Tệ nạn này hiện nay vẫn được tóm gọn trong 3 từ lợi ích nhóm. Nghĩa là mọi chuyện quốc gia đại sự được khoanh gọn trong quyền lợi của một nhóm người có mối quan hệ mật thiết với nhau, một mối quan hệ được tính toán bằng con số phần trăm lợi nhuận, một sự liên kết rõ ràng công khai giữa tiền và quyền.
Tôi ban cho anh dự án, anh đáp trả lại tôi bằng lợi nhuận anh thu được. Con số này không hề có tỷ lệ nhất định, vì thế doanh nghiệp muốn đáp ứng mọi yêu cầu của cấp trên thì tất nhiên phải rút ruột công trình để bù vào con số phải cống nạp. Rút lại, cả nhóm đều có lợi, chỉ có nhân dân, đất nước ngày càng nghèo đi vì đồng tiền ngân sách tha hồ bị rút vào túi họ…
Vấn đề của tỉnh vùng cao Bình Lãng trong phim cũng chính là thời sự nóng bỏng của cả xã hội hiện nay. Đó là chuyện cấu kết giữa Chủ tịch tỉnh Phạm Ấn và doanh nghiệp Lương Nhân, một sự cấu kết công khai giữa quyền lực và đồng tiền. Vì thế, những tiêu cực của doanh nghiệp Lương Nhân trên tuyến đường Bảo Sơn – Bình Nguyên vừa định phát sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Lãng đã lập tức bị ngưng lại.
|
NSND Hoàng Dũng (phải) và diễn viên Tùng Dương vào vai ông chủ tịch tỉnh và giám đốc doanh nghiệp liên minh với nhau để khai khống, bòn rút ngân sách nhà nước. |
Ông Tuệ, Giám đốc đài bị quở mắng và bị buộc phải giao nộp tất cả các băng hình tư liệu điều tra của phóng viên cho chính doanh nghiệp Lương Nhân. Đích thân Chủ tịch Phạm Ấn đứng ra giải hòa và lệnh cho cả hai phải bắt tay nhau với một câu rất đúng “chính sách”: “Tôi muốn bảo vệ tất cả các doanh nghiệp, không riêng gì Lương Nhân. Đừng vì khúc mắc riêng tư mà ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh. Chúng ta cần tập trung mọi lực lượng vì sự nghiệp phát triển của Bình Lãng”.
Cung cách làm việc của Chủ tịch Ấn là cung cách của một vị lãnh chúa, dù ông là Phó bí thư Tỉnh ủy, vẫn họp Thường vụ để giải quyết những vấn đề của tỉnh, nhưng người xem có cảm giác như mọi người xung quanh ông chỉ là những con rối. Chỉ có một tiếng nói đơn độc của Phó chủ tịch Bảo, nhưng gần như bị rơi vào khoảng không bởi sự quyết đoán của chủ tịch và sự lặng lẽ tuân theo của cả Thường vụ…
Không thấy có sự lãnh đạo của Đảng, dù Đảng vẫn thường xuyên xuất hiện với gương mặt khá e dè của ông Bằng. Một Đảng bộ như vậy trách sao ông chủ tịch không công khai thách thức thẳng thừng: “Tôi biết dư luận vẫn cho rằng tôi có cổ phần ở Lương Nhân, và nó là sân sau của tôi. Họ nói nhiều đấy, nhưng tôi không sợ. Sợ thì tôi đã không làm chủ tịch tỉnh, sợ thì tôi đã không đứng vững ở cái đất Bình Lãng này”. Lời tâm huyết của Phó chủ tịch Bảo với Bí thư Tỉnh ủy Bằng đã chứng minh cho sự thật này: “Dân chủ chỉ là hình thức trong tất cả mối quan hệ của hầu hết các cấp. Mọi quyết định đều chỉ do một người quyết định…”. Đó là thực trạng đắng ngắt mà có lẽ không phải chỉ riêng một tỉnh Bình Lãng.
Một ông giám đốc đài truyền hình cũng muốn đứng về phía cái phải, căm ghét Lương Nhân, nhưng vẫn phải cụng ly với nó. Đây cũng là nhân vật khá điển hình, luôn bị áp lực từ những lệnh miệng từ trên xuống, muốn bảo vệ chân lý nhưng đồng thời cũng sợ mất ghế nên trở thành kẻ đớn hèn…
Mỗi tỉnh hiện nay đều có đài phát thanh – truyền hình và tờ báo địa phương để làm công tác tuyên truyền cho tỉnh. Đó chính là tiếng nói của tỉnh, tất nhiên phải đúng theo đường lối của tỉnh, không được chệch hướng. Cho nên, mọi sự cố gắng không bẻ cong ngòi bút của các nhà báo trong phim giống như trứng chọi đá. Và chính họ đã tự biết điều đó. Vì vậy, nếu báo cáo kết quả thành tựu của tỉnh đã ghi rõ tỷ lệ đói nghèo của tỉnh ngày càng giảm từ 44% chỉ còn 8%-10% thì việc đài truyền hình đưa hình ảnh đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn đói nghèo, phải ăn rau trừ bữa là một cấm kỵ.
|
Trong phim, ông chủ tịch tỉnh (NSND Hoàng Dũng) cũng dính đến những phi vụ tình ái với Nhẫn (diễn viên Kiều Thanh) |
Nhóm phóng viên thời sự của Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Lãng đã phạm vào cấm kỵ đó khi dám xông vào tiêu cực của doanh nghiệp Lương Nhân, “lá cờ đầu” của tỉnh. Ngay đầu phim, ta có thể nhìn thấy phóng viên Thức tâm huyết, lăn xả để tìm ra sự thật về sự khai khống gấp 10 lần lượng thuốc nổ, lượng đất đá đào đường để rút tiền nhà nước của doanh nghiệp Lương Nhân trong dự án 135 của tỉnh. Nhưng chương trình chưa kịp lên sóng đã bị dập ngay tức khắc. Bởi vì Thức chạm đến Lương Nhân là chạm đến chủ tịch tỉnh, chạm đến mối quan hệ chằng chịt của nhóm lợi ích đang chia nhau xẻ thịt ngân sách nhà nước.
Thực sự những điều mà Thức thu thập được dường như đã trở thành khá phổ biến hiện nay. Đó chính là điều mà tác giả trăn trở và cả xã hội đều trăn trở: “Tuyến giao thông Bảo Sơn - Bình Nguyên đầu tư 44 tỉ đồng khi mới chỉ là chủ trương trên bàn họp, chưa có quyết định, chưa có thiết kế đã có 3 doanh nghiệp thi công. Đó chính là đám Lương Nhân. Tỉnh vẫn cứ mở thầu, nhưng ai cũng biết đó là hình thức. Hiện nay ở Bình Lãng, hầu hết các công trình đều tập trung vào doanh nghiệp Lương Nhân. Nó trực tiếp ăn công trình từ chủ tịch tỉnh rồi chia phần cho các vệ tinh. Phần trăm lợi nhuận sẽ trực tiếp cho người giao công trình”.
Những mẩu đối thoại giữa Thức và Vương, giữa Vương và Phó chủ tịch Bảo, giữa Bảo và Bí thư Tỉnh ủy Bằng khá dài. Ta có cảm giác như đấy chính là tâm can, là nỗi đau của chính các tác giả gửi tới người xem. Tất cả đều giống như một chiêm nghiệm đã được đúc kết từ những điều đắng ngắt vẫn còn đầy rẫy trong cuộc sống, trong mọi mối quan hệ chằng chịt ở chính trường hiện nay.
Ví như sự giải thích của Bảo về sự đình đốn những công trình chiến lược 5 năm, 10 năm của tỉnh, dường như đó là sự đúc kết không phải của riêng tỉnh Bình Lãng: “…Những dự án phát triển phía Tây, những dự án xóa nghèo sao vẫn dậm chân tại chỗ, vì nó là chiến lược 5 năm, 10 năm. Nhưng nhiệm kỳ của một khóa chỉ có 5 năm, quỹ thời gian quá ngắn bởi tuổi tác theo quy định công tác cán bộ. Các công trình xây dựng, giao thông chẳng ăn nhanh hơn sao? Đất cát bây giờ có giá lắm, nên cái 10 năm kia tạm cất qua bên, sẽ có thế hệ tiếp nối thực hiện…, còn bây giờ phải tranh thủ cắt lấy phần trăm của các công trình…”.
Vấn đề ở đây chỉ có thể giải quyết bằng trông chờ vào công lý của cấp trên. Một ông chủ tịch tỉnh tiêu cực thì ông bí thư tỉnh ủy phải sáng suốt. Bằng như nếu cả tỉnh đều tiêu cực thì phải có Trung ương vào cuộc. Đó là cái ánh sáng mà mọi người dân đều trông chờ và hy vọng. Vì thế, khi Thức bị đánh, bị bắn rồi bị bắt giam, anh mất niềm tin vào cuộc đời, nhưng chính lá đơn tố cáo của Vương thực sự đã làm thức tỉnh ông Bí thư Bằng. “Nhìn đồng chí mình, một nhà báo, một con người dám xả thân vì sự trong sạch của xã hội, vì con đường của đồng bào dân tộc, vì chén cơm, manh áo của người dân nghèo khổ để nói lên sự thật, nhưng giờ đây lại bị chính sự thật giam cầm. Sự thật, sợ hãi thay đang bị thao túng bởi quyền lực...”.
Một ông bí thư tỉnh ủy suốt ngày làng nhàng bên bàn giấy, cứ hỏi ý kiến hết người này đến người khác, không hề quyết đoán được chuyện gì, có vậy ông chủ tịch mới lung lăng, chuyên quyền được. Tính cách ông Bằng trong phim là một cách giải thích vì sao tổ chức Đảng ở đây chỉ còn là con rối xung quanh ông chủ tịch. Nhưng cuối cùng thì ánh sáng cũng được soi rọi ở Bình Lãng khi ông Bằng thức tỉnh. Và mọi việc đã giải quyết hết sức có hậu khi đoàn kiểm tra Trung ương về Bình Lãng theo yêu cầu của ông Bằng…
Tất nhiên cuộc đời thực có khi không đơn giản như thế, bởi một người khôn ngoan như ông Ấn không bao giờ bình chân như vại khi nghe tin đoàn kiểm tra Trung ương về tỉnh thanh tra về vấn đề của chính mình. Người ta thường nói tiền có thể không mua được người đẹp, nhưng rất nhiều tiền thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra… Chắc hẳn đó không phải là câu nói vô nghĩa!!
Hơn nữa, hành vi liên tiếp gây án của Lương Nhân với Vương và Thức là cực kỳ vô lý. Khi Trung ương về kiểm tra, lẽ ra doanh nghiệp này phải thu mình lại và tìm mọi cách để chạy án, bởi một bộ óc dù ngắn đến mấy cũng biết rằng động thủ bây giờ là tự đưa mình vào chỗ chết…
Tất nhiên, với một bộ phim chống tham nhũng thì đoạn kết dứt khoát phải có hậu, bởi đó chính là niềm tin, là ánh sáng của chân lý, là cái tốt đẹp còn đọng lại trong cuộc đời… Chỉ tiếc cho những câu chuyện huyền thoại về tiếng sáo Sẩm Ky, và những câu nói làm ra khó hiểu của bà Sắn Pì về gốc rễ của Thức khi vỡ ra ở đoạn kết đã làm người xem phải phì cười.
Cái hiện thực trần trụi trong phim luôn được pha màu huyền thoại để cho có sắc màu dân tộc, nhưng nó lại khá sống sít nếu không muốn nói là dài dòng… Bên cạnh ấy, chiếc áo lính Mỹ vẫn còn thêu đậm hàng chữ US Army mà nhà văn Vương mặc gần như suốt phim cũng là một hình ảnh khó chịu đập vào mắt người xem.
Nhưng trên hết, điều làm người xem vô cùng kính phục chính là sự dũng cảm của biên kịch, của đạo diễn và Đài Truyền hình Việt Nam. Đó là sự đánh động đúng lúc, một tiếng chuông thống thiết gióng lên giữa trời xanh. Để cho cả nhân dân, cả đất nước đều cảm thấu được cái tâm của người làm phim.
Cái tâm ấy còn phải kể đến cả dàn diễn viên đã nhập vai cực kỳ xuất sắc, nhất là NSND Hoàng Dũng trong vai Chủ tịch Ấn... Để thẩm thấu được nhân vật này hẳn anh đã phải trăn trở rất nhiều. Anh đã vào đến tận cùng cái ác để mọi người nhận diện gốc rễ của cái ác. Cuối cùng, có lẽ chưa có bộ phim chính luận nào thu hút được nhiều quảng cáo như Đàn trời, điều đó cho thấy sức hút của nó như thế nào đối với nhân dân cả nước.
___________
* Biên kịch Phạm Ngọc Tiến chuyển thể theo tiểu thuyết của Cao Xuân Sơn.
Diễn viên: NSND Hoàng Dũng, NSƯT Anh Tú, NSƯT Dũng Nhi, NSƯT Trung Anh, Tùng Dương, Kiều Thanh...