Thú ăn chơi ăn uống vốn có từ lâu, từ khi người thoát khỏi lốt con mà trở thành đích thực người. Ở nước ta, từ lâu đã có câu “Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống trà Chính Thái, ngâm Nôm Thúy Kiều”.
Tất nhiên chơi bài không phải để sát phạt đến nhà tan cửa nát nhưng biết thưởng thức vị trà Chính Thái, học rộng hiểu nhiều để ngâm vịnh được ?oạn trường tân thanh mới là biết ăn chơi thích hợp tao nhã.
Hiệu trà Chính Thái do chủ hiệu Vũ sáng lập từ lâu đời, đến đời ông giáo Vũ Đình Tuyên đã được ngũ đại. Vâng, ông đã 5 đời gắn bó với trà, sống với trà từ làng Cố Bản, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ở Thành Nam này, đã sản sinh nhà thơ tài hoa Trần Tế Xương nức tiếng với câu “Một trà, một rượu, một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó quấy ta...”. Bởi Tú Xương đa tình “Non non, nước nước, tình tình/ Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ” nên nghèo đến nỗi “Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy/ Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu”.
Ông cử nhân Tuyên dạy tiếng Nga nhưng lại cố neo giữ được con thuyền chở trà của nước ta. Anh ông có hiệu trà Quốc Thái ở tận Lâm Đồng, còn ông có hiệu Chính Thái ở 12 Phó Đức Chính - Hà Nội, nơi duy nhất có thứ trà đặc sản, sao tẩm đặc biệt từ trà Thái Nguyên, nơi ông có hẳn 3 đồi trà và nhờ người chăm sóc để hái cho ông thứ trà Thái độc nhất vô nhị này, trà Chính Thái mà! Chính ông đã đánh dấu từng gốc trà Thái Nguyên này để chỉ hái cho riêng Chính Thái. Nhưng ông cho biết có trà ngon chưa bằng có công sao tẩm. Nếu ai từng được thưởng ngoạn cách tạo ra trà ngon chắc sẽ tăng cảm quan khi thưởng ngoạn trà. Bởi vì phòng kín, than hoa đỏ rực trong lò, hương dìu dịu ý ngàn xưa, chủ nhân đều tay đảo trà trong chảo trên lò. Hương hoa ngâu tinh khiết như thấm vào từng cánh trà. Lại phải đổ ra sàng bằng tre cật óng màu thời gian lên nước. Chỉ hái hoa ngâu theo cách đợi lúc hoa chín rộ mới nhẹ rung cành cây và hoa rụng xuống phải gói ngay lại để phong kín hương thơm. Đem ngay về đổ trà vào cho hút hương, rồi sao tẩm trên lò than củi để toàn hương ngâu nhập vào trà qua hai lần hút tẩm đó.

|
Tôi còn nhớ cách bố tôi uống trà với các ông bạn trà. Bố tôi phải cất công lên Quảng Bá mua thứ nước hứng từng giọt đọng ở lá sen Hồ Tây, đựng trong chiếc ấm sứ đem về đun sôi trên lò than củi. Người xúc trà vào ấm đất nung màu gan gà, rót nước sôi từ thấp lên cao rồi hạ thấp, đợi ngấm mới chuyên vào chiếc chén to gọi là chén Tống (có lẽ đọc chệch chữ Tướng mà thành) rồi mới chuyên sang các chén Quân nhỏ xinh. Đoạn mời trà hữu dùng trà, các ông tay đón chén trà, hai ngón tay sát miệng chén, một ngón tay đỡ đáy. Đưa lên mũi ngửi rồi mới nhấp, gọi là nhất Hương nhì Vị, tam Sắc tứ Màu. Sau này lúc tôi ngoài 50, bố tôi mới giảng giải thêm ít công đoạn thưởng trà:
Thứ nhất là Ngọc Diệp Hồi Cung (châm trà súc tráng ấm).
Thứ nhì là Cao Sơn Lưu Thủy (rót nước sôi vào ấm từ thấp lên cao).
Thứ ba là Quan Công Tuần Tra (rót trà lần lượt vào các chén liền kề).
Thứ tư là Tam Long Giá Ngọc (ba ngón tay đón chén trà).
Và khẳng định: Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm. Vậy nước đọng trên lá sen tinh khiết là nhất, rồi mới là nước mưa trong bể, nước giếng sâu như Nguyễn Tuân từng viết. Trà phải loại ngon, ở đây Chính Thái có đủ ngũ vị Sen, Ngâu, Cúc, Nhài và Thiết quan âm tổng hợp (cánh hoa ngâu, hoa cúc, hạt gạo hoa sen). Bố tôi nói: “Thiết quan âm cũng dành cho phụ nữ vì đàn ông quây quần uống trà mà đàn bà lại không uống với nhau sao? Nhưng thơm ngon nhất không phải là trà sen mà là trà ngâu cơ đấy! Và con cũng nên biết phố Hồ Hoàn Kiếm xưa dân gọi là phố Hàng Trà đấy”.
Lại nói về cửa hiệu của ông giáo Tuyên - trà Chính Thái. Ngoài các gói trà đóng trong ni lông rồi cho vào hộp in đẹp là ngôi vị đầu bảng trong tủ kính, phải kể đến cách trang trí nội thất rất phong vị. Đây là tủ kính bày đủ các loại ấm đất độc ẩm, song ẩm, tam ẩm, quần ẩm, còn có các loại ấm sứ, ấm đồng hình cái chén, hình ống trúc, hình chữ Phúc, Hỷ, Thọ. Có cả ấm men giả ngọc.
Treo cao hai bức hoành đề 4 chữ Hán: “Chính Thái danh trà” thiếp vàng gia bảo. Đặc biệt có cả bài thơ viết trên giấy hồng điều gồm 4 câu, duy câu “Bình minh nhất trản trà” viết đậm nét, phóng khoáng hơn. Tôi chú ý tới tượng một tiên ông đang ngồi, chắc là để đưa vị trà thấm vào tâm can; bên cạnh là một hòn đá viết 4 chữ Chính Thái danh trà. Xin chép lại cả 4 câu:
Bình minh nhất trản trà
Bán dạ tam bôi tửu
Nhật nhật năng như thử
Lương y bất đáo gia.
Dịch:
Sáng ra làm một chén trà
Nửa đêm ba chén rượu ngà ngà say
Ngày nào cũng thế ngất ngây
Lương y thôi hẳn từ đây tới nhà.
Nhưng cũng xin nêu ý kiến của bên quân y: Không nên uống trà lúc chưa ăn điểm tâm, không nên uống trà ngay sau khi ăn no, nhất là ăn thịt cầy, chỉ nên uống trà như uống cà phê nghĩa là uống sau khi ăn sáng, cách bữa ăn 30 phút.
Hơn thế trong tục ngữ có nhiều câu như “Nước khe, trà núi” (hẳn là trà trồng trên núi đồi Thái Nguyên, Cao Bằng), “Đắt trà hơn rẻ nước” (suy ngẫm về cách pha trà), thú vị là “Trà chuyên nước nhất, hương dồn khói đôi” nhưng lại có “Rượu cổ be, trà đáy ấm” tức là tùy khẩu vị đấy.
Xin nhắc lại một câu chuyện lý thú mà tuần báo Văn Nghệ đã đăng: Chính Bác Hồ kính yêu năm 1965 khi nghỉ dưỡng ở Hoàng Sơn, An Huy đã làm thơ:
Hoàng Sơn xã viên đa chủng trà
Trà diệp nhuận trạch hương vị đa
Đông Tây Nam Bắc du sơn khách
Ẩm bôi sơn trà thính sơn ca
Phan Văn Các đã dịch:
Hoàng Sơn công xã nhiều trà
Vị trà dịu mát, đậm đà hương bay
Khách du Nam Bắc Đông Tây
Trà thơm cạn chén nghe bài dân ca.
Cũng trong bài này còn nói về việc Bác Hồ trước khi dự Đại hội Đảng II tại xã Vinh Quang - Chiêm Hóa - Tuyên Quang (11 - 19/2/1951) đã tới kiểm tra việc chuẩn bị ẩm thực.
Người đã cầm một chiếc chén có quai úp trên đĩa và hỏi các cô chú có biết cái chén này tên là gì không? Mọi người không nói vì không biết rõ, Bác lại giải thích: Đây là đồ uống của người Pháp gọi là “tát” (la tasse), ta gọi chệch là cái “tách”. Nay pha tiếp khách uống trà Thái Nguyên ướp sen và hoa ngâu bằng chén uống cà phê này thì chưa phải. Các cụ ta uống trà rót ra chén nhỏ không có quai. Khi uống đặt chén vào lòng bàn tay, nâng lên trước ngực để tiếp nhận cái nóng ấm của trà chuyền sang tay. Hơi nóng trà bay lên cho ta tận hưởng hương thơm lan tỏa. Nhấp từng vị nóng ta thưởng thức vị ngon, đậm của trà. Bác kết luận: “Dân ta có câu “đồ nào thức ấy”, cái gì ta không biết tên gọi thì phải học để biết”. Thật là tinh tế, uyên bác!
Xem thế đủ biết trà là thứ vừa có giá trị bổ dưỡng lại có tính triết lý. Okakura Kakuzo từ năm 1906 đã viết “Nhân loại gặp nhau trong một chén trà”. Bởi lẽ trà đạo là một thứ tạo lập ra để tôn sùng cái đẹp trong những việc tầm thường của sinh hoạt hằng ngày. Uống trà ở trong lâu đài quyền quý, uống trà ở trong lều tranh, không nên là người thiếu hơi trà tức là hờ hững với mình với bạn, cũng chẳng nên là kẻ chủ quan thô lỗ quá dư hơi trà. Trong chất nước trà xanh trong leo lẻo hoặc màu hổ phách hoặc màu đen, người uống khắp các châu lục đều có thể thưởng thức đức trầm mặc hiền từ nhân nghĩa, hương thơm cao quý hoặc bình thường dân dã. Dù uống một mình (độc ẩm), uống hai người, nhiều người (song ẩm, quần ẩm) đều bình đẳng thưởng thức như nhau. Dù uống trong khay chạm khảm với chén men trắng hoặc chén đất nung hay trong bát đàn, mọi người đều bình đẳng trước trà. Có người Nhật đã nói: Nền độc lập của Mỹ bắt đầu từ ngày họ quẳng các thùng trà xuống cảng Boston chứ không phải từ Tuyên ngôn Độc lập 1776.
Trở lại với trà Chính Thái của chính người nước ta trồng ở Thái Nguyên. Ông Vũ Đình Tuyên cho biết chọn cây trà, chọn loại trà ướp, chọn hoa ướp rất công phu vất vả, chưa kể công đoạn sao tẩm này... cho nên mới duy trì được 5 đời. Đến nay con ông đều không muốn làm trà vì ngại khó nhọc lại thu hoạch không cao. E rằng trà Chính Thái nổi danh sẽ đi vào cổ tích vang bóng một thời với “hương dìu dịu, ý ngàn xưa” (Tố Hữu), đậm đà khó quên “hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” (Nguyễn Du). Sẽ không còn thú:
“Khi gió gác, khi trăng sân
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ
Khi hương sớm, khi trà trưa
Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn”
(Nguyễn Du)
để còn vội uống trà đá, trà túi lọc ngoại nhập? Còn đâu sự thấu cảm, thông cảm khoan hòa khi uống trà? Người ta còn cãi vã, gây lộn khi uống rượu chứ uống trà thường vui vẻ bình tĩnh, thư thái thảnh thơi, tiêu tan buồn phiền mệt nhọc. Chỉ có ai sống với cái đẹp mới có thể uống trà đẹp.