NSND – đạo diễn Đào Trọng Khánh: Nghệ thuật cần cái hồn nhiên và trí tuệ

Cuối năm 2007, sau Liên hoan phim Việt Nam 15 tại Nam Định, chúng tôi ra Hải Phòng tìm gặp NSND Đào Trọng Khánh. Mùa phim năm ấy, một lần nữa, ông đoạt giải Đạo diễn xuất sắc bộ phim Lửa thiêng (về nhà thơ Huy Cận). Sau này, nhân chuyến “hành phương Nam” ông vào thăm bạn bè ở TP.Hồ Chí Minh, cũng là cơ duyên lần thứ hai, chúng tôi được nghe ông trò chuyện về nghề phim, về quan niệm nghệ thuật, bằng giọng nói hào sảng, mạnh mẽ, đầy sức thu hút.…

* PV: Thưa đạo diễn, từ góc nhìn riêng, suy nghĩ của ông về thể loại phim tài liệu như thế nào?

- NSND Đào Trọng Khánh: Tôi cho rằng làm điện ảnh tài liệu cần có ba điều: con mắt nhìn lịch sử; mũi nhọn cuộc sống; nhịp điệu cuộc sống. Tôi nói rộng hơn một chút về nhịp điệu cuộc sống. Tôi đi bằng nhịp điệu/ Một hai ba bốn năm/ Em đi bằng nhịp điệu/ Sáu bảy tám chín mười...…Cuộc sống cũng có nhịp điệu, như lời nhạc trong một ca khúc của Trịnh Công Sơn. Chúng ta luôn đi trong nhịp điệu, tuy mỗi người có nhịp điệu khác nhau. Làm phim tài liệu, nhất thiết không thể xa rời nhịp đập trái tim và nhịp điệu cuộc sống.

Ngày xưa, tôi làm phim Cuộc hủy diệt, Đường ra trận; rồi loạt phim về chiến trường, đường Trường Sơn; đơn vị Thanh niên xung phong 759; Nửa thế kỷ một ngày…, cho đến bây giờ, coi lại phim vẫn thấy xúc động! Có nhân vật là những người cùng sống hôm qua, cùng trú ẩn chung hầm với mình; thế mà, hôm sau ra trận địa pháo, trong chớp mắt, họ trở thành người ở mãi mãi trong phim! Nhịp điệu cuộc sống của dân tộc có một thời bi hùng như thế!

Sau chiến tranh, tôi là người đầu tiên làm phim đề tài khoán nông nghiệp. Ở đất Kiến Thụy, Hải Phòng vào những năm 1980, 1981 đã bắt đầu “khoán chui”. Tôi vốn người vùng đồng biển, rất yêu phong cảnh đẹp, hoang dã của vùng gần cửa sông. Nơi đây cũng có bãi cây sú vẹt, giống cây đước Cà Mau, U Minh; rễ của nó đâm dưới đất, giống người dân bám biển, bám đất bùn. Thế rồi, trong khó khăn luôn nảy sinh sự sáng tạo; bởi nhịp sống luôn vận động để đi lên.

Lúc đó, chúng tôi làm phim “khoán chui” vì hiểu biết đời sống những người nông dân sát biển. Không ngờ, phim chiếu lên, đã có ảnh hưởng lớn. Lúc này, phong trào khoán lên cao, được mọi người ủng hộ. Một kỷ niệm rất vui: năm đó, UBND thành phố Hải Phòng ký lệnh “thưởng” cho tổ làm phim tài liệu chúng tôi một con bò, gọi là ăn mừng liên hoan cuối năm.

* Nói riêng về phim tài liệu lịch sử…?

- Ở loại phim này, tôi cho rằng trước hết cần trung thực với các sự kiện lịch sử. Thứ hai, chúng ta có chính kiến với lịch sử và tất nhiên phải hiểu lịch sử không phải bất biến. Nó sẽ được hoàn thiện, càng ngày càng đến gần cái đích thực. Chúng ta phải thực hiện phim lịch sử bằng tấm lòng, bằng trí tuệ; bởi nó chính là động lực để viết tiếp những trang sử mới. Riêng chúng tôi, có thể nói cũng có những thước phim tài liệu lịch sử, làm với tinh thần tự hào.

Lịch sử sống được vì gắn bó với thời đại. Nếu để thời gian trôi qua, nó mất tính kết dính,  rơi vào mai một,  thiệt thòi. Nó không còn cái hấp dẫn của sức sống mạnh mẽ từ bản thân sự kiện lịch sử đối với cá nhân con người.

pic
NSND - đạo diễn Đào Trọng Khánh ở Hải Phòng. Ảnh: Kim Ửng

* Gần đây, người ta chợt gặp lại những câu thơ đầy cảm xúc của Đào Trọng Khánh qua buổi tọa đàm về thơ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh ở Hà Nội...…

- Ngày trước ở Hải Phòng, tôi đã làm thơ với bút danh Đào Nguyễn. Tôi hay đọc thơ của mình tặng bạn bè lúc uống rượu. Đọc rồi, về sau quên rất nhiều. 

Lòng em giàu như một mảnh vườn hoang

Mùa quả chín lũ trẻ nghèo hái trộm

Ai còn nhớ

những cành khô quả rụng...…

Mùa thu vàng

Trong rãnh nước

Lá ba giăng...…

Một số bạn bè đang cố gắng giúp tôi sưu tầm và in lại thành tập thơ. Vui thôi! Tôi chơi thân với Lưu Quang Vũ; có lần cậu đề nghị đến lúc nào đó - chúng tôi nên bỏ nghề sân khấu, nghề phim để trở lại làm thơ. Nhưng mà này, nghiệm ra thơ như người đàn bà đẹp. Mình “bỏ” “người ta” rồi, “người ta” không chấp nhận mình trở lại đâu!

* Thơ Đào Nguyễn giàu cảm xúc, đầy âm hưởng đẹp, nhiều hình ảnh liên tưởng, nhịp điệu hiện đại. Có phải đó cũng là quan niệm về thơ của ông?

- Tôi không nghĩ điều gì xa lạ hơn. Thơ hay là khi đọc lên, ít nhất người ta phải nhớ đến tư tưởng, tứ thơ, nghệ thuật, nhạc điệu của bài thơ. Nhiều người cứ cho thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Quang Dũng… “đồ cổ rồi”; nhưng mà này, cho đến bây giờ, chúng ta làm sao không nhắc đến âm điệu hào hùng trong bài Tây tiến của Quang Dũng; làm sao quên được những câu thơ tình cảm nhân hậu thiết tha Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay của Huy Cận hay những câu thơ giàu hình ảnh và nhạc điệu trữ tình của ông: Nắng chia nửa bãi chiều rồi/ Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu... Bài Tràng giang của Huy Cận thấm đượm hồn thơ phương Đông một cách tinh tế. Cái đẹp trong Lửa thiêng thật đậm đà văn hóa phương Đông lẫn phương Tây…

* Có ngẫu nhiên chăng ông đã chọn ý nghĩa “lửa” khi làm phim Lửa thiêng về Huy Cận và chọn tên Ngọn lửa trong gương về Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh?

- Tôi nhen nhóm ý tưởng làm phim về Huy Cận đã từ lâu. Thế mà, mãi đến năm 2005 mới được làm phim. Còn tiếc lắm, chúng tôi chỉ mới thực hiện được một phần của con đường sự nghiệp thơ Huy Cận!

NSND Đào Trọng Khánh sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Năm 1960, từng làm công nhân Cảng Hải Phòng; sau đó, năm 1965, theo học điện ảnh. Ra trường, trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, ông đã quay được nhiều thước phim tài liệu quý giá. Suốt thời gian dài công tác ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, với vai trò nhà sản xuất, đạo diễn, viết kịch bản, viết lời bình, ông gắn bó thật sâu nặng cùng thể loại phim tài liệu. Năm 2000, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước cụm phim tài liệu: Việt Nam - Hồ Chí Minh; Truyền kỳ sự thật; Hồ Chí Minh - hình ảnh của Người; Hình bóng tổ tiên; 1/50 giây cuộc đời; Vũ nữ Trà Kiệu.

Lửa thiêng mang ý nghĩa lớn về sự sáng tạo của con người, ví như ý nghĩa ngọn lửa văn hóa dân tộc. Ngoài ra, đứng riêng về phương diện triết học, Lửa thiêng chịu ảnh hưởng phần nào màu sắc của triết học phương Tây, triết học phương Đông, triết học Phật giáo về nhân sinh quan, vũ trụ quan. Có thể nói cơ duyên Phật giáo khởi đầu rõ nét từ tác phẩm Kinh cầu tự (1941); sau đó đến bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương.

Lửa thiêng như tiếng nói nội tâm của cội nguồn văn hóa dân tộc và cả tâm linh triết học. Mào đầu phim, chúng tôi đã trích trong tác phẩm của Huy Cận: “...Lửa: đó là kinh cầu tự của toàn Vũ trụ từ buổi sơ khai đến ngày tận thế. Và, những linh hồn rạng lửa, từ ngàn xưa reo rắc trên cuộc đời bao nhiêu mầm sống, bao nhiêu nụ tinh anh!”.

Năm 2010, làm phim về Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, tôi cũng chọn cái tứ thơ cho phim: Ngọn lửa trong gương. Ý nghĩa về lửa lần này: Đối với nghệ thuật, tâm hồn chúng ta là tấm gương phản chiếu. Thực tế, chỉ có của cuộc sống đi qua chúng ta, nghệ thuật đi qua chúng ta và lưu lại, để lại những vệt lửa sáng lung linh ấy trong gương! (Về sau, khi tôi ốm, đạo diễn Nguyễn Thước tiếp tục thực hiện, phim có tên theo suy nghĩ của anh ấy: Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh gửi lại…).

* Không phải là người cầm cọ nhưng được biết ông là người khá gần gũi với một số họa sĩ nổi tiếng: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Văn Cao... Có lẽ, ít nhiều, ông đã ghi nhận được một số suy nghĩ của họ về nghệ thuật?

- Cứ gọi là lạm bàn một chút cho vui! Thực ra, tôi cũng có chút duyên khi nhiều lần được “hầu rượu” cùng các cụ. (Nhắc điều này, tôi cũng rất tiếc khi chưa làm phim tài liệu nghệ thuật về Nguyễn Tuân, về “tứ trụ hội họa”...!) 

Tôi nhớ một lần uống rượu cùng Nguyên Hồng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng. Hôm ấy các cụ say rượu nên bàn về hội họa khá hào hứng. Cụ Phái trông mặt... rất Tây, tay cầm cặp bìa và bút, nói: “Vẽ ư? Cứ vẽ đi như chưa từng biết vẽ. Thì đã làm sao?”. Câu nói nghe vớ vẩn nhưng ngẫm lại là chân lý hội họa: Đó là cái hồn nhiên trong nghệ thuật! Cụ Sáng cũng là đà say, đôi mắt to, u buồn, bộc lộ: “Tôi thì khác. Vẽ tranh chỉ cần vài nhát thôi!”. Đúng là phong cách của ông!

Vui nhất là cụ Nghiêm, người khá nhuần nhuyễn bút pháp dân gian, đạt được sự huyền bí hội họa qua các bức vẽ điệu múa cổ, từ tốn bày tỏ: “...tôi thì đang vẽ tiếp cái gì Picasso bỏ dở…“. Mọi người cười vui. Sau này cụ Nghiêm cũng nói một ý rất hay về hội họa: trong số 12 con giáp, ông vẽ khó nhất là con rồng. Ép mình mãi, không ra được rồng! Cuối cùng, ông vẽ một đám mây. Bấy giờ, hình tượng rồng bỗng vẽ một cách dễ dàng.

Nghiệm ra, phải chăng nó như phương pháp thiền trong hội họa? Anh cứ nhìn đời, vẽ tranh như con mắt của nhi đồng, không phân biệt ranh giới thực và mộng. Sự hồn nhiên sẽ dễ dàng mang đến cho con người cảm xúc sáng tác. Hồn nhiên rất quan trọng trong nghệ thuật; nó có thể đi vào xứ sở của những tâm hồn...…

***

Đạo diễn Đào Trọng Khánh cũng có duyên làm phim về vùng đất U Minh ở Cà Mau, Kiên Giang. Ông kể lại chuyện  về Huỳnh Văn Đởm, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng, như người nông dân đi chân đất yêu rừng, giữ rừng, đau đớn tột cùng, lao vào cứu rừng khi rừng bị cháy... và bị kỷ luật! Và ông đã làm phim về ông Đởm, về khu rừng U Minh cháy ngùn ngụt với cảm xúc tột cùng của Giọt nước mắt rừng U Minh. Cháy rừng, mối hiểm họa của người dân; điều bức thiết nhất là cần kêu gọi trách nhiệm của cộng đồng và chính sách bảo vệ rừng chặt chẽ hơn của các nhà quản lý.

Quan tâm đến văn chương miền Nam, đạo diễn Đào Trọng Khánh nhắc đến “chất Nam Bộ” của Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Hiến Lê, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, hay chính giọng điệu duyên dáng qua một số tác phẩm gần đây của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Tác giả này cũng gây được nhiều cảm tình đối với ông… Cũng nên đọc hồi ký chứ! Đào Trọng Khánh cho biết ông đã đọc nhiều hồi ký của một số tác giả. Bởi từ những trang đời, người ta có thể hình dung được nhiều nhân vật, nghiệm ra nhiều câu chuyện đời.

Vào Sài Gòn, ông bảo thích đi lang thang, thích về Chợ Lớn mua sách cũ, xem tranh quốc họa, mua đồ chơi; thích ra cửa hàng quần áo cũ mua mũ phớt (mặc dù ở nhà đã có hơn chục chiếc!). Vậy đó! Rồi ông tâm sự, rằng ông muốn đi thăm vài người mình kính trọng; thăm những người tốt mình đã mang ơn (lẽ ra mình phải thăm, cảm ơn sớm hơn). Ray rứt lắm! Ông đăm chiêu:

“Nếu sắp xếp lại được cuộc sống, mình sẽ chu đáo hơn. Buồn nhất khi sống trên đời, người ta đã chưa làm được chu đáo nhiều điều!”.

Kim Ửng