Anh ấy trợn mắt, hy vọng họ có kinh nghiệm chuyên chở thường xuyên để tàu không bị lật! Nếu đi máy bay sợ rớt máy bay, đi tàu sợ chìm tàu thì ở nhà cho sướng, nhỉ!!...
Vừa thấy nhân viên soát vé ra hiệu tay, thì một đoàn hành khách đã vội vã chạy bay đến, dồn ứ trước cái cầu lên tàu. Chúng tôi chậm chân đi sau. Lòng tàu thấp hơn bờ cầu tàu đến hai, ba bậc thang, trước mắt tôi là hai hàng ghế hai bên, lối đi ở giữa, buồng máy nằm ở phía sau tàu.
Nhưng đã có hai hành khách khác ngồi trên số ghế của chúng tôi, họ có vé cùng số ghế! Nhân viên xếp chỗ phải chỉ cho chúng tôi trở ra ngồi trên một cái băng ghế gỗ đặt sát sườn thuyền bên phải, chỗ mũi tàu ngay nơi thuyền trưởng lái, ngay nơi cửa lên xuống. Tôi than phiền tình trạng bán dội vé, tàu chở hành khách nhiều hơn số ghế quy định, nhưng chồng tôi lại bảo, ngồi đây thì lát nữa đứng lên quay phim chụp hình được. Đối diện với chúng tôi cũng là ba hành khách ngồi trên băng gỗ bên sườn thuyền trái.
Chưa hết đâu, hành khách còn lục tục lên tàu, dù đã hết ghế ngồi. Hai người hành khách được xếp… ngồi cùng băng lái với thuyền trưởng, vài hành khách đi ra phía sau buồng lái, chắc cũng có băng gỗ cho họ ngồi. Tôi nhìn quanh xem chỗ nào để áo phao, hóa ra dưới mỗi ghế có một áo phao, còn chúng tôi ngồi băng gỗ không có áo phao, nếu tàu lật thì chúng tôi văng ra trước vì ngồi sát cửa! Tôi thở dài, nếu tới số thì ngồi đâu cũng chết.
Chiếc tàu đằm, chở đầy hành khách và hàng hóa, rẽ nước, lướt êm êm. Chúng tôi rời vũng Thuận Yên của Hà Tiên, hôm nay trời trong xanh, không mưa. Thuyền trưởng nhìn tôi bắt chuyện, “Tháng 2 bà già đi biển, chị đi chơi khoảng này là đẹp đó, biển êm”. Tàu có gắn máy định vị, nên tôi tò mò theo dõi đường tàu đi trên máy định vị. Tôi hỏi thuyền trưởng, trước kia thì dùng gì để đi biển?
Anh ta vỗ vào cái la bàn đặt trước mắt nói: Lái theo cái này! Chồng tôi cười chê tôi là ngây thơ, chỉ tay lên trời bảo “ngắm sao!”, định hướng bằng vị trí của những ngôi sao, mặt trăng, mặt trời. Anh ấy chỉ cho tôi thấy bên phải là Campuchia, đằng kia là Hòn Tre… Bọt biển trắng toát bọc quanh hai sườn tàu và tạo thành một cái đuôi sóng dài phía sau...
|
Chiều xuống trên bãi Dương Đông - Phú Quốc |
Xem thế mà thời gian hai tiếng rưỡi ở trên tàu khá ngắn, chốc lát đã thấy hòn đảo Phú Quốc hiện ra trước mắt. Tàu sẽ cặp bến Hàm Ninh, nằm ở cạnh phía trong, hướng vào đất liền của đảo. Ánh sáng làm cho tôi lóa mắt, và đông người chộn rộn, ai cũng hối hả nhanh nhanh xuống tàu, nên tôi còn chưa kịp nhìn cái bến Hàm Ninh ra sao. Hóa ra, bến chỉ là một diện tích bê tông nhỏ xây trên cọc nối liền với đảo bằng một kè bê tông dài, cũng xây trên cọc, dài khoảng hơn 500 mét, nhưng bề ngang chỉ rộng khoảng 2 mét, đủ để cho xe hai bánh đứng song song.
Ba chiếc xe ôm chở vợ chồng tôi và anh hướng dẫn trên kè vào đất đảo. Họ phải là những tay xe ôm kè chuyên nghiệp, vì trên một bề ngang rộng chỉ có thế, mà hai chiều xe ra vào phải lách nhau, khách du lịch lại còn mang cồng kềnh hành lý hai bên sườn. Đoạn kè đi bằng xe ôm khá ngắn, nhưng tôi rất là ấn tượng, vì hai bên kè không có rào cản chi hết, lạc tay lái là rơi xuống biển ngay. Trên bờ, một chiếc xe du lịch đã chờ chúng tôi, anh hướng dẫn cho biết sẽ về khách sạn ở Dương Đông, tức là đi ngang qua đảo để ra phía cạnh hướng về biển khơi, từ Hàm Ninh về Dương Đông khoảng 25km.
Ấn tượng đầu tiên của tôi có bốn màu, màu ánh sáng sáng lóa, màu xanh của trời và nước, màu xanh lục của cây cối và màu đỏ rực của đất đảo. Mùa này ít khách đến, mùa tết thì đông khách hơn. Khách sạn chúng tôi định đến thì hết phòng hướng biển, chỉ còn phòng hướng về phía đường xe chạy, nhân viên nói thế và cũng không mấy chi đậm đà, chỉ nói giá tiền, nhắm bộ tướng chúng tôi không trả nổi tiền phòng 1,4 triệu đồng một đêm, nên không mời xem phòng ngay như những nơi khác mà chúng tôi đã qua.
Nói chung, du lịch Việt Nam bị vướng mắc, không phải vì vấn đề “phần cứng” (nói theo cách nói trong tin học) mà vì vấn đề “phần mềm”, người làm du lịch vẫn còn quá phân biệt đối xử so đo giữa khách nước ngoài, khách Việt kiều và khách nội địa, nhưng phong cách dịch vụ không tương xứng với giá đòi hỏi. Anh hướng dẫn dắt qua một khách sạn khác nằm bên kia con đường, vừa nói, chỉ cách có con đường mà giá giảm hẳn hơn một nửa.
|
Thăm cơ sở cấy ngọc trai Phú Quốc |
Hôm sau, buổi sáng chúng tôi đi thăm trung tâm thị trấn Dương Đông, thăm Dinh Cậu, thăm cơ sở làm nước mắm Phú Quốc, rồi thăm nơi trồng tiêu, và một sự bắt buộc, đi thăm cơ sở nuôi cấy ngọc trai. Ấy, quà Phú Quốc sẽ vừa nhẹ, những món nữ trang làm bằng ngọc trai nuôi nhiều màu sắc óng ả, sang trọng, hay vừa nặng như nước mắm, cá khô, muối tiêu, rượu sim, mật ong rừng…
Tôi đứng lựa ngọc trai, còn chồng tôi thì đứng ngắm cả đoàn những cô gái bán nữ trang ngọc trai, toàn là những người đẹp Phú Quốc cả, bởi thế, khách nào vào đây là cũng mua ít nhất một món nữ trang. Trong cơ sở làm nước mắm, nhìn những cái thùng đựng nước mắm to như cái nhà, ai rớt vào đấy cũng thành mắm, cũng gây ấn tượng thích thú như cảnh đi xem những người thợ ngồi im lặng cấy ngọc trai dưới ánh sáng vừa đủ của một ngọn đèn nê ông trong một trang trại sát bờ biển.
Phú Quốc kể lại dấu chân chúa Nguyễn Phúc Ánh trong thời gian lưu lạc ở vùng biển cực Nam qua các di tích Giếng Ngự, Ngai Vua. Du khách có thể thuê ca nô đi dạo mũi Ông Đội, quần đảo An Thới, gồm nhiều đảo nhỏ như Hòn Rỏi, Hòn Thơm…, câu cá, câu mực hay đi dạo rừng, hay nằm dài nướng mặt trời trên bãi biển, hay thuê xe đi chơi từ Bãi Thơm phía Bắc xuống tận An Thới phía Nam… Nếu ở chơi một tuần vẫn thoải mái, không chán, nhưng nên tính mức giá khá cao của chuyến du lịch, từ giá phòng, giá xe du lịch, giá ăn uống… đều cao hơn hẳn so với những địa điểm du lịch khác ở Việt Nam.
Nhưng hình ảnh Phú Quốc ghi dấu ấn trong chúng tôi là nhà tù Phú Quốc. Một khu vực nhà tù đang được hoàn tất theo mẫu cũ, chưa xong, nhưng khu triển lãm nhà tù Phú Quốc đã làm cho ai đặt chân vào đây cũng giật mình, khi mường tượng trước mắt, những cái giá bằng xương, bằng thịt, bằng máu người đã phải trả cho mảnh đất Việt Nam.
Cái nắng, nóng gay gắt chói rọi trên đầu càng tăng thêm cái khổ. Nhà tù Phú Quốc xưa kia rất là rộng lớn, hơn 400ha, nằm trong phạm vi xã Dương Tơ, An Thới ở phía Nam đảo Phú Quốc, chứa đựng gần 40.000 tù nhân, mà hiện nay cũng chưa có con số hy sinh thật sự. Sau Hiệp định Paris 1973, trại tù Phú Quốc – còn có tên là nhà lao Cây Dừa, được lập từ năm 1967, gồm 4 phân khu với hơn 400 nhà giam bằng kèo sắt, vách tôn, nóc tôn – bị giải tán, nhà tù bị phá hủy hầu có thể quên đi một vết thương rất lớn.
Các hình tượng hiện nay diễn tả lại những cảnh tra tấn (nhục hình) khi xưa có đủ sức mạnh làm cho khách tham quan phải lạnh xương sống vì không thể ngờ rằng, con người với nhau, nhất là cùng người Việt với người Việt lại có thể tàn nhẫn với nhau đến thế. Chúa ở đâu? Phật ở đâu? Tại sao niềm tin vào những điều tốt đẹp không làm giảm bớt sự thù hằn, sự chia rẽ, nồi da xáo thịt?
Suốt thời gian loanh quanh trong khu vực triển lãm, chúng tôi chỉ có một điều mong ước là con người sẽ sáng suốt hơn, học và hiểu những trải nghiệm đau thương tột cùng của quá khứ, để những điều ấy không bị lặp lại, và tất cả mọi người, tất cả các “bên” sẽ thực hiện điều tốt lành, hòa hợp hòa giải. Tôi đã thăm nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, nhưng nhà tù Phú Quốc đã làm cho tôi thấy trời xanh biển xanh ở đây không còn là thiên đường nữa.
|
Nhà tù Phú Quốc đang được xây dựng lại làm điểm tham quan cho du khách |
Hôm sau, nằm dài trên Bãi Sao, rất đẹp, cát mịn trắng xóa, nước biển xanh ngọc ấm áp, trời xanh thẳm không một gợn mây, tôi bứt rứt vì biết rằng ngày mai tôi sẽ bay từ phong cảnh thiên đàng hạ giới này trở về đất liền, chuyến bay chỉ có 30 phút đồng hồ, nhưng những người tù khi xưa, họ đã phải làm những gì để thoát ra cái địa ngục trong cái thiên đàng này?
Chúng tôi sẽ trở lại thăm Phú Quốc khi có thể, vì Phú Quốc cho thấy bất cứ ở nơi đâu, thiên đàng đều có thể nhanh chóng trở thành địa ngục, vì con người “muốn” nó như thế. Đó là một bài học lịch sử rất có ích. Chuỗi ngọc trai tôi đeo sẽ nhắc nhở cái đẹp và cái đau thương, nhắc nhở quá khứ đã qua, cái nhìn hướng về tương lai và hy vọng…