Nude là nghệ thuật, đích thị nude phải là cái đẹp, cái đẹp của nghệ thuật và cái đẹp này phải phản ánh chân lý (ở đây là chân lý nghệ thuật) như lời triết gia Hy Lạp Plato (427-347 trước CN) và thi sĩ người Anh lãng mạn John Keats (1795-1821) quan niệm. Nude không thể tách khỏi biểu hiện cảm xúc thực thụ của người nghệ sĩ.
Nghệ sĩ sáng tạo nude, trong bản thân đã nhồi nặn những giá trị của chân lý nghệ thuật, một chân lý mang tính cảm xúc, nhưng lại là cảm xúc có nền tảng văn hóa, tầng độ của sự duy mỹ. Theo chúng tôi, nghệ thuật phải bám theo chân lý của đời sống mà cao hơn nữa là chân lý thâm cùng của vũ trụ. Khi chúng ta “phẫu thuật” một bản thể, nếu công việc ấy phục vụ những giá trị cao cả của nghệ thuật hay tính ứng dụng đời sống thì đó là điều đáng hoan nghênh, cổ vũ.
Nhiều họa sĩ, điêu khắc gia thời Phục hưng thường hứng chí với những cuộc phẫu thuật, tìm tòi trước xác chết để cảm thụ chân thật đường nét sống động của hình khối cơ thể. Đó là sự dấn thân nghệ thuật, vị nghệ thuật thực sự, không nằm ngoài động cơ nào khác như ý niệm của một người bác sĩ giải phẫu.
Bởi vậy, chân lý nghệ thuật và chân lý đời sống có tính thống nhất với nhau nhưng chưa hẳn là đồng nhất. Có con người thì có đời sống, có đời sống tất cần phải có nghệ thuật. Nghệ thuật và đời sống, chúng bao gồm lẫn nhau. Nghệ thuật trong đời sống là trừu tượng. Còn đời sống trong nghệ thuật không phải lúc nào cũng là hiện thực.
Nhưng nghệ thuật suy cho cùng không thể tách khỏi được chân lý duy tôn độc nhất: Chân - Thiện - Mỹ. Ba đặc tính ấy là nền tảng của nghệ thuật chân chính, nghệ thuật của con người, nghệ thuật nhân sinh và bám theo chân lý đời sống. Nếu làm trái lệch hoặc từ bỏ nhận thức nói trên, nghệ thuật khi đó là ngụy nghệ thuật, phản nghệ thuật.
Chúng tôi nhận thấy, quan điểm thẩm mỹ của một số nghệ sĩ chúng ta, nhất là những nghệ sĩ theo đuổi đề tài nude, nằm trong phạm trù cái Đẹp nguyên sơ như chính nó tồn tại. Cái đẹp là cái gì đó không có bất kỳ một chức năng nào khác ngoài chức năng làm cái đẹp. Đó là cái đẹp thuần túy, cái đẹp chỉ phục vụ cái đẹp. Khi đó một vật thể sẽ trở thành thuần túy là một vật thể, hiện ra hoàn toàn chỉ vì nó đẹp chứ không vì bất cứ công dụng nào khác. Sự thuần túy của ý niệm kể trên nếu viện dẫn từ nude - chỉ đẹp thôi, không gì cả ngoài nó, trong xã hội đương đại này liệu rằng có phải là một bông hoa vô nhiễm.
Nude đã thực sự tôn vinh cái đẹp của tạo hóa ban cho con người và đưa vẻ đẹp ấy giới thiệu trước đại chúng. Nude đã đồng tình và cổ súy cho nghệ thuật sự phô diễn, phần nào đó là tính ích kỷ, về cái đẹp, biểu hiện mang tính hình thức của thực tại. Với hình hài ý niệm ấy, nghệ sĩ hòa mình vào dung môi chiêm bái cái đẹp vĩnh hằng, cái đẹp mê đắm, cái đẹp nằm ngoài đời sống trần tục. Từ đó, sự tưởng tượng mặc sức tung tẩy, liên tục sáng tạo với đối tượng duy nhất là bản thể của cái đẹp. Nghệ thuật khi ấy đã đi ra ngoài sự lục lọi của lý trí, thậm chí là cả đạo đức.
|
Tranh nude của họa sĩ Lưu Công Nhân |
Đặt nude trong cái nhìn của những người theo quan điểm nội suy, rằng tiêu chuẩn của nghệ thuật nằm trong tính trực cảm của nó, rằng hành động sáng tạo phải có chủ đích và chủ tâm tạo ra nghệ thuật. Một bức vẽ, một bức tượng, một bức ảnh… được cảm nhận ngay từ cái nhìn của mắt, đập vào đó hình tượng được khắc họa bằng ý tưởng có chủ đích, chủ tâm của nghệ sĩ. Sự trực cảm đồng nghĩa với tức thời, rõ ràng và lời nhận định “nằm thẳng” đường với hành động quan sát. Nude trực cảm nên gần như song hành với nhạy cảm. Người xem sẽ phải học cách làm sao nhận ra được tính trực cảm, để thấy được giá trị nghệ thuật đích thực ngoài sự phô diễn những đường nét mỹ miều của cơ thể.
Do đó, nude phải được nghệ sĩ sáng tạo bằng sự diễn đạt theo một cách đặc biệt nhằm tạo ra nghệ thuật. Nếu nude chỉ phục vụ cho mục đích ngắm nhìn, mãn nhãn một ý niệm (bức xúc), đòi hỏi nào đó của đời sống với dung mạo trần tục, khi đó nó không còn là nude nữa, nó đã đi ngược lại sự sáng tạo nghệ thuật.
Nude trong hội họa và điêu khắc diễn đạt ý tưởng nghệ thuật bằng một lối đi khác. Cùng một biểu hiện của hình thức, nhưng chất liệu đã làm thay đổi cảm nhận trước giác quan của con người. Tranh nude qua sự diễn đạt của chất liệu họa phẩm, màu sắc và đường nét… dường như giấu đi bao điều bí ẩn sau những đường cong. Nét cọ đã phủ lên đó một lớp vỏ vật chất tránh được sự xâm nhập của dung tục thường tình.
Một bức tượng nude rõ ràng về hình khối, rõ ràng về đường nét… nhưng đó là đá, là sáp, là gỗ… vô tri, không thể là con người bằng xương thịt được. Sự trực cảm khi ấy đồng hành cùng cái đẹp trừu tượng không bị khuất lấp và ngăn chặn được sự lệch lạc vô vị.
Nhiếp ảnh lại lột tả hiện thực bằng lối biểu hiện khác hẳn kể từ đầu thế kỷ XIX khi nó chính thức ra đời. Việc phát minh ra máy chụp hình đã dẫn đến một cuộc cách mạng tạo dựng hiện thực mà kỹ thuật hội họa Phục hưng hơn 400 năm trước đó hằng mơ tưởng. Vật chất đã được mô tả đúng như nó thực sự tồn tại, khiến người xem có thể nắm bắt, cảm thụ tức thời sau một lần nhấp nháy mắt.
Nhiếp ảnh đã làm đổi mới đời sống nghệ thuật bởi sự trực quan và rõ ràng của nó. Nhiếp ảnh sử dụng một phương tiện kỹ thuật cao (máy ảnh) để biểu đạt ý tưởng qua sự tiếp xúc trực tiếp với đối tượng theo sự mô phỏng y như thật. Chính điều này dẫn đến sự khác biệt giữa nude nhiếp ảnh và các nghệ thuật tạo hình cổ điển khác.
Người nghệ sĩ nhiếp ảnh và người thưởng thức một tác phẩm nude như đang đi trên lưỡi dao luôn gần gũi với trơn trượt. Chỉ lệch một tí về khuôn vàng tạo hình, nude của nghệ sĩ trở thành bức ảnh khiêu dâm và nude của người thưởng thức trở thành sự mãn nhãn tầm thường. Ai có thể chắc chắn rằng một tác phẩm nhiếp ảnh nude triệt tiêu tất thảy yếu tố nhục cảm trong nó.
Nếu thưởng thức một tác phẩm mà chỉ hấp thụ giá trị của bản năng thì nghệ thuật khi ấy đã rời xa sự giáo dục và gần gũi hơn với những “tràng vỗ tay” cho sự rộng mở việc phá các lề chuẩn về văn hóa, rằng liệu nó có thích hợp với sự thưởng thức nghệ thuật của người Việt đại chúng không hay chỉ là sự quay mặt vì xấu hổ, hoặc giả là khơi sự tò mò ở một số người. Hiệu ứng đầu tiên là nghệ thuật nude và sau đó là gì? Chúng ta có dám bảo đảm tất cả những hệ lụy về nhận thức của đám đông trước những ý tưởng công khai như nude sau này không?
|
Hương thơm, một bức tranh nude của Trung Quốc |
Danh họa Michelangelo đã từng nói rằng: “Làn da con người còn đẹp hơn tất cả những thứ vải vóc được mặc”. Đó là câu nói của nghệ thuật tạo hình thời Phục hưng với những lý lẽ mặc nhiên của cái đẹp. Nhưng những nhà tự nhiên chủ nghĩa đã mượn dẫn danh ngôn của Michelangelo thành một phương châm hoạt động của mình, sẵn sàng phô bày tất cả những gì bên trong lớp vải vóc của con người.
Điều đó không hoàn toàn xấu, nhưng vô hình trung nó đã kích thích những “bản năng Con” luôn tồn tại và sẵn sàng ngấu nghiến lớp phẩm cách và đạo đức vốn phòng bị rất lơi lả của chúng ta. Mọi sự đã rõ ràng rồi và việc làm của anh là hãy hưởng thụ nó đi, công khai, minh bạch, bình thường trong muôn cái bình thường mà chủ nghĩa tự nhiên đã dung mở một cách lầm lạc cho chúng ta.
Ban đầu là một vỏ bọc mảnh mai, sương khói rồi lần lần cởi bỏ, nguyên sơ rồi trần trụi, một lát cắt chững lại thời gian của ảnh rồi đến một thước phim… Khoảng cách không là bao xa. Chỉ trong hơn một thế kỷ, con người đã đi xa và nhanh trong sự khám phá về bản thể, nhưng cũng đã đi quá cái hạn định của tiền nhân về cảm nhận và hưởng thụ cái gọi là mỹ cảm (lẫn lộn với khoái cảm). Đừng cuồng tin vào một làn sóng khi chưa dám chắc nó đem màu mỡ đến bồi đắp hay cuốn trôi đi lớp nhân bản mong manh trong cơn hấp hối văn minh cuối cùng.
Có thể hiểu nhiếp ảnh nude như cách Ernest Lacan, một nhà báo Pháp, rằng: “…giống như một tình nhân - người luôn được yêu thương nhưng phải che giấu, người mà mình luôn nói với niềm hân hoan, nhưng lại không muốn ai đề cập”. Có lẽ đó là cách hay nhất để một người nghệ sĩ đích thực và tác phẩm nude đích thực tồn tại như chính mẫu số chung chân lý hiếm hoi của nghệ thuật và đời sống đồng nhất trong “hữu xạ tự nhiên hương”.
Chúng tôi đánh giá cao tài năng và sức sáng tạo của nhiều nghệ sĩ nude, đặc biệt là những nghệ sĩ nhiếp ảnh. Họ là những người tiên phong, đã tạo những dấu ấn nude mang đậm phong cách Việt tĩnh và thơ. Người yêu nghệ thuật nude sẽ công nhận và sẽ tìm kiếm sự thưởng thức những tác phẩm của họ trong tâm thái chuẩn bị về nhận thức và mỹ cảm nghệ thuật như nhiếp ảnh gia Thái Phiên quan niệm: “Đến với nghệ thuật nhiếp ảnh khỏa thân cần phải có Tâm Hồn. Tâm phải Tĩnh và Hồn phải Mỹ”.