Những đám cưới đồng tính luyến ái đầu tiên tại Pháp sẽ có thể được tổ chức kể từ tháng 6/2013, và những dịch vụ đám cưới đang vui mừng chờ đợi những khách hàng đồng tính giàu có, chi tiêu nhiều tiền để cử hành ngày đẹp nhất trong đời của họ. Nước Cộng hòa Pháp là nước thứ 9 tại châu Âu sau các nước Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Phần Lan, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Ireland và Đan Mạch cho phép kết hôn đồng tính luyến ái. Riêng đạo luật kết hôn đồng tính tại Bồ Đào Nha thì không cho phép các cặp đồng tính nhận con nuôi.
Nhưng, một thực tế khác cho thấy đảng Xã hội Pháp đang đi vào con đường tự làm lỡ mất thời cơ lâu dài sau khi vừa mới đoạt được quyền lực sau 17 năm phải đứng trong tình trạng “đảng đối lập”, khi mở ra một chủ đề nóng “kết hôn đồng tính luyến ái”, trong khi đa số dân chúng đang chìm trong những khó khăn thật sự về công ăn việc làm trong một năm 2013 khủng hoảng kinh tế có thể gọi là đang “chạm đáy”. Trong thời gian tranh cử và đắc cử tổng thống vào tháng 5/2012, đương kim tổng thống Pháp François Hollande hưởng 61% sự tín nhiệm của dân chúng, so với người tranh cử, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy khi ấy bị mất tín nhiệm chỉ còn có 49% (thăm dò dư luận của công ty Ipsos-le Point, công bố vào ngày 17/9/2012). Nhưng đến nay, con số 61% tín nhiệm đã tụt xuống còn có 25% vào đầu tháng 4/2013, một kỷ lục về sự mất tín nhiệm của một tổng thống đương nhiệm trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa Pháp (theo Le Point, 21/4/2013).
Vấn đề đồng tính luyến ái là vấn đề của cả một xã hội, một dân tộc, không phải chỉ là một câu chuyện phiếm nói đùa cho vui miệng, hay chỉ tùy thuộc vào quan điểm chính trị lề phải hay lề trái. Mà, bởi vì nó chạm vào quan niệm đạo đức chung của xã hội, vào niềm tin tôn giáo, vào sức khỏe xã hội, vào giáo dục thế hệ trẻ, vào sự bảo vệ, bảo tồn truyền thống, vào sự hy vọng trường tồn của cả một dân tộc, một nòi giống. Nói như thế, hoàn toàn không phải là cổ vũ triệt tiêu “đồng tính luyến ái”, xin đừng hiểu lầm. Các xã hội “chấp nhận” sự hiện hữu của thành phần đồng tính luyến ái, nhưng không nhất thiết phải khẳng định “công nhận” sự hiện hữu của thành phần này một cách tuyệt đối bằng những đạo luật đặc biệt riêng cho họ, mà những đạo luật ấy lại đem đến một ảnh hưởng sâu xa và rộng lớn đến toàn cảnh xã hội, thay đổi cả giáo trình sư phạm cho các thế hệ kế tiếp, thay đổi cả khái niệm thiêng liêng ai là cha, ai là mẹ... Một thiểu số mà thay đổi được cả xã hội như thế thì thiểu số đó phải có một sức mạnh ghê gớm.
Thành phần mà người Pháp gọi “cộng đồng LGBT”(1) gồm có những người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính luyến ái, hoán tính/chuyển đổi giới tính, vẫn hiện hữu từ xưa đến nay như trong các xã hội khác, ngay cả trong xã hội Việt Nam hiện tại. Vấn đề, tạm nói chung là “đồng tính luyến ái” là một vấn đề “cấm”, “nóng”, “nhạy cảm” trong nhiều xã hội. Tại nước Đức, sự kết hôn đồng tính luyến ái chỉ được công nhận trong trường hợp đặc biệt là một trong hai vợ chồng có một người thay đổi giới tính sau khi đã kết hôn với nhau. Xã hội Đức cũng như xã hội Pháp (ngày hôm qua) nhìn nhận sự sống chung giữa hai người đồng tính qua các đạo luật cho phép họ “đăng ký sống chung” (ở Pháp bằng đạo luật Pacsés, ở Đức bằng các đạo luật Lebenspartnerschaften). Thực sự có bao nhiêu người đồng tính luyến ái tại Pháp? Tại sao lại cần phải có những đạo luật riêng cho thành phần này?
Từ xưa đến nay không có một con số thống kê chính thức ghi nhận “sức mạnh” ghê gớm này là bao nhiêu. Lần đầu tiên, vào năm 2011 Viện Thống kê Pháp (INSEE) đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến - một cách tự do, có nghĩa là không xin phép đặc biệt của một cơ quan nào cả - về quan hệ sinh lý của 360.000 người đang sống “có đôi”. Kết quả là INSEE phỏng đoán có 200.000 người đồng tính luyến ái đang sống chung với nhau tại Pháp, và con số này phải được đặt trên con số căn bản là hiện nay có 32 triệu người sống “có đôi” tại Pháp. Nói một cách khác, theo INSEE, thì con số người đồng tính luyến ái là khoảng 0,6% tổng số những người sống có đôi tại Pháp, tức là có 100.000 “đôi” đồng tính luyến ái, và con số cặp đôi đồng tính nam chiếm 60%, cặp đôi đồng tính nữ chiếm 40% trên tổng số 100.000 cặp đôi. Các chi tiết khác nữa là những người đồng tính luyến ái thuộc thành phần trẻ, phân nửa số này dưới 40 tuổi, thuộc thành phần có bằng cấp, có tiền bạc, họ thường sống trong các thành phố lớn, 10% con số này sống có đôi với con cái - hoặc là con riêng với người khác, hoặc là “con chung” (do phụ nữ được thuê mang bầu đẻ con, hay mua tinh trùng, hay nhờ bạn trai thụ thai giùm…), hoặc là con nuôi, và 55% cặp đôi đồng tính luyến ái có “pacsés”, tức là đã được pháp luật hiện hành nhìn nhận cuộc chung sống có đôi.
Nhưng tại sao lại cần phải có những đạo luật riêng cho thành phần này? Những đạo luật đang trên đường được hình thành tại Pháp không phải để giải quyết chuyện “tình”, mà là để giải quyết chuyện “tiền” qua các phương diện: cấp dưỡng, thừa kế, thuế vụ, chuyển nhượng tài sản… mà họ đòi hỏi cần phải được “bình đẳng” như những cặp đôi khác phái chồng nam vợ nữ.
Gia đình là nền tảng của xã hội, nên các xã hội đều phải biết nhìn xa, nhìn rộng chăm sóc cho gia đình gồm có vợ chồng con cái cháu chắt có một cuộc sống bình an, tiến bộ, sức khỏe, vật chất (tạm) đủ. Xã hội có lành mạnh, trình độ dân trí phát triển thì quốc gia đó mới tiến lên được. Tình trạng khó khăn kinh tế, công ăn việc làm khó kiếm khó giữ, vật giá leo thang đều đều và sự suy thoái về văn hóa làm cho giới trẻ chùn bước trước việc lập gia đình.
Thế hệ trước còn xem việc lập gia đình là một việc “tất nhiên, đương nhiên”, nhưng thế hệ hiện nay đang 20-30 tuổi thì xem việc lập gia đình là một “cản trở khó khăn”: ai nuôi ai? ai nuôi con cái? ai gánh tất cả những chi tiêu cho một gia đình?
Trong năm 2012 có tổng cộng 241.000 kết hôn chính thức, trong số này có 16% kết hôn giữa một công dân Pháp và một công dân nước ngoài, con số hôn nhân giữa cả hai người nước ngoài tại Pháp chỉ chiếm có 3% (các dữ liệu theo thống kê INSEE 2012).
Các đạo luật về kết hôn đồng tính luyến ái hiện đang trên đà phân hóa xã hội sẽ đem lại bao nhiêu sự kết hôn mới tại Pháp?(2); giảm đi bao nhiêu lợi nhuận cho nhà nước vì phải giảm các loại thuế cho họ như thuế thu nhập, giảm thuế thừa kế, giảm thuế cư trú, thuế chuyển nhượng tài sản... đồng thời phải tăng trợ cấp cho những gia đình đồng tính luyến ái có thu nhập kém?
Hậu quả xã hội về những đạo luật kết hôn đồng tính luyến ái đang xảy ra cho thấy một khuynh hướng đi ngược lại với sự mong ước “bình đẳng”, một lý luận “chủ” của thành phần này. Hiện nay họ lại trở thành cái đích nhìn có phần “phê phán” của người cùng xã hội, ai đồng tính luyến ái, ai không? ai kết hôn đồng tính với ai? ai đồng tính mà giàu có, ai đồng tính mà thiếu thốn phải đi xin trợ cấp xã hội? Đó là những cái “dấu ấn” mang tính chất tiêu cực hơn là sự chấp nhận và công nhận của xã hội, của mọi người chung quanh.
Khả năng tiêu thụ của thành phần giàu có tại thủ đô Paris không phản ánh được trình trạng chung của cả nước Pháp. Giá sinh hoạt của những thứ cơ bản như thực phẩm… leo thang vùn vụt, khiến cho những người thuộc hạng trung lưu còn có khả năng tiêu dùng được lại bớt tiêu dùng, thị trường nội địa càng lao đao hơn. Xã hội Pháp dần dần có nét giống như xã hội Đức, người giàu có vẫn sống sung sướng ung dung, còn thành phần trung lưu cho đến tầng lớp nghèo ngày càng phải thắt lưng buộc bụng hơn, khó khăn hơn, chật vật hơn. Vật gây cãi cọ nhiều nhất giữa vợ chồng con cái là cái… điện thoại di động, gây tốn kém hàng tháng quá cao cho cả nhà, vì vợ, chồng, con cái… mỗi người một cái điện thoại di động. Ngoài thực phẩm, xăng dầu, thuốc men thì người dân Pháp cố gắng hạn chế tiêu thụ và hạn chế đi lại. Cứ đi chợ, đi phố thì thấy rõ điều này. Đầu tháng phát lương, người ta đổ xô vào siêu thị mua đầy thực phẩm và các thứ cần thiết cơ bản, chất đầy một xe. Cuối tháng thì các chợ, phố xá ế ẩm như chùa bà Đanh. Thậm chí có người khóc trước ống kính khi được đài truyền hình TF1 phỏng vấn, vì họ không có tiền để sưởi, tủi thân, uất ức, nhà cửa lạnh ngắt, trong khi ngoài trời hàn thử biểu xuống phần nhiệt độ âm.
Cuối tháng 1/2013, báo chí Pháp báo động về tình trạng thất nghiệp. Biểu đồ thất nghiệp tăng liên tục từ năm 2008. Thống kê INSEE cho biết mỗi ngày có thêm 779 người thất nghiệp trong năm vừa qua 2012, đưa tỷ lệ thất nghiệp tăng lên hơn 10%, là mức độ báo động. Trong năm 2012 tổng số người thất nghiệp (cả ba hạng A,B,C) lên đến 4,6 triệu người. Trong số này, có 3.132.900 người thất nghiệp hạng A. Thành phần thất nghiệp bị sa thải nặng nhất là thành phần trẻ dưới 25 tuổi (493.800 người, tăng 9,4%) và thành phần lớn hơn 50 tuổi (698.200 người, tăng 16,9%), cho thấy thành phần tuổi từ 25 đến 50 là còn được chủ nhân giữ lại để lao động tích cực. Số người không tìm được việc làm sau 1 năm thất nghiệp lên đến 1.816.300 người, tăng 12,5%(3). Đằng sau con số 4,6 người thất nghiệp là có ít nhất 12 triệu người bị đụng chạm vì mất thu nhập, sức tiêu thụ giảm hẳn, nếu chỉ kể một gia đình gồm có ba người, cha mẹ và một đứa con. Tháng 4/2013, viện thống kê INSEE báo động con số thất nghiệp hạng A đã vượt quá mức kỷ lục của năm 1997.
Sự lo ngại của người dân tăng theo với giá xăng dầu, vì tất cả các giá cả khác đều tăng theo nó. Cái vòng “luẩn quẩn” diễn tả một cách dễ hiểu và ngắn gọn là: giá sinh hoạt tăng thì tiêu thụ giảm, thất nghiệp tăng!
Dầu sưởi ấm mùa đông tăng từ 0,32 euro/lít năm 1996 lên đến 0,98 euro/lít. Mua ít nhất 1.000 lít dầu là phải có đủ 980 euro, hỏi mua một số lượng ít hơn nữa thì xe chở dầu không thèm đến, nên hơn 4,5 triệu gia đình sử dụng hệ thống sưởi bằng dầu phải hạn chế các chi tiêu khác lại để có thể mua dầu sưởi. Các loại nhiên liệu khác như ga, điện cũng tăng giá theo. Một thành phần dân chúng, nhất là ở vùng quê, trở về phương tiện cổ xưa là sưởi ấm bằng củi, than, nếu trong nhà còn chỗ đặt được lò sưởi cho than và củi. Họ chỉ sưởi ấm khoảng 18°C, trung bình là 19°C, tối đa là 20°C trong nhà, và mặc thêm quần áo ấm, đi vớ.
Sự tăng giá di chuyển và sưởi ấm thúc đẩy nhiều người về sống chui rúc trong các căn hộ nhỏ hẹp tại các thành phố lớn có phương tiện chuyên chở công cộng và sưởi ấm bằng ga thành phố, giá sưởi rẻ nhất trong hiện tại. Đời sống ở các vùng phụ cận, nhà quê trở nên khó khăn vì phải di chuyển xa đến chợ búa, bệnh viện, bác sĩ, trường học, cơ quan hành chánh…
Một con số thống kê khác ít được nói đến đó là con số những người tự tử trong xã hội Pháp. Tuy nhiên, trường hợp một người (cha, mẹ hay con) giết cả gia đình rồi tự xử, cũng nói lên sự giới hạn của thống kê: chỉ có một người tự tử, trong khi có mấy người bị (giết) chết theo. Năm 2010 có 10.400 người tự tử ở Pháp, tức là 14,7% trên cơ bản là 100.000 dân, trong số này có 10% người tự tử trong khoảng từ 25 đến 34 tuổi. Cũng trong khoảng tuổi này, sự việc tự tử của phái nam chiếm 24%, của phái nữ chiếm 16% trên tổng số người chết (số tử) tại Pháp.
So với số tử vì tai nạn xe hơi, 3.645 người chết vì tai nạn xe hơi trong năm 2012, thì số người tự tử trội hơn rất nhiều, trong khi xã hội Pháp lo lắng bằng nhiều biện pháp giảm số tử cho tai nạn xe hơi hơn là giảm bớt tình trạng quẫn bách tuyệt vọng cho những người dân đang bị khủng hoảng kinh tế xã hội dồn vào bước đường cùng!
Nói cho cùng, xã hội Pháp đang có nhiều lo lắng cấp bách và cơ bản hơn là sự lo lắng việc kết hôn đồng tính luyến ái. Vì thế, các biện pháp “mới” như việc các bộ trưởng chính phủ Pháp phải công bố tài sản cá nhân, hay thúc đẩy việc hình thành các đạo luật kết hôn đồng tính luyến ái thực ra là chế dầu vào lửa, hơn là dập tắt ngọn lửa đang bắt đầu cháy trong dân chúng…l
-------
(1) LGBT hay GLBT: cụm từ viết tắt của các khái niệm lesbian, gay, bisexual và transgender/transsexual people theo tiếng Anh.
(2) Tại Bỉ có 2.138 sự kết hôn đồng tính luyến ái (5% trên tổng số 42.000 các cuộc kết hôn) năm 2004. Tại Tây Ban Nha có 4.574 sự kết hôn đồng tính luyến ái (2% trên tổng số 163.000 các cuộc kết hôn) năm 2006. Tại Hà Lan có khoảng 1.200 sự kết hôn đồng tính luyến ái mỗi năm. Các con số này do nhà báo Marie Conquy đưa ra.
(3) Báo Le Parisien, ngày 26/1/2013, viết theo các thống kê của INSEE.