LTS. Nhân kỷ niệm 5 năm ngày NSND Bảy Nam qua đời (8/2004), Tạp chí Hồn Việt trích đăng một đoạn trong hồi ký Trôi theo dòng đời của bà. Với giọng văn chân chất, hồn hậu, cuốn hồi ký đã cho chúng ta hình dung được cả đoạn đời 65 năm trôi giạt, với nước mắt nhiều hơn nụ cười của một nghệ sĩ từng xem nghề hát như cái Đạo và sân khấu như Thánh đường… Đây là lần đầu tiên những người từng bị xã hội coi là “xướng ca vô loại”… tiếp xúc với Cách mạng Tháng Tám và hạnh phúc được hát cùng anh em cách mạng…
Một hôm, tôi hát tuồng Trần Nhật Chánh hội tam thê, tôi thủ vai Trần Nhật Chánh, bữa đó khán giả cũng khá đông. Kéo màn lên, đang ngon trớn hát vài màn, bỗng nghe súng nổ đằng trước và khán giả ngơ ngác dao động. Bỗng tấm màn trước cửa kéo lên, hai người đàn ông, một người Nhật một người Việt Nam cũng mặc đồ Nhật đi tuốt lên sân khấu đưa tay khoác lia lịa.
Người Nhật nói gì không biết rồi anh thông ngôn nói lại: “Giờ này, toàn cõi Đông Dương, người Nhật đã đảo chánh, tước hết khí giới người Pháp. Đồng bào yên tâm cứ coi hát như thường”. Lúc đó khán giả hoảng hốt đứng lên ngồi xuống không ai dám ra về, còn tôi trên sân khấu run rẩy quá chừng, hát thì hát cương, đâu biết đầu đuôi gì mà nói, nghỉ thì không dám. Anh thông dịch viên bèn nói: “Đoàn cứ hát đi cho bà con coi, không chuyện gì mà phải lo”. Tôi hát tiếp tục đến vãn.

NS Bảy Nam trong vở Hận Đồ Bàn
Vãn hát, khán giả đi từng tốp ra về, lúc bấy giờ tôi cũng nghe ở Sài Gòn lộn xộn lắm, làm sao dám về, mà đi thì đi đâu? Di chuyển khó khăn, tình hình nghiêm trọng quá, thôi tôi cũng ở lì tại rạp đó, ở thường trực, có bao nhiêu ăn bao nhiêu.
Vài ngày sau, ở đằng sau rạp có miếng đất trống, quân Nhật dựng trại đóng quân, tối tối họ qua đứng chàng ràng coi hát. Họ thấy gánh nghèo quá, khi nấu cơm họ bưng qua cho cả thùng. Lần hồi, chúng tôi quen biết và bước qua bước lại chơi với nhau.
Những ngày ấy, chúng tôi sống thật bấp bênh. Máy bay quân Đồng minh ngày nào cũng dội bom, ngày nào chúng tôi cũng chui xuống hầm trốn. Cứ 11 giờ, nghe báo động, tụi tôi đùm đề chui xuống hầm rồi tới khi hết báo động lại chui lên. Nhưng sự sống của mình phải ăn mới được, tối hát có bao nhiêu thì sáng mai cũng sạch trắng. Như thế đó, ngày này tháng nọ.
… Tới chừng Cách mạng Tháng Tám nổi lên, tôi nghe chộn rộn. Xe lửa chở đồng bào từ miền Bắc vô ôi thôi đông hằng hà sa số. Chúng tôi cũng chạy ra xe lửa đón, thấy trên xe đông nghẹt, tôi thấy người nào có súng thì cầm súng, không có thì cầm dao, mác, tầm vông đủ thứ hết. Chúng tôi đứng coi mà ứa nước mắt.
Ít ngày sau, tôi nghe tin Đồng minh tước khí giới của Nhật, chia từng nhóm từng nhóm để mà tước. Hôm đó có hai lính Nhật thường lui tới gánh hát là Asata và Xeano mua mấy cái bánh kêu tôi ra dấu bảo ngồi đó. Họ kiếm một người biết tiếng Nhật bập bẹ nói cho tôi biết mấy người đó sẽ đi, sẽ trốn đi. Tôi hỏi: “Tại sao không trở về Nhật, nếu người ta tước khí giới thì tù binh cũng trở về Nhật”. Hai anh đó khóc nói với tôi: “Bị trái bom nguyên tử, gia đình cha mẹ anh em tôi chết hết, về không biết làm gì”.
Họ nói rằng họ sẽ trốn vô rừng theo Việt Minh. Hai anh vừa khóc vừa trải mấy gói bánh ra, rồi cúi lạy. Tôi lấy làm lạ, hỏi ra mới biết tục lệ mấy người Nhật từ giã là như thế, từ đó về sau tôi không gặp lại hai anh ấy.
Thế là, ngày qua ngày, tình thế này e gánh hát nằm “trường giang” ở đó thì không sống được, tôi mới lần mò về Nam. Đến Phan Thiết, tôi phải đưa gánh len lỏi xuống tận Mũi Né, một vùng gần biển.

NS Bảy Nam trong vai Triệu Tử Long
Lúc đó phong trào Việt Minh bùng phát lên một cách mạnh mẽ, chúng tôi rất nôn nao, người nào cũng như người nào không ai nói với nhau, nhưng đều hăm hở, tối ngày cứ lên rừng kiếm tre làm cung, vót tên tập họp với nhau, từng nhóm từng nhóm ra mấy động cát dựng mấy cây chuối để tập bắn. Dây chuối thì cột lại làm thắt lưng để giắt tên, giắt đồ dùng mang sau lưng, hăm hở như một chiến sĩ chánh hiệu.
Ở trong đoàn, có một anh tên là Lê Khanh, văn hóa cũng khá, anh cho ra tờ báo, trong đoàn khuyến khích mọi người ráng viết, tôi cũng tham gia. Mỗi khi nghe có bài Cùng nhau lên Đàng, chúng tôi cứ nghĩ đó là bài quốc ca cho nên dù cơm nước đang ăn cũng đứng dậy, đưa tay lên để chào. Chúng tôi mặc nhiên đứng về phía Việt Minh. Sau đó, tôi biết có một tiểu đội gọi là tiểu đội 5 mà tiểu đội trưởng đó tên là anh Vững, thường tới chơi. Anh than súng ống có chút đỉnh nhưng ngặt một điều là y phục trong cơ binh của ảnh rất thiếu thốn.

NS Bảy Nam trong vai Nường Khôn
Tôi nảy ra ý kiến mình phải hát, hát để gây quỹ kinh tài cho anh em người ta mua sắm. Tôi viết kịch bản Mắng Việt gian là một kịch ngắn rồi Lê Lợi khởi nghĩa, Mặt trận Cầu Bông. Đêm hát bán vé cho đồng bào, anh Vững đem cả khí giới thiệt lên sâu khấu, lúc đó sôi nổi lắm. Tiểu đội của ảnh có anh Việt Hùng sau này là chồng của cô Ngọc Nuôi. Có việc làm ý nghĩa nên anh em trong gánh cũng quên phứt chuyện nghèo đói đi.
Nhưng rồi, giờ bất hạnh lớn đã đến với gia đình tôi. Số là chồng tôi, ông Nguyễn Ngọc Cương, bao nhiêu năm bệnh hoạn triền miên, cứ ở chỗ này dăm ba bữa, chỗ kia dăm ba bữa, còn phải lo chạy thuốc men không đầy đủ nên bệnh tình ngày càng nặng.
Thấy không xong, đường xe thì bế tắc, đi ghe đi thuyền cũng bất tiện, tôi phải cấp tốc đưa gánh hát trở về xóm lụa, một làng ngoại ô ở Phan Thiết, để đồ đạc và tạm trú ở đó. Phần tôi thì đưa chồng về Phan Thiết để kiếm bác sĩ lo thuốc thang. Nhưng về Phan Thiết rồi nhà cửa cũng không biết đâu mà ở, tôi bèn xin vô rạp hát nằm tạm.
Nhà tôi đã mê man rồi, tôi chạy hỏi thăm người này người kia để kiếm bác sĩ nhưng không còn người nào. Lớp thì tản cư, lớp thì vào bưng đi theo bộ đội Việt Minh.

NS Bảy Nam trong vở Phụng Nghi Đình
Trong lúc tiến thoái lưỡng nan thì được người nhà của ông chủ rạp bảo rằng: “Ông chủ không cho ở rạp, đi đâu thì đi. Có người chết trong rạp là ông không bằng lòng”. Tôi hết lời van xin cầu khẩn ông, tôi bảo rằng: “Gánh hát của tôi từng hát ở đây, đã mang lại lợi lộc cho ông nhiều, vả lại ông là người gốc Sa Đéc cũng là người Nam ra đây làm ăn với nhau, tại sao lại khắc nghiệt như thế. Bây giờ nếu ông có can đảm khiêng nhà tôi đem quăng ra ngoài lộ thì ông cứ làm lấy”. Đương lúc giằng co, may sao có hai người đàn ông biết rõ hoàn cảnh khó khăn của tôi.
Một ông người Bến Tre, tôi không nhớ tên, là giám đốc hay chủ tiệm gì đó của chùa Phật Học, một ông làm phó, vốn là bạn thân hồi trước với nhà tôi là Nguyễn Ngọc Hơn, người Cao Lãnh hình như với nhà tôi có ơn nghĩa gì đó. Vừa nghe tin, nhà tôi bệnh nặng mê man mà bị ông chủ rạp đuổi nên ông rủ ông chánh lại. Trước mặt ông chủ rạp, ông nói rằng: “Ông Nguyễn Ngọc Cương là một người tên tuổi và có công trong nghề, chỗ này không đáng để ông nằm chết đâu, nhưng vì trong cơn lộn xộn, gánh hát giữa đường, ổng phải nằm vất vả thế này. Thế mà ông nỡ đối xử tàn tệ như vậy coi sao được”.
Thế rồi hai ông mới bàn với nhau lấy cái võng đưa nhà tôi lại chùa Phật Học, dành một bộ ván lớn và chút ít tiện nghi. Nhà tôi nằm đó tiếp tục mê man, hai ông cho mấy ông thầy ở đó tụng kinh trọn một đêm. Đúng 12 giờ trưa nhà tôi từ trần.
Ôi! Còn cái cảnh nào cơ cực khốn khổ hơn, một đoàn hát bốn năm chục người, ba đứa con, mà Ngọc Thố - con trai tôi chỉ mới hai tuổi. Trong lưng tôi lúc ấy không tiền, bây giờ chồng chết biết làm sao đây. Nhưng vận số tôi cũng còn may gặp vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Hơn, hết sức tốt bụng. Ông mới dặn mọi người: “Tang lễ ông Nguyễn Ngọc Cương để chúng tôi lo ấm cúng hết”…
… Trong số người đến đốt ba nén nhang cho nhà tôi có cả anh Vững và anh Việt Hùng thay mặt cho tiểu đội 5. Ngày đưa linh cữu đi an táng, hai anh có theo đưa, trước khi hạ huyệt có bắn ba phát súng tiễn biệt.
Khi an táng xong, ngày mở cửa mả, tôi đến vợ chồng anh Hơn để cảm ơn, thì ảnh nói rằng: “Không có chi, trước kia cậu Tư (tức chồng tôi) cũng có nhiều nghĩa cử đối với tôi thì đây là dịp tôi đem trả lại thế thôi. Anh Tư nằm xuống, nhưng mà tôi vẫn lo cho cô và mấy cháu. Nếu có chuyện gì cần cứ đến tôi”.
Tôi vội quay về xóm Lụa để họp với anh em coi bàn tính cách nào. Đêm đó tôi lập một bàn thờ, ngồi lại viết sáu câu vọng cổ để cúng nhà tôi, sáng ngày tôi kêu anh em họp lại, tôi nói rằng: “Xưa nay tôi dẫn dắt anh em đi, bây giờ thân cô thế cô, thì đến lượt anh em dắt tôi, dắt tôi đi đâu thì tôi theo anh em tới đó”. Rồi cùng nhau khóc kể, không biết tính là đi đâu mà hát nữa bây giờ.
Chiều hôm đó, nghe ở dưới biển có tàu của Anh - Ấn gì đó nó pháo kích lên Phan Thiết, thiên hạ chạy tứ tung, kẻ gánh người gồng chạy ra ngoại ô. Tôi ngồi trước rạp với anh em mà không biết chạy đi đâu.
Thiên hạ còn biết đường biết lối mà chạy, còn mình đã xa nhà xa xứ, tiền bạc không có, biết chạy đi đâu. Thôi chắc trước sau gì cũng chết, cứ ngồi đây mà chết. Tình cờ anh Việt Hùng bước vô, ảnh nói rằng, anh Vững biết tôi đang bơ vơ ở đây, nên cho hai xe trâu lại chở đồ lên trên rừng Sara cách đó mấy cây số. Gánh chúng tôi ở chen chúc nhau trong một cái đình sâu trên động cát.
Hừng sáng lại nghe tin có một đoàn quân của Anh đổ bộ từ Nha Trang bắn phá lung tung. Anh em túa chạy sâu vào động cát, còn tôi dẫn cả đoàn trẻ, nào con nào cháu, cắm đầu chạy sâu vào rừng, đói khát bủa vây mà không biết cách nào thoát được.
Cũng may lúc đó lại gặp người ơn là anh Nguyễn Ngọc Hơn, tay xách cái giỏ trong đó có 3 ký thịt, đưa tôi 300 đồng, anh nói: “Tôi sợ trong này không có tiền nên ráng đem vô cho cô, khi nào rảnh tôi đem thêm nữa”. Ơn của ảnh tôi ghi nhớ ngàn đời.

NS Bảy Nam trong vai Lý Nhu
Đang lúc tranh tối tranh sáng thì mấy đứa em nhỏ trong đoàn báo cho tôi biết: “Có cái trạm xá gần đây, mấy người thương binh Việt Minh nằm la liệt mà không ai chăm sóc. Súng nổ, y tá chạy hết, thầy thuốc cũng không có, họ có chín mười người gì đó, cụt tay hoặc cụt chân, có người không thông đường, họ quýnh quáng lăn xuống ruộng dính đầy sình”. Chúng tôi hoảng hốt chạy đến đỡ mấy anh em dậy, lau sạch vết thương. Tôi nghĩ: Nếu chờ xe qua đây chắc anh em chết hết.
Thế là chúng tôi về lấy hai tấm sơn thuỷ, rút hai cây tre ra làm cáng khiêng mấy anh lên động cát, lựa chỗ mát mẻ đặt cho nằm. Người nào cũng có một tấm ảnh, họ móc ra khoe với tôi: “Đây là đồng chí Nguyễn Ái Quốc”. Tôi đâu biết Nguyễn Ái Quốc sau này là Bác Hồ.
Có sẵn mấy trăm đồng bạc, gánh hát mua gạo, muối, hái đu đủ non trên cây nấu cho anh em ăn qua ngày. Tôi ngồi, đầu óc rối lên. Đoàn chúng tôi cơm còn không có ăn, bây giờ thêm chín, mười người thương binh biết tính sao? Cũng may chỉ mấy ngày sau chúng tôi liên lạc được một nhóm bộ đội, người ta mới đưa mấy anh đó đi…
(*) Đầu đề do Tạp chí Hồn Việt đặt.