Đảo chìm

Đã hơn một lần, Trần Đăng Khoa nhắc tôi đọc Đảo chìm. Nhưng rồi bận việc này việc khác, tôi quên khuấy. Vả lại, đã đọc thơ, đọc Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa rồi. Đến hôm nay, mở ra đọc thì đúng là “danh bất hư truyền” – các vị nhà văn bạn bè khen cuốn này cũng đúng. Chuyện viết văn, cần chất liệu, cần diễn đạt độc đáo, không giống ai, cần giọng điệu riêng, cần ngắn gọn mà hấp dẫn… những cái ấy Khoa đều có đủ… Tập truyện gọi là tiểu thuyết “mini”, chuyện ở đảo và chuyện ở làng, cả hai đều thú vị… Xin trích lại để bạn đọc thưởng thức (nếu chưa thưởng thức, còn nếu đã đọc rồi, xin đọc lại cũng còn thú vị) một vài truyện.

Tiếc là lâu nay, Trần Đăng Khoa không viết được gì nhiều. Anh bận sự vụ ở Đài. Chắc là cũng bận cả chuyện vợ con… Và sức khỏe. Một cây bút, một tài năng hiếm hoi, lẽ ra còn có thể cống hiến nhiều nữa cho đời.

Nhưng như lời của chiến sĩ Trường Sa nói với Khoa: “Này, mà giá như ông anh ngỏm béng luôn ở đảo chìm này có khi lại hay đấy nhé. Biết đâu có người lại thấy tiếc ông anh, lại nói ông anh là một tài năng đang phát triển rực rỡ. Còn ông anh sống ý à... em nói thật, đại ca đừng tự ái nhé, ông anh cũng nhem nhuốc lắm, hoàn cảnh lắm, chẳng hơn đếch gì lính nhọ đít chúng em...” (tr. 84 - Đảo chìm). Có thể xem đó là lời tự trào của Khoa.

Sự đời thế đấy! Chỉ hơn nhau được cái danh… hão thôi. Đỗ Phủ mà còn thốt lên: “Cần chi tiếng hão bận cho đời!”. Trần Đăng Khoa là “ngọn bút lớn” trong làng văn, một ngọn “cô phong” nhưng cũng “hoàn cảnh” lắm!

Nhân đây chúng tôi cũng in kèm theo một số ý kiến bạn đọc trên trang web của nhà văn Xuân Đức, những ý kiến rất sâu sắc, để ta cùng thưởng ngoạn.

Dù sao, hãy viết đi, Khoa ơi!

M.Q.L

Vị tướng già và chàng lính trẻ

Gọi tiểu thuyết, nhưng đây lại là truyện thật mà tôi không hề hư cấu, bịa đặt. Chuyện xảy ra ở Đảo Chìm. Nhưng trước khi đến xứ Đảo Chìm, tôi muốn mời bạn đọc ghé qua một hòn đảo nổi. Lính Đảo Chìm gọi là Thủ đô Trường Sa. Thủ đô Trường Sa là một hòn đảo rất bé. Nó bé tới mức, người đời khó mà tưởng tượng được. Đến nỗi, một nhà thơ đã phải thốt lên: “Đảo nhỏ quá, nói một câu là hết(*).

Minh họa: Đinh Dũng.

Tôi đã tới cái hòn đảo “Nói một chữ là hết” ấy. Nó chỉ là một vũng cát lờ phờ, to chừng một cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ để dựng một cái lều bạt dã chiến. Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương cũng đã đến đây, đã ngủ một đêm trên hòn đảo này trong một chuyến đi tuần biển.

- Vất vả không, các cậu? - Tư lệnh hỏi một cậu lính trẻ, tóc đỏ quạch như tôm luộc, da đen cháy, người chắc nịch như một thỏi sắt đã tôi qua lửa. Cậu lính trẻ cười khì khì:

- Báo cáo bố, cũng tàm tạm thôi ạ!

- Ở đây thì mọi thứ đều thiếu thốn rồi. - Giọng Tư lệnh bùi ngùi – Nhưng cái gì cần nhất, cấp thiết nhất, các cậu cứ nói thẳng với mình. Bộ tư lệnh sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ các cậu.

- Thế bố cho con được nói thật nhé!

- Ừ, thì phải nói thật chứ! - Tư lệnh mỉm cười. - Chả lẽ tớ già thế này, còn lặn lội vượt sóng gió ra đây với các cậu, để rồi rốt cuộc, lại nghe các cậu nói dối à?

- Nhưng bố không được phê phán con lãng mạn cơ...

- Cái thằng! Tao còn lãng mạn hơn mày ấy!

Anh lính trẻ nhìn mái đầu bạc trắng của Tư lệnh, cười hồn nhiên:

- Thế thì, con đề nghị bố thế này nhé! Bận sau, nếu bố ra đảo, bố chịu khó giắt lưng cho chúng con vài cô gái...

Anh lính trẻ bỗng bối rối trước cái nhìn ngỡ ngàng của Tư lệnh. “Thì con đã vòi bố trước rồi, là bố phải tha thứ cho con, không được phê phán con lãng mạn”.

- Chúng mày muốn nghe hát hả? Muốn xem văn công hả?

- Không, không! - Anh lính bỗng luống cuống. - Con đâu dám có voi đòi tiên! Văn công xem ra xa vời quá! Chúng con chỉ muốn bố mang ra đây vài cô nuôi quân thôi! Các cô ấy chẳng phải hát hò gì. Chỉ mặc tấm áo phin trắng, cái quần lụa đen, đi phơ phất trên đảo, để chúng con ngắm, chúng con “chỉnh” mắt. Chứ mắt mũi chúng con, bố thấy đấy, sang vành hết cả rồi!...

Tư lệnh cười ha hả. Anh lính trẻ cũng cười. Chưa bao giờ tôi được nghe cuộc đối thoại kỳ lạ như thế. Sau đó, quả như niềm ao ước của anh lính trẻ, các cô gái lần lượt ra thăm đảo. Không phải cánh nuôi quân mà các cô văn công mặt hoa da phấn hẳn hoi. Trông cô nào cũng đẹp, cũng thơm phức và lộng lẫy như những nàng tiên cá. Các cô múa hát và khâu vá cho chiến sĩ. Nhiều anh áo quần còn mới nguyên, cũng bí mật xé ra, rồi nhờ các cô vá. Thế là từ đấy, lần nào Tư lệnh ra đảo, các chiến sĩ cũng được dự những bữa tiệc mắt linh đình. Nhưng đó là chuyện sau này, còn chiều ấy, ngồi bên Tư lệnh trên mặt cát nóng bỏng như rang, mặc dù mặt trời đã lặn xuống biển lâu rồi, anh lính trẻ quê xứ Nghệ thực sự coi Tư lệnh như một người đồng đội thân thiết. Anh lắc lắc đầu gối Tư lệnh:

- Bố thấy vuơng quốc của chúng con thế nào?

Tư lệnh đưa mắt nhìn suốt rẻo cát trống trơn, rồi lại nhìn cái lều bạt dã chiến cứ hộc lên trong gió tựa hồ một con ngựa bất kham, đang lồng lộn như muốn rứt tung mấy sợi xích sắt căng ghì xuống đảo mà phóng đi cùng bầy gió hoang dã.

- Đẹp, nền nếp. Đúng quân phong quân kỷ. Ở đây mà giữ được như thế này là tốt lắm rồi. - Giọng Tư lệnh bỗng bùi ngùi. - Tất nhiên là vất vả! Chúng mày rất vất vả! Tao biết! Nhưng khổ nỗi đây lại là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa của ông cha, thì dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này, ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một ly không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu...

- Vâng, con hiểu! Con hiểu, bố ạ!

Tư lệnh ôm lấy đôi vai trần cháy khét nắng gió của người lính trẻ xứ Nghệ. Đôi mắt ông bỗng cay xè, ầng ậng nước. Anh lính trẻ cũng nắm chặt bàn tay xù xì thô ráp của Tư lệnh:

- Bố đừng lo! Chúng con ở đây quen rồi! Khổ mấy chúng con cũng chịu được! Nhưng đúng như bố nói đấy. Rất vất vả, cực nhọc. Nhiều lúc mệt quá, con liều nghĩ, hay là ta cứ tạm giấu quách đảo đi!

Tư lệnh ngạc nhiên:

- Giấu đảo à? Mày nói gì lạ thế? Giấu thế nào?

Anh lính trẻ vui vẻ:

- Bố cứ cho con mượn tạm cái xẻng. Chỉ ba tiếng là con giấu xong đảo thôi! Mà không đến ba tiếng đâu. Chỉ tiếng rưỡi đồng hồ là con xúc xong chỗ cát này cho xuống biển, đố kẻ thù nào nhìn thấy đảo, có muốn cướp đảo cũng chịu!

Tư lệnh cười vang, cười đến giàn giụa nước mắt. Rồi ông lóp nhóp đánh xuồng về tàu. Con tàu bấy giờ đang bập bềnh buông neo ngay bên ngoài mép san hô. Và thật bất ngờ, lát sau, ông trở lại với chiếc xẻng còn mới coóng.

- Đây! Xẻng đây! Không phải mượn đâu. Tớ tặng luôn cậu đấy để cậu giấu đảo!

Cứ tưởng anh lính trẻ sẽ lắc đầu quầy quậy. Nào ngờ anh vồ vập đón chiếc xẻng từ tay Tư lệnh. Và sáng sớm hôm sau, khi Tư lệnh đánh xuồng trở lại đảo thì thấy anh chàng đang cởi trần, sì sụp lặn ngụp cùng với chiếc xẻng của Tư lệnh. Nhưng anh không xúc cát đổ xuống biển, mà lấy cán xẻng khẽ bẩy từng tảng đá san hô chìm sâu dưới mấy mét nước, rồi lụi cụi khuân lên, đắp quanh chân đảo, giữ cho cát khỏi bay.

- Mày làm cái gì thế mày? Giấu đảo à?

- Dạ, báo cáo bố, con mở mang bờ cõi ạ! - Anh lính cười khục khục, gương mặt nhấp nhóa nước. - Mà, mà, đúng ra, đúng ra con chỉ “buông neo” cho Tổ quốc khỏi bị trôi dạt thôi!


(*) Thơ Hữu Thỉnh

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm huyên đảo Trường Sa.

----o0o----

Nhà thơ của đảo

Nhàn cư vi bất thiện. Người xưa nói thế. Mà người xưa đã nói là cấm có sai bao giờ! Chính trị viên Thuận cũng có tầm nhìn và cách nghĩ sâu rộng chẳng thua kém người xưa. Chính anh cũng thấy ngại cái nhàn cư của lính, nhất là trong cái giang sơn Tổ quốc chỉ vỏn vẹn có mấy mét vuông lều này. Thế là anh nghĩ ra một việc để lính lúc nào cũng có cái mà bận rộn. Ấy là làm báo tường. Cứ ba ngày một tờ báo. Lính chẳng sợ gì. Sóng gió. Cá mập. Bão biển. Rồi cả những âm mưu thôn tính của kẻ thù. Chấp tất! Chơi tất! Không có ngán đâu nhé! Lính chỉ sợ làm thơ thôi. Đối với cánh lính đảo đấy mới thật là một việc hãi hùng. Nhưng thói thường, giời đã sinh voi thì giời tất sẽ sinh cỏ!

Thì đấy, tự dưng ở hòn đảo này, lại nảy sinh một gã thi sĩ. Đó là Hai. Trần Văn Hai, một anh chàng bơi lặn như rái cá. Quê cu cậu nghe đâu ở cầu tõm Hà Nam, cái vùng quê quanh năm lụt lội. Cánh lính đồn rằng, Hai đẻ rơi dưới nước, nên cậu ta biết bơi trước khi biết bò. Chẳng biết hư thực thế nào. Chỉ thấy suốt ngày, Hai lặn ngụp bì bọp trong nước, dường như không ngâm nước không chịu được. Bởi thế, quanh năm, cậu ta cứ thông thênh như thể bà mụ vừa mới nặn. Tên cúng cơm là Hai. Ra đảo, cánh lính nối thêm cái đuôi thành thằng Hai Ùm. Ở đây, ai tắm, nhảy xuống đảo cũng chỉ ùm một cái gọn nhẹ. Cậu ta lại làm luôn hai phát ùm ùm. Có điều, cái ùm sau lại to hơn cái ùm trước. Hãi thế!

Ấy là nói cái thời cậu ta vẫn còn hàn vi kia. Nghĩa là dạo còn chưa phát tiết thơ phú. Chứ bây giờ, nhờ có thơ, Hai phất lên thành chúa đảo rồi. Suốt ngày, cậu ngự trong cung cấm, là cái lều bạt bồng lai tiên cảnh này. Mọi việc tắm rửa đã có lính hầu hạ, việc chi phải nhảy ùm xuống đảo tắm như lũ trẻ trâu.

Số là, ba ngày phải có một tờ báo tường. Đấy là chiếu chỉ của chính trị viên Thuận. Nghĩa là cứ ba ngày, phải có chục bài thơ dán kín quanh cái thùng phuy neo ở cột lều. Mà thơ phú lại là công việc của tài năng. Mà tài thơ thì ở đây, giời lại chỉ dồn cho chàng Hai Ùm. Hai có thể xuất khẩu thành chương, đọc vanh vách ra vần ra điệu. Hai có đến hàng trăm bài thơ lâm li về cái hòn đảo chẳng có gì này. Nói như Tư Xồm, anh chàng quản lý nước ngọt kiêm nhà bình luận thơ phú thì bài nào cũng tuyệt tác, nghe hay đến chảy nước tai.

hinh Chiến sĩ trực chiến trên đảo Đá Đông B - quần đảo Trường Sa.

Cũng vì có tài thơ như thế, nên thần dân của đảo cứ phải đến khấu đầu trước Hai, xin ngài Hai Ùm nhón tay làm phúc, ban cho một bài thơ để dán lên báo tường. Tất nhiên đi xin chữ là phải có lễ. Khi tàu ra, nhu yếu phẩm tràn ngập lãnh thổ, tha hồ ấm chân răng, để nhận một bài thơ, người đi cầu chữ quý phải cúng cho Hai Ùm một bao thuốc đầu lọc. Khi của nả cạn dần, thời tiết có cơ thất bát thì cũng phải một điếu thuốc một bài thơ. Tất nhiên Hai Ùm chẳng ăn riêng cái gì bao giờ. Cậu ta đưa hết của nả, châu ngọc vào kho, là cái ba lô bạc phếch gió biển, treo bùng biêng trên nóc lều. Thi thoảng Hai lại ban lộc cho dân chúng. Thì thế mới là vua chúa chứ! Ấy, cũng nhờ có ông vua Hai Ùm mà châu báu, ngọc ngà luôn được điều tiết, không bị rơi vào thảm cảnh: Lúc no xôi chán chè, lúc mồm miệng trống huếch trống hoác như hang ếch mùa hạn. Tuy vậy ăn chơi vẫn phải tốn kém. Chỉ khổ cho những cậu đến xin chữ mà trong tay lại trắng lốc, chẳng có gì. Nhưng được cái, mấy cha đó cũng láu. Không ít cha còn vác cả chị gái, em gái ra để cầm cố cho Hai.

- Thật, tớ thề là em gái tớ xinh lắm. Tớ sẽ bảo nó thư cho cậu. Nhất định lần sau tàu ra, cậu sẽ có thư nó. Bao nhiêu vệ tinh vo ve quanh nó, tớ sẽ cho đi tàu ngầm hết. Nó là á hậu thanh lịch ở huyện tớ đấy!

Hai chỉ ụ ị cười. Con mắt đỏ kè như mắt thạch sùng liếc chéo cái hàm răng vẩu của Tư Xồm đang dẩu ra quảng cáo nhan sắc cô em ruột á hậu.

- Không! Không! - Tư Xồm vội đưa một tay che miệng, còn tay kia xua rối rít như đuổi ruồi. - Em gái tớ không giống tớ! Tớ thề là nó không hề giống tớ một tí tẹo nào!

Nhưng ai mà tin được những nhan sắc mơ hồ lại còn xa khuất mấy tầng mây nước ấy. Thế là a lê... hấp! Không có của nả thì lấy mồ hôi, lấy sức lực cơ bắp ra mà đổi lấy vẻ đẹp tinh thần. Cánh lính trẻ lễ mễ, bì bọp lội xuống đảo, xách nước lên tắm cho Hai. Hai cứ việc nằm chềnh ềnh trên sàn lều, thậm chí cậu ta còn thượng cả cái thân hình kềnh càng như một con vích lên tận đỉnh giời, là cái tầng giường cao nhất, cho lính giội nước, kỳ cọ. Có tài sướng thế chứ! Lính cứ thi nhau thở phì phò như kéo bễ. Còn Hai thì vừa nghểnh đầu, ghểnh hết cả tứ chi của cái ngọc thể cho lính lau khô, vừa càm ràm cứ như bị oan ức lắm:

Chiến sĩ trực chiến trên đảo Đá Đông B - quần đảo Trường Sa.

- Khổ! Thơ phú bây giờ rẻ rúng thế đấy! Ới cụ Tản Đà ơi là cụ Tản Đà! Chẳng phải ngày xưa chỉ có cụ khổ đâu! Nhà thơ chúng con bây giờ cũng hoàn cảnh lắm! Văn chương hạ giới đúng là rẻ như bèo...

----o0o----

Biển mặn

- Ơ, anh ấy đã tỉnh rồi kìa!

- Tỉnh rồi! May quá! Chút nữa lại mang tiếng đảo chìm giết chết một thi sĩ tài năng đang hứa hẹn! - Tư Xồm cười dủm dỉm. - Huy này, mày xem vết thương anh ấy có nguy hiểm không?

- Không sao. Bố ấy chỉ bị choáng khi va đập mạnh. Còn xa ruột lắm!

- Bây giờ thì ông anh có muốn chết cũng đếch chết được. - Tư Xồm lại cười. - Này, mà giá như ông anh ngỏm béng luôn ở đảo chìm này có khi lại hay đấy nhé. Biết đâu có người lại thấy tiếc ông anh, lại nói ông anh là một tài năng đang phát triển rực rỡ. Còn ông anh sống ý à... em nói thật, đại ca đừng tự ái nhé, ông anh cũng nhem nhuốc lắm, hoàn cảnh lắm, chẳng hơn đếch gì lính nhọ đít chúng em...

Tôi chống tay vào sàn tàu, ngồi dậy. Đầu óc cứ ong ong, váng vất. Bụng vẫn cồn cào, thoáng đặc, thoáng rỗng. May mà con tàu không bị vỡ. Có lẽ chiều qua nó lao vào một vách sóng nào đó chăng.

- Hai đâu? - Tôi hỏi.

- Tàu đang đi tìm nó mà! Đang về đảo chìm đấy.

- Thế hôm qua đi những đâu?

- Xa. Tàu tránh bão thì cứ phải gối sóng, chạy ngoắt ngoéo chữ chi. Chạy xa lắm, cách đảo hàng trăm dặm biển.

- Hai ơi! - Tôi thoáng kêu lên.

- Không sao đâu, anh Khoa ạ! Có lẽ nó về lều bạt rồi. Bố Thuận bảo, nếu nó tới được lều, cột chặt mình vào cọc lều thì may ra có thể thoát!

- Nhưng đã chắc gì nó vào được lều bạt?

- Thì chính anh bảo chiều qua nó đánh xuồng vào lều bạt mà...

- Không! Nó trở lại lều để cứu đồ đạc của thằng Thiêm. Ừ, mà tại sao chiều qua mình lại không kiên quyết giữ nó lại...

- Không sao đâu anh Khoa ạ. Thằng này như quỷ biển. Nó bơi bợm lắm. Giả sử chiều qua, cu cậu không vào được lều, thì cứ ôm chặt cái xuồng cao su, quấn người vào dây xuồng là cũng không thể chết được. Chúng ta sẽ tìm thấy nó...

Tôi gượng leo lên boong. Mặt biển bạc phếch. Những đám mây bị chẻ tướp đuôi ngựa, bay vun vút như khói. Áp thấp nhiệt đới nảy sinh từ quần đảo bão tố này thường xảy ra bất ngờ và kết thúc cũng rất nhanh. Khi vào đến đất liền, có thể nó quẫy lên thành những trận bão lớn. Còn ở đây, biển đang dần trở lại cái dáng vẻ âm u bí hiểm muôn đời của nó. Con tàu vẫn đang xé sóng lao về phía đảo chìm. Ở chân trời xa, đã thấy thấp thoáng những bóng chim biển bay nháo nhác.

Mãi đến sâm sẩm tối, con tàu mới buông được neo. Chính trị viên Thuận và tôi cùng với Tư Xồm đánh xuồng dìu nhau vào lều bạt. Nhễ nhại lắm, chúng tôi mới vượt qua được mép san hô. Vùng đảo hoang lạnh một màu khai thiên lập địa. Chiếc lều bị gió cuốn mất tấm bạt, tua tủa giương lên nền trời xám đục những rảnh xương sắt cong queo, nom rờn rợn như một con cá voi khổng lồ đã bị rỉa hết thịt.

- Có người! Thằng Hai! Đúng là thằng Hai kia rồi! Anh nhìn rõ không?

Tư Xồm reo to, hồ hởi như người bắt được của. Chúng tôi thấy nhẹ bẫng người, nhìn theo ngón tay Tư. Trong ráng chiều nhập nhoạng, một bóng đen trùi trũi đang lom khom ngồi trước cửa lều. Hình như cu cậu đang ỉa. Mà ỉa bậy. Đấy có phải chỗ ỉa đâu. Phải cho thằng cha này một chưởng mới được. Đây là chỗ anh em vẫn thường tắm táp, vẫn thường rửa bát đũa xoong chảo. Hừ, cái thằng! Tư quát lên:

- Này, sao lại bĩnh ở đó, hả!

Bóng đen thoáng rùng mình quay lại. Tôi bỗng sởn tóc gáy. Có tiếng đập đánh rào một cái. Rồi bóng đen bay chéo qua đầu chúng tôi, thả xuống đảo chìm một tiếng kêu khàn đặc, khê rợn:

- Gòa... gòa...

Thì ra đó chỉ là một con ó biển. Tôi lập bập bám thang dây, leo lên lều. Căn lều trống hoác, ướt nhoẹt. Đũa bát của Thiêm đã bị gió ném đi. Nhưng chiếc ba lô lép kẹp sũng nước thì vẫn lủng lẳng chao lắc trên cái kèo sắt cột lều. Như thế có nghĩa là Hai không vào được lều bạt.

- Hai ơi!

Tư Xồm bỗng nấc lên. Thế là lại thêm một người lính nữa chết ở đảo chìm. Người đó tại sao không phải tôi, mà lại là Hai, con cá kình của đảo? Cầu mong trước khi nước khép mặt, Hai được nhìn thấy cánh chim hải âu. Tôi bỗng thấy chóng mặt. Chính trị viên Thuận vội chạy tới đỡ vai tôi. Tôi níu tay Tư. Còn Tư thì ôm lấy cột lều. Sóng vẫn hắt qua mấy khung giường sắt, phủ lên đầu chúng tôi từng đợt nước mặn chát. Lần đầu tiên, tôi mới hiểu vì sao nước biển lại mặn đến thế. Và có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở đảo chìm. Mặn như máu...

----o0o----

Bạn đọc với Đảo chìm

Cảm nhận từ một bạn đọc: Tôi đã đọc một mạch suốt trưa nay hết chuyện Đảo chìm. Rất cảm động. Tôi lần vào Google và thấy người ta bàn về Đảo chìm rất cảm động, đặc biệt có một bạn là nhân vật của Đảo chìm, mới hay đây là chuyện thật. Anh bạn Tròn mà người lính này, cậu y tá Huy kể cũng đã góp mặt trong xóm lá cùng thuyền trưởng Trí, là nguyên mẫu của chính trị viên Thuận. Có điều, y tá Huy đã nhầm, anh bạn Tròn là Nguyễn Văn Tròn, chứ không phải Trần Văn Tròn. Tôi thấy lời bàn hay hay, nên cóp đưa vào để các bạn tham khảo:

- Nguyễn Huy Liêm: Tôi là một trong những nhân vật của Đảo chìm. Tôi là y tá của đảo, chỉ qua lớp tập huấn y tá 18 tháng, vì bấy giờ biên chế bác sĩ phải ở những đảo lớn, có đông quân, đảo nhỏ chỉ có y tá, y sĩ thôi. Tôi là Huy Liêm, nhưng anh Khoa chỉ nhớ mỗi tên đệm của tôi. Cái chuyện này, anh Khoa viết rất chính xác, như chuyện của Nguyễn Hữu Tư, chúng tôi gọi là Tư Xồm, Trần Văn Hai thì đúng rồi, Hai đã hy sinh đúng như anh Khoa kể. Còn một nhân vật nữa rất hay là Trần Văn Tròn người Quảng Bình, nhưng anh Khoa không viết, anh Khoa có biết Tròn, còn giới thiệu cho Tròn làm quen với một cô tuyên văn, chúng tôi gọi là văn công Hạm đội 171 Nguyễn Thanh Nhạn. Cô Nhạn rất xinh, hát quan họ cực hay, chỉ mỗi tội hôi nách. Tròn có yêu cô gái ấy, họ có thư từ cho nhau, nhưng rồi không thành. Mọi tình tiết trong truyện đều chính xác, chỉ có chi tiết tôi mổ ruột thừa cho Thiêm thì có mô đi phê (modifier: sửa đổi), thực ra tôi mổ qua sự chỉ dẫn của bác sĩ ở đảo Trường Sa lớn, tôi chưa mổ bao giờ, phải có tư vấn qua điện thoại vô tuyến điện. Nhưng ca mổ thành công. Còn chuyện Nàng Antanamena thì cũng rất đúng, đúng như thế, nhưng không phải lợn mà là chó. Con chó Antanamena rất khôn, biết làm xiếc như anh Khoa tả, nhưng không hiểu vì sao anh Khoa lại đổi thành lợn thì tôi không hiểu. Lợn thì hay hơn chăng? Trong một ý kiến của bạn đọc có trách anh Khoa, sao không viết tiếp về con lợn. Trong cảnh cuối cùng, con lợn ở đâu? Hay tác giả quên mất con lợn? Tôi rất đồng ý với một ý kiến của bạn đọc cho rằng, không cần bàn đến con lợn nữa, vì chuyện của lợn thì đã hết rồi, khi Hai chết mà còn mang lợn ra đùa thì rất bất nhẫn, dừng lại như anh Khoa là phải. Thay mặt cho các bạn tôi ở Đảo chìm, xin cảm ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa, cảm ơn bạn đọc đã theo dõi câu chuyện của mấy anh em chúng tôi và phát biểu cảm tưởng rất cảm động.

* Trần Trọng Trí: Đã lâu rồi, tôi tưởng không còn nước mắt nữa. Lòng ngỡ chai lì. Tôi hay chọc ghẹo mọi người cho vui. Nay đọc lại cuốn sách viết về Trường Sa, tôi đã khóc. Cám ơn Trần Đăng Khoa. Con gái tôi, cháu Trần Thu Hà mà ông Khoa gọi là Trần Thị Tương nay đã 37 tuổi, có hai con gái. Cháu ngoại tôi đã học lớp 12, cháu đọc chuyện này, thoạt đầu cười, sau thì khóc. Nó không biết đây là chuyện bác Khoa viết về ông nó, mẹ nó. Tôi tìm cuốn sách này mà không biết tìm ở đâu. Dẫu sao vẫn muốn có cuốn sách hơn là khi đọc, lại phải mở máy tính. Tôi sẽ đến thăm ông Nhạc, ông Khoa. Lâu rồi không gặp.

* Huy Cừ: Cái truyện hay quá. Nhưng tôi rất khó tin cái truyện này ông Khoa viết năm 1980. Vì ngôn ngữ rất mới, có những chữ của thời bây giờ, như đại ca, rồi hoa hậu, á hậu cũng là chuyện sau này. Năm 1980 còn trước đổi mới, khi đó hình như ta chưa có hoa hậu. Tôi đồ rằng, đây là những chuyện xảy ra năm 80 còn ông Khoa viết cái này vào cuối những năm 90, đầu những năm 2000. Ngôn ngữ mới lắm. Tôi thích văn xuôi của Khoa hơn thơ của Khoa rất nhiều, kể cả thơ trước đây, ông này viết rất hấp dẫn. Các chi tiết của ông ấy chắt lọc lắm, có một ý rất hay, tôi cũng có thời là lính biển nhưng Khoa phát hiện ra là hải âu là bạn thuyền chài, hải âu bay gần đất liền, nhìn thấy hải âu là ngửi thấy mùi đất liền, những người lính biển hy sinh, nhìn thấy hải âu là rất mừng vì hy vọng nắm xương của mình có thể được sóng đẩy về với đất, khi khép chuyện, trước cái chết của Hai, ông Khoa cũng nhắc lại chi tiết này, cầu mong trước khi nước khép mặt Hai được nhìn thấy cánh hải âu. Tôi thực sự không thể cầm được nước mắt. Hay lắm! Mà sao cái truyện này in lại nhiều lần, mà chẳng thấy ông phê bình nào nhắc đến, cũng chẳng được giải thưởng gì, dù chỉ khuyến khích hay giải chuyên ngành của quốc phòng hay an ninh. Ông Khoa tiếng nổi như cồn, nhưng khi nhắc đến ông ấy, không ít người cứ cho rằng ông này chỉ có thơ thiếu nhi là hay, có người còn xỏ xiên cho rằng ông ấy đã về hưu từ khi 8 tuổi. Kỳ thật. Cám ơn nhà văn Xuân Đức đã chiêu tuyết cho ông Khoa.

* Thanh Xuân: Tôi là người Việt, sinh sống tại Canada. Lướt qua mấy trang web Việt để đỡ nhớ nhà, thấy trang Xuân Đức hay quá. Cũng chỉ định đọc chơi thôi, ai dè đọc hết được cả cuốn tiểu thuyết trong nhà ăn của siêu thị Châu Á. Cũng không biết mấy tiếng đồng hồ. Bây giờ chắc 2 giờ đêm giờ Việt Nam. Tôi thực sự xúc động, và chưa bao giờ tôi đọc một cuốn sách nào của Việt Nam xúc động và hài hước như cuốn sách này. Viết quá giỏi. Tôi cũng có nghe tên ông Khoa nhưng chưa bao giờ đọc ông ấy một cách nghiêm túc. Bây giờ thì tôi sẽ tìm ông này đọc cho có hệ thống.

* Nguyễn Văn Thọ: Tôi đọc Đảo chìm trên nước Đức. Năm ấy vợ tôi sinh con... Tôi được Khoa tặng Đảo chìm đã lâu mà chưa thèm đọc. Bụng nghĩ, Khoa thi sĩ, Khoa nhà thơ thần đồng, biết quái gì về văn xuôi mà chìm với nổi. Vợ sinh em bé, tôi phải thân một mình con cò lặn lội, bán hàng kiếm sống, theo nghĩa đen, đúng là trên băng giá. Buồn quá, bão gió, tuyết băng nhiều, khách chẳng có ai. Nhớ chuyện nổi chìm, tôi mang theo cuốn sách mỏng của Khoa ra đọc. Cuốn sách hút hồn tôi đọc liên tục. Năm ấy lạnh vô cùng. Băng dày đến năm sáu phân dưới chân. Cỏ cũng cứng lại, đá một cái là gãy như nó ròn lắm chứ không mềm mại như thi sĩ hay ca ngợi. Thế mà tôi cứ nguyên vị một chỗ, một mạch, chơi sạch cuốn chìm nổi. Đảo chìm Khoa viết lời dẫn, nói là chuyện thật, ghi lại chuyện thật, nhưng tôi thừa biết nhiều đoạn hắn phịa, phịa 100 phần trăm, như câu chuyện vị tướng với người lính. Tôi là lính chiến, 11 năm đánh nhau, 11 năm choảng tới hơn 500 trận (cao xạ cứ bắn 1 lần máy bay đi là tính 1 trận), từng được huân chương chiến công (chứ không phải huân chương niên hạn) nên ai viết bốc phét là tôi biết tỏng. Đọc Khoa cái làm người cũng cầm bút, viết văn từ năm 1972 trong rừng, làm tôi bàng hoàng. Bởi cái khó nhất của nhà văn là không phải chụp ảnh sự thật; cái khó nhất là thâu tóm hồn cốt những sự thật mà dựng lên một sự thật. Những câu chuyện của Khoa, như chi tiết tôi nêu trên, hoàn toàn tạo dựng được tinh thần của người chiến sĩ với đất đai của cha ông. Cao cả, dung dị, đời thường mà hoành tráng... Chi tiết câu chuyện giữa tướng và lính hoàn toàn làm người đọc như tôi xúc động và nhận ra Tiếng vỗ của 1 bàn tay. Trong Đảo chìm, các câu chuyện cứ như đùa, như chơi mà rơi nước mắt. Tinh thần một dải đất, một doi cát, một tấc đất của Tổ tiên được viết ra như khắc đá xuyên suốt tác phẩm. Nó làm tôi nhiều lần khi đọc Khoa nghĩ về những tháng năm thế hệ chúng tôi vì đất Mẹ, dám hy sinh mà run lên, mặc tuyết gió vẫn ào ào thổi quanh tôi. Ngay cả “nhân vật” con lợn Khoa dựng cũng tài. Khả năng của một nhà thơ có tài hay không ở chỗ cô đặc chữ, làm nên cảm xúc lan truyền sang bạn đọc lập tức. Khả năng của một nhà văn là sự tái dựng điều nào đó có thể nhặt ngay từ cuộc sống ngồn ngộn hoặc bịa đặt (sáng tạo ra tình huống, chi tiết) mà vẫn tạo nên cảm giác vừa thật vừa khái quát gửi gắm một tinh thần tư tưởng nào đó, lại không hề “Nghĩa Lộ”, tự nhiên như đời sống vốn có... Khoa là nhà văn đã làm được cấp độ thứ hai khi cầm bút... Ba ngàn cuốn tái bản ngay tắp lự và hết veo sau hai tháng cho nhiều đại lý bán, chứng tỏ Đảo chìm của Khoa sau hơn hai chục lần “tái và chín” vẫn có bạn đọc; chứng tỏ: một nhà văn không cần làm điệu, nhất thiết cứ mải miết đi tìm tân tiếc gì để nổi tiếng... Sự tìm tòi bứt phá hình thức là cần thiết với con đường tất yếu của văn học nghệ thuật, song điều quan trọng hơn cả - theo tôi - là khi nhà văn có văn cách và nhân cách dứt khoát phải đầm mình đừng hoang tưởng, để nói trúng tâm ý của quần chúng lao khổ thì sẽ có bạn đọc! Nhất là hôm nay Trường Sa, Hoàng Sa đang là vấn đề danh dự và lương tâm của mỗi con dân Việt Nam, thì Đảo chìm của Khoa càng có tác động.

* Lưu Trí Kiên: Tôi là lính của tướng Cương. Nhiều người cứ nhầm Thượng tướng Giáp Văn Cương với Trung tá Giáp Văn Khương, người đánh Pháp, nhảy từ núi Ninh Bình xuống sông. Không phải. Tướng Cương thực sự là một vị tướng tài. Ông tính cách đúng như nhà văn Trần Đăng Khoa miêu tả. Ông cụ lãng mạn lắm, đã có thời bị kỷ luật tính lãng mạn. Nhưng chúng tôi rất phục cụ. Tài lắm. Ông Cương là tướng quân sự, nhưng diễn thuyết hay cực. Về điều này, các vị chính ủy Hải quân, cả ở thời ông Cương và sau này chỉ đáng là học trò ông thôi. Tôi rất thích nghe ông Cương nói chuyện với lính. Tướng Cương chẳng có văn bản giấy má gì, nói chuyện lính rất thích. Ông tuyên bố cắt phép của lính. Hồi ấy có người ở đảo đến 4 năm liền, chứ không như giờ đâu, mà đảo lại thiếu thốn, khổ lắm, khổ đúng như nhà văn Trần Đăng Khoa miêu tả. Ông Cương bảo: Ở đây có cậu nào thay được Tư lệnh không? Xung phong nào? Mạnh dạn lên chứ. Cậu nào làm được Tư lệnh, tớ sẽ báo cáo quân chủng, báo cáo Bộ Chính trị cho thay ngay Giáp Văn Cương? Còn việc về phép của các cậu, chúng tớ có tiếc gì đâu. Nhưng Bộ tư lệnh nghèo quá. Cả nước nghèo quá. Còn hàng triệu bà mẹ liệt sĩ đói ăn, hàng triệu trẻ con không có trường học. Đưa một cậu về phép, Bộ tư lệnh phải xuất 20 tấn dầu cả tàu ra tàu về. Mà dầu thì cả nước cũng không có, phải mua của nước ngoài, mua rất đắt. Một đứa bớt một lần về phép thì một trăm bà mẹ liệt sĩ có được đến mấy tháng ăn. Mà hàng triệu bà mẹ liệt sĩ còn đứt bữa. Thế rồi ông khóc. Lính cũng khóc. Thôi, chúng con hiểu rồi. Bố đừng nói nữa, chúng con thương bố lắm. Ông Cương bảo: Chẳng ai nỡ làm một cái việc táng tận lương tâm là cắt phép của các cậu. Nhưng hôm nay tớ phải làm cái việc táng tận lương tâm ấy. Cắt phép. Còn nếu cậu nào có thể tự túc về được thì tớ cho các cậu đi ngay. Đi bất cứ lúc nào. Có ai bơi được về đất liền không? Không à? Giai trẻ gì mà kém thế. Tớ mà trẻ trai như các cậu là tớ trốn đấy. Thế là tướng với lính cười bò. Ông Cương tài lắm. Mà ông ấy chân thành cơ, anh em lính tráng rất thích, mặc dù ông ấy rất nghiêm chứ không đùa cợt sàm sỡ. Nhà văn Trần Đăng Khoa viết về tướng Cương rất đúng. Nhưng đúng như nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói, có chi tiết Khoa bịa, như việc ông Cương đánh trận ở Điện Biên Phủ. Ông Cương là lính thời Điện Biên, nhưng không biết gì về Điện Biên. Khi Điện Biên xảy ra, mặt trận của ông Cương lại ở chiến khu Đông Triều.

* Nguyễn Xuân Viên: Tôi đã đọc một lèo cuốn tiểu thuyết mini của Trần Đăng Khoa, lúc thì khóc, lúc thì cười, hay vô cùng, nhất là trong không khí những ngày này, càng thấy cái tiểu thuyết rất lớn và rất hay. Đọc vô cùng thấm thía. Vốn là lính biển, tôi thấy không có ai viết về lũ chúng tôi hay đến như thế. Theo tôi, đây là cuốn tiểu thuyết viết hay nhất Việt Nam tính từ 1945 đến nay!

* Phan Văn Tòng: Tôi không phải là lính biển mà là lính bộ đã đánh trận dọc Tây Nguyên, tuy thế cuốn tiểu thuyết của anh Khoa vẫn làm tôi vô cùng xúc động. Tôi thấy trang nào cũng hay đến lạ lùng, vì vẻ đẹp trong sáng và rất hồn nhiên lạc quan của lính biển. Tôi rất chú ý đến ý kiến của ông Nguyễn Xuân Viên khi xếp cuốn sách này vào loại hay nhất của tiểu thuyết Việt Nam. Có lý đấy. Cuốn tiểu thuyết ai cũng khen là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Tôi thấy nó thật buồn, chua chát, xót xa, cuộc chiến thì thắng mà bộ đội ta thì thua, có thể nói là thảm bại, cả thể xác lẫn tinh thần. Cuốn của anh Khoa khác hẳn, gian khổ, thiếu thốn khủng khiếp mà vẫn vui, vẫn tin vào cuộc sống. Ngay cái chết cũng có khả năng thúc đẩy phát triển và tôi thấy thế là đúng. Tôi thấy Tổ quốc ta thật hùng vĩ và thiêng liêng. Tôi thích cuốn sách của anh Khoa và đánh giá cuốn của anh Khoa rất cao là vì thế. Cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, nhiều nhà phê bình tên tuổi cho là hay nhất Việt Nam. Đặt bên cạnh cuốn của Trần Đăng Khoa và cùng đọc một lần sẽ cho ta nhận định về vị trí của hai tác phẩm này. Tôi nói là tôi đánh giá cuốn của Trần Đăng Khoa cao hơn. Cuốn anh Khoa đọc xong thấy nó ám ảnh mình rất ghê, về vẻ đẹp cao cả và giản dị của anh bộ đội Cụ Hồ, vẻ đẹp hùng vĩ và thiêng liêng của Tổ quốc. Mọi tác phẩm thật hay, có giá trị rất lâu dài đều vậy cả. Đúng không?

* Nguyễn Đức Đệ: Trần Đăng Khoa là nhà tiểu thuyết, nhưng anh ấy lại là một nhà thơ có tài, một chuyên gia ngôn ngữ, nên tôi thấy các câu chữ của Khoa chắt lọc và chặt chẽ lắm. Cái ba lô là một tác nhân dẫn đến cái chết của Hai đã được Trần Đăng Khoa cài cắm ngay từ phần đầu của tiểu thuyết. Khi Khoa đến, Hai đã giao cái ba lô của Hai cho Khoa giữ. Và chiếc ba lô đã thành một nhân vật. Có những chi tiết đọc thấy gai người, là thỉnh thoảng cái ba lô lại chao lắc trong gió và đôi đũa lại khua vào cái bát sắt leng keng. Và những lúc như thế, Hai thường lần dậy, đơm bát nước ngọt, là cái quý nhất đảo, đặt lên thành giường, rồi chắp tay vái lên nóc bạt. Sau này, cũng vì sợ mất cái ba lô này mà Hai lần trở lại đảo cứu cái ba lô. Vì đó là ba lô của người lính đã mất không còn hài cốt, nên có thể đưa bảo vật này cho mẹ Thiêm, an táng làm mộ gió để có chỗ cho bà mẹ còn thắp hương cho con. Chi tiết đắt vô cùng. Đau và trong vô cùng. Các tình tiết diễn ra rất hợp lý. Tôi chưa đọc cuốn sách nào mà đọc rồi thấy ám ảnh, không sao quên được. Hay vô cùng!

* Đỗ Duy: Việt Nam ta có nhiều tiểu thuyết hay, sắc sảo, phản ánh sinh động nhiều mặt chiến tranh, hòa bình, xây cuộc sống hiện đại kinh tế WTO. Đọc mà thấy vui, đặc biệt xúc động đến phải khóc mà vẫn không bi lụy, mà lạc quan cách mạng, hiển hiện vấn đề trung tâm nhất của mọi thế hệ Việt Nam là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thì không có cuốn sách nào bằng cái Đảo chìm của Trần Đăng Khoa, nhất là vùng biển Trường Sa của ta hiện nay, cuốn sách thật tuyệt mà lại viết cách đây gần 30 năm. Thật kỳ diệu. Không thể dùng câu nào khác để nói cảm nghĩ của tôi về tuyệt tác này, vâng, thật tuyệt diệu!

* Vũ Minh Hoàng: Tôi gọi là tiểu thuyết, vì cuốn sách này có kết cấu trọn vẹn của một cuốn tiểu thuyết, ngôn ngữ cũng là ngôn ngữ tiểu thuyết với giọng văn rất riêng biệt, vừa rất buồn cười, như thể loại tấu nói mà lại rất xúc động. Viết giỏi lắm. Cái chi tiết tả Hai Ùm cũng hóm, anh chàng cởi truồng, nên nhảy xuống biển, làm luôn hai phát ùm ùm, Khoa nháy thêm “Có điều cái ùm sau lại to hơn cái ùm trước. Hãi thế!”. Giỏi. Rất nghịch, rất lính, tả thằng cởi truồng đi tắm mà tả thế là tài lắm. Tôi rất phục.

* Phạm Xuân Viên: Tôi rất phục nhận xét của ông Vũ Minh Hoàng, phân tích quá hay, tôi chỉ cảm thấy mà không biết cách nói cho ra vấn đề, rằng đây là cuốn hay nhất hoặc trong số hay nhất độ vài ba quyển tiểu thuyết của Việt Nam. Tuy thế, tôi vẫn cho nó là cái hay nhất trong vài ba cái hay nhất mà theo báo chí khen, tôi đã tìm đọc. Còn các giải, tôi không bận lòng, vì nói chung, các tác phẩm hay, ít khi có giải.

Trần Đăng Khoa viết cái này hay thật, hay lắm lắm, chắc chắn sẽ còn mãi cùng các thế hệ sau, vì tài năng hiếm có và tấm lòng rất cao đẹp của tác giả.

Vinh quang thay, Hải quân Việt Nam!

* Lưu Trọng Đàm: Tôi là một lính biển, đã nhiều năm làm bác sĩ ở Trường Sa. Tôi đã xem phim Đảo chìm do Xưởng phim Quân đội nhân dân chuyển thể từ tiểu thuyết của Trần Đăng Khoa. Nhưng thú thật, tôi không thích cái phim vì nó rất khiên cưỡng và rất giả. Từ đó, tôi không đọc cuốn sách, dù vợ tôi có mua và quảng cáo với tôi rất rầm rĩ rằng sách hay lắm, buồn cười lắm. Tôi không đọc, vì mình đã biết cốt truyện qua cuốn phim cùng tên rồi. Bởi thế bữa nay trực ở bệnh viện, ngày nghỉ nên vắng bệnh nhân, mới vào mạng đọc thử, thấy bất ngờ vì cái truyện hay thật. Tôi rất thích những trang đối thoại của ông Khoa, vì thấy nó rất sống động, rất lính. Có lẽ sau Phạm Tiến Duật, đây là cây bút giàu chất lính nhất, mà là lính trẻ. Khá thật, mặc dù ông Khoa ở Hải quân có mấy năm thôi, và ông ấy cũng đi đảo lớt phớt lắm, chứ không đằm mình như tụi lính tráng thật sự chúng tôi. Điều đặc sắc nhất của cuốn truyện ông Khoa có lẽ lại là hình thức. Hình thức rất lạ. Tiểu thuyết là những mẩu chuyện nhỏ, nhiều chuyện cũng bình thường ở dạng hoạt kê, cảm giác thấy gì kể nấy, kể vui vui, nhưng gộp lại, đọc liền mạch thì thấy hay và thâm thúy thật. Văn ông Khoa cũng gọn. Một cuốn sách đặt ra một vấn đề rất lớn, mà ngắn có mấy chục trang, cũng như cuốn Ông già và biển cả, tác phẩm đoạt giải Nobel của Hemingway cũng rất lớn mà đâu có dài. Tôi nghĩ văn hiện đại là nên ngắn, ít chữ nhưng dung lượng thông tin lại lớn.

* Y Linh: Cháu chỉ biết Trường Sa qua đài, báo, cũng có nghe nói đến chú Trần Đăng Khoa qua các bài giảng của cô giáo. Lần đầu đọc văn xuôi của Trần Đăng Khoa, thấy hay, buồn cười và cảm động. Cháu đã thực sự khóc khi đọc Đảo chìm.

* Hà Vân: Trời ơi những người lính đảo!... Em đọc rồi không thể ngủ được nữa vì nước mắt cứ chảy ra... Những người lính trong câu chuyện của anh ám ảnh em. Đảo chìm ám ảnh em, cả những câu văn rất ngắn, những chi tiết đắt, cười ra nước mắt, những động từ rất... lạ, rất... Trần Đăng Khoa! Không hiểu sao cảm xúc cứ trào dâng. Chưa bao giờ đọc truyện mà lòng em lại lâng lâng và nghẹn ngào đến thế! Thực sự Đảo chìm chưa được nhắc đến với một giải thưởng nào cả nhưng với bạn đọc nó là một báu vật... “Bằng những con chữ mỏng manh và đầy giông gió, tôi muốn cắm một cột mốc chủ quyền lãnh thổ theo cách của riêng tôi cho quần đảo thiêng liêng này”. Cái cột mốc theo cách riêng của anh quả là kỳ diệu! Cám ơn anh Trần Đăng Khoa.

* Phong Du: Tôi đọc Đảo chìm của nhà văn Trần Đăng Khoa hồi tôi đang phải công tác ngoài đảo, nó làm cho tôi ấn tượng mãi. Đến bây giờ, hễ có dịp là tôi lại giới thiệu cho học sinh tìm đọc. Học sinh của tôi rất thích, chúng còn thích thơ của “chú Khoa” nữa, chúng hỏi tôi về “chú Khoa”, tôi bảo đấy là một nhà thơ rất quý trẻ con, rất hóm hỉnh. Tôi chỉ biết thế thôi, bí quá tôi bảo chúng: cứ mua tạp chí Văn tuổi thơ, tháng nào cũng được gặp. Mong có dịp nào đó, nhà văn đến đất địa đầu, cho học sinh của tôi được một lần gặp “chú Khoa” của chúng. Chúc nhà văn những ngày cuối tuần nhiều niềm vui!

Trần Đăng Khoa