logic và của phương pháp luận khoa học. Hơn nữa, các nhà tư tưởng và các nhà chính trị đã tốn nhiều công sức để làm cho sự hiểu biết về cái vấn đề không mấy phức tạp ấy trở nên tù mù, không rõ ràng bởi lẽ sự rõ ràng bị loại trừ bởi chính khuynh hướng tiên nghiệm vốn làm cho bầu không khí trí tuệ của nhân loại trở nên rối rắm khó hiểu.

Tôi muốn lưu ý bạn đọc đến những kiến giải đơn giản nhất và mang tính chất khởi điểm đối với việc làm sáng tỏ bản thân khái niệm “văn minh” vì thiếu nó thì mọi câu chuyện về vấn đề này đều trở nên vô nghĩa.

Tôi phân biệt ba cấp độ trong sự tiến hóa xã hội của những cộng đồng người: cấp độ tiền xã hội, cấp độ xã hội và cấp độ siêu xã hội. Những nền văn minh chỉ xuất hiện ở cấp độ xã hội. Chúng được tạo nên từ các xã hội, song bản thân chúng không phải là các xã hội. Đó là những cộng đồng của các xã hội, nhưng không phải bất cứ cộng đồng nào, mà chỉ là những cộng đồng đặc biệt. Chúng có những dấu hiệu sau đây: giữa các xã hội gia nhập vào một nền văn minh có một chỗ dành cho sự giao lưu, cho sự tác động qua lại và những mối liên hệ khác nhau. Một bộ phận nào đó trong những xã hội ấy sống bằng cuộc sống cộng đồng lịch sử. Bộ phận đó đang thay đổi: một số cộng đồng đã mất đi, một số cộng đồng khác xuất hiện, giữa các cộng đồng nào đó đã không còn giữ được mối liên hệ... Nhưng một sự liên kết nhất định và một sự kế thừa, một sự tồn tại liên tục của những thành tố nào đó vẫn có vị trí trong tất cả các thời kỳ.

Những mối quan hệ qua lại giữa các bộ phận trong sự liên kết ấy rất đa dạng: những mối liên minh, những hợp lưu, những sự phân chia, những cuộc chiến tranh, sự chinh phục của một số người này đối với một số người khác, sự hấp thụ, sự phá hủy, nói tóm lại, tất cả những gì tạo nên lịch sử cụ thể của chúng. Nhờ có đời sống cộng đồng mà những bộ phận ấy có ảnh hưởng lẫn nhau, một số bộ phận này vay mượn một cái gì đó của một số bộ phận khác hoặc gán ép một cái gì đó của mình cho chúng. Như vậy, bằng những nỗ lực chung, chúng tạo ra một cái gì đó là của chung mà dưới những dạng này hay dạng khác và với những kích cỡ khác nhau được phát triển riêng rẽ ở chúng, khiến chúng trở thành có họ hàng thân thuộc với nhau trong những mối quan hệ đó. Những nét giống nhau ấy chính là kết quả của đời sống cộng đồng: chúng không thể xuất hiện ở các cộng đồng nếu như những cộng đồng đó sống tách biệt khỏi nhau. Những nét chung ấy bao choán tất cả các phương diện của cộng đồng - chính quyền, kinh tế, hệ tư tưởng, văn hóa...

Tôi xin nhấn mạnh, nền văn minh không phải là một tổ chức. Đó là một hình thức đặc biệt trong đời sống cộng đồng của nhiều xã hội trong vòng nhiều thế kỷ. Nền văn minh Tây Âu là nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Nó đạt tới sự hưng thịnh trong các thế kỷ 19-20. Đỉnh điểm phát triển của nó là sự xuất hiện “các quốc gia dân tộc” ở Tây Âu (Anh, Pháp, Ý, Đức...).

Nền văn minh không phải là vĩnh cửu. Nhưng sự cáo chung của nền văn minh không nhất thiết là sự đình chỉ cuộc sống của những xã hội đã tạo nên nền văn minh ấy. Đó có thể là những biến đổi trong sự tiến hóa của những cộng đồng người mà kết quả là sự nảy sinh những cộng đồng mới vốn khác biệt với nền văn minh về loại hình xã hội. Chính một tiến trình như thế đã bắt đầu vào nửa sau thế kỷ 20 trong thế giới phương Tây. Sự liên kết của các nước thuộc thế giới phương Tây thành những cộng đồng ở trình độ xã hội cao hơn - thành các siêu xã hội, đã bắt đầu. Quá trình đó được đẩy nhanh hơn cùng với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Xô viết và trở thành một khuynh hướng chủ yếu trong sự tiến hóa của thế giới phương Tây.

Không có một nền văn minh Nga đặc biệt nào phù hợp với định nghĩa về văn minh do tôi đưa ra. Nước Nga trước năm 1917 là một đế chế, tức là một xã hội mang tính chất nhà nước được tổ chức thành một chỉnh thể thống nhất. Còn sau cách mạng thì Liên bang Xô viết trở thành một siêu xã hội - một siêu xã hội theo kiểu cộng sản đầu tiên trong lịch sử loài người. Sau cuộc đảo chính chống cộng năm 1991-1993, nước Nga không còn là một siêu xã hội nữa. Sau khi Liên Xô tan rã, trên địa vị của nó xuất hiện một số xã hội, song hãy còn khó mà nói ở đây liệu đã hình thành hay chưa một hiện tượng xã hội theo kiểu nền văn minh. Đối với một nền văn minh cần có sự tồn tại cùng nhau của một số lượng xã hội có chủ quyền nào đó trong một thời gian lâu dài, chẳng hạn trong vòng mấy thế kỷ. Tôi ngờ việc có được một hiện tượng như vậy trong điều kiện hiện nay. Nói đúng hơn, thời đại của những hiện tượng xã hội theo kiểu các nền văn minh đã lùi vào dĩ vãng.

Theo quan điểm số phận của nền văn minh phương Tây thì triển vọng của các nước phương Tây là như thế nào? Rõ ràng không nên coi Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là một nền văn minh riêng biệt, bởi vì nó không tạo thành một xã hội được tổ chức theo kiểu nhà nước, tiến hóa theo xu hướng tiến tới siêu xã hội. Các nước Tây Âu đã mất đi một số đặc điểm quan trọng của nền văn minh và thu nhận được một số đặc điểm khiến chúng gần gũi với những cộng đồng thuộc loại hình xã hội khác, kể cả những xã hội được tổ chức, thậm chí cả những siêu xã hội. Nói tóm lại, việc áp dụng khái niệm “nền văn minh” trên thực tế có thể mất đi ý nghĩa nghiêm túc về mặt xã hội học.

Trên thực tế, tất nhiên, vẫn giữ lại được những dấu tích nào đấy của nền văn minh hiểu theo nghĩa được tôi đề cập tới. Nhưng chúng không còn là những diễn viên quan trọng của sân khấu lịch sử nữa. Những diễn viên khác đang đến thay thế cho họ. Và trong số các diễn viên mới đó có những khối người đông đúc được tổ chức bởi những phương tiện mới, biết thao tác khéo léo, đôi khi thậm chí không nghi ngại về việc họ hiện diện trong những vở diễn lịch sử nào. Muốn hiểu rõ những hiện tượng ấy cần phải có một bộ máy khái niệm mới vốn còn khiếm khuyết trong ngôn ngữ hiện đại. Hiện nay trên thế giới người ta đang thực hiện một cách có tổ chức việc ngu đần hóa đông đảo các tầng lớp dân cư.

Ánh sáng của trí tuệ do nền văn minh Tây Âu tạo ra đang bị nhấn chìm trong bóng tối.

LÊ SƠN

Giới thiệu và dịch theo Literaturnaja Gazeta

A. ZINOV’EV