Đạo diễn Nguyễn Tường Phương: Mục tiêu của phim truyền hình Hàn Quốc là phải giáo dưỡng…

Đạo diễn Nguyễn Tường Phương vẫn nổi tiếng là người làm việc kỹ tính và nghiêm túc trong giới làm phim. Sau Giải Vàng cho bộ phim Dưới cờ đại nghĩa, anh đang đi vào lĩnh vực xã hội với những số phận con người chìm nổi ở pháp đình. Anh muốn có cái nhìn từ sâu thẳm nơi trái tim, với những đẩy xô của hoàn cảnh đã khiến cái tâm thiện trong mỗi con người bị chìm lấp đi trong bóng tối của tội ác. Bộ phim Ngã rẽ đang phát sóng trên HTV9 chính là thông điệp đầy tính nhân văn mà anh đang theo đuổi.

Tạp chí Hồn Việt đã có cuộc trao đổi với anh sau khi anh trở về từ chuyến tham quan Đài truyền hình MBC Hàn Quốc…

PV: Trong 10 ngày ngắn ngủi, anh nghĩ anh có thể học được những gì về tinh thần làm phim Hàn Quốc?

ĐD Nguyễn Tường Phương: Có thể gọi đây là một khóa học ngắn ngày cũng được do nội dung chương trình lý thuyết cũng như thực tiễn khá phong phú, được tổ chức bài bản và trân trọng của đài truyền hình MBC - một trong những đài truyền hình tầm cỡ Hàn Quốc. Chúng tôi được tiếp xúc với những nhân vật điều hành quản lý cấp cao và với đạo diễn Byunghoon Lee, đạo diễn phim truyền hình nổi tiếng Nàng Dae Jang Geum (Nàng Đê-chang-kưm, còn có tên là Báu vật hoàng cung), phim Thương Đạo mà khán giả Việt Nam đều biết. Và điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi nơi ông, đó là sự chuyên nghiệp trong cách tổ chức và kết nối sản xuất với tinh thần trách nhiệm cao trong tất cả các khâu như: sáng tác, quản lý, kỹ thuật, hậu cần… với một mục tiêu duy nhất là “MANG TỚI CHO CÔNG CHÚNG MỘT BỘ PHIM HAY”…

Ông Chủ tịch Đài truyền hình MBC đã chia sẻ: “Chất lượng cao! Cả trong kỹ thuật lẫn nghệ thuật. Đó là điều kiện tiên quyết cho sự tồn vong của một hãng phim hay nói rộng ra là của cả một đài truyền hình lớn như đài MBC”. Chính quan điểm làm phim tích cực đó đã đưa phim điện ảnh lẫn phim truyện truyền hình Hàn Quốc lên một vị trí xứng đáng trên trường quốc tế như hiện nay.


Đạo diễn Nguyễn Tường Phương (giữa) tại phim trường của Hàn Quốc.
(Ảnh trong bài do đạo diễn NTP cung cấp).

- Quy trình thực hiện một bộ phim như thế nào để đạt được phương châm như thế? Bởi có thông tin, phim Hàn Quốc quay với tốc độ rất nhanh, chỉ cần vài ba ngày có thể hoàn thành một tập phim. Và hiện nay, các nhà làm phim xã hội hóa Việt Nam đang đi theo phương thức làm phim này, nhưng hậu quả là phim truyền hình của chúng ta ngày càng nhiều những bộ phim kém chất lượng?

- Chúng ta thường nghe nói phim Hàn Quốc được quay rất nhanh, chỉ trong vòng hai hoặc ba ngày. Nhưng trên thực tế sản xuất một bộ phim xã hội đương đại họ mất trung bình 6 tháng, còn phim lịch sử có khi mất vài năm chỉ cho việc chuẩn bị tiền kỳ. Và việc chuẩn bị được thực hiện rất chu đáo, nếu không muốn nói là gần như hoàn hảo. Họ có một đội ngũ nhà biên kịch chuyên nghiệp đủ để cho ra đời những kịch bản đáp ứng cho sự đa dạng nhu cầu xã hội, nhưng không vì vậy mà làm nhẹ đi vai trò chính yếu của đạo diễn.

Các đạo diễn đã phải lao động cật lực để đưa ra những giải pháp hình ảnh, thông qua kịch bản phân cảnh kỹ thuật, dù có khi không hoàn toàn là phân cảnh toàn phần, do đặc trưng ngôn ngữ và đặc trưng tổ chức sản xuất phim truyền hình theo kiểu Hàn. Nghĩa là chúng ta chỉ học của người ta phần đuôi, tức là quay nhanh khi ra phim trường, nhưng khâu chuẩn bị gần như hoàn hảo trong 6 tháng ở tiền kỳ thì chúng ta bỏ qua.

- Có nghĩa là khâu chuẩn bị nội cảnh và ngoại cảnh đã được thực hiện một cách hoàn hảo, đạo diễn ra phim trường chỉ bấm máy?

- Đúng vậy, nội cảnh gần như được tổ chức hoàn toàn trong phim trường. Ở đó, những bối cảnh được thiết kế để tạo ra cái cảm giác “như thật”, nghĩa là nó không hề có chút nào cho ta cái cảm giác dàn dựng theo kiểu sân khấu. Các bối cảnh được thực hiện đồng loạt và đồng bộ, theo gợi ý sáng tạo của đạo diễn - người nắm rõ nhất hoàn cảnh sống của nhân vật do ông tạo ra. Cách làm này cho phép hàng trăm bộ cảnh trí được thay đổi liên tục theo phương thức cuốn chiếu linh hoạt cùng với tiến trình quay 2 hay 3 camera với nguồn ánh sáng gần như được định vị sẵn trong một phim trường rộng lớn.


Phim trường ngoại cảnh - cung điện và làng quê chỉ cách mấy bước chân.

Ngoại cảnh cũng được dàn dựng trong những phim trường còn rộng lớn hơn nhiều. Đó có thể là một thành phố hay một cung điện, một làng quê mà tất cả gần như được dựng lên bằng những chất liệu công nghệ đặc thù, bảo đảm tính chân thật gần như tuyệt đối, bảo đảm cho việc sử dụng đa dạng các góc máy, phục vụ cho ý đồ sáng tác một câu chuyện bằng hình của đạo diễn mà không phải tốn kém như xây dựng thật.

Ngược với nội cảnh, đa số ngoại cảnh được thực hiện bằng phương thức một camera. Một đạo diễn Hàn đã nói với chúng tôi: “Sử dụng bao nhiêu máy quay là vấn đề linh hoạt trong việc làm phim. Cách nào hiệu quả nhất cho cách kể chuyện của tôi và hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện thì tôi chọn… Vì điều đó còn tùy thuộc vào thể loại, nội dung cụ thể trong quan điểm dàn dựng khác biệt nhau giữa các phân đoạn nữa…”.

Ở đây, không hề có sự vội vã hay tắc trách nào làm ảnh hưởng đến thành công cho một bộ phim. Vì vậy, phải hiểu lời đồn thổi phim truyền hình Hàn Quốc chỉ tốn hai hay ba ngày quay cho một tập phim là sai mà phải nói chính xác là hai ba ngày quay cộng sáu tháng, có khi là một hay hai năm để chuẩn bị cho mọi thứ thật hoàn hảo. Phải hiểu việc sử dụng một, hai hay ba máy quay là một yêu cầu nhằm mục tiêu nội dung cho một bộ phim hay chứ không nhằm hối hả để kết thúc một bộ phim.

Hiện nay, tổ chức KOFIC (Ủy ban chấn hưng điện ảnh quốc gia Hàn Quốc) vẫn sát cánh với các nhà sản xuất và cả nghệ sĩ nữa, cũng nhằm vào mục tiêu trên: “Phải làm phim hay”.


Phim trường nội cảnh - hàng trăm cảnh trí được bố trí san sát nhau
đủ để thực hiện nhiều phân đoạn cho một bộ phim.

- Phim quay ngoài hiện trường nhanh như vậy, họ sẽ xử lý ra sao khi diễn viên không đúng giờ giấc, không thuộc thoại hoặc đài từ diễn viên không chuẩn?

- Tất cả các khâu dù nhỏ nhất trong đoàn phim đều có sự tương tác đồng bộ như: thư ký trường quay, đạo cụ, phục trang… Diễn viên dứt khoát tới trường quay phải thuộc thoại, và dù là siêu sao cũng phải theo đúng giờ giấc đã quy định. Làm việc đúng giờ và thuộc thoại chính là để chứng tỏ sự chuyên nghiệp và đẳng cấp của diễn viên đó. Vì sự cảnh báo của những người làm phim chuyên nghiệp là: Một bộ phim hoàn toàn có thể bị phá hỏng từ sự chểnh mảng hay xem thường những thứ được xem là “không quan trọng lắm hoặc nhỏ nhất” đó.

Để xử lý âm thanh đồng bộ nhằm mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất cho một vai diễn, một nhân vật trong phim, các hãng phim Hàn dùng phương thức thu âm trực tiếp (nhưng vẫn chừa xác suất phù hợp khi cần phải thu tiếng đồng bộ lại nếu gặp trường hợp kỹ thuật hay nghệ thuật không đạt yêu cầu trong lúc quay). Và vì vậy nên các phim trường đều được xây dựng có khoảng cách nhất định với khu dân cư. Nếu cần thiết phải quay cảnh thật như siêu thị chẳng hạn thì siêu thị đó phải được thuê mướn để làm một phim trường, trong đó các diễn viên quần chúng phải nói thoại “không tiếng”, dành ưu tiên tiếng trực tiếp cho diễn viên chính. Nếu diễn viên có trục trặc khi thu tiếng trực tiếp thì họ vẫn lồng tiếng chứ không dùng những phương tiện kỹ thuật không phù hợp để ép tiếng, vì như vậy rất dễ gây phản cảm.

Ngoài ra, tất cả phim hay chương trình đều được phát sóng theo tiêu chuẩn FULL HD. Điều đó có nghĩa là sự tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn kỹ thuật với cả những chương trình hợp tác khác với bên ngoài…


Đạo diễn đang chỉ đạo quay phim Nàng Dae Jang Geum.

- Mọi người đều nhận thấy khoảng cách rất lớn giữa phim truyền hình và phim điện ảnh Hàn Quốc. Phim điện ảnh càng khốc liệt, gai góc và sex bao nhiêu thì phim truyền hình càng nhẹ nhàng, trong sáng bấy nhiêu. Phải chăng đó là hai trường phái làm phim khác nhau với hai tông màu cách biệt giữa màu hồng và màu đen?

- Không phải là trường phái mà là quan điểm. Họ phân tích rất rõ ràng: Phim điện ảnh chiếu rạp nên khán giả phải mua vé và họ có quyền chọn lựa món ăn họ thích và khán giả cũng đã được báo trước những “tiêu chí” chọn lựa cho họ, thí dụ như phim tình cảm xã hội, phim hành động, phim cấm dưới 16 tuổi…; còn phim truyền hình thì len lỏi vào tận mọi gia đình, mọi lứa tuổi nên nhiệm vụ của phim truyền hình là phải góp phần “giáo dưỡng” cho sự phát triển của các thế hệ mai sau.

Có lẽ chính vì sự chia sẻ và thấm nhuần quan điểm cùng trách nhiệm giáo dưỡng như vậy mà chúng ta thấy phim truyền hình Hàn Quốc hiếm có những cảnh “nhạy cảm” thiếu tế nhị, gây phản cảm và không có lợi cho việc giáo dục các lứa tuổi thanh thiếu niên. Quan điểm này được thấm nhuần trong tất cả các đài truyền hình từ nhà nước đến tư nhân, và đó là điều không cần phải bàn cãi…

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

BÍCH CHÂU