"Đạo văn", vì sao?

Chuyện một tác giả trong vòng hai năm bị các tạp chí khoa học nước ngoài thông báo chính thức rút lại 7 bài báo đã đăng vì “tội đạo văn” (báo Tuổi Trẻ, 29/5/2012) khiến công luận quan tâm. Nhưng hầu như chẳng mấy ai ngạc nhiên về việc này, bởi “đạo văn” từ lâu đã trở thành “chuyện thường ngày” ở nước ta!

Nguyên nhân đầu tiên của việc “đạo văn” bắt nguồn từ phương pháp giáo dục lạc hậu kiểu đọc – chép, học thuộc lòng để “trả bài”, từ bậc tiểu học đến đại học, và thậm chí cả trên đại học! Cách giáo dục “nhồi sọ” này đã thủ tiêu phần lớn tư duy sáng tạo, độc lập suy nghĩ của học sinh ngay từ khi còn bé, khiến chúng không dám nói khác, viết khác những lời giáo huấn, lên lớp của thầy cô, sách vở, nếu không muốn bị cho điểm kém!

Ngay cả môn văn là một môn học rất cần đến cái tôi – cái riêng – cái sáng tạo, nhưng với cách chấm bài theo đáp án do ngành giáo dục quy định, rất chi li; nếu không có ý A, ý B… thì phải bị trừ điểm, mặc dù thí sinh có thể sáng tạo ra các ý C, D…, có khi còn hay hơn cả đáp án! Học sinh luôn được khuyến khích học thuộc lòng các bài “văn mẫu” để được điểm cao trong các kỳ thi.

pic

Không riêng gì học sinh phổ thông, ngay cả học viên các “lớp người lớn”, nội dung bài thi (kiểm tra) nào viết càng giống giáo trình thì càng được nhiều điểm. Lẽ ra ngược lại mới phải, vì hầu hết ý tưởng trên là sao chép (có khi chép giống tài liệu đến từng dấu chấm, phẩy), không có chi là suy nghĩ độc lập, sáng tạo của mình!

Việc “đạo văn” còn do cách nghĩ dễ dãi của không ít người có trách nhiệm: ăn cắp cái gì thuộc về vật chất thì xấu, chứ ăn cắp (đạo) văn thì “nhằm nhò” gì! Thậm chí ngay cả trong các trường đại học, sinh viên cũng không được răn dạy: nếu trích dẫn tài liệu của ai, bắt buộc phải chú thích nguồn tham khảo, đó là đạo đức tối thiểu của người làm công tác nghiên cứu khoa học.

Ở các nước tiên tiến, nếu bị phát hiện “chôm” ý tưởng, lập luận của người khác làm của mình, sinh viên sẽ bị phạt nặng (có thể bị đánh rớt , thậm chí bị đình chỉ học tập). Họ xem “đạo văn” là hành động thiếu đạo đức, như là một loại “tệ nạn xã hội”.

Còn ở nước ta lúc nào cũng có sẵn các “chợ luận văn”, bày bán đủ các “mặt hàng” từ thượng vàng đến hạ cám, có cả những người chuyên “học hộ”, “thi hộ” để lấy bằng cấp cho những ai có nhu cầu, “trình độ” gian dối cao hơn hẳn “ba cái vụ đạo văn lẻ tẻ”!

pic

Suy cho cùng, nguyên nhân chủ yếu của việc “đạo văn” là bệnh hình thức, “sính bằng cấp” đang rất phổ biến trong xã hội ta hiện nay. Nhiều người kiến thức hạn hẹp, trình độ chuyên môn hầu như không có gì, nhưng rất cần có bằng cấp để được thăng tiến, vì vậy “đạo văn” là việc tối thiểu mà họ bắt buộc phải làm.

Ngay cả việc có bài đăng trên các tạp chí khoa học nước ngoài cũng là một trong những tiêu chí để xét phong học hàm, học vị – gắn liền với chức vụ quản lý – ở nước ta. Vấn đề phát sinh như đã biết là do những người phụ trách các tạp chí trên có trình độ, làm ăn cẩn thận chứ không hời hợt, qua quít như phần lớn cơ quan, đơn vị “nghiên cứu khoa học” ở nước ta, nên mới có chuyện để nói.

Đó là cái gốc của vấn đề “đạo văn”. Muốn giải quyết, cần bắt đầu từ đây.

PHAN  TRỌNG  HIỀN
(Đường Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)